Lúc này, cô bắt đầu đổ mọi tội lỗi lên đầu con. Tại thằng bé mà cô phải rơi vào hoàn cảnh mất tự do, chẳng khác gì chim bị nhốt trong lồng như thế này...
Thoa muốn chết. Cô thực sự muốn cầm cái dao gọt hoa quả trên bàn cứa vào cổ bàn tay rồi tự kết liễu đời mình còn hơn suốt ngày phải sống khổ sở, bị đày đọa như thế này. Sinh được đứa con đầu lòng đã gần 1 tháng nay nhưng chưa giây phút nào cô thấy hạnh phúc. Ở cữ nhà chồng, bố mẹ chồng suốt ngày săm soi, chì chiết. Chồng đi làm từ sáng sớm đến tối mịt, lại sẵn tính vô tâm, nay càng khiến Thoa muốn hóa điên. Cầu xin một chút yêu thương, thấu hiểu cũng không có, huống gì…
Mẹ đẻ Thoa bận chăm bà ngoại đang hấp hối bên giường bệnh nên chẳng thể đến giúp đỡ gì cô được. Bảy ngày sau sinh, Thoa đã phải tự mình bò dậy để giặt quần áo cho con. Gọi điện cho chồng thì chỉ nhận được thông báo: “Anh đi ăn liên hoan với bạn, bọn nó bắt chúc mừng đã lên chức bố!”. Thoa đành câm lặng. Nhìn khay cơm mẹ chồng bưng lên chỉ độc mỗi 2 quả trứng luộc trong bát nước mắm và một ít đậu luộc bên cạnh, nước mắt Thoa ứa ra.
Nhưng đó chỉ là những ngày đầu tiên. Những ngày sau mọi chuyện càng tệ hại hơn nữa khi cô phải một mình thức đêm chăm con, thằng bé cứ triền miên ngủ ngày chơi đêm. Thoa muốn chợp mắt một chút cũng không được. Ban ngày cô lại phải tranh thủ khi con ngủ để làm việc nhà. Cuộc sống của bà mẹ sau sinh gói gọn trong những bức tường, không được ra ngoài vì mẹ chồng bắt phải kiêng không lại trúng gió máy. Sáng mong đến trưa, trưa lại mong đến chiều, chiều lại mong cho qua nốt đêm. Thoa cứ đếm mỗi ngày qua đi như thế.
Ảnh minh họa
Chồng cô chẳng có một chút trách nhiệm nào với hai mẹ con. Lúc nào cũng muốn đi làm về là có cơm dọn sẵn, ăn xong lại đi uống café, hóng gió với bạn bè. Đêm đến là ngủ lăn quay trên giường, chẳng cần biết ai ở bên đang vất vả thức trông con. Nhiều khi Thoa mệt quá, muốn nằm nghỉ một lát, gọi chồng dậy cũng chỉ nhận được thái độ bực mình từ chồng: “Đi làm vất vả cả ngày rồi, để yên cho người ta ngủ!”. Thoa lại chỉ biết khóc. Để đến lúc thấy đứa con trai khóc oe oe, Thoa lại thấy bực mình.
Lúc này, cô bắt đầu đổ mọi tội lỗi lên đầu con. Tại thằng bé mà cô phải rơi vào hoàn cảnh mất tự do, chẳng khác gì chim bị nhốt trong lồng như thế này. Cả ngày cũng chỉ quẩn quanh phục vụ con, mà nó cứ trơ trơ không biết thương mẹ một chút nào. Sau này, bao nhiêu trách nhiệm còn đè nặng nữa. Rồi sẽ lại là đi đâu cũng phải mang con đi cùng, phải chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, đối phó với tính ương bướng mỗi ngày trôi qua, những lần ăn vạ, khóc lóc… Thoa cứ tưởng tượng mà thấy sợ. Rồi bỗng ghét con mình.
Ngay cả khi đứa con cô sinh ra mà cô cũng đã không muốn chấp nhận thì Thoa chẳng thể hòa hợp, dễ chịu với ai được nữa. Thoa như trở thành một con hổ dữ, gầm gừ với tất cả những người xung quanh. Cô thỉnh thoảng lại la hét mỗi khi thấy con trớ sữa hay bĩnh ra cả giường chiếu. Mẹ chồng nhắc nhở gì cô cũng phải cãi lại cho bằng được. Bà muốn bế cháu cô cũng ngăn lại: “Nó còn bé thế bà bế không cẩn thận lại gãy cổ thì làm sao?”. Rồi cứ thấy mặt chồng về nhà là cô cáu gắt, liến thoắng kể tội chồng rồi quay sang kể khổ mình. Nhưng chẳng thấy chồng cô thay đổi, mà lại thấy đi nhiều hơn.
Vậy là, Thoa lại càng điên tiết. Cô ném luôn cái điện thoại khi gọi hàng chục cuộc mà chồng vẫn không nhấc máy. Thấy mẹ chồng vào, cô cũng chẳng nói chẳng năng gì, cứ ngồi thất thần nhìn bốn bức tường. Bên cạnh là đứa con mới hơn 1 tháng tuổi đang khóc thét lên vì đói nhưng Thoa cũng chẳng mảy may bế con lên dỗ dành. Mẹ chồng nhắc, Thoa mới bế con lên cho bú. Nhưng khi càng bú càng không ra sữa, thằng bé lại nhả đầu ti mẹ ra và khóc. Thoa bất lực, không biết như thế nào lại tét vào mông con một cái như muốn trút hết bực bội ra bên ngoài. Ngay trước mặt mẹ chồng.
Bà chửi Thoa: “Mày đúng là loại mẹ hổ dữ!” rồi bế thằng bé ra ngoài. Nhưng Thoa cũng chẳng thể hiện cảm xúc gì. Lúc này, Thoa cứ như biến thành một người khác rồi vậy. Không còn là cô con dâu biết điều, mẹ chồng làm gì cũng nhẫn nhịn, chồng vô tâm như thế nào cũng cố mà chiều và hi vọng rất nhiều ở đứa con sẽ sinh ra nữa. Thoa đang như rơi vào một trạng thái không thể thoát ra được. Có khi chỉ có cái chết mới khiến cô thấy mình nhẹ nhõm hơn. Thoa thấy đời mình bi kịch lắm rồi, nhưng cô không đủ can đảm để chết.
Chỉ giá như chồng cô biết quan tâm đến vợ một chút, chỉ cần biết ở bên cạnh mẹ con cô và trao cho cô những niềm vui bé nhỏ, đơn giản thôi, thì cô sẽ có thể thoát ra được vực thẳm. Đằng này… Nên Thoa lại chỉ biết khóc và tự vùng vẫy trong đầm lầy trầm cảm sau sinh.
mẹ chồng, bố mẹ chồng, sau sinh, trầm cảm, trầm cảm sau sinh