Tình yêu hôn nhân

Một chuyện đáng suy ngẫm về ứng xử vợ chồng

Chuyện là tối qua, hai anh chị dắt nhau đi nghe nhạc Phú Quang. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như chị không tính nhẩm nhầm ngày. Mua vé ngày mùng 10 thì đóng bộ đưa nhau đi xem ngày 11!

Anh ngơ ngác khi nhân viên soát vé nói vé này là của ngày hôm qua. Và đương nhiên phải vứt đi mua ngay cái mới.

Thế là đi tong một đôi vé không dùng mà nếu đổi thóc quy ra thì bằng 2 tháng lương cộng tác viên thử việc của đứa con gái lớn.

Tối qua nghe kể xong thì tôi ngỡ ngàng lắm, cảm giác đơ đơ luôn. Vừa buồn cười vừa tiếc tiền kinh khủng, dù chả phải tiền của mình nhưng vẫn tiếc ngẩn tiếc ngơ, lẩm nhẩm trong đầu quy ra thóc ra cám. Nhưng sau một đêm ngủ dậy, nghĩ lại, tự dưng những gì còn đọng lại trong đầu chỉ là trận cười tưng bừng của gia đình anh chị sau khi về nhà.

Chợt nhận ra rằng, ô kìa, phải vợ chồng nhà người khác thì đã cãi nhau to, mắng nhau gay gắt, rồi xót của tiếc tiền chì chiết nhau chẳng ra làm sao, đến vài hôm có khi chưa dứt. Thế mà, anh chị mình về thì lại cười như... Liên Xô, còn thi nhau kể chuyện trên xe chém gió như thế nào.


Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Anh và chị có tiếc không? Rõ ràng tiếc đứt ruột đi ấy chứ. Tiền mồ hôi nước mắt, nào có phải ăn cướp ra. Nhưng sao họ không cãi nhau? Sao anh không xót của mắng chị té tát, lèm bèm chì chiết tận mấy hôm sau như chồng nhà người ta?

Sao lại ấn ngay chị vào quầy rít lên bắt mua đôi vé mới không hết thế? Sao vẫn còn tâm trí dắt nhau vào nghe nhạc tao nhã thế kia? Ô kìa, tự dưng tôi thấy họ thật buồn cười quá.

Chuyện trong nhà, đem lên mạng vạch áo cho người xem lưng kể có hơi kì cục ghê. Nhưng mà cứ chuyện này đè lên chuyện kia, chuyện này thêm chuyện khác như giọt nước tràn ly ấy, nên hôm nay, Valentine qua rồi mà cảm thấy cần phải nói, họ thật lạ lùng.

Từ bé đến giờ, từ khi tôi bắt đầu nhớ được, đã hiếm lắm mới họ cãi nhau. Tất nhiên là không phải không có, nhưng mà ít. Đôi này lại càng già thì càng ít. Trong những lần ít ỏi tôi từng chứng kiến, có một điều kì lạ là dù cãi hăng đến thế nào họ cũng nhất quyết không đổi cách xưng hô.

Đời thuở nhà ai, vợ chồng cãi nhau mà cứ anh anh em em ngọt xớt. Anh thế này, em thế kia, tuyệt nhiên không thấy tôi - cô, tôi - anh gì hết, chứ đừng nói lại còn tao tao mày mày được như nhà người ta.

Thậm chí khoảng gần chục năm trở lại đây, tôi nhớ mãi không ra vụ cãi nhau nào nữa. Ngược lại họ còn như là quay về thời mới yêu.

Mỗi bận đi chơi gia đình là hình ảnh lúc nào cũng quen thuộc lắm: các cháu lút cút theo sau, bố mẹ khoác tay ôm eo nhau thả bộ đằng trước. Có lúc còn bị con trẻ ngồi bên phát hiện, đôi vợ chồng “sắp” già rủ nhau cùng chụp selfie.

Tôi là con gái út kém anh chị gần đôi chục tuổi, hồi bé không biết, cứ tưởng nhà nào cũng thế, vợ chồng nào cũng vậy thôi. Lớn lên một vài tí rồi mới hay, bản thân hơi ảo tưởng quá. Có mỗi anh chị tôi buồn cười tưng tửng vậy thôi. Có mà anh chị tôi mới là số ít.


Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sao buồn cười thế, sao vợ chồng sắp già, ở với nhau cũng đã hai mươi lăm năm, mà vẫn chẳng ngại ngùng gì khi nói với 2 cô con gái là mình yêu người kia như thế?

Chị chẳng xấu hổ thẹn thùng gì khi bảo với các con là "vì mẹ yêu bố"? Sao anh không ngại ngần gì khi nói "Bố yêu mẹ con"? Buồn cười lắm nhé, phải nhà người ta thì sẽ nói 'bố yêu ba mẹ con', nhưng anh thì không quen thế.

Nghĩ lại chuyện đôi vé. Gần đây chị thi thoảng có đi giảng bài kĩ năng sống cho học sinh phổ thông. Một trong những bài chị giảng, là về việc phải học cách chấp nhận những gì không thay đổi được trong cuộc sống. Trước tôi vẫn cứ nghĩ, lý thuyết là thế, nhưng thực hành được thì có mấy ai. Giờ thì đã nhìn thấy tấm gương rồi đấy.

Thay vì phàn nàn chì chiết cãi cọ nhau cho đã mất tiền còn thêm mệt người cáu kỉnh bực tức, chốt lại cũng ko thay đổi được gì, họ chọn cách bỏ qua nó để cùng nhau tận hưởng buổi tối. Tận hưởng âm nhạc, tận hưởng niềm vui, và cứ coi như là có thêm kỷ niệm, chuyện cười vui cho vài bữa tối.

Và họ - đôi vợ chồng đầu với hai mái đầu ngã bạc vẫn cứ yêu nhau thắm thiết lắm. Bữa cơm vừa xong, gia đình tôi lại vừa có một trận cười.

aFamily

vợ chồng, suy ngẫm


      © 2021 FAP
        1,281,639       485