Hình như trong xóm có ai vừa mất, dù chưa bắc rạp hay kèn trống gì nhưng không khí lạnh lẽo khiến anh choáng váng. Anh buông thõng ba lô bước vào nhà...
Sau hơn 1 năm qua lại, anh và chị quyết định về chung 1 nhà. Nhà chị kinh doanh, buôn bán nên bố mẹ chị ngỏ ý muốn con gái, con rể làm cùng để gia đình sớm ổn định rồi còn sinh con đẻ cái. Thế nhưng với khát khao làm giàu, với cái sĩ diện của thằng đàn ông, anh nhất quyết không chịu. Cuộc sống vợ chồng son chưa kéo dài được quá 3 tháng thì anh lại đi theo công trình. Anh nói muốn sau này con được đầy đủ, sung túc hết mức. Và thế là anh xách ba lô lên đường khi chị vừa có bầu được 1 tháng.
Thời gian đầu mang thai, chị nghén, khó chịu đủ đường. Vì không ăn uống được gì nên chị gầy đi trông thấy. Bố mẹ chồng bán hàng ngoài chợ nên cũng không ở nhà nhiều. Mẹ chồng khó tính, cổ hủ nên chị dù khó ở đến mấy cũng không dám kêu. Ngoài giờ làm việc, về nhà chị vẫn phải lo nhà cửa tươm tất để mẹ chồng vừa ý. Vậy mà khi chồng điện về hỏi chị cũng vẫn 1 điệp khúc quen thuộc: “Em ở nhà vẫn ổn, anh cứ yên tâm giữ sức khỏe, tập trung làm ăn”.
Mấy tháng tiếp theo, chị mệt mỏi triền miên. Đi khám thấy bị động thai những hai lần nên chị xin nghỉ hẳn ở nhà. Thấy con dâu nghỉ làm, mẹ chồng nhẹ nhàng đánh tiếng: “Đã có người đi kiếm tiền rồi thì người ở nhà phải biết điều”.
Ảnh minh họa
Chị nghĩ cũng phải. Với người tháo vát, chu đáo như chị thì mấy việc ở nhà đâu có đáng gì. Điều chị buồn là suốt bao nhiêu tháng ngày không nhận được sự quan tâm hỏi han từ những người sống chung dưới 1 mái nhà dù chỉ là 1 câu xã giao. Nhiều đêm không ngủ được, chị lại ôm gối khóc một mình. Chị nhớ chồng da diết. Nhìn vợ chồng người ta đưa nhau đi khám thai, đi mua đồ cho con mà chị thèm thuồng, ghen tỵ. Thế nhưng cứ nghe anh động viên chịu khó để anh đi kiếm tiền mua 1 căn nhà nhỏ là chị lại quên hết mệt mỏi.
Chẳng mấy chốc cũng đến ngày chị sinh. Lúc vượt cạn anh cũng không về kịp vì muốn cố nốt mấy ngày cho xong công trình. Chị khó sinh nên phải mổ. Phải chịu đựng bao nhiêu đau đớn về thể xác mà mẹ chồng chị chẳng nỡ động viên, chỉ nói một câu nhẹ bẫng: “Giờ chúng nó sướng quá nên thế chứ cứ như mình ngày xưa không đi nhanh có mà đẻ rơi ngoài ruộng!”.
5 ngày sau khi chị được ra viện thì anh trở về. Cứ ngỡ cả gia đình sẽ được đoàn tụ ai ngờ con chưa đầy tháng anh lại đi. Mọi người khuyên ngăn anh, rằng cuộc sống hiện tại đã không quá khó khăn, rằng chị cũng đã để dành được chút tiền tiết kiệm và thời gian này vợ con cần đến anh nhất nhưng mộng làm giàu vẫn thôi thúc bước chân anh.
Chẳng được bao lâu mẹ chồng chị cũng đi bán hàng, dù ế dù đắt bà cũng không bỏ buổi chợ nào rồi bao nhiêu công việc nhà lại đổ lên đầu con dâu đang con mọn. Đã con thơ gái quấn lại còn cơm nước phục vụ cả nhà, lúc nào cũng phải sạch sẽ mới thuận ý mẹ chồng, chị mệt mỏi vô cùng mà chẳng biết kêu ai.
Con gái vừa đầy cữ thì anh gọi điện báo với chị 1 tin, chỗ anh làm có người chạy được cho anh sang nước ngoài với chi phí thấp, với trình độ tay nghề của anh thì thu nhập phải được 40 triệu mỗi tháng. Dù là hỏi ý vợ nhưng anh bảo đã quyết rồi thì chị còn làm được gì nữa. Số chị đúng là có chồng cũng như không.
Thời gian thấm thoắt trôi, mãi rồi cũng đến ngày anh về nước sau 3 năm xa nhà. Khi đi thì bịn rịn lưu luyến là thế mà ngày về không có lấy 1 người ra sân bay đón. Gạt đi tự ái, tủi thân, anh vẫn hăm hở về ngay nhà để gặp cô con gái bé bỏng cùng người vợ yêu thương. Nụ cười luôn thường trực trên môi anh suốt đoạn đường về nhà bởi với số vốn mà anh kiếm được sau ngần ấy thời gian đủ để mở 1 xưởng cơ khí nhỏ. Càng nghĩ mà lòng anh càng phơi phới.
Xe đỗ trước ngõ, anh nhanh chóng kéo va li xuống. Hình như trong xóm có ai vừa mất, dù chưa bắc rạp hay kèn trống gì nhưng không khí lạnh lẽo khiến anh linh cảm như vậy. Rồi có điều gì đó thôi thúc bước chân anh... Anh buông thõng ba lô bước vào nhà... Bao cảm xúc vỡ òa khi anh nhìn thấy di ảnh chị. Tại sao... Tại sao lại thế này?
“Chú hỏi ai thế ạ?”, một cô bé có đôi mắt trong veo hỏi anh. Mẹ anh từ trong nhà bước ra, trông thấy anh thì gần như ngã khụy: “Sao bây giờ mày mới về hả con? Con Loan nó đi rồi, nó bỏ chúng ta đi thật rồi”. Anh quay sang nhìn cô bé ngơ ngác chạy lại gần mẹ anh gọi bà nội. Đây là ngày trở về trong mơ của anh sao? Con không nhận ra bố, chồng không được nhìn vợ lần cuối.
Sau khi biết chị bị tai nạn do điều khiển xe đúng lúc bị tụt huyết áp, anh trở nên thờ ơ, lãnh đạm với mọi người trong nhà trừ bé Su con gái anh.
Chuẩn bị 49 ngày chị, anh dọn dẹp lại căn phòng. Bao hình ảnh hiếm hoi của khoảng thời gian anh chị được sống chung bên nhau ùa về. Nụ cười của chị. Đôi tay mềm mại của chị. Anh dường như trông thấy hình anh chị đang ngồi khâu lại chiếc áo cho chồng. Chị đang là bộ vest để mai anh mặc đi đám cưới. Chị xếp lại đống đồ sơ sinh được cho với khuôn mặt rạng ngời… Không, chị tan biến rồi, hình ảnh người vợ hiền tần tảo trôi dần theo dòng nước mắt của người đàn ông.
“Ngày buồn, tháng nhớ, năm thương…”, anh đánh vần từng chữ trong cuốn sổ chị để lại. “Nhật kí những ngày vắng bố Su...”, chị đã viết.
Lật dở từng trang nhật ký của vợ, anh khóc như một đứa trẻ. Hóa ra lỗi tất cả là ở anh chứ không phải do ai khác và anh chẳng còn cơ hội chuộc lỗi nữa rồi.
Nhìn lên tấm ảnh cưới, chị vẫn ở đấy nhìn anh với nụ cười bình yên nhất, chỉ còn mình anh với nỗi buồn dằng dặc cùng những day dứt khôn nguôi. Giấc mơ kiếm thật nhiều tiền của anh khi thành sự thật hóa ra phải đổi lại bằng cái giá quá đắt thế này. Trong cuộc sống, có rất nhiều thứ không mua được bằng tiền, có rất nhiều thứ đã mất thì không thể lấy lại. Bây giờ anh mới hiểu ra những điều đó thì đã quá muộn rồi...
vợ chồng, gia đình, mẹ chồng, kiếm tiền, đàn ông