Mùa đông lạnh, nhiệt độ môi trường và độ ẩm không khí thấp là điều kiện thuận lợi giúp cho virus cúm phát triển, gây bệnh cúm.
Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra và dễ dàng lây truyền qua tiếp xúc thông thường. Tuy nhiên, nếu lơi là không cẩn thận bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Chớ coi thường bệnh cúm thông thường
Tháng 12/2014, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận một bé gái 12 tuổi (ở Phú Thọ) bị cúm B nhưng sau đó bệnh nhân đã tử vong. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu của bệnh viện cho biết, khi nhập viện, tình trạng bệnh nhi rất nặng, các bác sĩ đã cho thở máy và uống tamiflu. Tuy nhiên, sau 2 giờ tích cực cấp cứu, tình trạng bệnh nhi diễn biến quá nhanh, suy hô hấp, suy đa phủ tạng rồi tử vong nhanh chóng.
Được biết, trước đó, ngày 22-12, bệnh nhi đã xuất hiện các triệu chứng cúm như: ho, sốt,
đau họng. Đến trưa 24-12, bệnh nhi sốt cao, kèm theo khó thở nên gia đình đã đưa vào BV tỉnh khám. Tại đây, kết quả chụp Xquang cho thấy phổi trái bệnh nhi đã trắng và lan sang phổi phải nên bệnh viện tuyến dưới đã quyết định chuyển thẳng đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, kết quả giám sát bệnh cúm tại cộng đồng thời gian gầy đây thì tỷ lệ mắc cúm thấp. Các chủng cúm H1N1, H3N2, cúm B đã lưu hành như một chủng cúm thông thường. Vì thế, khi mắc các chủng cúm này, đa phần bệnh nhân chỉ nhiễm cúm nhẹ, tự khỏi. Tuy nhiên, trường hợp tử vong của bệnh nhi 12 tuổi với những biểu hiệu cúm thông thường đã khiến không ít người phải lo lắng.
Những nghiên cứu về dịch tễ tại Việt Nam cho thấy, tháng 3 dương lịch là một trong những tháng có tỷ lệ mắc
nhiễm cúm cao nhất, tiếp đó là tháng 10 hàng năm.
Mùa đông lạnh, nhiệt độ môi trường và độ ẩm không khí thấp là điều kiện thuận lợi giúp cho virus cúm phát triển, gây bệnh cúm. Ảnh minh họa
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hiền, BV Thanh Nhàn, Hà Nội, virus cúm B là một chủng virus cúm có khả năng gây ra bệnh cúm ở người. Đây là một virus lành tính, bệnh lây qua đường hô hấp, thời gian ủ bệnh từ 1-3 ngày và diễn biến bệnh từ 3-5 ngày. Tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người bị suy giảm miễn dịch và những người mắc bệnh mạn tính khác, nếu không thận trọng, bệnh sẽ lây lan nhanh chóng.
Khi xâm nhập vào cơ thể, virus cúm B gây ra các triệu chứng như sốt (có thể sốt cao, đột ngột), viêm long đờm đường hô hấp trên, ho, sưng đau họng…
Theo BS Hiền, bình thường, bệnh có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy vậy, nếu lơ là theo dõi và chăm sóc bệnh không đúng cách, bệnh cúm có thể gây những biến chứng nghiêm trọng như:
viêm phổi, nhiễm trùng huyết… Vì thế, nếu thấy người bệnh sốt cao có biểu hiệu lơ mơ, li bì, lạnh run, co giật, đau đầu liên tục và tăng dần, buồn nôn, nôn khan nhiều lần, nước mũi đục xanh, thì cần phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế.
Các chuyên gia dịch tễ cho hay, bệnh cúm B lưu hành ở nước ta quanh năm, thời tiết đông xuân thường là yếu tố thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, nhất là ở những nơi điều kiện vệ sinh kém, người dân còn thiếu nhận thức về phòng bệnh và chữa bệnh, chưa có thói quen tiếp cận với dịch vụ y tế như đồng bào dân tộc ít người vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Với tình hình hiện nay, dịch cúm týp B rất có thể sẽ tiếp tục bùng phát hơn nữa nếu người dân không chủ động cùng với ngành y tế phòng chống dịch.
Bất kỳ chủng cúm nào cũng nguy hiểm vì đều có khả năng gây biến chứng viêm phổi, thậm chí tử vong. Vì thế, khi có dấu hiệu cúm, sốt, ho… người dân không nên chủ quan. Nếu có các triệu chứng nặng thì nên vào viện để được hỗ trợ, đặc biệt là để được phân lập, xác định chủng vius cúm đang mắc phải để có hướng điều trị kịp thời, BS Hiền nhấn mạnh.
Để phòng bệnh cúm,
tiêm vắc-xin cúm cũng là biện pháp đề phòng cúm và phòng biến chứng viêm phổi do bị cúm. Người dân nên tiêm phòng trước mùa cúm một tháng. Vì virus cúm luôn luôn có sự biến đổi, vì vậy, mỗi một lần tiêm chỉ có giá trị phòng cúm trong năm đó.
Người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, tiếp xúc với người bệnh…
Để hạn chế dịch bệnh, khi trẻ bị nhiễm bệnh cần cách ly, như không nên cho trẻ đến trường học, nhà trẻ khi đang bị cúm để tránh lây cho trẻ khác.
Trong vùng có dịch mọi người cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh cũng như khi đi đường.