Cô đẩy mạnh cửa bước vào, nhìn Hà giận dữ, giang tay tát mạnh thẳng mặt Hà quát: “Anh đúng là khốn nạn! Tôi thật ngu khi không nhận ra bộ mặt thật của anh. Đào mỏ tôi chưa đủ sao, cái nhà anh đừng mơ!”.
Lần đầu gặp Hà, cô trúng ngay tiếng sét ái tình. Hà cao ráo, cười rất duyên, nói chuyện hóm hỉnh. Về phần cô, nhan sắc thuộc hàng khá, gia đình lại có điều kiện. Khi biết Hà chưa người yêu, cô mừng thầm nghĩ phải nhanh tay cưa, con gái thời hiện đại nên chủ động,
cọc đi tìm trâu thì mới được "trâu" ngon.
Cô mời Hà đi café, hỏi dò sở thích. Lúc đầu Hà thích đôi ba đĩa nhạc xịn, vài quyển sách hiếm, sau Hà nói thích đôi giày hàng hiệu, ví da… cô mua tặng Hà hết, dù hai người chưa là gì của nhau. Để cưa đổ Hà, cô không ngần ngại hy sinh bớt sở thích mua sắm, coi đây là khoản đầu tư hạnh phúc tương lai.
Nghe cô tâm sự, người bạn thân của cô ngạc nhiên: “Thằng đó nhận hết quà của mày?”. Cô cười: “Thay vì chàng tặng tao, thì tao tặng chàng, ai đi cưa không phải mất tình phí”. Bạn mắng cô: “Mày điên sao, đời còn dài, trai còn nhiều, việc gì phải mất giá, thằng này không đáng mặt đàn ông!”. Nghe bạn nói nặng lời về Hà, cô tự ái.
Trời không phụ công, sau hai tháng, Hà đồng ý làm bạn trai cô.
Buổi hẹn đầu tiên, muốn tạo không khí lãng mạn, Hà đặt chỗ trong nhà hàng sang trọng, hai người ăn uống chuyện trò vui vẻ. Cô hy vọng trực giác không đánh lừa, Hà sẽ là người yêu tuyệt vời.
Yêu nhau chưa lâu mà nhiều khi cô mệt vì phải lo toan cho anh (Ảnh minh họa).
Lúc
thanh toán, Hà cầm hóa đơn xem, rồi ngập ngừng đưa cho cô nói khẽ: “
Em thanh toán giúp anh được không? Anh xin lỗi. Chết thật, anh vội đi gặp em, quên chưa rút thêm tiền bỏ ví”. Cô cười: “
Không sao, mình yêu nhau ai chẳng được. Lúc cưa anh, đi café toàn em thanh toán, anh có nói gì đâu, nay anh lạ thế!”.
Hà tâm sự: “Bố mẹ anh ở quê vất vả, kiếm được đồng tiền mất bao mồ hôi công sức, bố mẹ khổ cực nhiều mới lo cho anh ăn học đàng hoàng. Giờ đi làm, chưa có nhiều tiền nhưng hàng tháng anh gửi về đôi triệu đỡ đần cho bố mẹ”. Cô thấy anh hiếu thảo với bố mẹ, thêm tin yêu. Mỗi khi anh nói hết tiền, cô biết ý bỏ thêm vào ví anh mấy trăm không nói gì, Hà cũng im lặng tỏ ra không biết, Hà tiêu tiền của cô nhiều lần như thế.
Công việc của Hà đòi hỏi hình thức, mỗi lần mua quần áo, anh rủ cô đi cùng và luôn miệng nói: “Người yêu ngắm cho mới chuẩn”. Thử xong, dù cô khen anh mặc rất đẹp, rất hợp, Hà vẫn treo lại nói: “Đắt quá, thôi mình về, để hôm khác mua vậy. Nhưng không biết lần sau có tìm được bộ ưng ý nữa không...”. Cô kéo tay anh dừng lại bảo: “Anh lấy đi, em mua tặng anh”. Tính ra, quần áo Hà mặc chủ yếu đều cô mua tặng.
Chiếc xe Dream cũ nhiều hôm đang đi chết máy ngang đường làm Hà bực mình. Khi nghe cô khoe mới được thưởng, Hà thủ thỉ với cô: “
Công việc anh phải đi quan hệ, gặp đối tác nhiều, đi chiếc xe cà tàng, nhiều người họ nhìn đánh giá ngại chín mặt, hay em lo cho anh mượn ít nhiều, anh đổi xe được không?”. Hà nói thế, cô nỡ lòng nào không giúp, hơn nữa
yêu nhau tính toán nhiều quá mất hay đi. Chiếc xe ga Hà mới mua, nửa tiền là của cô.
Mua xe vừa xong, Hà tính đổi mới điện thoại luôn. Anh than vãn: “Cả công ty ai cũng máy đẹp, thời thượng, dùng cục gạch như anh nhiều lúc thấy xấu hổ, giờ điện thoại có đáng bao, vài triệu máy mới đủ chức năng...”. Đúng là điện thoại vài triệu có, nhưng với người lúc nào cũng hết tiền như Hà thì không thể nói không đáng bao, cô lại phải giúp anh.
Hà phàn nàn với cô: “Cơm quán họ nấu không ngon, không đảm bảo an toàn vệ sinh, anh làm về mệt không nuốt nổi. Em nấu cơm cho anh ăn cùng, làm về anh ghé qua. Hai đứa ăn cho vui. Suốt ngày anh ăn một mình, nhiều hôm bỏ dở bát”. Cô nghĩ Hà nói phải, cô ăn cơm một mình cũng buồn, Hà ăn cơm quán mãi thì khổ, hai người ăn cho đầm ấm, yêu nhau nên chăm sóc nhau.
Hà ăn cơm cô nấu mấy tháng nay, chưa khi nào hỏi cô về việc đi chợ chi tiêu thế nào, không có ý kiến đóng góp tiền vào việc thổi cơm chung của hai người. Cứ đến bữa là anh ăn, ăn xong anh về. Hà mặc nhiên như cô có nghĩa vụ nuôi anh vậy.
Cô ngại không hỏi Hà nhưng trong lòng không vui. Không phải cô tiếc tiền, mà cô cảm thấy Hà không có trách nhiệm với cô. Yêu nhau chưa lâu mà nhiều khi cô mệt vì phải lo toan cho anh. Nhiều việc Hà làm, đối xử với cô, nhất là liên quan đến kinh tế không khỏi làm cô băn khoăn suy nghĩ.
Cô dần lung lay niềm tin vào tình yêu của Hà (Ảnh minh họa).
Khi nói đến dự định tương lai hai đứa, Hà hay hỏi cô những câu đại loại: “
Lương em bao nhiêu, ngoài lương có thêm khoản gì khác không?", "
Đi làm mấy năm ở tập đoàn lớn, chắc em tiết kiệm được khá rồi nhỉ?”. Những câu hỏi của Hà làm cô khó chịu. Chuyện thế này cô nghĩ không nên hỏi. Yêu nhau, tin tưởng nhau và xác định rõ tương lai, cô sẽ sẵn lòng chia sẻ với Hà.
Chưa dừng ở đó, gần đây Hà còn liên tục hỏi: “Nhà em có mấy mảnh đất liền, bố mẹ có tính cho em mảnh nào không? Sau mình mua nhà chắc phải hỏi bố mẹ giúp đỡ em nhỉ”, "Nhà em có mỗi hai chị em gái, bố mẹ không cho em thì cho ai?"...
Nghe Hà nói, cô bực mình gắt: “
Chuyện đó anh quan tâm sớm làm gì. Bố mẹ tính thế nào làm sao em biết. Anh đừng hỏi những chuyện thế này thêm lần nào nữa”. Cô dần lung lay niềm tin vào
tình yêu của Hà vì cô biết chuyện những anh chàng
đào mỏ, muốn núp bóng nhà vợ đâu còn hiếm.
Một ngày, cô qua phòng Hà chơi, vô tình nghe anh nói chuyện điện thoại to với bạn: “Con người yêu tao dễ tin lắm. Từ ngày yêu nó, tao đổi đời xe, điện thoại, quần áo... liên tục. Nhưng những thứ đó vặt vãnh lắm, chẳng thấm vào đâu cả, quan trọng phải đổi đời cái nhà cơ. Mày nghe tao, tìm em nào nhà mặt phố, bố làm quan mà yêu. Mình nghèo, yêu gái nghèo thì khổ thôi rồi...”.
Hà không biết cô đứng ngoài cửa từ bao giờ. Cô đẩy mạnh cửa bước vào, nhìn Hà giận dữ, giang tay tát mạnh thẳng mặt bạn trai và quát: “
Anh đúng là khốn nạn! Tôi thật ngu khi không nhận ra bộ mặt thật của anh. Đào mỏ tôi chưa đủ sao, cái nhà anh đừng mơ!”. Cô khóc đau đớn bỏ đi thẳng mặc cho Hà níu kéo bằng những lời xin lỗi phía sau lưng…