Có tình yêu đẹp kéo dài 8 năm suốt thời sinh viên, nhưng khi vừa chính thức bước vào cuộc sống gia đình được 2 năm, vợ chồng trẻ này trong 6 tháng đã phải dồn dập đối mặt với nhiều tai họa...
Tuy nhiên trước cảnh “họa vô đơn chí”, phải chầu chực ở bệnh viện thường xuyên... nhưng họ vẫn động viên nhau cùng cố gắng vượt lên số phận. Họ chính là cặp vợ chồng trẻ bằng tuổi Tô Ngọc Sơn (SN 1984) và Trương Cẩm Vân (SN 1984). Trước khi mắc bệnh, họ đều đang là biên phiên dịch tiếng Hàn và đang sống cùng con gái Tô Nhã An (1 tuổi) tạm trú tại số nhà 47/2/39 Bùi Đình Tuý, phường 24, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Gia đình bé nhỏ nhà Vân - Sơn
8 năm với 3 lần cầu hôn và cuộc sống vợ chồng hạnh phúc
Trước đây, Ngọc Sơn và Cẩm Vân là đôi bạn học cùng 1 lớp Đại học. Ngày ấy Vân là lớp phó học tập, năng nổ hoạt động, nhiệt tình. Còn Sơn là người bạn học cùng lớp. Lúc đầu, Sơn cũng không thích Vân bởi tính Vân bạo dạn. Riêng Vân cũng không có ấn tượng gì nhiều với anh. Cho đến buổi học thể dục, do Vân không biết đánh bóng chuyền nên đã được Sơn giúp đỡ. Sau đó, đôi bạn trẻ này chơi với nhau thân thiết hơn.
8 năm quen nhau với 3 lần cầu hôn, Sơn mới nhận được cái gật đầu của cô bạn cùng lớp
Năm thứ 3 Đại học, Vân bị tai nạn gãy chân. Thời điểm này, Sơn đã túc trực suốt bên Vân. Ngày ngày, Sơn cõng Vân đi học, đêm cũng cõng Vân đến lớp Kế toán: "Vì học bên nào, lớp mình cũng ở tầng 4. Sau lưng anh, mình cảm nhận được sự mệt nhọc, mồ hôi ướt đẫm lưng áo.Mình cũng yêu anh lúc nào không hay”.
Tình yêu của Vân và Sơn cứ lặng lẽ, nhẹ nhàng, bình yên cất giấu trong lòng đến hết thời sinh viên. Cho đến 1 ngày. Ra trường đi làm 2 năm, một lần về quê Vân chơi. Khi hai người đang đi dạo phố, Sơn đã nắm tay Vân và bảo ‘Chúng mình cưới nhau nha Vân’. Hôm đó, Sơn ngỏ lời cưới để dự cưới vào năm sau đúng ngày 10/10/2010. Nhưng Vân khất hẹn vì muốn cả 2 học xong lớp Văn bằng 2 đại học.
Rồi một thời gian sau đó, trong giờ làm việc, Vân lại thấy Sơn nhắn tin cầu hôn lần nữa: "Lần này anh nói rằng: ‘Tự dưng anh nhớ em, anh muốn mang lại hạnh phúc cho em muốn kiếm thật nhiều tiền để em sống thật sung túc. Em đừng nhắn tin lại, em cứ làm việc đi".
Dẫu nhận được lời cầu hôn nhưng Vân vẫn tiếp tục từ chối. Vân không nhận lời anh vì ba mẹ Vân không muốn con gái lấy chồng xa. Và phần vì khi quá hiểu rõ về nhau, tình yêu càng trở nên nhàm chán, áp lực công việc nhiều nên Vân và Sơn không còn thời gian riêng cho nhau. Chính vì thế, đôi bạn trẻ này cũng có chia tay 1 thời gian khoảng 5 tháng.
Vân hạnh phúc nhớ lại: “Sau khi chia tay đã được 5 tháng, một tuần sau ngày sinh nhật mình, anh mời mình đi xem phim và uống café. Anh ngỏ lời cầu hôn lần nữa. Mình từ chối anh và bảo: ‘Chúng mình đã chia tay rồi’. Quá tam ba bận, lần thứ ba, anh đưa nhẫn tặng mình, mình không còn lý do để từ chối. Và thế là ngày 12/12/2012 tụi mình làm lễ cưới sau 8 năm trời từ bạn, sang yêu, rồi có giận hờn, chia tay’”.
Như nhiều cặp vợ chồng trẻ khác, cuộc sống sau hôn nhân của Vân - Sơn rất hạnh phúc và nhanh chóng đón nhận tin vui có em bé. Ốm nghén, Vân không ăn uống được gì nhiều. Khi Vân thích ăn uống gì, anh đều chiều và vội đi mua ngay. Sơn cũng thường phụ vợ và giành làm hết việc nhà sau giờ làm việc cho vợ có thời gian nghỉ ngơi. Những ngày Sơn về sớm hay ngày nghỉ, Sơn vẫn thường cặm cụi nấu những món Vân thích dù cho đó là những món Sơn chưa từng làm.
Người vợ trẻ này tiếp tục kể về quãng thời gian hạnh phúc của mình: "Thời gian rảnh, anh đưa mình đi dạo, chụp hình lưu giữ khoảnh khắc bầu bí. Nghe ai chỉ nên anh món gì anh đều tìm mua cho mình bồi bổ dưỡng thai. Anh thường xuyên mát xa chân cho mình khỏi bị chuột rút, xoa bóp lưng cho mình không bị đau lưng. Nói chuyện với con, bật nhạc không lời áp vào bụng mình cho con nghe. Tối nào cũng đi bộ cùng mình để mình dễ sinh”.
Khi Vân bầu bí, Sơn thường chăm sóc vợ bầu rất chu đáo bằng những món ăn anh mày mò học nấu cho vợ
Đến ngày khai hoa nở nhụy, Vân sinh thường một cách dễ dàng. Tuy Sơn không về kịp hôm Vân sinh nhưng Sơn đã xin về phép sớm kết hợp với kỳ nghỉ Tết để đón ngày đầy tháng con gái: "Khi ấy, dù là lần đầu tiên làm ba với nhiều bỡ ngỡ, vụng về. Nhưng bằng tất cả tình thương, anh đã rất chu đáo trong từng cử chỉ. Từ việc giặt tã, giặt áo quần, ru con ngủ, nựng con, chơi với con, trông con cho vợ ngủ bù vì đêm ngủ không đủ giấc. Cho đến lúc con lớn hơn, tập ăn dặm thì nấu cháo, dặm thêm sữa ngoài thì pha sữa, động viên vợ ăn nhiều để con đủ sữa bú, duy trì càng lâu càng tốt. Chở vợ con đi chơi, cho vợ thay đổi không khí, cho con tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Chụp hình lưu giữ từng khoảnh khắc con lớn lên từng ngày” - Vân cho hay.
Tin sét đánh và hành trình vất vả chữa ung thư lưỡi cho chồng
Đang sống yên vui, hạnh phúc, một ngày Vân và Sơn đứng ngồi không yên khi nhận được tin dữ: Sơn bị ung thư lưỡi. “Đó là một thứ hai đầu tuần như bao tuần khác. Hôm đó, chồng xin công ty nghỉ buổi sáng để đi lấy kết quả xét nghiệm. Cầm tờ giấy trả kết quả xét nghiệm sinh thiết, kết luận là có tế bào (tên tế bào mình không nhớ chính xác) sùi, ác tính, có tính lây lan. Anh lặng lẽ mở máy tính ra vào mạng tìm hiểu, rồi anh ngồi thẫn thờ. Thấy anh vậy, mình hỏi gì anh cũng không nói. Mình vội lại cầm tờ giấy đọc kỹ lại và vào máy tính ngồi, tìm cụm từ tên tế bào gốc thì dòng chữ hiện ra là căn bệnh ung thư" - Vân nhớ lại.
Không tin vào mắt mình, Vân quyết định cần đi ra ngoài: "Thế là mình nói với anh: 'Em cần ra ngoài, em đi chợ đây, anh ở nhà giữ con nhé!'. Anh nói không, cho anh đi với. Anh vội lấy áo khoác và mũ cho con. Và 3 chúng mình ra khỏi căn phòng trọ chật chội".
Ba bóng hình người đi giữa cái nắng trưa, chồng Vân bồng bé Nhím đi lững thững. Còn Vân như người mất hồn, xiêu vẹo với cái bóng: “Đi chợ về, mình vào bếp nấu cơm, nhìn anh và con, nước mắt cứ chực trào ra. Mình không dám khóc thành tiếng. Dọn cơm ra, miếng cơm chưa bao giờ đắng như thế. Xong xuôi mình dặn anh lên công ty xin nghỉ để nhập viện. Mình gọi điện cho ba mẹ chồng, nói với ba mẹ cần xuống Sài Gòn gấp vì chồng bị bệnh chứ không nói là ung thư. Lúc đó mình chỉ nghĩ có bệnh thì chữa và động viên anh vững tâm. Giờ nghĩ lại không hiểu sao mình lại bình tĩnh và cứng cỏi như thế. Nó như một cơn ác mộng mà mình buộc phải chấp nhận để đối diện với nó”.
Khi Sơn đi bệnh viện Gia Định phát hiện ra bệnh của anh đã là ngày 20 Tết. Để chắc chắn ngày 21 Tết, Sơn lên lại bệnh viện Ung Bướu kiểm tra lần nữa. Và kết quả không thay đổi. Nhưng bệnh viện lại cho một cái hẹn ra Tết, Sơn mới được nhập viện. Vợ chồng Vân lại quay về nhà. Lúc này, Sơn đã giục Vân đổi vé xe (kế hoạch về Tết của vợ chồng mình là ngày 25 Tết) để về Tết sớm. Lúc đó, nhìn bộ dạng của Sơn, đọc được trong ánh mắt của chồng, Vân biết chồng đang buông xuôi. Sơn dường như đang chuẩn bị đón 1 cái Tết cuối cùng tại quê nhà, được quây quần bên gia đình, vợ con và bạn bè.
Nhìn thấy chồng như vậy, Vân đau thắt lại: “Tự dưng mình thấy mình phải cứu anh, vực anh dậy. Mình dọn cơm ra cho ba và anh ăn, rồi lấy điện thoại hỏi thăm những người có khả năng giúp nhập viện được. Mình nói với anh, ngay đầu giờ chiều lên lại bệnh viện Ung bướu. Tại đây, mình lên khoa Ngoại nơi cho anh giấy hẹn nhập viện và xin được gặp bác sỹ, xin được gặp trưởng khoa. Các y tá bảo 3 giờ bác sỹ đến, lúc mình lên là 1 giờ 30".
Thời gian chờ đợi trong viện hôm ấy chưa bao giờ trôi chậm rãi đối với Vân đến thề. Chồng Vân thì đứng ngồi xuống còn Vân dù sốt ruột nhưng vẫn buộc phải kiên nhẫn: "Mình tin mình sẽ được gặp bác sỹ. Còn anh, anh nóng ruột, anh nói chờ đến 5 giờ thôi nha em. Mình "ừ" trả lời anh như lấy lệ. Anh nói 'Nếu được mổ trước Tết thì anh còn có tinh thần, chứ để qua Tết...'. Anh bỏ rơi câu nói, làm mình se thắt lòng".
Khi nghe chồng nói như vậy, Vân càng nghĩ bản thân phải gặp được bác sỹ để cầu xin cho chồng được mổ gấp. Khi chồng liên tục đòi về, Vân đã động viên anh cố nán lại thêm. Theo lời Vân kể, hai vợ chồng cô chờ đợi đến 5h45 thì bác sỹ tới. Sau khi xem sơ bệnh án và khám kỹ lại cho anh Sơn, bác sĩ quyết định phải mổ gấp."Khi đó, y tá bảo rằng còn xét nghiệm chưa xong, bác sỹ liền nói 'tôi chịu trách nhiệm. Sắp xếp lịch mổ gấp, vì để qua Tết tế bào sẽ lan rộng ăn hết vùng lưỡi, là phải cắt bỏ lưỡi hoàn toàn" - Vân nhớ lại.
Khi nghe bác sĩ nói qua về tình trạng bệnh của mình, chồng Vân đã bật khóc: “Bác sỹ bảo sẽ cắt 1/2 lưỡi, nạo hạch ở cổ (vì anh đã bị di căn qua vùng cổ), lấy thịt ở dưới vùng cổ tạo hình lưỡi mới. Anh ấy đã bật khóc. Anh nói với bác sỹ "Bác cứu em với, em còn trẻ, còn vợ, còn con". Bác sỹ dặn anh an tâm và nhìn mình như trao một trọng trách phải giúp anh vững tâm. Vợ chồng mình cảm ơn bác sỹ vào ra về” - Vân kể lại.
Rồi ngay ngày hôm sau chồng và ba chồng Vân đã lên viện làm tiếp những thủ tục cần thiết. Ngày 23 Tết, Sơn được vào phòng mổ - ca mổ cuối cùng của năm. Cũng may, sau 3 tiếng thấp thỏm chờ đợi, ca mổ đã thành công. Và đến ngày 28 Tết, Sơn được xuất viện. Sau đó, bệnh viện đã hẹn mùng 7 Tết, Sơn phải quay lại xạ trị.
Tết năm ấy là 1 cái Tết buồn và dài chưa từng có của cả nhà Vân Sơn. Cả nhà chỉ mong nhanh đến mồng 7 Tết để anh nhập viện mà xạ trị. Rồi ngày nhập viện lại cũng đến. Nhưng vì bệnh nhân quá đông nên bệnh viện hẹn 18 ngày sau quay lại làm máng che để xạ trị.
Thời điểm ấy với người vợ trẻ này quả là không dễ dàng gì. Nhiều đêm, nằm một bên là con khóc đòi bú và khó ngủ, một bên là chồng đang lên cơn sốt, cứ gọi vợ bảo rằng "anh lạnh lắm" dù đã đắp cho chồng rất nhiều chăn, Vân lại trào nước mắt và chỉ mong trời nhanh sáng. "Mình nằm mà chỉ mong trời nhanh sáng, một đêm dài trong cuộc đời mình. Thao thức, trằn trọc, nghĩ ra cách nào đây, cầu mong không phải là sự thật. Rồi nhìn con ngủ lòng mình lại thắt lại, bé còn quá nhỏ, mới 12 tháng, mới vừa thôi nôi, vừa tròn 1 tuần. Mình càng quyết tâm cứu chồng, chạy chữa cho anh, để con gái mình không mất ba khi còn quá bé" - Vân kể lại trong nước mắt.
Vân đã từng cứ mong kết quả đó không chính xác với chồng. Những ngày sau đó, Vân đã trực tiếp tìm cách gặp bác sỹ nhờ tư vấn vì cô biết chồng mình đang cần xạ trị gấp do không còn nhiều thời gian. Thời gian này, Vân cũng phải để mẹ đẻ đưa con gái nhỏ về Quảng Bình. Còn Vân, ba chồng và chồng tiếp tục ở lại Sài Gòn với hành trình chữa bệnh: "Nhờ chị của bạn mình bên Đại học Y Dược, lịch hẹn chuyển xuống 1 tuần thay vì 18 ngày. Rồi anh được lên phác đồ trị bệnh: 33 tia xạ và 7 lần vô thuốc hoá trị”.
Trong quãng thời gian đó, có những lúc Vân xuống tinh thần, nghĩ đến viễn cảnh chồng rời xa 2 mẹ con, Vân chỉ muốn gào khóc nức nở. Nhưng tiếng khóc bao giờ cũng phải nén vào lòng vì Vân không muốn chồng thấy. Cô sợ mình khóc sẽ khiến chồng càng suy sụp. Sợ chồng ra đi; muốn con mình được lớn lên trong tình yêu thương đầy đủ của ba mẹ, vì thế nên Vân càng quyết tâm vực chồng dậy. Cô đã tìm gặp bác sỹ để được tư vấn, hoặc nghe ai chỉ bài thuốc gì Vân đều lên mạng hỏi thăm kỹ càng rồi mua về để Sơn uống.
Trong thời gian Sơn hoá trị và xạ trị đồng thời, Sơn bị nôn ói, có những ngày chẳng ăn uống được gì. Vân phải động viên, an ủi, năn nỉ, đút từng thìa cháo cho anh có sức. Rồi dành thời gian đi dạo công viên, đi tản bộ cùng anh: “Lúc ấy, mình thường kể lại kỷ niệm thời yêu nhau, và nói về những hoạch định còn dang dở cho anh có động lực mà cố gắng hơn. Có những lúc lén nhìn anh từ phía sau, dáng anh gầy gò, xiêu vẹo trong ráng nắng chiều, lê từng bước chân. Mình đau lòng lắm. Người đàn ông của mình mới mấy ngày trước đây thôi, còn tràn đầy dũng khí, sức sống mà giờ thì heo hắt”.
Có người vợ hiền tâm lý, hết lòng yêu thương chồng, rồi Sơn cũng từng bước đối diện được với bệnh tật của mình, trong khi Vân càng cứng cỏi hơn: "Thời gian đầu, mỗi khi có ai hỏi thăm, vô tình nói câu gì mình cũng không tránh khỏi chạnh lòng, nhưng rồi quen dần và cười tươi hơn. Dường như nghị lực sống, nhựa sống của mình làm lan toả qua anh. Anh yêu đời trở lại, thích nghe nhạc, đi dạo, đi chùa. Ba chồng mình vui hẳn lên. Không khí gia đình không còn nặng nề như trước nữa, ấm dần lên”.
“Họa vô đơn chí”, đôi vai gầy người vợ trẻ lại phải gánh thêm trọng trách
Khi chồng Vân vô thuốc được 1 liều hoá trị và 5 tia xạ thì thời điểm này cả nhà cũng nhận được tin mẹ anh được chẩn đoán bị Ung thư Đại tràng. "Hoạ vô đơn chí" bất ngờ xảy ra khiến ai cũng xuống tinh thần sau tin sét đánh này.
“Lúc ấy 1 không khí nặng nề lại bao trùm lên. Mình và ba chồng cùng trấn an nhau để động viên chữa chạy. Vì bệnh viện Ung Bướu đông quá nên gia đình đưa mẹ nhập viện 175. Và mẹ anh cũng lên bàn mổ, vào cuộc chiến với hành trình hoá trị. Mình biết đôi vai gầy của mình lại gánh thêm trọng trách. Nhưng mình sẽ cố không gục ngã. Mình với thân hình nhỏ bé sẽ làm điểm tựa cho anh, là nguồn động viên của ba mẹ mình cũng như ba mẹ anh” - Vân nói.
Cứ ngỡ, sóng gió gia đình chỉ thử thách lòng người đến đây. Nhưng chưa đầy 6 tháng sau khi chồng đang điều trị ung thư lưỡi, mẹ chồng đang điều trị ung thư đại tràng thì chính Vân cũng ngã ngửa người khi lại phát hiện bản thân bị chít hẹp đường phế quản. Và cô đã phải vào phòng phẫu thuật hôm 23/6 vừa rồi để cắt nối và cắt bỏ 1/3 lá phổi bị vôi hóa.
Khó khăn lại càng chồng chất khó khăn khi một mình chồng Vân thôi đã đủ vất vả cho gia đình. Đằng này lại thêm mẹ chồng và giờ thêm Vân: "Gia đình 2 bên đã xoay sở mọi cách, bà con thân thích giúp đỡ. Bạn bè cấp ba, cấp hai của mình đã tổ chức quyên góp ủng hộ. Rồi bạn bè của chồng mình cũng đến thăm hỏi. Các anh chị đồng nghiệp cũng đến chia sẻ. Mọi người đã ở bên mình giúp đỡ vợ chồng mình theo đúng nghĩa cử cao đẹp 'lá lành đùm lá rách', 'lá rách ít đùm lá rách nhiều'. Mình xin ghi nhận hết tấm lòng, một lần nữa mình xin được tri ân”.
Tới thời điểm này, sức khoẻ của chồng Vân vẫn chưa được tốt dù đã xong phác đồ điều trị hoá trị và xạ trị. Đồng thời, thời gian này Vân cũng đang trong thời gian dưỡng sau hậu phẫu. Người Vân còn yếu, chưa làm gì được, sinh hoạt cá nhân vẫn nhờ sự hỗ trợ của người thân. Còn mẹ chồng Vân cũng đang trong quá trình vô thuốc hoá trị lần thứ 5 tại Bệnh viện 175.
Chia sẻ về việc chạy vạy để điều trị cho 3 người nhà Vân trong 6 tháng qua, Vân lo lắng kể: “Chồng mình phát hiện bệnh vào 20 Tết âm lịch năm 2014. Tính đến thời điểm này mới 6 tháng, mà trong nhà lần lượt phải chồng, mẹ chồng và đến mình phải điều trị bệnh. Kể từ ngày chồng mình bị bệnh cho đến ngày kết thúc phác đồ điều trị, tổng số chi phí đã hơn hai trăm triệu. Còn chi phí cho mẹ chồng đang điều trị, số tiền vẫn cứ tăng dần đều. Ngay như đợt nằm viện cuối tháng 6 vừa qua của riêng mình, chi phí cho ca phẫu thuật và nằm điều trị 20 ngày cũng tốn hết hơn hai mươi triệu. Chưa tính những chi phí phát sinh, tiền ăn uống, thuốc men”.
Được biết, khi hay tin Sơn bị bệnh, ba mẹ chồng Vân đã bán mảnh đất rẫy mà bao năm qua ông bà gắn bó. Nhưng số tiền này cũng chỉ đủ giúp trang trải chi phí cho việc chi trả chữa bệnh cho Sơn. Vì mới cưới, lại vừa đi làm vừa dồn tiền đi học và sinh con nên vợ chồng Vân cũng không dư dả gì. Cũng may, thời gian Sơn nằm viện chữa trị có bảo hiểm y tế nên chi phí cũng đỡ phần nào. Hiện nay, cả hai vợ chồng Vân đang thất nghiệp và cả nhà đang chỉ biết trông chờ vào đồng lương của mẹ chồng Vân (tháng 9 này mẹ chồng Vân sẽ về hưu).
Sau 1 tháng nữa Vân sẽ tái khám, dù trước mắt còn nhiều thiếu thốn gian nan nhưng người vợ trẻ kiên cường bảo: “Mình mong nhanh khoẻ lại, chồng và mẹ chồng mình cũng dần khoẻ để cả nhà mình lại đón bé Nhím vào và đoàn tụ. Mình chỉ mong kiếm được một công việc phù hợp để có thời gian chăm sóc anh và con. Còn chồng hay mẹ chồng thì bị bệnh nan y nên không nói trước đuợc điều gì, chỉ mong kéo dài sự sống. Giờ dù xong phác đồ điều trị nhưng chồng mình vẫn tăng cường thêm thuốc Nam, Bắc, Đông, Tây đủ cả... Chi phí hiện tại vẫn nhờ vay mượn và ủng hộ từ người thân, họ hàng và bạn bè”.
Với người phụ nữ 31 tuổi này: "Trời chỉ thử thách lòng người, ai cũng lúc gục ngã nhưng quan trọng là mình có chịu đứng dậy và bước tiếp như thế nào thôi. Mình tin chồng và mẹ chồng mình sẽ còn sống hết cuộc đời với mình. Bởi mình tin có điều kỳ diệu, sau cơn mưa trời lại hửng sáng thôi. Chúc mọi người luôn khoẻ mạnh, bình an và may mắn!”.