Tình yêu hôn nhân

Chồng vào bếp: Chuyện thường ngày hay xa xỉ?

Chồng vào bếp, không chỉ là ý thức san sẻ công việc nhà với vợ mà còn là thứ gia vị quý giá giúp tăng thêm nhiều niềm vui và hạnh phúc cho cuộc sống gia đình.

Các ông chồng vào bếp – chuyện quen thuộc mà cũng có thể là điều xa xỉ đối với nhiều gia đình hiện đại. Cuộc sống bận rộn và suy nghĩ quá nặng nề đến cái tôi cá nhân khiến không ít tổ ấm nhỏ dường như mất hẳn điều thú vị nho nhỏ này. Trên thực tế, việc cùng vợ vào bếp không chỉ là ý thức san sẻ công việc nhà với vợ mà còn là thứ gia vị quý giá giúp tăng thêm nhiều niềm vui và hạnh phúc cho cuộc sống gia đình.

Cùng theo dõi ý kiến của các nhân vật tuần này để biết thêm nhiều chia sẻ thú vị về chuyện các ông chồng vào bếp!

Vào bếp chẳng liên quan đến sĩ diện đàn ông

Giống như Thu Hiền, Nguyễn Thị Trang, 19 tuổi cũng hoàn toàn ủng hộ việc các ông chồng vào bếp: “Đã là vợ chồng thì có thể chia sẻ giúp đỡ nhau tất cả các công việc nhà, kể cả bếp núc. Mình nghĩ bây giờ đã là thế kỷ 21 rồi, rất không nên nếu cứ còn phân biệt giữa công việc của đàn ông và đàn bà”.

Chồng vào bếp: Chuyện thường ngày hay xa xỉ? 1

Nguyễn Thị Trang, 19 tuổi

Đã kết hôn và có một cậu con trai 1 tuổi, Trang cho hay bản thân mình cũng cảm thấy vui và hạnh phúc nếu có chồng vào bếp cùng vợ. “Do đặc thù công việc mà ngày nào chồng em cũng đi làm từ sớm, đến tối muộn mới về. Từ ngày cưới đến nay, số ngày chồng nghỉ ở nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay vì bận cửa hàng, vì vậy nên công việc nhà đều do em đảm nhận. Tuy chồng không có thời gian nấu ăn cùng vợ nhưng bù lại những khi vợ mệt, bầu bí nghén ngẩm thì chồng cũng không ngại cơm nước, rửa bát”, Trang chia sẻ.

Từ nhận xét việc các ông chồng vào bếp là điều hiển nhiên và bình thường, Trang cũng cho rằng việc vào bếp chẳng có chút liên quan gì tới sĩ diện của đàn ông cả. “Việc chồng vào bếp thì không nên bắt ép hay phụ thuộc, mình nghĩ vậy. Nếu chị em phụ nữ tự làm được tất cả thì cứ làm, khi nào cần sự trợ giúp thì có thể nhờ vả đến chồng. Mình cũng không cần một người chồng chỉ biết răm rắp làm việc nhà, trong khi vợ thảnh thơi ngồi chơi đâu. Nhưng chỉ cần lúc nào vợ cần thì chồng luôn sẵn sàng giúp đỡ là hạnh phúc rồi”, Trang cho hay.

Các con rất thích cơm bố nấu

Vừa kỷ niệm tròn 5 năm ngày cưới, Lê Thị Thu Hiền, 26 tuổi tự nhận mình là một người phụ nữ may mắn hơn nhiều người khi có một gia đình trọn vẹn bên chồng hiền, con ngoan. Nói về chuyện vào bếp của chồng, Hiền cho hay do đặc thù công việc của chồng nên hay phải đi làm xa nhà, tuy nhiên mỗi khi ở nhà thì hai vợ chồng thường cùng nhau chuẩn bị cơm nước.

Chồng vào bếp: Chuyện thường ngày hay xa xỉ? 2

Gia đình nhỏ của Lê Thị Thu Hiền, 26 tuổi

Ở nhà mình, việc chồng xắn tay áo vào bếp là bình thường, hai vợ chồng toàn cùng nhau nấu cơm. Trong bếp thì nếu chồng cắm cơm thì mình nhặt rau, vợ nấu một món thì chồng nấu một món. Nói chung là mỗi người một tay một chân, chồng làm việc này thì vợ việc kia chứ không nhất định là phải làm việc nào cả”, Hiền chia sẻ.

Theo cảm nhận của Hiền thì việc có chồng cùng vào bếp sẽ khiến tình cảm gia đình thêm gắn bó khi có sự san sẻ cho nhau: “Mỗi lần chồng cùng vào bếp, mình thấy rất vui. Bữa cơm cũng trở nên vui vẻ, đầm ấm hơn. Đặc biệt các con rất thích cơm bố nấu”.

Ngoài việc cơm nước, Hiền cũng vui vẻ tâm sự mình và ông xã cũng thường san sẻ tất cả các công việc nhà: “Vợ chồng mình thường không bao giờ phân chia công việc vì có việc gì cả hai cũng đều cùng nhau làm, tự nhìn thấy và biết việc thì sẽ làm chứ không cần chia việc gì hết”.

"Giúp... vợ hàng xóm mới ngại chứ vợ mình thì sao phải xấu hổ!"

Kết hôn được gần 4 năm, và có một nhóc tì 3 tuổi, Đỗ Thùy Ninh (30 tuổi) cho hay việc chồng vào bếp nấu nướng ở nhà mình vốn là chuyện thường ngày: “Chồng mình thường xuyên giúp vợ, kể cả việc nấu cháo, nấu bột cho con. Có khi ăn đêm thì vợ thích ăn gì chồng sẽ dậy nấu. Chắc có lẽ vì thấy vợ gầy gò nên chồng hay tẩm bổ”.

Chồng vào bếp: Chuyện thường ngày hay xa xỉ? 3

Đồ Thùy Ninh, 30 tuổi

Theo quan điểm cá nhân, Thùy Ninh cho hay bản thân việc đàn ông vào bếp sẽ giúp cho tình cảm vợ chồng gắn bó hơn, và việc này cũng chẳng có gì để các anh phải xấu hổ cả. “Phụ nữ đâu cần gì nhiều đâu, chỉ những điều nhỏ nhặt cũng khiến vợ vui và hạnh phúc rồi. Mình nghĩ là giúp vợ hàng xóm thì mới ngại chứ nếu là vợ mình, là người đầu ấp tay gối cùng chia sẻ vui buồn thì có việc gì đâu phải xấu hổ nhỉ?”, Ninh vui vẻ nói.

Nói về những mặt tích cực khi có chồng cùng chia sẻ việc làm bếp, Thùy Ninh kể: “Mình cũng thích vào bếp nấu cho chồng những món ăn ngon. Nhưng khi hai vợ chồng cùng vào bếp nấu nướng, trò chuyện, nêm nếm gia vị, cùng nhận xét một món ăn mới thấy thú vị. Nhờ đó mà bữa cơm gia đình gắn bó và vui hơn rất nhiều. Hơn nữa, con đứng ở ngoài thấy bố mẹ làm thế cũng hay lắm, cũng vào đòi con nhặt rau, con rửa bát, con bê nồi cơm”.

aFamily

      © 2021 FAP
        1,206,488       741