Tình yêu hôn nhân

Sững sờ trước tuyên bố của người chồng 10 năm mới gặp lại

Sau 10 năm mới gặp lại chồng, bà Nguyễn Thị B. ở Vĩnh Phúc, Hà Nội sững sờ với ý định của chuyến "viếng thăm" lần này.

Ông ta trở về đòi chia căn nhà nhỏ mà mẹ con bà đã vất vả nhịn ăn, nhịn mặc tích cóp để xây lên thay cho túp lều rách giữa đồng ngày ông bỏ gia đình ra đi.


Trốn làm chồng, làm cha, nhưng vẫn đòi chia nhà

Trốn làm chồng, làm cha, nhưng vẫn đòi chia nhà

Trốn làm chồng, làm cha, nhưng vẫn đòi chia nhà

Ngày ấy, trước khi ra đi, ông còn vùng vằng nói với bà: “Nhìn vợ người ta bán buôn hoạt bát mà thèm, vợ mình chỉ biết cắm mặt chổng mông với cây lúa nên cứ mãi nghèo hèn”. Nghe đâu, ông đi theo người tình già nhưng rất giàu, làm nghề buôn chuyến đường dài.

Nhiều đêm nằm ôm con trong túp lều rách giữa đồng, trống huơ trông hoác rét cắt da thịt, bà không biết cuộc đời mẹ con bà sẽ đi về đâu khi bỗng dưng thiếu vắng bóng dáng người chồng, người cha trong gia đình. Đã có lúc bà muốn chết cho xong nhưng nhìn vào mắt con bà lại không nỡ. Rồi cái khó ló cái khôn, gửi con lại cho mẹ, bà theo người làng ra Hà Nội vừa làm đồng nát vừa làm ô sin tích cóp từng đồng tiền lẻ.

Cứ thế, bà B. tảo tần vất vả đến ngày đứa con vào lớp 3 thì bà cũng đủ tiền xây được căn nhà hai tầng vững chãi thay thế cho túp lều rách năm xưa và mở thêm một quán bán tạp hóa nho nhỏ. Láng giềng ai cũng mừng cho mẹ con bà từ nay hết cảnh quấn vải mưa trong nhà cho ấm giữa mùa đông, hết cảnh xa nhau người thành phố, kẻ nông thôn.

Đùng một cái, căn nhà mới còn chưa ấm hơi người thì ông chồng đã chục năm không gặp tìm về. Ông ta trở về không phải để thăm vợ con mà để đòi chia đôi căn nhà. Lý do ông đưa ra là dù căn nhà được xây trên mảnh đất hồi môn của bà nhưng tiền xây nhà là tài sản chung của hai vợ chồng, nên phần ông cũng có một nửa và ông có quyền ở hay bán tùy thích. Còn nếu như bà B. muốn ở hết căn nhà thì phải đưa lại ông một khoản tiền coi như mua lại.

Bà B. đi từ ngạc nhiên đến uất ức. Không uất ức sao được khi bao năm nay hai mẹ con bà sống như thế nào ông cũng không quan tâm, bỗng dưng lại về đòi chia đôi ngôi nhà mà mẹ con bà đã vất vả nhịn ăn, nhịn mặc tích cóp để xây lên thay cho túp lều rách giữa đồng ngày ông bỏ gia đình ra đi. Ngay ngày hôm sau bà tức tốc lên tìm gặp chị cán bộ Hội Phụ nữ và được hướng dẫn tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội Liên hiệp Phụ nữ.

Muốn giữ được nhà phải ly dị?

Trường hợp của bà Nguyễn Thị B. ở Vĩnh Phúc không phải là hiếm gặp. Trong các vụ án dân sự về hôn nhân gia đình, có rất nhiều trường hợp người vợ/chồng bỏ nhà biệt tích đã rất lâu, nhưng khi “nghe ngóng” thấy người kia có khoản tiền hay xây được nhà là quay về yêu cầu chia với lý do vì chưa ly hôn nên vẫn là tài sản chung của vợ chồng.

Yêu cầu trái khoáy này tiếc rằng lại được pháp luật bảo vệ bởi hai lý do. Thứ nhất, pháp luật Việt Nam không thừa nhận vấn đề ly thân giữa hai vợ chồng nên những hệ quả về tài sản khi ly thân cũng đương nhiên là không có. Thứ hai, mặc dù như trường hợp của bà B.  hai vợ chồng đã không sống chung với nhau chục năm nhưng vì vẫn chưa làm thủ tục ly dị nên xét về khía cạnh pháp lý, giữa họ vẫn còn tồn tại quan hệ vợ chồng và được pháp luật công nhận.

Quay lại với câu chuyện của bà B., tại Trung tâm Tư vấn pháp luật bà B. được tư vấn theo Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung vợ chồng thì “tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng…”.

Bà B. và chồng tuy mỗi người có một cuộc sống và tự tạo lập tài sản cho riêng mình trong khoảng thời gian khá dài và bằng chứng là bà B. đã tích cóp được cho riêng mình một khoản tiền nhỏ để xây ngôi nhà, tuy nhiên, do giữa hai vợ chồng bà B. vẫn tồn tại quan hệ hôn nhân nên theo quy định pháp luật hiện hành thì khối tài sản này vẫn được xem là tài sản chung của cả hai người. Do đó, chồng bà B. vẫn có quyền đồng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với căn nhà này.

Theo lời khuyên của luật sư, bà B. cần tiến hành thủ tục ly hôn với chồng và khi đó tại tòa, căn nhà sẽ được chia theo thỏa thuận giữa hai vợ chồng. Còn nếu như không thỏa thuận được thì nhờ Tòa án giải quyết vì về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này.

Với một người phụ nữ nông thôn như bà B., “đáo tụng đình” là việc làm cực chẳng đã, nhưng vì không muốn mất căn nhà do mồ hôi nước mắt của mình tạo lập vào tay người đàn ông bội bạc, bà đành nghe theo, nhưng theo lời bà thì bà cũng rất ân hận bởi đã không hiểu biết pháp luật, cũng như trước đây không quan tâm đến việc làm thủ tục ly dị bởi cho rằng đó chỉ là hình thức, mất thời gian.

aFamily

ly hôn, ly dị


      © 2021 FAP
        1,292,348       198