Chàng trai trẻ viết khi em gái cùng mẹ khác cha cũng đang đau đớn vì bố mẹ sắp ly hôn: "Nửa đêm em có giật mình thức dậy trên chiếc giường rộng lớn? Cố tìm hơi ấm của mẹ bằng cách chui vào trong tủ áo chật chội? Hay cảm thấy mình nhỏ bé, tìm một không gian hẹp như dưới gầm giường và co ro nằm vào trong đấy giống anh?".
Đó là câu chuyện có thật của Nguyễn Nhật Trường về một đứa trẻ bố mẹ ly hôn năm 6 tuổi và giờ đang đau nỗi đau của em gái (cùng mẹ khác cha) khi một lần nữa em gái mình cũng phải nếm trải cảm giác này. Bức thư như một vết dao cứa vào lòng những ai đã từng nếm trải cảm giác ấy khi còn thơ bé và cả những bậc cha mẹ đứng trước bờ vực
hôn nhân tan vỡ.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, dù có nhiều dằn vặt, đau khổ của một đứa trẻ không đủ đầy cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ, nhưng trong cái nhìn của Trường cũng có đầy đủ sự thương cảm với mẹ, với thân phận của người phụ nữ và cái nhìn bao dung dưới góc độ người lớn về câu chuyện vốn có nhiều điều đáng bàn quanh 2 từ
ly hôn.
Nguyên văn bài viết như sau:
"Li hôn thì rất dễ, một tờ giấy, một chữ kí là xong. Nhưng con người ta sẽ bỏ lại những gì?
Tôi may mắn hơn em gái tôi, vì khi bố mẹ bỏ nhau, tôi chưa tròn sáu tuổi, và lúc đó những nhận thức, hay kí ức về cuộc sống còn mờ mờ... Em gái lên 9, đã khóc nấc lên, nôn ra mật xanh mật vàng, quỳ xuống đất mà xin bố mẹ đừng bỏ nhau...
Em gái à! Anh thương em hơn tất cả những điều anh từng biết. Bố em hay bố anh, chung quy cũng chỉ là những gã đàn ông tệ hại và ngu ngốc. Giống tất cả những loại đàn ông lăng nhăng, ngoại tình, cờ bạc đổ đốn làm khổ vợ, khổ con...
Hạnh phúc gia đình, với những người như anh và em, là những thứ sao mà xa vời thế??
Rồi em sẽ phải buồn lắm đấy!- Giống như anh hồi còn nhỏ, bước chân về một căn nhà lạnh lẽo, trống hoắc trống huơ... Không còn những bữa cơm gia đình ấm áp, cũng chẳng còn những lời cười nói của mẹ cha nữa. Em cũng sẽ rất tủi thân khi đến lớp, nhìn bạn bè được ba mẹ đón đưa. Rồi em cũng giống anh chứ? Chiều chiều lại ngồi trước hiên cửa để ngóng chờ hình bóng của mẹ? Nửa đêm em có giật mình thức dậy trên chiếc giường rộng lớn? Cố tìm hơi ấm của mẹ bằng cách chui vào trong tủ áo chật chội? Hay cảm thấy mình nhỏ bé, tìm một không gian hẹp như dưới gầm giường và co ro nằm vào trong đấy giống anh? Rồi còn những vết cắt ngang dọc trên cánh tay nữa chứ?
Nguyễn Nhật Trường, người viết bức thư gửi em gái cùng cha khác mẹ.
Không sao đâu em gái!! Rồi ai cũng sẽ trưởng thành. Và anh biết em cũng sẽ không bao giờ hư hỏng, dù ba mẹ có không ở bên nhau...
Anh quen rất nhiều người có hoàn cảnh giống như mình-cũng từng ngoan ngoãn, rồi vì mặc cảm chuyện bố mẹ li thân, mà buông mình tới những tận đáy của xã hội.
Em cũng sẽ biết cảm thông cho mẹ!
9 năm trời mẹ chịu đựng nuôi em lớn, cố gắng chờ em trưởng thành để có thể từ bỏ tất cả mà ra đi..
Ngày mẹ lấy ông ta rồi có em, năm đó anh 16 tuổi, anh mừng cho mẹ vì đã có được hạnh phúc-khi rất nhiều năm trời phải vất vả một mình. Nhưng sự việc không như anh nghĩ! Từ khi có em, ông ta thành loại đàn ông tệ hại nhất mà anh có thể hình dung ra. Rồi mẹ nhìn em, không muốn đi lại lối mòn cũ, bước vào vết xe đổ, vấp ngã thêm lần nữa, vẫn cứ là đau, nên mẹ im lặng chịu đựng... Đằng đẵng suốt chín năm, mẹ lo kinh tế cho nhà, chăm sóc bà bị tai biến, lo cho em.. Còn anh là một thằng ích kỉ- vì không chịu nổi tính khí cha em mà không thèm ở nhà.
Bỏ lại gia đình, anh lang bạt nay đây mai đó, tự cho đó là tự do, dù đôi khi cũng cảm thấy nực cười khi nghĩ đến bản thân- giống như con chó hoang, chẳng có nơi về!!
Thông cảm cho mẹ như anh nhé!
9 năm nay, lần đầu tiên anh cảm thấy thoải mái như vậy-Khi mẹ quyết định từ bỏ sự cam chịu của mình. Sức khỏe mẹ không tốt, tóc đã bạc một nửa. Lãng phí mất 50 năm cam chịu, còn một thời gian đến cuối đời nữa, hãy để mẹ sống hạnh phúc bằng sự tự do.
Mẹ lo cho em lắm, vì em là cô gái thương mẹ nhất trên đời. Anh sẽ ở lại Hà Nội này, thuê một nhà trọ gần nơi em ở để chăm sóc cho em, còn mẹ sẽ đi một nơi nào đó xa, để không còn những đau khổ... Yên tâm đi em gái, mẹ giỏi lắm, dù bất kì ở nơi đâu, cũng lo được cho em tốt như trước giờ vẫn vậy.
Ngoài ra còn có anh nữa, bây giờ anh chẳng chơi bời, còn làm việc gấp 2,3 lần người khác không mệt mỏi.
Thứ 7 nào anh cũng dẫn em đi tập bơi, chủ nhật chúng ta sẽ đi siêu thị mua sắm.. Rồi 1 tháng hai tháng, anh với em sẽ đi thăm mẹ 1 lần...
Cứng rắn lên cô gái! Lớn lên, em sẽ hiểu cho mẹ, và mừng khi mẹ đã được tự do...
Xem anh đi, đang cảm thấy thoải mái...
Mà tại em cứ khóc hoài, khóc đến mấy tiếng đồng hồ rồi còn không dứt. Anh lại khóc theo rồi...".
Hiện tại chính Trường với tuổi đời còn trẻ cũng chưa thể suy nghĩ thấu đáo rằng cha mẹ trước cuộc hôn nhân không hạnh phúc thì nên lựa chọn
li dị hay cam chịu tiếp tục chung sống vì con. Nhưng điều dễ hiểu nhất mà Trường rút ra cho chính mình là: "Điều to tát là đàn ông phải là chỗ dựa, là trụ cột, là để gia đình, con cái mình được hạnh phúc có thể không phải ai cũng dám hứa. Nhưng dù sao là đàn ông cũng không được làm vợ con phải đau khổ".
* Xem Full Talkshow "Người thứ 3 có lỗi hay không?" tại đây.