Năm mới đến, lúc ta thêm một tuổi mới cũng là lúc bố mẹ cũng già thêm một tuổi. Những sợi tóc bạc, những nếp nhăn của bố mẹ in hằn theo năm tháng khiến lòng ta thảng thốt chỉ muốn thời gian dừng lại mà không thể được. Thời gian không chờ đợi ai cả! Vì vậy ta phải tự hứa với lòng mình, sẽ trân trọng những giây phút quý giá bên bố mẹ.
Háo hức đón Tết cổ truyền
Ngày Tết cổ truyền luôn là ngày tôi chờ đợi, háo hức nhất trong một năm. Đó là dịp cả gia đình đoàn tụ, quây quần, cười đùa, vui chơi thoải mái. Những buổi đi chợ Tết cùng bố mẹ, bạn bè thật khó quên. Những ngày gần Tết, không khí chợ quê thật sôi nổi, nhộn nhịp. Mọi người đua chen nhau vào chợ Tết. hàng hóa tràn ra cả lề đường nhưng không ai bực bội như ngày thường. Ai cũng đi chậm lại, nhìn ngắm và tranh thủ mua bán. Một năm lao động vất vả, mệt nhọc, một năm học tập căng thẳng, áp lực rồi cũng qua đi, để hướng tới một sự khởi đầu mới.
Tết trong tôi là những đêm cùng mẹ nấu bánh chưng, phụ mẹ rửa và lau lá dong. Ngồi nặn từng viên nhân đậu xanh và chò hõ cả đêm thức canh quanh bếp lửa bập bùng chờ bánh chín. Sáng mổ mắt thức dậy, thảng thốt vì bánh đã vớt tự lúc nào và nhìn nụ cười bao dung của mẹ chìa cho chiếc bánh gói riêng, nhỏ xíu.
Khi tiếng pháo bông đì đùng vang lên, bầu trời rộ hoa là lúc đám trẻ con chúng tôi đi vào mộng đẹp, trong lòng cũng thật tâm cầu chúc cho mọi người gặp được nhiều may mắn, có sức khỏe dồi dào cùng lời hứa học tập tốt... Sáng mùng một, có lẽ ngày Tết là ngày mà mọi người khoác trong mình những bộ cánh đẹp nhất trong một năm, trẻ con hớn hở rân lên những câu chúc Tết thuộc để với mong mỏi nhận được những bao lì xì đầy may mắn. Theo mẹ vào chùa hái lộc, thắp hương, để cầu mong một năm mới may mắn, an lành sẽ đến.
Tết thật là vui! Vậy mà chẳng hiểu sao, thi thoảng, trong những phút giây bận rộn chuẩn bị Tết, lại nghe mẹ cùng dì than “Lại Tết rồi! Sợ thật!”
Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ
Mãi đến ngày tôi lên xe hoa, rời quê theo chồng vào Nam, nhìn mẹ bịn rịn rướm nước mắt chỉ nghĩ mẹ thấy thương cảnh ngộ xa nhà. Cái Tết đầu tiên làm dâu, lúng túng đến bần thần chẳng biết bắt đầu từ đâu. Những cuộc điện thoại hỏi mẹ từng chi tiết để sắp xếp thứ tự mọi việc, từ trang hoàng nhà cửa, giặt giũ chăn màn, rèm cửa, sơn nhà lúc nào thích hợp, đến đi chợ mua sắm Tết, không chỉ áo quần mà còn trăm thứ tỉ mỉ, từ quà Tết biếu bố mẹ chồng, họ hàng, láng giềng đến các món của từng bữa ăn ngày Tết. Càng bận rộn, lo lắng bao nhiêu càng thấy thấm nỗi vất vả của mẹ ngày xưa, tỉ mỉ từng chút để cả nhà có được một không khí Tết vẹn tròn. Thậm chí, tới khi mẹ đã có tuổi, tôi đã trưởng thành sau nhiều năm tự lập lo Tết, nhưng chưa năm nào cái Tết của gia đình tôi thiếu sự chăm chút của mẹ. Biết con gái thích măng lưỡi lợn, nấm hương miền Bắc, mẹ ân cần gửi vào cùng bao lời yêu thương, mong nhớ.
Còn bạn thế nào? Bạn đã cảm ơn mẹ chưa? Không chỉ bằng hành động chăm lo vật chất, hãy thể hiện bằng lời nói và hành động ngay từ lúc này, bạn nhé!