Đàn bà hơn nhau ở tấm chồng. Đúc kết ấy nếu coi là chuẩn, thì ắt hẳn không nhiều người hơn được chị. Theo tiết lộ của Huệ, chàng thủ môn tài hoa ấy còn cuồng vợ đến độ, xăm đầy đủ họ tên vợ trên lưng, như một cách đánh dấu bản quyền đầy hài hước.
Chồng Huệ là thủ môn Dương Hồng Sơn, vốn nức tiếng một thời, bởi tài năng và hơn thế là sự chung tình đến lụy với vợ. Nghiễm nhiên sau mẹ Huệ là người đàn bà thứ 2 của anh.
Thấm thía chút bạc bẽo của nghề cầu thủ
Ở Huệ, toát lên vẻ dìu dịu, đằm thắm của người phụ nữ viên mãn hạnh phúc. Chị bảo, chồng chị kiếm tiền đủ để ba mẹ con có cuộc sống sung túc theo chuẩn riêng của chị. Tuyệt nhiên, chị chẳng tiết lộ con số dù gặng hỏi. Chị bảo, để tránh thị phi.
Nụ cười hạnh phúc của gia đình Huệ.
Hỏi xoáy chị chuyện “thường như cân đường hộp sữa” của cuộc sống lứa đôi, rằng đã khi nào phải nhức óc nghĩ cách loại trừ phút giây ngoài vợ ngoài chồng của xã chưa. Chị chun mũi, cười cười: “Gái hả? Cũng có khi sóng sánh đấy, nhiều cô theo mà. Cơ mà, 33 năm Huệ có mặt ở đời thì có đến 18-19 năm lão ấy và Huệ mải miết yêu đương rồi. Lo gì".
Mà chị nói phải. Chẳng yêu sao lão chồng của chị trong một lần trước bàn dân thiên hạ đã từng khai nhận: “Yêu từ ngày nhỏ đến giờ ấy chứ. Hồi xưa, hai đứa cách nhau vài nhà. Lớp 5 đã cảm thấy thích thích. Đến lớp 10, cô ấy vào Vinh học ở trường Phan Bội Châu thì tôi cũng vào lò Sông Lam. Rồi khi cô ấy ra Hà Nội học Kinh tế Quốc dân thì tôi cũng ra đó đá bóng. Chuyện tình thấm thoắt mười mấy năm, rồi nên vợ nên chồng, có với nhau 3 mặt con thì bảo chẳng yêu sao được". Và theo tiết lộ của Huệ, lão chồng chị còn cuồng vợ đến độ, xăm đầy đủ họ tên vợ trên lưng, như một cách đánh dấu bản quyền đầy hài hước.
Chị say sưa kể về chồng, cách chị kể dường như chẳng mấy ghi nhận sự chăm sóc của chồng. Nhưng kỳ thực, chị yêu chồng lắm. “Cưới nhau 3 năm vợ chồng Huệ mới đậu thai. Cũng liệt vào trường hợp hiếm muộn. Mà khi bầu đứa đầu tiên, nhiều vấn đề sức khỏe lắm, phải nằm một chỗ dưỡng thai. Cũng may, hồi đó nhà chị ở Trương Định (Hà Nội), còn lão chồng chỉ phải tập bóng ở Nhổn nên cũng được nhờ vả. Tết ấy, phải ở lại nhà riêng ăn tết, chẳng thể về quê. Mình lão Sơn lo dọn dẹp, sắm tết, nấu đồ cúng và kiêm luôn khoản gội đầu giúp vợ...”.
Nghe những lời của chị, hình dung về gã đàn ông với vẻ ngoài xù xì, pha chút ngang tàng, ngổ ngáo lại cặm cụi với cả tá những công việc lâu nay vốn định kiến chỉ dành cho phụ nữ, tôi có chút nghi ngờ. Chị cười, bảo:“Mà làm việc nhà là viễn cảnh khi vợ mang bầu thôi, chứ giờ cũng lười ra trò rồi, chắc cũng chẳng còn nhớ cách làm việc nhà. Giờ chỉ được mỗi nết, biết vợ thích ăn mít mật, na bở nên bắt mấy đứa em ở quê tìm cho kỳ được mỗi lần về. Hay thi thoảng lão hoặc bạn bè đi nước ngoài, cũng cố mua hoặc nhờ bạn mua cho vợ lọ nước hoa…”.
Nghe chị kể về cuộc sống làm vợ cầu thủ nổi tiếng, thấy chẳng có điểm khác so với người thường. Chị bảo, chỉ khác điểm duy nhất, ấy là khi đội bóng của lão chồng thắng trong các trận đấu, niềm vui và tự hào của chị nhân lên gấp bội so với khán giả thường tình. Nhưng vợ cầu thủ cũng nhiều phen buồn đến tận cùng, thậm chí phút đau buồn ấy, chị từng mong lão chồng bỏ nghiệp chạy theo trái bóng. “Khi thua trận, phong độ đi xuống, thiên hạ lại dèm pha, chửi rủa, nghi ngờ lão và đồng đội lão bán độ. Mỗi lần như thế, lão về nhà trong trạng thái thất thần, không khí gia đình nặng nề ghê gớm. Phút ấy, Huệ thấy thấm hơn về nghề có chút bạc bẽo của lão chồng'.
Sau cùng, chị bảo, quẩn thì nghĩ xúi lão bỏ nghiệp thôi, chứ nào dám thực hiện. Bởi chị hiểu chồng chị, nghiệp trái bóng vốn là đam mê rồi. Hơn thế, nghề nào cũng có những góc khuất và chị chỉ có thể động viện, đồng hành cùng chồng qua giai đoạn ấy.
Hơn thế, bản thân Huệ là một người rất yêu bóng đá. Chẳng phải vì lấy chồng cầu thủ mà nịnh chồng nên yêu trái bóng tròn đâu, chị yêu bóng đá trước cả khi yêu chồng. “Hồi còn nhỏ, Huệ cũng ham hố đá bóng cùng lũ trẻ con trong xóm. Lấy chồng là cầu thủ, có cơ hội gần gũi với bóng đá nhiều hơn nên yêu hơn. Mỗi khi đội bóng của chồng ra sân, thu xếp được công việc là Huệ có mặt cổ vũ ngay. Những lúc như thế, chẳng phiền muộn nào còn ngự trị được nữa thì lý gì mà không yêu bóng đá nhỉ?”, chị hào hứng hệt như một fan cuồng kể về phút giây đến với trái bóng. Và chị cũng phân tích lối đá của cầu thủ nọ, chiến thuật của huấn luyện viên kia như cách các chuyên gia luận đàm về trận đấu.
Có một điều khá bất ngờ, trong câu chuyện với Huệ, tuyệt nhiên chị chẳng kêu than cảnh chồng đằng đẵng xa nhà bởi những đợt tập huấn như nhiều bà vợ cùng cảnh ngộ khác. Chị bảo, hiểu và thông cảm với tính chất công việc của chồng nên đã coi đấy là chuyện đương nhiên. Vắng chồng, chị vẫn chu toàn nhà cửa, con cái và bận rộn với sự nghiệp của chị. “Thời buổi công nghệ số, khoảng cách về địa lý không còn là vấn đề. Tin tưởng rằng lão chồng đang phấn đấu vì sự nghiệp, vì kinh tế gia đình thì chẳng có gì phải lăn tăn”, Huệ nói.
Người phụ nữ không “an phận”
Chồng thành danh, con cái đề huề, khỏe mạnh, ấy thế nhưng dường như Huệ chưa “an phận”. Chị vẫn tất bật 8 giờ đồng hồ làm giao dịch viên tại một ngân hàng, vẫn tròn vai là một bà mẹ bỉm sữa và hơn cả là lao vào nơi thương trường vốn mệnh danh là chiến trường khốc liệt. “Kinh doanh ngấm vào máu rồi, đam mê không bỏ được”, chị bảo thế khi hỏi đến nghề tay trái của thị.
Quả thực, nếu gạt bỏ kinh tế do lão chồng chị đóng góp, lương viên chức của chị cũng đủ mấy mẹ con sống không quá chật vật. Nhưng chị vẫn tính nước làm con buôn. Ban đầu, chị chỉ “buôn thúng bán mẹt” qua mạng xã hội. “Huệ bán các đặc sản vùng miền, đảm bảo tiêu chí sạch, ngon nên khách mỗi lúc thêm ủng hộ".
Nói là nghề tay trái nhưng kỳ thực, việc kinh doanh ngốn nhiều thời gian của chị hơn tưởng tượng. “Nhiều đêm phải thức đến 1-2h sáng để lo cho xong hàng cho khách, hoặc ở nhà thì cũng dán mắt vào màn hình điện thoại, buôn bán online mà. Thế nên, đôi khi bị lão chồng mát mẻ, rằng chỉ thích kiếm tiền, chồng con thì chẳng đoái hoài. Mỗi lần như thế, phải tự chấn chỉnh ngay. Dù thế nào, gia đình vẫn là mục tiêu hàng đầu của mình mà”, chị khẳng định về quan điểm sống.
Nhận xét Huệ tham việc, chị thừa nhận. “Chưa bàn tới chuyện công việc đó làm ra giá trị vật chất như thế nào, nhưng bảo Huệ tham việc thì đúng". Chị bày tỏ, sống dựa dẫm, ỉ lại vào người khác, dù người đó là chồng thì cũng làm chị khó chịu. Chị có khả năng làm việc thế nên chị phải làm hết sức. Vả lại, những việc chị đang làm, mang lại thu nhập cũng chẳng kém chồng chị là mấy. Và chị tự tin với vai trò người đồng hành của chồng, tự tin và tự chủ chính cuộc sống của chị. “Tự tin lo cho cuộc sống của mình rồi mới có thể lo được cho người thân, một chút công sức đóng góp cho nhiều mảnh đời bất hạnh khác trong xã hội", đó là quan điểm sống của Huệ.
Trong cuộc sống vốn bộn bề những thị phi, những câu chuyện hôn nhân tan vỡ, chuyện ngoại tình nhiều như điều hiển nhiên thì chia sẻ của Huệ trở nên trong lành, để nhiều người đồng cảm, tin rằng tình yêu có thực trên đời. Hỏi Huệ về việc giữ lửa hôn nhân, chị bảo, chẳng có bí quyết gì cả, chỉ tin rằng sự chân thành sẽ đến được với chân thành thôi. “Có thể Huệ có chút may mắn khi tìm được người bạn đời và cũng là bạn tri kỷ”, người đàn bà thứ hai của thủ môn nổi tiếng một thời đúc kết.
đàn bà, làm vợ, cầu thủ, hôn nhân, mỗi tuần một chuyện