Những buổi sáng ở nhà, hai vợ chồng Vân dậy đi ăn sáng xong xuôi rồi kiểu gì cũng phải quay về đón mẹ chồng ngồi café đâu đó. Nhìn cảnh mẹ chồng nàng dâu ngồi cùng nhau, nhiều người liên tưởng đến hai người bạn nhiều hơn là hai người phụ nữ ở bên kia chiến tuyến.
Giữa một loạt chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt” của mẹ chồng - nàng dâu, câu chuyện làm dâu của Trần Thu Vân (26 tuổi, Đường Thành, HN) được xem như “hàng hiếm”. Hơn 7 năm sống cùng nhà chồng, chưa khi nào nghe mẹ chồng
nàng dâu lời ra tiếng vào, thậm chí Vân còn chẳng mảy may nghĩ đến chuyện hai vợ chồng ra riêng dù đó luôn là mơ ước của rất nhiều nàng dâu khác.
Thu Vân và mẹ chồng.
Gặp Vân khi cô đang bận rộn sắp xếp hàng mới tại cửa hàng thời trang nhỏ của hai vợ chồng, mẹ chồng Vân cũng ở đó cùng kiểm tra đồ với con dâu. Thi thoảng, hai mẹ con lại trao đổi về mẫu áo mới nhập, ướm thử đồ cho nhau…. trông khá tình cảm. Ai cũng phải bất ngờ khi biết Vân lấy chồng từ thuở 19, phải học cách làm dâu ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.
Vân kể, chẳng biết từ khi nào cứ mỗi buổi sáng khi Vân không phải đi nước ngoài lấy hàng, hai vợ chồng thức dậy chở nhau đi ăn sáng rồi kiểu gì cũng phải đón mẹ chồng ngồi café ở đâu đó.
Bác Tuyết Anh – mẹ chồng Vân năm nay đã là U50 nhưng ngoại hình trẻ trung và phong cách chẳng thua kém thanh niên. Đôi khi, nhìn cảnh mẹ chồng nàng dâu ngồi café cùng nhau, nhiều người liên tưởng đến hai người bạn, hoặc chí ít cũng là mẹ con ruột, chứ không phải ở vị trí mà người ta hay ví von như ở hai đầu “chiến tuyến”.
Thắc mắc với Vân về hoàn cảnh “hiếm có khó tìm” của gia đình, cô cười và nói có những thói quen nhỏ của cả nhà đã được mọi người cùng giữ từ bao năm nay, còn về chuyện
làm dâu, Vân chỉ ngắn gọn “sống trải lòng mình ra, cho đi thế nào thì sẽ nhận lại được như thế”.
Cuộc trò chuyện với nàng dâu phố cổ Trần Thu Vân diễn ra trong một ngày thu Hà Nội, nhẹ nhàng như việc làm dâu của cô vậy.
Chào Vân, chắc hẳn ai cũng phải ngạc nhiên khi biết Vân mới 26 tuổi mà đã làm mẹ của 3 nhóc tì cùng với hơn 7 năm kinh nghiệm làm dâu nhỉ?
- (Cười) Mình lấy chồng khá sớm. 19 tuổi mình đã "theo chàng về dinh" và đến nay 26 tuổi, vợ chồng mình đã có 3 nhóc tì đáng yêu. Chồng mình là Anh Vũ, 32 tuổi. Hiện hai vợ chồng đang kinh doanh cửa hàng quần áo thời trang. Từ ngày về làm dâu, mình sống chung với nhà chồng ở phố Đường Thành, đến nay cũng được hơn 7 năm rồi.
Thu Vân lấy chồng từ năm 19 tuổi, đã có 7 năm kinh nghiệm làm dâu.
Vân và 2 cô con gái lớn.
3 nhóc tì dễ thương của Thu Vân.
Hai vợ chồng Thu Vân - Anh Vũ.
Làm dâu ở cái tuổi đang còn “ăn chưa no, lo chưa tới”, chắc là Vân cảm thấy bỡ ngỡ nhiều lắm?
- Mình lấy chồng sớm, yêu ông xã được khoảng 8, 9 tháng là đã làm đám cưới rồi, cuối năm đó thì sinh em bé luôn. Trước khi cưới thì cũng hay về nhà nhau chơi, nên phần nào cũng biết gia đình chồng dễ tính. Mình còn nhớ ngày mới yêu ông xã,
mẹ chồng tương lai hay bảo con dẫn người yêu về nhà, trước hết là để xem gia đình bên ấy ăn ở thế nào, cách sống có hợp với mình không chứ không nhỡ đến khi cưới rồi mà mẹ chồng chẳng biết con dâu mà con dâu cũng chẳng biết gì về mẹ chồng thì làm sao mà hòa hợp nổi.
Tất nhiên khi mới lấy chồng thì ai cũng cảm thấy bỡ ngỡ nhưng vì mọi người đều dễ nên mình cũng hòa nhập được luôn, mẹ chồng – nàng dâu ngay từ đầu gần như đã không có khoảng cách. Mẹ chồng mình không có thói quen soi xét con cái ăn ở ra sao, mà chỉ bảo là giao hết cho con được tự do nhưng phải là tự do trong khuôn khổ. Vì vậy, vợ chồng cũng hiểu để không được làm những gì vượt quá phép tắc, nếu muốn thì phải hỏi ý kiến mẹ đồng ý thì mới làm.
Ngày đầu tiên ra mắt nhà chồng, bạn có ấn tượng gì về mẹ chồng tương lai?
- Trước đám cưới, mình qua nhà chồng tương lai chắc khoảng vài chục lần gì đó. Lần đầu tiên mình gặp mẹ chồng tương lai là đúng ngày sinh nhật cậu em. Ngày ấy, bác niềm nở hỏi han mọi thứ nhưng cũng chỉ coi như giới thiệu bạn bè bình thường chứ không phải là một cuộc
ra mắt trịnh trọng để phải khiến mình phải chuẩn bị mọi thứ hoàn hảo.
Thường thì mọi người hay đánh giá người khác theo bề ngoài, ví dụ như nhìn ngoại hình có thể nhận xét là: ôi, sao nhìn nó ghê gớm thế, sao nhìn nó thế này thế kia… Nhưng mẹ chồng mình thì khác, bà đánh giá qua sự việc. Mẹ chồng mình cũng có lối suy nghĩ rất hiện đại, như bà hay bảo mọi người: bây giờ chúng nó trẻ thì mình phải theo chúng nó chứ!
Có lẽ cũng không có nhiều cặp mẹ chồng – nàng dâu nào có thể thoải mái ngồi café với nhau mỗi sáng, thoải mái chia sẻ về mọi thứ như nhà bạn. Bí quyết gì giúp hai người thân thiết đến vậy?
- Ngay từ những ngày đầu mới yêu rồi cưới, không khi nào mình phân biệt mẹ chồng với mẹ đẻ, mà mẹ nào cũng là mẹ. Chưa bao giờ mình nói với chồng là mẹ anh thế này, mẹ anh thế kia đâu. Ngược lại, nhiều khi nghe các chị em khác nói chuyện, kể là mẹ chồng tôi thế này…, mình hay góp ý luôn là đừng nên thế. Mình đi làm dâu, mình phải coi họ là mẹ mình thì họ mới coi mình là con. Chứ còn ngay từ đầu mà đã có suy nghĩ mẹ anh, mẹ tôi thì chắc chẳng bao giờ thực hiện được.
7 năm về làm dâu, dù thoải mái đến đâu nhưng “bát đĩa còn có lúc xô”. Hỏi thật đã có khi nào hai mẹ con có xung đột lớn gì chưa?
- Thực sự là chưa khi nào hai mẹ con có mâu thuẫn lớn. 7 năm làm dâu, có chăng thì chỉ toàn là những việc vặt vãnh, thi thoảng mẹ chồng con dâu không hài lòng những chuyện nhỏ nhặt như cho con ăn uống, ngủ nghỉ thôi. Nhưng cũng phải nói thật là mẹ chồng cũng hộ mình nhiều việc lắm. Mình sinh 3 đứa con thật đấy nhưng để mà nói thì mình không biết chăm con đâu, mình chăm con rất vụng. Cả 3 đứa từ nhỏ đến lớn toàn ngủ với bà nội. Nói ra thì ngại nhưng mà chẳng hiểu sao mà mỗi lần con ngủ với mẹ thì mẹ lại lăn ra… ốm, có khi mẹ chồng lại mắng cho bảo ốm giả vờ (Cười). Phần khác nữa là vì công việc của mình cũng phải đi suốt nên chẳng mấy khi ở nhà để mà va chạm với ai.
Vân làm chủ một cửa hàng kinh doanh nhỏ, mẹ chồng vẫn thường phụ con dâu khi sắp xếp hàng.
Những mâu thuẫn đấy xảy ra có thường xuyên không?
- Chắc từ hồi lấy chồng đến giờ được vài lần. Mỗi khi mình có chuyện gì không hài lòng là mặt lại sưng sỉa lên. Buồn cười lắm, mỗi lúc con dâu dỗi, sưng mặt lên thì mẹ lại “Làm sao, thế bây giờ làm sao? (cao giọng kiểu hài hước). Rồi hai mẹ con có gì thì lại nói hết với nhau, đến giờ về ăn cơm cùng nhau, vậy là xong. Mình thì nghĩ thế này, đã làm con thì cứ nhận mình sai đi. Ông bà lớn tuổi, hai thế hệ cũng khác hẳn nhau nữa.
Mỗi lần mẹ chồng nàng dâu giận dỗi, chồng bạn thường sẽ đứng về phe ai?
- Chồng mình thì tuyệt đối không bao giờ tham gia vào việc riêng của hai mẹ con. Mỗi khi mình nói chuyện gì đấy thì lại: “Em lên bảo với mẹ nhé”. Rồi khi mẹ có gì phàn nàn về con dâu, ví dụ như than phiền là sao giờ này vợ mày vẫn chưa dậy cho con ăn, chồng mình sẽ nói: “Mẹ lên gọi con mẹ dậy nhé”.
7 năm chung sống dưới một mái nhà, có vẻ bạn rất được lòng nhà chồng. Chắc hẳn bạn đã có cả một kho kinh nghiệm đủ để viết nên một cuốn bí kíp “lấy lòng” nhà chồng?
- Không chỉ có mẹ chồng đâu, mà mình đối xử với mọi người trong gia đình đều như nhau. Mình là con một nên khi lấy chồng thì rất quý anh chị em chồng, coi đấy như là anh em ruột thịt. Mình không sân si, không tính toán, mình chỉ nghĩ đơn giản rằng cứ mở hết lòng ra thì sẽ nhận được những gì tốt đẹp nhất. Mình luôn tự nhủ với bản thân là sống thật, nói thật. Thực ra, sống thật khó lắm. Ví dụ thế này, con dâu mua cho mẹ chồng một bát phở nhưng không xuất phát từ tấm lòng thì khi người ta ăn bát phở ấy, người ta cũng không thấy ngon. Nhưng nếu hành động đó xuất phát từ tâm thì dù có là bát mỳ tôm nhưng người ta vẫn có thể cảm nhận được.
Từ khi lấy chồng, về sống ở nhà chồng, mình chưa bao giờ nghĩ rằng nên làm cái này để được cho cái kia hay là mong chờ bất kỳ điều gì từ nhà chồng. Chồng mình hơi vô tâm, nhiều khi sinh nhật mẹ thì cũng chỉ biết là hôm nay sinh nhật mẹ, nhưng mình là vợ thì để ý hơn một chút, có thể là mua tặng mẹ thứ gì đó. Ở với nhau thì sẽ hiểu nhau, có quý người ta thật sự thì mình mới biết được rằng mẹ chồng hay chồng thích gì, thích màu sắc nào… Những điều ấy, mình nắm được hết.
Thân thiết với mẹ chồng quá, Vân có sợ mọi người xì xào “sao mà phải sống giả tạo thế nhỉ!”?
- Mình sống cho nhà mình chứ có sống cho hàng xóm đâu mà lo. (Cười). Thực ra cũng có người nói không hay nhưng mình chẳng để tâm đâu. Mẹ chồng mình cũng vậy. Có lần, người ta hỏi mẹ chồng mình thế này: Sao lại cho con dâu mặc
váy ngắn thế, mẹ chồng mình trả lời là: Kệ nó chứ, trẻ thì tội gì không mặc hay là: Còn trẻ thì cứ ăn diện đi con ạ. Nói như vậy chắc bạn hiểu.
Trong 7 năm làm dâu, điều gì khiến Vân cảm thấy nể phục nhất ở mẹ chồng?
- Chắc là việc mẹ chồng mình dạy con trai quá tốt. Chồng mình trẻ nên vẫn còn mải chơi, mỗi khi như thế mẹ chồng luôn chủ động quát mắng con trai chứ không đợi con dâu phải lên tiếng. Hay mỗi khi hai vợ chồng cãi vã, trước mặt thì mẹ quát con trai, sau lưng thì kín đáo bảo con dâu nhịn mồm nhịn miệng đi một chút.
Mẹ chồng Vân rất gần gũi với con dâu và các cháu nội.
Con trai lấy vợ thì chỉ cần hai đứa hợp nhau, không cần hợp mẹ chồng
Trò chuyện với bác Tuyết Anh, rất dễ dàng nhận ra điểm chung của cặp mẹ chồng nàng dâu này: thẳng tính và dễ gần.
Chào bác Tuyết Anh, 7 năm sống cùng nhà với con dâu, dưới góc độ của mẹ chồng, bác có thể chia sẻ vài điều về Vân cũng như thói quen đi café sáng cùng con dâu như hai người bạn?
- À, chuyện đấy đối với nhà bác là điều rất bình thường. Vân là con dâu đầu tiên của bác. Bác nghĩ con nào cũng như nhau và “nước mắt chảy xuôi”. Đối với bác, tất cả mọi cái đều phải xuất phát từ tình cảm thật hết. Mình yêu con thì con mới yêu lại mình, dù là con ruột hay là con dâu cũng vậy.
Sống cùng nhau lâu, không tránh được việc xảy ra mâu thuẫn. Mỗi khi mẹ chồng nàng dâu không vừa ý, bác sẽ giải quyết thế nào?
- Nhà bác thì mọi thứ đều nhẹ nhàng. Tất nhiên cũng không tránh được có những lúc thấy chưa hài lòng, nhưng quan điểm của bác là có gì chưa phải thì mắng mỏ ngay, chứ không khi nào để bụng cả. Đến con gái, thi thoảng mình còn không thấy hài lòng nữa là con dâu. Đối với con trai bác cũng vậy, có gì sai là bác sẽ nhắc nhở ngay chứ không cần
con dâu phải lên tiếng trước.
Con dâu bác không phải là người khéo mồm. Vân nó lấy chồng sớm, mà thực ra cô nào đi lấy chồng cũng vụng về như nhau cả, chỉ có điều là mẹ chồng có hòa hợp được hay không thôi. Về khoản nấu ăn thì nhà bác có người giúp việc. Thi thoảng Vân cũng về nhà tự nấu nướng, bày vẽ các món mà mọi người trong nhà đều thích ăn. Nói chung bác không cần dạy bảo gì mấy đâu.
Quan điểm của bác về chuyện dạy dỗ dâu con trong nhà như thế nào ạ?
- Bác không theo lối cổ hủ đâu. Bác nghĩ thế này: người mà con trai bác đã chọn thì chỉ cần hai đứa hợp nhau là được, không cần phải hợp với mình. Nhưng bên cạnh đấy, khi sống cùng nhau thì vẫn phải có tôn ti trật tự, mẹ là mẹ, con là con, chồng là chồng và phải có sự nhường nhịn. Nhưng dù sao, với bác thì cũng nên thông cảm cho lớp trẻ, cái gì không đáng thì bỏ qua, còn cái gì không bỏ qua được thì góp ý nhẹ nhàng.
Nhắc đến chuyện ăn riêng, thường cô con dâu nào cũng mắt sáng long lanh, nhưng có vẻ như Vân không mặn mà lắm về chuyện này. Bác có bí quyết gì khiến con dâu cứ nhất định muốn chung sống với mình đến vậy ạ?
- (Cười) Vấn đề này là do con trai với con dâu. Cũng nhiều khi bác nói là lớn rồi thì hay là ra ăn riêng đi nhưng chúng nó tự không muốn ra ăn riêng đấy chứ! Nếu có ý định ăn riêng thì bác cũng rất mừng, vì lúc đó là đã chững chạc, trưởng thành và có thể tự lo cho gia đình riêng của mình. Ngày trước, bác cũng đi làm dâu và cũng muốn ra ăn riêng nhưng có được đâu nên cũng nghĩ là chắc con dâu mình cũng muốn thế. Nhưng nhà bác thì trái ngược lại luôn, chẳng biết có phải do con dâu “khôn” quá không mà nhất quyết không chịu ra riêng nữa (Cười lớn).