Một lần khác, bà lại nghe Hoàng than thở với bạn: “Không hiểu sao tao tiếp xúc với phụ nữ lại không thấy có cảm giác gì, cứ như là tiếp xúc giữa đàn ông với nhau ấy”...
Mẹ Hoàng – bà Nhung, mấy năm nay thấy con trai chỉ chăm chăm vào công việc, không có động tĩnh yêu đương gì thì lo ngay ngáy. Bà ra tay làm mối cho con, thế mà Hoàng viện hết cớ nọ cớ kia từ chối. Điên tiết nhất là, khi không chối được nữa thì nó lại khiến cho con gái nhà người ta “chạy mất dép”. Bà xấu hổ với người khác, chẳng dám bắt Hoàng đi xem mặt nữa.
Nhắc đến chuyện kết hôn, Hoàng lúc nào cũng thờ ơ đáp: “Lập gia đình làm gì vội hả mẹ? Đàn ông 40, 45 tuổi lấy vợ vẫn ổn, đâu có giống phụ nữ!”. Bà Nhung tức xì khói, 45 tuổi lấy vợ thì nó định để bà thành “hòn vọng... tôn” à? Dù bà có cháu ngoại rồi, nhưng cháu nội vẫn khác chứ.
Có lần bà nghe Hoàng nói chuyện điện thoại với bạn: “Tao sợ kết hôn lắm mày ạ, sợ ràng buộc, sợ trách nhiệm, cứ tự do như bây giờ không phải sướng à? Tao muốn sống độc thân tới hết đời. Con cái thì coi cháu con nhà chị gái tao như con là được mà”.
Bà Nhung sợ toát mồ hôi hột. Trước đây bà vẫn chê cười con trai mấy nhà khác cái tội yêu đương lăng nhăng thay bạn gái như thay áo, còn tự hào con trai mình sống nền nếp, lành mạnh. Nhưng bây giờ, thậm chí bà mong con mình giống mấy gã tay chơi ấy hơn. Độc thân cả đời, không con nối dõi? Nó định bất hiếu với bà, còn để bà bất hiếu với ông bà tổ tiên à?
Ảnh minh họa
Một lần khác, bà lại nghe Hoàng than thở với bạn: “Không hiểu sao tao tiếp xúc với phụ nữ lại không thấy có cảm giác gì, cứ như là tiếp xúc giữa đàn ông với nhau ấy”. Bà Nhung nghe mà run sợ không thôi. Thảo nào mấy năm gần đây Hoàng không yêu cô nào, mấy cô gái trẻ trung, xinh đẹp bà làm mối cho cũng từ chối hết. Ôi con trai của bà, bà phải làm sao đây?
Bẵng đi một thời gian, bà Nhung đột nhiên phát hiện Hoàng có liên lạc với một cô gái. Để ý thấy Hoàng không quá gần gũi với con bé ấy, thi thoảng gặp nhau cà phê, đôi lúc gọi điện thoại, như một người bạn bình thường.
“Ai thế con?”, bà dè dặt hỏi. “Một người bạn thôi mẹ”, Hoàng thản nhiên đáp. Bà Nhung không nói gì nhưng âm thầm coi đó là một tín hiệu đáng mừng.
Có một buổi tối, cô gái kia ghé qua nhà bà đưa đặc sản con bé vừa mua khi đi công tác. Cô gái tự đến rồi lại tự về, con trai bà không hề đưa rước. Bà Nhung chép miệng: “Sao không đưa bạn về hả con?”. Hoàng thờ ơ: “Con gái lớn đùng rồi cần gì đưa đón hả mẹ?”. Con trai bà hoàn toàn dửng dưng, chẳng chút ga lăng hay có tình ý gì với người ta. Bà Nhung bực bội vô cùng, lại nhớ đến dáng vẻ dễ thương, mồm miệng ngọt ngào của cô gái kia thì bất giác mỉm cười.
“Gia đình con bé thế nào hả con?”, bà Nhung thăm dò. Hoàng nhíu mày: “Con cũng không rõ lắm, nhưng có thể khẳng định là bình thường thôi. Con không thân với cô ấy lắm, lần này con biết mẹ thích ăn đặc sản vùng đó nên mới nhờ cô ấy mua hộ. Mà mẹ quan tâm đến gia đình cô ấy làm gì, bạn bè bình thường con nghĩ không nên quá đào sâu vào hoàn cảnh gia đình nhà người ta”.
Bà Nhung hơi tiếc nuối trong lòng, nghĩ bụng nếu gia thế nhà cô bé kia ổn thì bà sẽ tìm mọi cách thúc đẩy mối quan hệ này. Nhưng tình hình hiện tại xem ra cô bé là điểm sáng duy nhất để giải quyết vấn đề của con trai bà, vì thế bà vẫn không buông bỏ ý tưởng đó vội.
Thời gian tiếp theo, có vài lần bà thấy Hoàng mở lời khen ngợi My, khi nhắc đến con bé còn cười khá vui vẻ, bà mừng rỡ, hẳn con trai mình cũng có tình cảm với con bé. Dù nghĩ tới gia thế của My, bà vẫn còn lấn cấn trong lòng, nhưng khó khăn lắm con trai bà mới gọi là có chút cảm tình với một cô gái, bà chẳng dám nghĩ tới ngăn cấm.
Đấu tranh tư tưởng nhiều ngày liền, bà Nhung cuối cùng phải chịu thua chính mình. “Môn đăng hộ đối” quan trọng thật đấy, nhưng so ra với việc con trai bà độc thân cả đời thì lại chẳng nhằm nhò gì! Nghĩ thế, bà nịnh nọt Hoàng mời My đến nhà ăn cơm. Hoàng từ chối, bà Nhung phải thuyết phục mãi, rằng để bà cảm ơn My đã mua hộ đặc sản, Hoàng mới đồng ý.
Càng tiếp xúc với My, bà càng ưng. Con bé xinh xắn, lại chăm chỉ nỗ lực làm việc, vừa chu đáo, khéo léo mà còn nói chuyện có duyên. Ngặt nỗi gia thế bình thường, à mà thôi, bà đã bảo không để ý đến nữa rồi cơ mà. Bà quyết định rồi, chỉ cần con trai thích My, bà sẽ cắn răng bỏ qua vấn đề kia mà đồng ý! Bố Hoàng khi biết chuyện cũng ủng hộ cách nghĩ của bà hết lòng.
Mấy lần bà hỏi con trai thấy My thế nào, Hoàng đều ậm ờ: “Cô ấy cũng được, sẽ là một người vợ tốt, nhưng con chưa muốn lấy vợ, hơn nữa nhà cô ấy lại nghèo như thế…”. Bà Nhung gạt đi ngay: “Nghèo thì sao cơ chứ, miễn là người tốt, thật lòng với con là được. Mẹ thấy con bé được đấy!”. Hoàng tỏ vẻ miễn cưỡng, nói sẽ suy nghĩ thêm.
Đợi mấy tháng sau, bà Nhung đã sốt ruột đến cháy gan, Hoàng bỗng thông báo: “Mẹ ơi, My sắp lấy chồng hay sao ấy. Bố mẹ cô ấy giới thiệu cho một người tốt lắm, cô ấy dù chưa đồng ý nhưng cũng có vẻ ưng ưng”. Bà Nhung kêu toáng lên: “Thấy chưa, mẹ nói mà mày không nghe! Giờ đi cầu hôn ngay đi, con bé chưa đồng ý với người ta thì vẫn còn cơ hội!”.
“Nhưng con vẫn chưa muốn lấy vợ lắm”, Hoàng than thở. Bà Nhung tức nghẹn họng, chỉ hận không thể đánh cho con trai một trận: “Không muốn lấy cũng phải lấy! Con cũng có tình cảm với con bé cơ mà, để lỡ là hối hận cả đời đấy!”. Hoàng đóng vai con trai ngoan nghe lời, vội vã đi tỏ tình với My.
Rồi bà Nhung nhận được tin mừng, My đồng ý qua lại tìm hiểu Hoàng, còn chuyện kết hôn thì sẽ tính sau. Thế thôi cũng khiến bà Nhung muốn mở tiệc ăn mừng rồi. Bà liên tục bảo Hoàng đưa My đi chơi, mua quà tặng cô, chăm sóc quan tâm cô này nọ, bản thân bà có gì tốt cũng gửi Hoàng đưa cho My, còn thường xuyên rủ cô tới nhà ăn cơm.
Mấy tháng sau nữa, bà Nhung bắt đầu giục lên giục xuống chuyện kết hôn: “Bắt con gái nhà người ta chờ tới bao giờ nữa hả?”. Lúc này Hoàng mới không cam lòng mà đồng ý. Đám cưới nhanh chóng được bà Nhung ấn định, trong tiệc cưới, bà là người cười tươi nhất. Nhưng Hoàng còn cười tươi hơn, là cười trong bụng thôi, vì "mưu kế" hòng lấy được vợ của anh đã thành công mỹ mãn.
lấy vợ, kết hôn, môn đăng hộ đối, gia đình, đám cưới