Tình yêu hôn nhân

Nhiều nàng dâu “rên” lên vì Tết

Tết đến là niềm vui, hạnh phúc của nhiều người, nhưng không ít nàng dâu lại sợ Tết, thậm chí nhắc đến Tết là “rên” lên.

Quanh năm suốt tháng tất bật làm đầu bếp, đến Tết cứ tưởng được rảnh rang hóa ra chị em vẫn cắm mặt vào bếp.

Tết chỉ “cắm mặt vào bếp”

Ngày còn là con gái, Tết với chị Trần Thị Thơm, 26 tuổi (Hà Đông, Hà Nội) thường là dịp nghỉ ngơi theo đúng nghĩa. Những ngày Tết, chị chỉ dành để ăn, ngủ rồi lại đi chơi. Thậm chí, chị có thể còn đi chơi suốt từ đêm giao thừa cho đến trưa mùng 1 mới về nhà ngủ. Nhưng sự sung sướng ấy của chị đã chấm dứt ngay từ cái Tết đầu tiên chị về làm dâu.

Hai vợ chồng sống và làm việc tại Hà Nội nhưng dịp Tết là phải về quê chồng ở Nam Định. Ngay cái Tết đầu tiên mẹ chồng đã trao hết “quyền” cho con dâu mới. Từ mua sắm, dọn dẹp nhà cửa đến trang trí bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị cỗ bàn… Dù là một đầu bếp nhưng mấy ngày tết ở quê chồng, chị cũng không khỏi ngao ngán.

Chồng là con trưởng nên mọi việc đều do hai vợ chồng quán xuyến. Về từ 27 Tết, chị phải một ngày quét dọn, 1 ngày mua sắm, 1 ngày trang trí. Luôn chân luôn tay nhưng cứ đêm 30 Tết vẫn lọ mọ làm gà, ninh măng, chuẩn bị đồ để sáng Mùng 1 tiếp mấy mâm khách. Mấy năm chuẩn bị xong cỗ cũng đã gần giao thừa, mệt quá tôi lăn ra ngủ luôn chả còn thiết xem pháo bông gì nữa. Ngày thường đã tất bật với việc bếp, Tết đến lại vất vả hơn. Giờ cứ nghĩ đến Tết là tôi lại rùng mình, Tết của người ta là đoàn viên, còn Tết với tôi là cực hình, là đi hành xác” – chị bảo.

Chả là quê chị thường có thói quen đi chúc Tết từ sáng sớm. Bởi vậy, mẹ chồng thường dặn chị ngày mùng 1 Tết phải dậy từ 5 giờ sáng vào bếp để chuẩn bị bữa sáng rồi chờ đón khách. Một mình chị lo chuẩn bị cỗ, khách đến chúc Tết chị mới được mẹ chồng gọi lên lì xì, xong lại quay vào bếp chuẩn bị cơm nước. Bữa ăn kéo dài vài tiếng đồng hồ, cứ người này ăn xong đi về lại có người khác sang chúc Tết. Vừa rửa bát bữa trưa thì lại chuẩn bị bữa tối. Ba ngày Tết từ Mùng 1 đến Mùng 3, hôm nào cũng nấu, sắp mâm, dọn mâm, rửa bát như thế vì nhà con trưởng lại đông anh em. Công cuộc nấu nướng, bưng bê rửa bát kéo dài đến ngày mùng 6, hai vợ chồng lên xe ra Hà Nội. Vậy là quanh năm nấu nướng, Tết được nghỉ ngơi thì chị vẫn phải “cắm mặt vào bếp”.

Nhắc đến Tết, bà mẹ một con Hoàng Thị Hà ở Thanh Xuân (Hà Nội) cũng rên lên. Tết đến, cả gia đình cũng phải khăn gói về quê ăn chồng từ 29 Tết đến hết mùng 5 mới lên Hà Nội đi làm.

Tết ở quê chồng, riêng khoản cỗ bàn đã là một nỗi kinh hoàng với chị. Năm nào, chị cũng phải cố động viên bản thân “cả năm có mấy ngày Tết nên cố chịu đựng”. Bởi ngay từ sáng sớm 30, chị làm cật lực vì phải có trách nhiệm làm cơm, chuẩn bị đồ cúng chiều 30 Tết và cho sáng mùng 1. Tối 30 Tết, chị phải tranh thủ mổ thịt mấy con gà, chuẩn bị mâm cơm cúng giao thừa sau đó dọn dẹp lần nữa cho sạch sẽ. Làm xong hết những việc này cũng là gần đến giao thừa.

Trước Tết đã vất vả là vậy nhưng mấy ngày Tết ở nhà, chị cũng chẳng khác ô sin. Hễ người nào đến chơi, bố mẹ chồng cũng mời ăn. Nhiều khi cuống cả lên vì chưa hết đoàn này đã đến đoàn khác. Và người “chịu trận” cuối cùng là chị. Chưa kể phải chịu nhiều ức chế khác nữa. “Mình đang thuyết phục chồng, năm nay cho mẹ con đi du lịch Sài Gòn dịp Tết. Như vậy vừa tránh được lạnh vừa được nghỉ ngơi thực sự, đỡ phải về quê ăn Tết” – chị hứng khởi nói.

Nhiều nàng dâu “rên” lên vì Tết 1

Mất ăn mất ngủ vì lo Tết

Cũng phải lo đến chuyện nấu nướng, cỗ bàn như chị Thơm, chị Hà nhưng chị Trần Thị Tâm (Hưng Yên) lại còn phải nghĩ đến khoản góp Tết với gia đình chồng. Từ ngày về làm dâu 4 năm nay, năm nào vợ chồng chị dù có về ăn Tết ở quê hay không cũng phải lo một khoản cho bố mẹ chồng. Khoản “lễ” ấy bao gồm một giỏ quà Tết kèm thêm một cái phong bì nhiều thì gần chục triệu, còn ít cũng bằng cả tháng lương của chị. Nếu chỉ có hai vợ chồng son thì còn đỡ nhưng năm nay, chị mới sinh thêm một bé gái, các khoản chi của gia đình cũng đã mất nhiều. Vì thế mà cứ ai hỏi chuyện mua sắm Tết, chị lại thấy “sợ”.

Chỉ còn vài ngày nữa là Tết, chị Hồng cũng mất ăn mất ngủ vì lo Tết bởi tiền thưởng của hai vợ chồng năm nay ít hơn nhiều so với dự tính. Chồng chị quê ở Thanh Hóa, vốn là con trai lớn trong nhà, lại mang danh cháu đích tôn nên việc lo Tết đối với hai vợ chồng chị càng nặng nề hơn.

Một tay chị phải lo quán xuyến công việc gia đình vì cuối năm công việc của chồng chị càng bận hơn. Từ lễ lạt nhà thờ họ, quà biếu bố mẹ hai bên, ông bà nội ngoại nhà chồng, các cháu… Chỉ riêng chuyện quà cáp đã khiến chị phải mệt vì cân đối sao cho hợp với khoản tiền của hai vợ chồng và quà cáp không được làm mất lòng mọi người.

Chị kể, năm vừa rồi mới về làm dâu đúng dịp cận Tết. Vì chưa có kinh nghiệm nên chị chuốc bao tiếng xấu, nào là kẹt sỉ, không biết trên biết dưới chỉ vì chuyện quà cáp. Rồi ngay ngày mùng 1 đã nghe trận mắng đỏ mặt vì cho là không biết ứng xử. Khách đến không vồ vập, chuyện trò thì bị chê là kiệm lời, còn nói nhiều thì lại bảo dông cả năm. Thật tình lúc ấy bỡ ngỡ, chẳng biết cư xử thế nào nên bị bố mẹ chồng mắng.

Năm nay để lo hết cái Tết, hai vợ chồng phải tiết kiệm trước từ vài tháng mới đủ. Chị Hồng than thở: “Sống ở thủ đô cái gì cũng đắt đỏ, tiết kiệm lắm mới dư ra chút ít, thế mà cứ Tết đến là bao nhiêu dành dụm, gom góp cả năm trời coi như hết. Được tiếng hai con làm nhà nước ở Hà Nội, bố mẹ chồng lại kỹ tính nên cũng muốn đẹp mặt, trước Tết là dặn dò con dâu phải đi Tết thế nọ thế kia, không cư xử chỉn chu là xấu mặt gia đình. Dù khó khăn, hai vợ chồng vẫn phải cố. Nghĩ đến về quê chồng ăn tết năm nay mà hoảng”.

aFamily

      © 2021 FAP
        1,205,108       1,937