Tình yêu hôn nhân

"Cuộc chiến" giữa mẹ và vợ: Các anh đừng cho rằng "mình vô can"!

Nghĩ lại mà xem. Ai là người hiểu mẹ các anh nhất? Là các anh! Ai là người hiểu vợ các anh nhất? Cũng là các anh! Bản chất của cuộc chiến “mẹ chồng - nàng dâu” đều xuất phát từ tình cảm dành cho các anh mà ra...

Chuyện mẹ chồng - nàng dâu hòa hợp không phải là không có, nhưng nói thẳng vẫn thuộc “hàng hiếm”. Bạn cứ lên các diễn đàn dành cho các mẹ bỉm sữa và đăng vài dòng chia sẻ về mối quan hệ nhạy cảm này mà xem, đảm bảo bạn sẽ nhận được vô vàn sự quan tâm, đồng cảm lẫn kinh nghiệm quý báu từ các “tiền bối”.

Có chị khuyên bạn hãy cam chịu, vì bạn lấy chồng tức cũng lấy luôn cả mẹ chồng (và gia đình nhà chồng), đã chấp nhận chồng được thì cũng phải học cách chấp nhận cả mẹ chồng. Có chị khuyên bạn hãy tìm mọi cách để kéo chồng về phía mình, để chồng trở thành “đồng minh” của mình, sát cánh bên mình trong cuộc chiến chống lại... mẹ. Có chị khuyên bạn ra ở riêng, mẹ chồng và bạn cứ “khuất mắt trông coi” là êm chuyện. Toàn là các chị động viên, an ủi, khuyên nhủ lẫn nhau. Các anh có đọc được cũng lờ tịt đi, nếu có tham gia, cũng chỉ tạt ngang một vài câu hỡ hững “Thôi nhịn đi, mẹ chồng dù sao cũng là mẹ!” hoặc phản ứng gay gắt “Đừng bắt chúng tôi phải lựa chọn, vì kết quả các cô nhận được sẽ rất đau lòng đấy!”.

Chị N.Khanh (27 tuổi) mới sinh con được gần hai tháng thì hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Nguyên nhân là do chị với mẹ chồng không tìm được tiếng nói chung. Mẹ chồng chê cô con dâu vụng về, không biết cách chăm sóc con nhỏ, lại còn dám nói năng “ngang hàng” với mẹ. Chị Khanh thì “tố” mẹ chồng mang tiếng lên Hà Nội chăm cháu nhưng cả ngày bà toàn chạy sang nhà hàng xóm buôn chuyện, tới tận chiều tối thấy con trai sắp về thì lao vào làm việc nọ, việc kia ra chiều bận rộn. Chị Khanh đem chuyện này tâm sự với chồng thì lập tức bị chồng nạt: “Mẹ lên chăm cháu cũng là vì thương mình, nhịn mẹ một tí cũng không chết”.

Là đàn ông, xin đừng ngoảnh mặt làm ngơ trước cuộc chiến giữa mẹ và vợ! - Ảnh 1.

"Bản thân tôi không đồng ý với phương án kéo chồng làm "đồng minh"..." - Ảnh minh họa

Khi chia sẻ trên diễn đàn dành cho các mẹ, câu chuyện của chị Khanh nhận được rất nhiều lời khuyên, từ đồng cảm “Đừng bao giờ ôm con về thăm quê chồng nữa”, “Mẹ chồng không thương mình sao cứ ép mình phải thương mẹ?” tới trái chiều “Mẹ có tuổi rồi, mà mẹ chồng nào chẳng xét nét nàng dâu. Sao không nhịn đi cho êm nhà êm cửa”…

Bản thân tôi không đồng ý với phương án kéo chồng làm “đồng minh”, vì dù có mâu thuẫn với mẹ chồng đến thế nào, cũng không nên để chồng cùng mình đứng ra đối đầu với mẹ. Tôi càng không đồng ý với phương án “Mẹ chỉ có một, còn không có vợ này thì ta cưới vợ khác”. Mẹ chỉ có một, nhưng vợ là người bạn đời của các anh. Chúng ta không thể dùng cuộc chiến tranh này để dập tắt một cuộc chiến tranh khác.

Chiến tranh chỉ thực sự chấm dứt sau “hiệp ước hòa bình” và một trong hai bên phải chủ động dừng chiến trước. Các anh đừng cho rằng mình “vô can”, rằng chiến tranh giữa mẹ chồng - nàng dâu chỉ là “chuyện đàn bà”, “chuyện muôn thuở”, “có tham gia cũng chỉ khiến cho tình hình thêm rối ren”, hoặc tệ hại hơn “tất cả là lỗi tại vợ không biết cách làm đẹp lòng mẹ chồng”.

Nghĩ lại mà xem. Ai là người hiểu mẹ các anh nhất? Là các anh! Ai là người hiểu vợ các anh nhất? Cũng là các anh! Bản chất của cuộc chiến “mẹ chồng - nàng dâu” đều xuất phát từ tình cảm dành cho các anh mà ra. Mẹ thương con trai, vợ thương chồng. Khi hai người phụ nữ cùng đem lòng thương một người đàn ông, dù là ở hai vị trí khác nhau, tình thương về bản chất cũng hoàn toàn khác nhau thì cũng đều dễ xảy ra mâu thuẫn. Trong trường hợp ấy, các anh chính là vị cứu tinh cho mối quan hệ có nguy cơ đứng bên bờ vực thẳm.

Tôi từng được một anh bạn kể cho nghe một câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu rất hài hước. Anh Tuấn (30 tuổi) kể rằng, hai vợ chồng anh sống chung với mẹ. Thời gian đầu, mẹ anh rất khó chịu với nàng dâu có lối sống phóng khoáng. Vợ anh thích mê làm đẹp, thích ăn tiệm nên cứ cuối tuần là lại kéo cả nhà ra ngoài ăn vì “đi làm cả tuần mệt rồi, cuối tuần không có hứng nấu ăn”. Đặc biệt, nàng dâu này còn tỏ ra vô cùng thích thú trong những cuộc tranh luận (đôi khi khá là gay gắt) về quan điểm sống giữa người già và giới trẻ với mẹ chồng. Mẹ anh Tuấn than thở: “Con dâu hỗn quá, nó dám đối đáp tay đôi cả với mẹ chồng”. Còn vợ anh Tuấn lại nghĩ: “Tranh luận sẽ giúp hai mẹ con hiểu và thông cảm với nhau hơn”. Hai người phụ nữ ở hai độ tuổi khác nhau, có môi trường sống khác nhau, cá tính và quan điểm sống cũng hoàn toàn khác nhau ở chung dưới một mái nhà, nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở những cuộc tranh luận chứ chưa hề xảy ra mâu thuẫn lớn. Lý do là vì anh Tuấn luôn nhẹ nhàng bênh vợ trong lúc nghe mẹ ca thán về nàng dâu không giữ được nếp sống truyền thống, và cũng khéo léo bênh mẹ trong lúc cô vợ nói rằng hai mẹ con có vẻ khó hòa hợp.

“Mẹ không thể giống vợ và vợ càng không thể thay đổi để giống mẹ hoàn toàn. Chỉ có một cách là làm công tác tư tưởng để mẹ và vợ học cách chấp nhận lẫn nhau. Mẹ mà chê vợ thì cứ ôm đầu than: “Mẹ không ưa vợ con, con khổ lắm!”. Vợ hễ than phiền về mẹ thì cũng ôm đầu: “Em không thích mẹ, anh khổ lắm!”. Hai người phụ nữ cùng thương mình, sẽ có lúc sẵn sàng vì mình mà học cách chấp nhận nhau”.

Vậy đấy, chẳng cần lời hay ý đẹp hay quà cáp gì cao sang, chỉ cần học cách lắng nghe và dung hòa mối quan hệ của hai người phụ nữ quan trọng nhất đời mình, đàn ông sẽ khiến họ luôn cảm thấy hạnh phúc.

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả

aFamily

đàn ông, phụ nữ, mẹ chồng, mẹ chồng nàng dâu


      © 2021 FAP
        1,304,148       472