Những lời lẽ tình sâu nghĩa nặng, rung động lòng người của nàng đã giữ chồng thoát khỏi cám dỗ của ý định lấy vợ lẽ và quay về chung sống bên vợ.
Người phụ nữ ấy là Trác Văn Quân - một tài nữ sống dưới thời Tây Hán. Trong lịch sử Trung Quốc cổ đại, nàng nổi tiếng là một trong những tài nữ với nhan sắc chim sa cá lặn và tài năng xuất chúng. Trác Văn Quân sinh ra trong một gia đình đại phú ở Tứ Xuyên, là con gái của Trác Vương Tôn, tri huyện tỉnh Thiểm Tây. Xuất thân phú quý, Trác Văn Quân được cha mẹ nuôi nấng dạy bảo kỹ lưỡng, lớn lên, nàng sớm đã nổi danh gần xa vì vẻ đẹp khó ai sánh bằng, lại có khả năng chơi đàn điêu luyện, giỏi làm thơ.
Trác Văn Quân sớm được gả cho thư sinh Vương Hàm Tân, một tú tài theo nghiệp bút nghiên. Thế nhưng, hạnh phúc chẳng tày gang. Sau nửa năm chúng sống, Hàm Tân bỗng lâm bệnh rồi từ trần, Trác Văn Quân bỗng chốc trở thành quả phụ. Nửa đời
hồng nhan dang dở, nàng héo hon bên bàn thờ của người chồng đã khuất.
Trong khi đó, Tư Mã Tương Như là một văn sĩ nổi tiếng đương thời, vừa giỏi thi phú, vừa có ngón đàn tuyệt diệu. Khi dấn thân vào chốn quan trường, chàng chỉ giữ chức quan nhỏ nên chán nản, bỏ chức, ngao du thiên hạ. Nhờ giỏi thơ ca và đàn hát nên Tương Như được giới quan lại, quý tộc đón tiếp nồng nhiệt. Trong đó, có quan huyện Lâm Cùng là Vương Cát, cũng là ân nhân của Tương Như lúc khốn cùng. Một hôm, khi Trác Vương Tôn (cha của Trách Văn Quân) mời Vương Cát đến nhà ăn cơm, Tư Mã Tương Như cũng được mời đến dự theo bạn mình. Tại đây, Tương Như đã được dịp thể hiện tài đàn hát, thơ ca.
Nàng sớm đã nổi danh gần xa vì vẻ đẹp khó ai sánh bằng, lại có khả năng chơi đàn điêu luyện, giỏi làm thơ (Ảnh minh họa: Internet).
Biết Trác Văn Quân góa chồng, lại thích nghe đàn nên Tương Như nảy ra ý định trêu ghẹo nàng. Tương Như vừa đàn vừa hát bài "Phượng cầu hoàng" (Chim phượng trống tìm chim phượng mái). Từ lâu, Trách Văn Quân đã ngưỡng mộ tài nghệ của chàng tài tử Tương Như, nàng bèn đứng nấp sau tấm rèm, nghe tiếng nhạc du dương, tâm hồn cũng ngây ngất theo.
Không chỉ say mê tiếng hát của chàng văn sĩ đa tài, trái tim giai nhân còn rung động khi nhìn thấy hình ảnh của tài tử vừa đàn vừa hát. Người con gái xinh đẹp này cũng cảm nhận được tình tứ của Tương Như qua mỗi tiếng đàn. Ngay đêm hôm đó, nàng đã trốn nhà, cãi lời cha, từ bỏ vành khăn tang thờ chồng, đi theo tiếng gọi của con tim.
Có lẽ ông trời đã khéo se duyên hai con người cùng chung sở thích đàn hát, thơ ca nên đã cho họ có cớ hội ngộ. Không lâu sau đó, Tư Mã Tương Như và Trác Văn Quân đã yêu nhau thắm thiết. Nhưng trớ trêu thay, tình yêu của họ lại gặp phải sự
phản đối kịch liệt của Trác Vương Tôn. Không còn cách nào khác, họ bàn nhau kế hoạch bỏ trốn đến Thành Đô - nơi sinh của Tư Mã Tương Như.
Cuộc sống khó khăn khiến Văn Quân phải bán đồ trang sức của mình lấy tiền mở một quán rượu làm kế sinh nhai. Biết tin này, Trác Vương Tôn không đành lòng nhìn con gái rượu sống cảnh nghèo khó bèn cho người người mang tiền vàng, của hồi môn đến cho hai người. Từ đó cặp đôi này mới trở nên giàu có, an nhàn, hưởng thụ cuộc sống uống rượu, làm thơ, đàn hát suốt cả ngày.
Sau thời Hán Cảnh Đế, Hán Vũ Đế lên ngôi vua. Xem xong tác phẩm của Tương Như, Hán Vũ Đế lấy làm thích thú, bèn triệu Tương Như đến sáng tác thơ ca và ban cho chàng chức Lang Quan. Tương Như áo gấm vinh quy, được đón rước long trọng, đắc chí bèn ở lại Tràng An hưởng thụ cuộc sống vinh hoa, bỏ lại người vợ xinh đẹp nơi Thành Đô sống cô đơn trong căn nhà lạnh lẽo, héo mòn
chờ chồng ngày trở về.
Hai người yêu nhau thắm thiết, bất chấp sự phản đối kịch liệt của cha (Ảnh minh họa: Internet).
Một thời gian sau khi đến Tràng An, lúc trở về quê hương, Tương Như thấy vợ già đi, không còn xứng đáng với tài tử bậc nhất chốn kinh thành nữa, liền nảy sinh ý định sẽ lấy vợ lẽ. Thư qua thư lại, Trác Văn Quân biết được ý định của chồng, lòng nóng như lửa đốt. Nàng bèn làm bài thơ "Bạch đầu ngâm" gửi Tư Mã Tương Như.
Nội dung bài thơ nhắc đến những ngày tháng hạnh phúc năm xưa, bày tỏ nỗi cô quạnh của người vợ "ánh mắt chờ mong dường xuyên cả thập lí trường đình, trăm lần tưởng, ngàn lần nhớ, vạn lần không ngăn được oán hờn chàng". Bài thơ có cả lời hờn trách chồng đổi thay, "có mới nới cũ"...
Lời thơ đầy huyết lệ với tình ý triền miên đã chạm đến lòng thương cảm của Tương Như, nhắc nhở chàng về những năm tháng hai người gắn bó bên nhau. Đọc xong, Tư Mã Tương Như một phần vô cùng xấu hổ, nhớ lại quãng thời gian hai vợ chồng tình nghĩa bên nhau, đồng cam cộng khổ; một phần vô cùng cảm phục người vợ tài sắc của mình và thấu hiểu hơn nỗi lòng người phương xa. Chàng cảm thấy mình có lỗi với vợ bèn từ bỏ ý định lấy
vợ lẽ rồi trở về quê với vợ. Từ đó, hai vợ chồng chung sống hạnh phúc bên nhau cho đến khi lìa đời.
Cho đến ngày nay, chuyện tình yêu và những vần thơ của Trác Văn Quân gửi đến để giữ chồng vẫn được người đời sau đọc với tất cả sự ngưỡng mộ và đồng cảm.
(Nguồn: Wikipedia, Zing, thivien, truyenviet...)