Sức khỏe

Lời khuyên của bác sĩ để nhanh có con trong năm 2015

Để nhanh có con đúng kế hoạch, cả vợ lẫn chồng cần có sự chuẩn bị về sức khỏe, tâm lý...

Vì vậy ngay từ trước khi có thai, các cặp vợ chồng cần một chế độ chăm sóc sức khỏe toàn diện – đó là lời khuyên thiết thực của bác sĩ Thu Ngân, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Kiểm tra sức khỏe toàn diện trước khi mang thai
BS Thu Ngân cho biết, những cặp vợ chồng có dự định nhanh có con trong năm mới cần phải lên kế hoạch thật chi tiết từ việc kiểm tra sức khỏe cho đến các chế độ dinh dưỡng, cũng như sinh hoạt tình dục lành mạnh.
Trước khi chuẩn bị mang thai, vợ chồng cần kiểm tra tình hình sức khỏe cá nhân, bệnh mãn tính, bệnh di truyền, bệnh lây truyền qua đường tình dục, các loại thuốc đang sử dụng, tiền sử gia đình có bệnh lý di truyền hoặc rối loạn nhiễm sắc thể, bệnh máu khó đông, thiếu máu hồng cầu liềm, xơ nang, bệnh tim, khuyết tật ống thần kinh, các bệnh phụ khoa...
Khi phát hiện mình mắc các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến con trong thời kỳ mang thai như viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung, cần điều trị khỏi hoàn toàn, sau 3 chu kỳ kinh mới nên thụ thai.
Các cặp vợ chồng có tiền sử gia đình mắc các bệnh di truyền như hội chứng Down, dị tật ở tim, sứt môi, chẻ vòm hầu, bệnh lý máu như thalasemie, chậm phát triển tâm thần vô căn... thì cần làm các xét nghiệm liên quan. 
Đối với người phụ nữ, cần làm các xét nghiệm cơ bản trước khi thụ thai như: huyết đồ, định nhóm máu ABO - Rh, kháng thể kháng Rubella, HBsAg, giang mai, HIV, xét nghiệm tế bào cổ tử cung PAPS, siêu âm tử cung và 2 phần phụ, siêu âm vú, tiêm ngừa viêm gan siêu vi B, tiêm ngừa Rubella trước khi thụ thai ít nhất 3 tháng.
Lời khuyên của bác sĩ để nhanh có con trong năm 2015 1
Ảnh minh họa
Một số điều lưu ý với cả vợ lẫn chồng để nhanh có con
Đối với người chồng:
- Nên hạn chế thuốc lá, rượu bia, chất kích thích, nhất là trong những ngày lễ tết, hội hè, tập trung, gặp gỡ bạn bè…
 - Ăn uống đủ dưỡng chất và an toàn giúp cơ thể và tinh trùng khỏe mạnh. Ăn nhiều thực phẩm giàu axit folic, kẽm, vitamin C, ngũ cốc, rau lá xanh đậm, thịt hải sản, trứng, bưởi, cam, chanh, nho...
- Uống nước đầy đủ. Hạn chế tuyệt đối các loại thức uống có ga, cồn, nước đóng hộp, nước tăng lực… bởi hầu hết các loại đồ uống này có chứa chất ngọt và làm màu nhân tạo, không tốt cho sức khỏe.
- Tránh mặc đồ bó sát, ngồi quá lâu, ngâm mình trong bồn tắm hơi. 
- Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh mệt mỏi, căng thẳng.
- Tránh làm việc trong môi trường hóa chất độc hại. Nếu không thể tránh thì cần có biện pháp bảo vệ sức khỏe thích hợp.
- Duy trì tập thể dục thể thao.
Lời khuyên của bác sĩ để nhanh có con trong năm 2015 2
Trước khi chuẩn bị mang thai, vợ chồng cần kiểm tra tình hình sức khỏe cá nhân. Ảnh minh họa
Đối với  người vợ:
- Đảm bảo sức khỏe, kiểm soát cân nặng vì cân nặng khỏe mạnh sẽ giúp nhanh có con hơn. Tránh để béo phì quá mức, bởi người béo phì khi mang thai sẽ tăng nguy cơ sẩy thai, dị tật bẩm sinh, tăng huyết áp, đái tháo đường, con to dẫn đến tăng khả năng phải mổ lấy thai. 
- Người nhẹ cân cần có chế độ bồi dưỡng ăn uống hàng ngày làm sao đạt mức trung bình về cân nặng. Người nhẹ cân khi mang thai sẽ tăng nguy cơ sinh non, con nhẹ cân.
- Nếu trước đó người phụ nữ đã từng bị sẩy thai thì cần trao đổi với bác sĩ về tiền sử sẩy thai để được tư vấn sẽ giúp ích cho việc mang thai sau này.
- Dành khoảng 30 phút tập thể dục hàng ngày.
- Không được sử dụng các loại chất kích thích như  rượu, cà phê, thuốc lá.
- Tránh tiếp xúc với chất độc hại như hóa chất, chất tẩy rửa hay môi trường độc hại...
- Giữ tinh thần được thoải mái.
- Ngưng dùng các biện pháp ngừa thai (tháo vòng, rút que cấy…). Nên dùng bao cao su đến khi kinh nguyệt trở về bình thường, đều đặn để dễ theo dõi chu kỳ, canh ngày rụng trứng nhằm tăng khả năng thụ thai, nhanh có con.
- Bổ sung sắt, axit folic hàng ngày từ khoảng 3 tháng trước khi bắt đầu có thai. 
aFamily

      © 2021 FAP
        1,141,813       326