So với những bạn gái cùng trang lứa có chồng ngoại, cô dâu Phan Thị Thu, SN 1992, trú tại Đông Phú, Bình Phước may mắn hơn vì lấy được người chồng vừa đẹp trai, vừa trí thức.
Thường những cô gái lấy chồng ngoại quốc phải chịu sự sắp đặt, chấp nhận rủi ro để đổi lấy một số tiền cho gia đình, riêng Thu lại là một chuyện tình cờ.
Nhà có hai chị em, chị Hai đã lấy chồng, Thu ở nhà với ba mẹ, đang làm công nhân cho một công ty Malaysia. Năm 2010, biết ba mẹ Thu định bán nhà để trả nợ, chị đốc công phân xưởng của Thu gợi ý: “Ba mẹ em bán nhà làm chi, em chịu làm em dâu phó giám đốc thì chị làm mai cho. Cưới xong là dư tiền trả nợ!”.
Thấy Thu trẻ đẹp, lanh lợi, ông phó giám đốc có vẻ ưng, báo về bên nhà cho cậu em. Cuối năm ấy, Thu được bố trí sang Malaysia chơi, gặp mặt đối tượng. Cuộc gặp thành công ngoài mong đợi. Chú rể không phải là ông già hay một anh chàng tàn tật mà là một “hoàng tử” đúng nghĩa: Lee Chee Kim, 24 tuổi, người gốc Hoa, là kỹ sư điện tử. Cả hai đều bị “tiếng sét ái tình” ngay từ lần gặp đầu tiên.
Thu không làm việc ở quê nhà nữa mà chuyển sang Malaysia, được chồng sắp cưới nuôi để học tiếng Hoa, chờ đến năm 20 tuổi sẽ tổ chức cưới, theo đúng quy định của luật pháp nước sở tại. Năm 2012, Kim và Thu đăng ký kết hôn, tổ chức cưới rất lớn tại quê chồng.
Sau đó, hai vợ chồng về Việt Nam hưởng tuần trăng mật và tổ chức ra mắt tại Việt Nam. Thu và cha mẹ không có tiền nên không thể chủ động tổ chức tiệc cưới, chú rể Kim thì chỉ chịu chi tiền làm đúng hai mâm tiệc mời họ hàng bên vợ.
Dù mang cuốn album ảnh cưới từ nước ngoài về khoe với mọi người đám cưới “hoành tráng” ở bên ấy, Thu vẫn không khỏi mắc cỡ với bạn bè và hàng xóm. Ba mẹ Thu ngong ngóng mãi món tiền con rể “nạp tài” để trả nợ cũng không thấy. Nỗi thất vọng càng lớn khi vợ chồng Thu “hồi quốc” mà món nợ của ba mẹ cô vẫn còn y nguyên.
Thu bắt đầu cuộc đời làm vợ. Kim không muốn vợ phải đi làm, chỉ yêu cầu cô ở nhà lo cơm nước, mỗi tháng chồng cho riêng 1.000 ringgit (khoảng hơn 5 triệu VNĐ) tiêu vặt. Khó khăn đến với cô là từ phía mẹ chồng.
Mới ngoài 50 tuổi nhưng mẹ chồng Thu rất khó tính, theo dõi con dâu từng li từng tí. Con dâu vừa lau nhà xong, chỉ phát hiện một sợi tóc rơi trên nền gạch là bà yêu cầu Thu lau lại. Cơm canh nấu không hợp khẩu vị là bị la mắng. Chồng đi làm, suốt ngày Thu phải đối mặt với sự khó chịu của mẹ chồng. Khi Thu có thai, cô được chồng cho thêm 500 ringgit hàng tháng để bồi dưỡng.
Trong số tiền “lương” 1.500 ringgit hàng tháng ấy, cô chi tiêu tiết kiệm bớt lại một nửa, cộng với tiền chợ dư ra hàng ngày, bỏ vào con heo đất trong phòng ngủ. Tội nghiệp cho cô con dâu thật thà, tiền giấu đâu không giấu lại bỏ vào heo đất. Một lần Thu đi chợ, bà mẹ chồng vào phòng kiểm tra, thấy có tiền, đã lấy mất.
Tuy rất cưng vợ, nhưng Kim là người có hiếu, không bao giờ dám cãi lời mẹ. Vì vậy, khi Thu nhớ nhà xin về Việt Nam ít ngày, Kim không dám quyết vì mẹ không cho. Cuối năm 2012, sau nhiều lần khóc lóc, năn nỉ, Thu được phép về thăm nhà với cái bụng bầu lặc lè.
Đúng ngày 30/12/2012, cô trở dạ. Khi Thu nằm trong khoa sản bệnh viện tỉnh chờ sinh, cũng là lúc chồng cô bay qua Việt Nam, thuê tắc xi và phiên dịch tìm đến nhà ba mẹ vợ. Biết vợ sắp sinh, Kim đến chầu chực tại bệnh viện, yêu cầu cho vợ được chăm sóc với chế độ cao nhất.
Thu phải sinh mổ, may mắn cậu con trai khỏe mạnh và kháu khỉnh, đẹp trai như cha nó. Ngay hôm sau, Kim bảo vợ chuẩn bị đưa con về Malaysia. Vì vết mổ chưa lành, bà ngoại không đồng ý cho hai mẹ con lên máy bay. Thỏa thuận không được, Kim một mình lên máy bay về nước, sau hai ngày chăm sóc con trai. Từ đó đến nay, không một lá thư, không một cuộc điện thoại hỏi thăm vợ con, anh ta biến mất khỏi cuộc đời Thu.
Bà Lê Thị Hòa, mẹ Thu, cho biết: “Tôi rất thương và tội nghiệp cho con Thu. Có lẽ vì bên nội làm khó mà vợ chồng nó xa nhau. Mà thằng Kim cũng kỳ cục. Rõ ràng nó cưng con trai lắm, tự tay làm vệ sinh, thay tã cho con hàng ngày, hôn hít con, vậy mà bỏ đi một nước”.
Việc chồng đột ngột bỏ về Malaysia, lúc đầu Thu cũng bị sốc, nhưng người nhà động viên cô: “Nó phải về lo Tết dương lịch cho công ty và gia đình. Ít bữa qua lại chứ gì”. Những ngày khắc khoải chờ chồng kéo dài hơn hai năm. Thu nhớ chồng, gọi điện cho Kim nhưng không liên lạc được. Gọi về nhà mẹ chồng, cũng không ai nhấc máy.
“Kim là người rất nghe lời mẹ. Nếu mẹ chồng chưa đồng ý cho gửi tiền hoặc đón mẹ con em sang, thì anh ấy không dám đâu. Còn giờ ôm con về nhà chồng thì tiền đâu mua vé máy bay? Vả lại, biết người ta còn ở đó hay chuyển chỗ ở rồi” - Thu nói. Cô chỉ hy vọng có phép màu nào đó, Kim bay sang Việt Nam đón hai mẹ con về Malaysia.
Bé Phan Chí Cường năm nay đã hai tuổi. Thu muốn con trai mang họ cha, để sau này biết đường mà tìm về cội nguồn, nhưng sở tư pháp tỉnh không khai sinh cho bé theo họ Lee được, vì giấy đăng ký kết hôn nước ngoài không có giá trị ở Việt Nam.
Muốn bé mang họ cha, Lee Chee Kim phải có đơn xin nhận con, mà người cha đó lại “bặt vô âm tín”. Vì thế, bé phải mang họ mẹ. Bé Cường được gửi cho bà ngoại để mẹ đi làm. Cháu ngoan và dễ ăn, mau lớn. Chỉ có Thu là chưa hết bàng hoàng vì giấc mộng hạnh phúc xứ người đã tan như bọt xà phòng.
(Tên nhân vật đã được thay đổi).