Tình yêu hôn nhân

Vợ còng lưng kiếm tiền tiêu Tết, chồng thờ ơ khinh vợ là dân buôn

Từ lúc biết em buôn bán, anh không còn vui vẻ đưa em đi chơi vì anh không thích có vợ làm ăn buôn bán, với anh thì vợ phải làm ở công sở mới hãnh diện.

Hỏi:
Em năm nay 31 tuổi, vợ chồng em kết hôn từ năm 1999 đến nay được gần 7 năm, có hai đứa con rồi chị. Chồng em làm nhân viên văn phòng bình thường thôi, lương anh được 6,5 triệu, còn em làm kế toán lương 9 triệu. Nói thật với chị trong thời buổi này động cái gì cũng tiền thì với mức lương như vậy nuôi hai đứa con chẳng dư ra được đồng nào, đấy là chưa kể nhiều đám cưới hỏi rồi thăm nom nọ kia nữa. Em thấy cuộc sống như thế này mãi thì cũng quá bế tắc nên bàn với chồng là em xin nghỉ để đi buôn bán.
Ảnh minh họa
Chồng em nghe xong giãy nảy lên phản đối, tính anh sống rất an phận và ngại thay đổi. Anh muốn cuộc sống cứ thế mà trôi qua, giờ em nghỉ chưa biết kinh doanh thế nào anh sợ lại dồn khó khăn lên vai anh ấy. Sau bao nhiêu lần cãi nhau lên xuống, thậm chí giận nhau cả tuần thì em tự làm đơn xin nghỉ luôn và vay vốn bố mẹ để mở cửa hàng bán đồ ăn sẵn.
Em cũng là đứa khéo tay và sẵn việc biết chút ít về viết lách nên fanpage khá đông khách. Mỗi tháng trừ tất cả các khoản cũng được hơn 20 triệu tiền lãi, đó là em còn chưa quảng cáo nhiều. Nhưng bù lại thì em khá bận liên tục phải trả lời khách thậm chí cho đến đêm, rồi có hôm mưa gió cũng phải đi đưa hàng. Chồng em anh coi như không quan tâm đến, thậm chí rất khó chịu khi thấy em ít dành thời gian làm việc nhà. Anh cũng không còn vui vẻ đưa em đi chơi vì anh không thích có vợ làm ăn buôn bán, với anh thì vợ phải làm ở công sở mới hãnh diện.
Cận Tết, đơn đặt hàng nhiều tới mức em phải huy động cả mẹ em và em gái rồi em chồng ra để phụ giúp, nhưng anh vẫn nhởn nhơ chẳng đoái hoài, tối về mà nấu cơm muộn là anh hậm hực rồi gây sự với em. Em mệt mỏi em bảo thế này thì ly hôn đi, không ngờ anh nói luôn: “Ly hôn thì ly hôn, anh lấy ngay được một cô gái khác làm văn phòng như anh chứ không cần người buôn thúng bán mẹt như em”.
Em ức chế quá chị ạ, từ ngày em đi làm, tiền anh chẳng bao giờ đưa cho em đồng nào mà toàn đi uống rượu bia tụ tập bạn bè. Không có em xoay sở thì làm sao gia đình em kinh tế ổn định như thế này được. Chị cho em lời khuyên xem em có sai không?
Chị Tâm An trả lời:
Chào em!
Thật tiếc rằng cho đến ngày này giờ này không chỉ em mà rất nhiều người phụ nữ khác đang phải chịu sự bất công khi kiếm ra tiền nhưng lại bị chồng tỏ ra thờ ơ không chấp nhận công sức, có ông chồng thì vì sĩ diện không muốn vợ buôn bán (như chồng em), có ông chồng lại cho rằng chỉ anh ta mới là trụ cột gia đình…
Chị hiểu sự vất vả và tháo vát của em, bởi trong hoàn cảnh người khôn của khó hiện nay kiếm tiền không dễ dàng gì trong khi em dám dũng cảm bỏ việc ra để làm lại mọi thứ từ đầu. Trời đã không phụ lòng em, với sự thông minh khéo tay của em, em đã kiếm ra kinh tế và không những thế còn làm rất tốt. Ở trong hoàn cảnh này, lẽ ra chồng em nên tự hào vì có một người vợ giỏi giang như thế, nhưng ngược lại, em chỉ nhận được sự thờ ơ khó chịu và thái độ thiếu hợp tác của anh ta.
Tất nhiên, một cách công bằng nữa là cho dù bận công việc thì có lẽ em cũng phải sắp xếp thời gian hợp lý để chăm sóc con cái nhà cửa, có thể thời gian đầu khi mình chưa quen việc thì bận rộn, nhưng nếu tình trạng này cứ diễn ra liên tục và em mải kiếm tiền quên luôn cả gia đình hoặc thờ ơ không chú ý đến mọi thứ thì việc anh ấy có cáu giận cũng là điều có thể thông cảm. Tất nhiên chúng ta không thể chấp nhận sự coi thường khinh miệt từ anh ấy.
Về điều này, em cũng nên tìm cách chia sẻ khi cả hai bình tĩnh, tránh sự việc “anh coi thường tôi thì tôi cũng coi thường anh”, điều đó chỉ làm cho mối quan hệ của cả hai thêm căng thẳng. Em có thể nhờ người thân góp ý cho anh ấy để anh ấy hiểu chuyện. Còn nếu sau mọi sự cố gắng của em mà anh ấy vẫn tỏ ra vô trách nhiệm thì em hãy tự quyết định mọi chuyện em nhé, chị tin với sự thông minh của em, em sẽ đủ sáng suốt biết được con đường đi của mình ra sao.
Chúc em mọi sự thành công và tốt đẹp.
aFamily

tết, ly hôn, mâu thuẫn vợ chồng


      © 2021 FAP
        1,291,673       138