Về làm dâu, không ít chị em đã nhiều phen điêu đứng vì phải đối phó với em chồng, nhất là những cô em chồng nanh nọc.
Em dâu khó chiều hơn mẹ chồng
Đó là tâm lý bực mình và khổ sở của hầu hết các nàng dâu gặp phải cô
em chồng ghê gớm, khó tính. Nguyễn Thị Hoa (thị xã Sơn Tây) lấy chồng đã được gần hai năm. Khi yêu và mới về làm dâu, chị đã nghĩ mình may mắn khi được là thành viên trong một gia đình khá giả, nền nếp, gia giáo. Hai bố mẹ anh đều là công chức nhà nước, anh là giảng viên và một em gái mới ra trường, đang hợp đồng ở phòng văn hóa. Sau ngày cưới, mặc dù hạnh phúc với tình yêu của chồng, nhưng chị đã gặp phải sự chua ngoa của Phương - cô em chồng nanh nọc.
Hoa hơn em chồng bốn tuổi, khoảng cách tuổi tác không lớn nên cô luôn muốn quan tâm, gần gũi với Phương. Thế nhưng, Phương lại tỏ rõ sự coi thường và không thích Hoa bởi Phương cho rằng Hoa lấy được anh trai Phương chẳng khác nào “chuột sa chĩnh gạo”.
Hoa là con gái một gia đình bình thường, cô tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm nhưng khi ra trường không xin được việc. Nhờ mối quan hệ của nhà chồng mà Hoa mới được biên chế trong một trường cấp hai gần nhà. Chính vì việc đó mà Phương luôn cho rằng, bà chị dâu “vừa nghèo vừa dốt”, phải nhờ có nhà cô mà chị dâu mới có việc làm. Trong khi Phương ra trường, không cần quan hệ của bố mẹ cũng đã được nhận vào làm trong một công ty nước ngoài bởi năng lực thực sự của cô. Từ đó, trong nhà có việc gì, những ý kiến của Hoa đều bị Phương phản bác vì “tầm nghĩ của chị có hạn lắm”.
Tất cả mọi việc trong nhà từ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa hay mỗi khi nhà có việc, Phương đều “giao phó” cho Hoa. Không làm gì ngoài đi làm và đi chơi với bạn bè nhưng Phương luôn để ý, chê bai sự vụng về của
chị dâu. Không muốn chị em xảy ra mâu thuẫn, giữ gìn nhà cửa ấm êm nên Hoa thường nhẫn nhịn, im lặng khi nghe em chồng xét nét.
Một thời gian, Hoa nghĩ Phương đang tuổi trẻ, thích được tặng quà nên “lấy lòng” em bằng cách chịu khó mua đồ dùng, quần áo cho Phương. Thế nhưng, chiều theo sở thích của Phương còn khó hơn cả mẹ chồng. Lúc đầu Hoa tự mua quần áo cho Phương thì bị chê là quê mùa, lạc hậu và rẻ tiền. Về sau, rút kinh nghiệm, cô rủ Hoa đi cùng cho Hoa tha hồ chọn lựa thì Hoa chọn toàn đồ hàng hiệu, trị giá cả triệu đồng. Hoa góp ý với em thì Phương tự ái, bỏ về. Về đến nhà, Phương “tâu” ngay với mẹ rằng “chị ấy rủ con đi mua sắm chỉ là để thể hiện hình thức, chứ thực chất thì có mua cho con gì đâu”. Mẹ chồng không hiểu thế nào lại cũng quy kết con dâu keo kiệt khiến Hoa vừa xấu hổ vừa bực mình.
Thấy Hoa ăn mặc diện đi dạy học, Phương cho rằng, chị dâu thấy anh trai đi làm xa, không đáp ứng được “nhu cầu chăn gối” nên đi tìm tình nhân. Không ít lần, chồng Hoa tỏ ra nghi ngờ vợ khi nghe em gái “mách” chuyện “không thành có”, vợ chồng cô nhiều lúc xích mích chỉ vì cô em chồng quá quắt.
Mối quan hệ giữa chị dâu – em chồng đã khiến không ít cô dâu khốn khổ bởi đủ thứ mà em chồng bày ra (Ảnh minh họa).
Có khách là đồng nghiệp tới chơi nhà, vừa bước vào cổng, Diệp đã phát ngượng với khách khi Thúy - cô em chồng - thấy chị dâu về là té tát: “Đã dặn đi chợ thì mua đồ ăn phải tươi, mắt chị làm sao mà mua con cá chết từ bao giờ rồi, thịt thì người ta để tủ lạnh từ hôm qua. Ai nhìn cũng biết, thế mà chị chẳng biết gì cả”. Khách ngạc nhiên vì em chồng sao hỗn thế, dám mắng cả chị dâu. Còn Diệp thì chỉ biết im lặng vì lúc này mà có nói là sẽ bị bà cô trẻ này lên lớp cho một bài ca.
Thực ra Diệp không đến mức là “không biết gì” nhưng cô em chồng luôn quy kết là cô vụng về nội trợ, chỉ giỏi nịnh chồng. Làm dâu mà Hoàng đã ba năm, có cậu con trai hơn một tuổi, thế nhưng Diệp luôn gặp những ca khó bởi cô em chồng khó tính.
Những ngày đầu tiên về, hai chị em cùng vào bếp nấu cơm, Diệp lúng túng vì không biết khẩu vị của nhà chồng ra sao nên cô hỏi Thúy. Cứ nghĩ chị em gần gũi nên cô mới hỏi, không ngờ Thúy cho ngay rằng cô không biết gì về nội trợ, nấu nướng. Không phải là người hiền lành, dễ chịu nên Thúy luôn thể hiện là người giỏi nấu nướng và coi thường Diệp. Diệp làm gì Thúy cũng chê, cũng “phải làm thế này, phải làm thế kia”, hay “anh Hoàng nhà em trước kia nhiều chị khéo tay thích lắm, thế mà lại lấy người vợ vụng về như chị chứ?”. Bất kể Diệp mua đồ gì từ thức ăn đến đồ dùng đều bị Thúy chê là không tốt, không ngon, không rẻ.
Không chỉ “dạy bảo” chị dâu ở trong nhà, Thúy còn đem sự vụng về ấy “thêm mắm thêm muối” vào và đi kể khắp hàng xóm khu phố để
nói xấu chị dâu. Vì vậy mà Diệp đi đến đâu cũng thấy hàng xóm bàn tán là “chỉ biết ăn sẵn chứ chẳng biết làm gì”, có người ghê gớm thì bảo “là do bố mẹ không dạy bảo nên mới không biết gì như thế?”.
Mỗi lần nghe người ta bàn tán hay khi khách đến chơi nhà, cô em chồng lại mang chuyện chị dâu “sướng” ra kể, Diệp tức phát khóc vì thực tế không phải cô không biết nấu nướng gì. Lúc đầu cô cũng nhịn cho qua nhưng dần dần, cô cũng có những phản ứng với sự “dạy bảo” vô lý của em chồng.
Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm là hôm nhà có khách của chồng đến chơi, hai chị em nấu cơm dưới bếp, vì nồi nước lẩu Diệp đã nêm đủ mắm muối nhưng Thúy không để ý, lại cho thêm khiến nồi nước mặn chát. Diệp bảo em cho thêm nước thì Thúy đổ hết lỗi là tại chị không biết thế nào là vừa hay mặn. Nhà đang có khách nhưng Thúy cũng nói to dưới nhà khiến mẹ chồng phải chạy xuống. Thấy mẹ, Thúy được đà, nói chị dâu oang oang khiến Diệp không kìm nén được bình tĩnh. Hai chị em cãi nhau to, khách của chồng thấy thế xin phép ra về để “gia đình giải quyết chuyện nồi nước lẩu”.
Thúy bù lu bù loa, nói anh trai nào là mù mắt nên mới bị lừa, nào là không biết chọn vợ, vừa vụng vừa đanh đá. Vì chồng, Diệp nhiều khi cũng nhẫn nhịn nhưng cô thấy mình phải chịu cay đắng, khổ sở khi bị cô em chồng hành hạ suốt mấy năm liền.
Hãy dùng yêu thương để làm hòa
Chịu đựng và đối phó là tâm lý của các nàng dâu khi gặp sự cố “bà cô bên chồng”. Người hiền lành thì im lặng, chịu đựng coi như điếc cho yên ổn, người không vừa thì tìm mọi cách đối phó với những tình huống dở khóc dở cười ấy. Cuộc chiến ấy sẽ vẫn dai dẳng nếu bố mẹ chồng và người chồng không tìm cách giảng hòa, phân tích.
Mối quan hệ giữa chị dâu – em chồng đã khiến không ít cô dâu khốn khổ bởi đủ thứ mà em chồng bày ra. Xét cho cùng, những mâu thuẫn trong mối quan hệ đó bắt nguồn từ việc không hiểu nhau. Nếu khéo léo, chịu khó lắng nghe, chị dâu sẽ dễ dàng lấy lòng được em chồng, biến được “
giặc bên Ngô” thành “giặc bên mình”. Điều đó sẽ giúp củng cố quan hệ của cô dâu với nhà chồng. Như một công thức bất dịch để làm dâu, thật tốt mà các cô phải nhớ đó là “yêu chồng, yêu cả nhà chồng”. Hãy kìm nén những tức giận và dùng yêu thương để làm công cụ giảng hòa, gắn kết tình chị em.