Tình yêu hôn nhân

Cặp vợ chồng hiếm muộn với hành trình vừa tìm con, vừa làm giàu từ tay trắng

Hiếm muộn 7 năm, lập nghiệp từ tay trắng nhưng vợ chồng anh Tiến, chị Bình vẫn hết lòng thương yêu nhau.

Đó là số phận éo le và đáng ngưỡng mộ của cặp vợ chồng chị Hoàng Thị Thanh Bình (34 tuổi, quê quán: Đông La, Hoài Đức, Hà Nội).
Từ thuở tay trắng cùng nhau làm giàu
Hỏi thăm, chúng tôi tìm đến vườn lan của chị Bình trong một buổi sáng cuối xuân. Khu vườn nằm ở một con phố sầm uất thuộc quận Hà Đông, Hà Nội. Chúng tôi khá bất ngờ trước quy mô và độ tươi đẹp của vườn lan mà vợ chồng chị Bình đang chăm sóc.
Nhìn vào số tài sản hiện nay mà anh chị đang có trong tay: một ngôi nhà ba tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi và hai vườn lan rộng 500m2 + 100m2 nằm trên con phố sầm uất của quận Hà Đông, Hà Nội với thu nhập trung bình mỗi năm của anh chị khoảng 700 - 800 triệu, ít ai ngờ được cách đây 10 năm, khi hai anh chị mới cưới nhau, họ không có một đồng nào trong tay, lại rơi vào cảnh hiếm muộn 7 năm mới được làm cha, làm mẹ.
Chị Bình kể, năm 2006, khi mới cưới anh Tiến, lúc đó chị đang là công nhân của một xưởng may, còn anh Tiến làm kỹ thuật viên của một công ty điện lực. Lương tháng của hai vợ chồng cộng lại chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt hàng ngày và tiết kiệm một chút phòng khi ốm đau. Anh Tiến là con trai thứ 2 trong một gia đình đông anh chị em. Anh trai cả của anh Tiến khi đó cũng mới bắt tay vào lĩnh vực chăm sóc và buôn bán hoa lan nên dịp nào đông khách, vợ chồng chị Bình lại tới phụ giúp.
Lúc mới đầu, anh chị chỉ đi trông coi và quản lý vườn lan cho anh chồng. Tiếp xúc nhiều, cả hai vợ chồng đều nhận thấy nghề này cũng thú vị nên chị bàn với anh thuê lại cửa hàng của anh chồng.
Công việc kinh doanh của anh chị ban đầu gặp khá nhiều khó khăn bởi cả hai chưa tích lũy được kinh nghiệm trong nghề. Trong khi đó sức khỏe của anh Tiến không được tốt, anh không thể bươn chải lên rừng tìm lan hàng tuần được. Vì thế anh vẫn ở lại làm cho nhà máy điện, chỉ khi nào có khách đặt hàng mới lên rừng một chuyến.
Sau đó, phần vì xa nhà nhớ vợ, phần vì khách hỏi mua lan ngày càng nhiều nên anh Tiến nghỉ hẳn công việc ở nhà máy điện mà về đi theo một số anh em trong nghề lan học hỏi. Thấy anh một mình loay hoay bận rộn, vừa quản lý cửa hàng, vừa phải đi tìm nguồn hoa nên chị cũng bỏ việc ở xưởng may, về cùng anh làm giàu.
“Cái nghề nó chọn mình hay sao ấy. Chỉ vài ngày chị đã quen thuộc với các giống lan, biết cách trồng cây vào chậu, ghép cành vào gỗ, được khách rất thích”, chị Bình cười nói.
Thuê cửa hàng được 2 năm, anh chị dồn hết vốn liếng (khoảng hơn 100 triệu) mua lại cửa hàng và bắt đầu mở rộng mạng lưới kinh doanh của mình. Ban đầu là khách quen mua lẻ, về sau bắt đầu có khách mua buôn. Lúc này vợ chồng chị nhập giống và hoa từ bên Thái Lan và Lào về chăm sóc, đồng thời bán cho khách mua buôn. Công việc làm ăn cũng bắt đầu sinh lãi. Cứ thế, với sự chịu thương chịu khó và đồng lòng của hai vợ chồng, cửa hàng hoa lan của anh chị ngày càng ăn nên làm ra. 
Cửa hàng đi vào ổn định nhưng mỗi ngày trở về, thiếu vắng tiếng trẻ con khiến căn nhà rất trống trải. Chị nói “Lúc đó khát khao có một đứa con vô cùng. Nhìn con nhà người khác thấy thích lắm. Thèm được ôm một đứa trẻ thuộc về mình mà không có. Chạnh lòng và tủi thân lắm”. Anh Tiến cũng thường xuyên thở dài, vì thế mà chị phải cố kìm nén không thể hiện ra ngoài để không làm anh thêm buồn.
Vợ chồng hiếm muộn
Chị Hoàng Thị Thanh Bình.
Vợ chồng hiếm muộn
Anh Hoàng Ngọc Tiến.
Và hành trình 7 năm tìm con
Lấy nhau về được hơn 2 năm, anh chị vẫn không thấy có con. Đi khám thì bác sĩ cho biết nguyên nhân từ phía anh Tiến. Biết điều đó, anh mặc cảm lắm. Có một thời gian chị đã phải động viên anh rất nhiều. Mẹ chồng và các anh các chị cũng thương cảm cho vợ chồng chị. Cả phía bên nhà mẹ đẻ chị cũng khuyên chị suy nghĩ lạc quan lên.
Không thể thụ thai theo cách bình thường, anh chị đã cùng nhau đi cấy ghép thụ tinh nhân tạo. Từ năm 2009 đến năm 2012, chị thụ tinh 3 lần, song có 2 lần không thành công. Đến lần thứ ba, cơ duyên trời cho, chị mang bầu bé Bil.
Chị Bình kể, năm 2009, vợ chồng chị bắt đầu đi làm các xét nghiệm cơ bản ở khoa Mô Phôi, thuộc bệnh viện 103. Ở đó trả kết quả khá chậm nên chị phải chờ 1 năm các bác sĩ mới cho làm cấy ghép. Nhưng chưa đến 10 ngày chị đã bị sẩy.
Sau chị nghe người quen giới thiệu một trung tâm tư nhân trong Sài Gòn, anh chị bay vào trong đó để thử vận may. Công việc chị gác lại hết, tiền để dành được bao nhiêu hai vợ chồng đều dồn hết cho những chuyến đi đó. Mỗi lần thụ tinh nhân tạo, dù thành công hay không thì cũng tiêu tốn vài chục đến cả trăm triệu.
Vào Sài Gòn, chị chỉ làm xét nghiệm vài ngày là có kết quả, bác sĩ cũng chọn lựa rồi cấy ghép cho chị nhưng chưa được bao lâu lại thất bại. Những ngày đó chị vừa áp lực vừa buồn. May mà có anh luôn bên cạnh động viên, an ủi. Anh bảo chị đừng suy nghĩ gì, anh là con thứ, nhà lại đông các cháu nội ngoại trai gái có đủ. Anh không phải chịu áp lực dòng họ gì đâu. Biết là thế nhưng người phụ nữ nào chẳng ao ước được làm mẹ. Chị biết bản thân anh Tiến cũng khao khát được làm cha vô cùng.
Thời gian đó, mặc dù chị bị tiêm nhiều thuốc kích thích trứng, bầm tím hết một vùng bụng, nhưng chị không cảm thấy đau đớn gì. Cứ như có một luồng sức mạnh bộc phát trong người giúp chị vượt qua tất cả. Mong muốn có con mãnh liệt đến mức nhường ấy! Chả thế mà vừa khỏe được chút, mấy tháng sau anh chị lại bay vào trong Sài Gòn thử tiếp.
Lần đi thụ tinh thứ 3 trong Sài Gòn, đi theo vợ chồng chị còn có cô em gái ruột của chị. Làm cấy ghép xong đến hơn 10 ngày sau, chị vẫn không thấy có dấu hiệu gì. Anh Tiến có việc bận ngoài cửa hàng nên phải bay về Hà Nội trước, em gái ở lại với chị. Đến ngày thứ 14, theo lịch hẹn, chị đi thử máu xem có thành công hay không. Bác sĩ bảo phải 1 ngày sau mới có kết quả. Nhưng trên đường về nhà, chị vẫn tò mò mua que thử thai ngay trong chiều hôm đó. Trái với nỗi mong mỏi của chị, que thử chỉ báo 1 vạch.
“Nhìn thấy 1 vạch, buồn lắm, đã vứt que vào thùng rác rồi mà lúc sau lại nhặt lên xem, nhưng vẫn thấy chỉ có 1 vạch. Mình ngồi ôm mặt khóc trong nhà vệ sinh, nghĩ sao mà số khổ thế không biết. Lần này mình cảm thấy hết hy vọng thật rồi, chắc cả đời không có con. Đêm đó nằm trên giường mà không sao ngủ được nên dậy lục thùng rác xem lại. Lúc này lại thấy que hiện 2 vạch, mặc dù có một vạch hơi mờ. Tưởng mong mỏi có con quá nên bị hoa mắt, mình chạy vào phòng lay gọi em gái dậy hỏi xem có phải 2 vạch không? Em gái vừa xem xong đã reo lên rằng đúng là 2 vạch, lần này chắc chắn là thành công rồi. Mặc dù không dám tin là sự thật song trong lòng mình lại nhen nhóm hy vọng”, chị Bình bồi hồi nhớ lại.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, người của trung tâm gọi điện đến chúc mừng chị đã có thai. Lúc đó chị mới thật sự thả lỏng tâm trí. Hai chị em đã ôm nhau khóc rất lâu.
Sau đó chị phải làm rất nhiều xét nghiệm khác nữa. Nào là xem bào thai có nằm trong tử cung không, có tim thai không, có bị dị tật ống thần kinh không... Qua thời kỳ đó, chị lại bị nôn nghén không ăn uống được gì. Để giữ an toàn, chị không dám đi xa, cũng không dám làm bất kỳ việc nặng nào. Vợ chồng chị ở trọ trong Sài Gòn 4 tháng, tiêu tốn khá nhiều tiền của, còn cửa hàng kinh doanh hoa lan ngoài Bắc phải đóng cửa.
Thời gian này, mặc dù mang tiếng là đi chăm vợ mang bầu nhưng anh Tiến do phải bay đi bay lại hai nơi, thay đổi thời tiết thất thường nên ngã bệnh, phải nằm viện một tháng. Bao nhiêu vất vả dồn nén khiến có lúc chị cảm thấy kiệt sức. Song vì đứa con trong bụng và dưới sự động viên của anh Tiến, chị cũng đã vượt qua hết thảy.
Từ lúc mang bầu, nội tiết tố của chị thay đổi, chị trở nên nóng tính lắm (cười), song anh luôn chiều theo mỗi cơn nóng nảy thất thường của chị. Có lần chị nóng quá, anh Tiến phải chờ chị dịu đi rồi ngồi lại nói chuyện với chị. Chính anh nói với chị rằng, anh hiểu tính tình chị thay đổi như vậy vì phải tiêm quá nhiều thuốc kích thích hoocmon. Và anh mong chị những lúc như vậy hãy cố gắng bình tĩnh trở lại, trước là để tránh ảnh hưởng đến con, sau là vì sức khỏe và tinh thần của chị.
Lúc đó chị rất cảm động, cảm thấy yêu và thương chồng rất nhiều, chị biết ơn vì anh đã thông cảm và chia sẻ với chị vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Có lẽ vì đã cùng nhau vượt qua mọi thử thách gian nan nhất từ ngày cưới nhau nên anh chị tâm sự, đến bây giờ, cả hai càng thấy trân trọng nhau nhiều hơn.
Cuối năm 2012, chị Bình sinh bé Bil - một bé trai rất kháu khỉnh, đáng yêu. Vậy là hành trình 7 năm tìm con đầy gian nan của cặp vợ chồng hiếm muộn này đã có kết quả xứng đáng. “Tương lai, mình vẫn muốn có thêm một bé nữa nhưng anh Tiến sợ mình mệt nên ngăn cản. Tuy nhiên, mình nghĩ sẽ tìm cách thuyết phục chồng để thử vận may tiếp”, chị Bình vui vẻ cho biết.
aFamily

      © 2021 FAP
        1,203,857       824