Bài viết này không nhằm tìm ra câu trả lời vì sao. Thay vào đó sẽ cùng bạn nhìn lại những thói quen ăn uống “không khoa học nhưng mà thôi kệ” trong suốt một thời gian dài để kịp thời cải thiện và làm chủ sức khỏe, vẻ đẹp của mình.
Ăn nhiều muối
Muối ăn không chỉ được tính trong lúc nêm nếm thức ăn. Muối còn có rất nhiều trong các loại thực phẩm chế biến sẵn. Đừng quên những chén nước chấm, nhất là nước mắm thường xuyên có mặt trong bữa ăn của bạn, chúng cũng chứa rất nhiều muối đấy.
Khuyến nghị: WHO khuyến cáo cần giảm từ 12g muối xuống còn tối đa là 3g muối mỗi ngày để bảo vệ tim mạch và nhiều lợi ích sức khỏe khác.
Ăn nhiều thực phẩm tinh lọc thay vì thực phẩm thô
Nguồn chất bột đường cung cấp năng lượng chủ yếu trong các gia đình chúng ta hiện nay là gạo trắng, bún, mì, hủ tiếu, phở. Qua quá trình chế biến hoặc xay xát, những thức ăn này đã được bỏ hết phần màng ngoài của các hạt ngũ cốc-bộ phận chứa nhiều vi chất dinh dưỡng nhất của hạt.
Khuyến khích: 1 bữa ăn với ngũ cốc thô mỗi ngày
Ăn nhiều chất béo
Các món chiên, rán, xào rất phổ biến trong bữa ăn của nhiều gia đình vì chất béo dễ làm tăng cảm giác ngon miệng. Tuy nhiên, việc ăn nhiều chất béo thiếu kiểm soát là nguy cơ lớn nhất dẫn đến béo phì, tim mạch, áp huyết cao, kể cả đái tháo đường loại 2.
Khuyến nghị: Theo Viện dinh dưỡng, nên dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật, chất béo bão hòa và dùng tối đa 600gam dầu thực vật/người/tháng.
Không ăn hoặc ăn ít rau củ quả
Thói quen ăn uống của người Việt Nam trong những năm gần đây đã diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho sức khoẻ. Đó là khuynh hướng ăn nhiều thịt, chất béo động vật và quá ít rau củ quả. Theo báo cáo của WHO có đến 80% người Việt trưởng thành không đảm bảo đủ tối thiểu 400g rau củ quả mỗi ngày. Rau củ quả là nguồn thực phẩm cung cấp nhiều chất xơ, sinh tố, khoáng chất bao gồm cả những chất chống oxy hoá quan trọng. Những vi chất này cần thiết cho nhu cầu chuyển hoá, hệ miễn dịch, có tác dụng giải độc, bảo vệ thành mạch máu và làm chậm quá trình lão hoá.
Khuyến nghị: Ăn tối thiểu 400g rau củ quả mỗi ngày.
Không ăn đa dạng sắc màu rau củ quả
Ăn lặp đi lặp lại một vài loại rau củ quả ít sắc màu là vô tình không tận dụng được những vitamin, khoáng chất và dưỡng chất thực vật quan trọng có nhiều trong các loại rau củ quả giàu màu sắc.
Khuyến khích: Ăn đủ 5 sắc màu rau củ quả mỗi ngày.
Khám phá sắc màu rau củ quả và lợi ích sức khỏe
Mỗi một sắc màu rau củ quả khác nhau mang đến những lợi ích dinh dưỡng khác nhau cho sức khỏe gắn liền với dưỡng chất thực vật.
- Rau củ quả màu đỏ:
Giúp hỗ trợ sức khỏe tế bào, tuyến tiền liệt, mạch máu và bảo vệ AND,…
Chứa: lycopene, anthocyanidin, proanthocyanidin, beta-carotene,...
- Rau củ quả màu vàng và cam
Giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch, thị giác, tốt cho hệ miễn dịch,…
Chứa beta-carotene, alpha-carotene, beta-cryptoxanthin,…
- Rau củ quả màu xanh lá
Giúp hỗ trợ sức khỏe phổi, thị giác, xương và răng, duy trì sự tương tác và tăng trưởng của tế bào,…
Chứa: beta-carotene, isothiocyanate, lutein, EGCG,…
- Rau củ quả màu xanh đậm và tím
Giúp chống ôxy hóa, hỗ trợ sức khỏe tim mạch, trí não và xương.
Chứa các chất có lợi như quercetin, resveratrol, a-xít ellagic…
- Rau củ quả màu trắng
Giúp hỗ trợ chức năng enzyme, duy trì quá trình trao đổi chất của xương, bảo vệ động mạch.
Chứa: ECCG, allicin, isothiocyanate, quercetin và anthocyanidins…