Tình yêu hôn nhân

Kinh doanh... bố vợ

Ông Hải gọi ba người em trai và hai người em gái của vợ lên. Một cuộc họp gia đình được tổ chức trên tầng ba của nhà ông, do ông chủ trì.

Mọi người đều nói rất khẽ, dù cửa đã được đóng kín. Ông Hải mở đầu:

- Anh chị mời các cậu, các dì lên, vì việc của bố. Các cậu các dì thấy rồi đấy. Bệnh tình của bố thế này, cũng chỉ còn ngày một ngày hai nữa thôi.

Số trời đã vậy, không ai cưỡng được. Anh em ta nên bắt tay lo liệu đi thì vừa, kẻo nước đến chân thì không ai nhẩy kịp.

Ông Huyên, người em kế của bà Huyền vợ ông Hải, lên tiếng:

- Em cũng thấy như vậy. Cảm ơn anh chị đã lo cho bố bấy lâu nay. Trong nhà, tuy chị Huyền là cả, nhưng là phận gái.

Xưa nay, có mệnh hệ nào, thì người ta nhắm mắt xuôi tay ở nhà con trai chứ không ai ở nhà rể cả. Huống chi trước nay bố vẫn ở với vợ chồng em. Vậy em xin anh chị, sáng mai em đưa bố về quê, để có gì thì vợ chồng em đứng ra lo liệu.

Ông Hải bặm môi, tư lự một chút. Tình huống này ông đã tính đến. Từ gần bốn tháng nay, thấy bố vợ bị K gan giai đoạn cuối, ông đã bàn với vợ đón luôn cụ từ bệnh viện tỉnh về nhà mình mình “để tiện thuốc men, chăm sóc”.

Vốn là người chất phác, bà Huyền chỉ hơi ngạc nhiên một chút. Từ ngày lấy nhau đến nay, chồng mình từ một anh phó phòng cấp sở, lần lượt lên trưởng phòng, phó giám đốc, rồi giám đốc sở, và đang được cơ cấu làm phó chủ tịch tỉnh. Tiền bạc không thiếu.

Bố mẹ ông Hải mất từ ngày vợ chồng còn tay trắng thì không nói. Nhưng đối với song thân của bà, thì ông luôn bị làng xóm dưới quê chê là keo kiệt. Từ ngày tư ngày tết cho đến khi cụ ốm phải vào viện, ông cũng chỉ “đóng góp” như 5 người em của bà dưới quê, là những người nghèo kiết xác, tịnh không hơn một chút gì.

Nay tự nhiên sao ông lại rộng rãi, hiếu thảo thế? Nghĩ vậy, nhưng vì muốn được ở bên, chăm sóc nâng giấc bố những ngày cuối đời, bà đồng ý ngay.

Được tin bố vợ giám đốc sở bệnh nặng đến nằm điều trị ở nhà con rể, cả cơ quan, rồi các doanh nghiệp trong, ngoài ngành và cả những “đối tác” đang muốn tiếp cận ông để tìm cơ hội làm ăn nườm nượp kéo đến thăm. Có những người cả đời bà chưa gặp bao giờ…

Ai đến thăm, lúc về cũng dúi vào tay bà một cái phong bì khá nặng gọi là “chút đỉnh tiền thuốc” cho cụ. Có những cái phong bì bên trong chứa đến năm chục tờ một trăm “đô”. Bét nhất như hai anh bảo vệ cơ quan, mỗi anh cũng bốn tờ năm trăm ngàn cáu cạnh.

Kinh doanh... bố vợ 1

Ảnh minh họa.

Tiền ăn uống, thuốc men cho cụ chỉ hết một phần nghìn cái số đựng trong những phong bì ấy. Vả lại, một người đã K gan giai đoạn cuối, lại ngoài bẩy mươi tuổi, thì chỉ ngày vài thìa cháo với mấy viên thuốc cốt kéo dài sự sống chứ đáng bao nhiêu. Việc chăm sóc cụ đã có “ôsin” nên bà cũng nhàn…

Ông Hải nói với ông Huyên bằng một thứ giọng không gì có thể gọi là tha thiết hơn:

- Cậu Huyên nghĩ vậy rất phải. Nhưng giá cậu nói việc ấy trước độ nửa tháng, thì sức khỏe bố còn cho phép. Nay tình hình đã quá căng rồi. Từ đây về quê gần trăm cây số, mà đường thì rất xấu, các cậu các dì còn lạ gì.

Đến người khỏe đi còn bị xe nó quăng quật cho đến lộn cả gan ruột lên, huống chi một người đang trong tình trạng như bố. Đưa bố về, nhỡ có mệnh hệ nào dọc đường, thì anh em ta rửa làm sao cho hết cái tiếng con cái đề huề mà để bố chết đường chết chợ.

Vậy anh đề nghị thế này: Cứ để bố ở đây. Khi nào bố hai năm mươi, thì tổ chức tang lễ ở đây rồi đưa bố về quê an táng, và sau đó thì rước linh về nhà cậu để thờ cúng. Các cậu các dì nghĩ thế nào.

Lời qua tiếng lại một lúc, rồi mọi người đều chấp nhận cái phương án do ông Hải đưa ra. Hội nghị đi vào chi tiết: Quan tài nên mua cỡ tiền nào. Khăn tang, áo tang đặt ở đâu…Ông Hải gạt đi:

- Cái đó các cậu, các dì không phải băn khoăn. Để anh bảo thằng chánh văn phòng nó lo. Một lúc là xong hết. Chỉ mong bố sống thêm được càng lâu càng tốt.

Ông cụ mất vào ngày thứ ba tính từ ngày có cuộc họp đó. Tin buồn loang ra. Lần này thì từ lãnh đạo tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, tất cả các sở, ban, ngành của tỉnh cho đến các đoàn thể, rồi các huyện, các doanh nghiệp trong và ngoài ngành…

Sau lễ viếng kéo dài một ngày rưỡi, xe tang mới ra được khỏi nhà để trực chỉ quê hương. Phong bì phải lấy bao tải đựng mới hết.

Sau đám tang, ông Hải ngồi tính toán: Tổng chi phí cho đám tang hết hơn năm chục triệu. Số này chia đều cho 6 người con, ba trai ba gái, ông chỉ phải bỏ ra chưa đầy chục triệu. Số tiền bà con ở quê lên viếng hơn chục triệu, giả lại tất cho các cậu các dì, khách của ai viếng trả cho người đó. Số tiền viếng còn lại, gần hai tỷ, là của ông.

Và ông thở phào vì cái gánh nặng đã được trút.

aFamily

      © 2021 FAP
        1,280,773       1,060