Cuộc sống ngày nay đã có nhiều thay đổi về quan điểm nhưng chuyện các chị em đi… dụ cưới vẫn khiến không ít người tỏ ra e dè khi nhắc đến.
Các nàng dụ cưới, “
cọc đi tìm trâu”… vốn là một vấn đề tế nhị của chị em phụ nữ. Trong cuộc sống hiện đại, tuy rằng việc này đã được nhìn nhận bằng quan điểm thoáng hơn nhưng không ít người vẫn có đôi chút e ngại khi đề cập đến hành động được cho là bạo dạn này của phái nữ.
Cùng lắng nghe những chia sẻ của các chị em khi đặt mình vào địa vị “người dụ cưới”:
“Thế tóm lại, có cưới không để còn biết?”
Thùy Linh (26 tuổi) có quan điểm khá thẳng thắn về việc “cọc đi tìm trâu”. “Với mình, chuyện con gái ngỏ
lời cầu hôn trước là bình thường. Đặt trong trường hợp cả hai yêu nhau đã lâu, thời cơ cũng chín mùi, đã đến lúc tính chuyện cưới xin mà anh con trai mãi không thấy ngỏ lời.
Có thể vì anh ta nhát, không biết nói gì với người yêu, hoặc do anh ta ngại cưới. Lúc đó thì người con gái phải nói trước thôi. Một là để biết ý tứ của anh ta về việc kết hôn là như thế nào. Hai là nếu vấn đề chỉ nằm ở chỗ anh con trai nhát quá không dám nói, dùng dằng mất thời gian thì con gái cũng nên nói trước cho nhanh” - Linh chia sẻ.
Thùy Linh, 26 tuổi.
Khi được hỏi, việc con gái mạnh bạo quá trong chuyện tình cảm, liệu có sợ bị dư luận xì xào, phán xét, cô bạn 26 tuổi cho rằng mình nên có chính kiến rõ ràng cho bất cứ quyết định nào.
Thùy Linh tâm sự: “Bất cứ ai cũng mong chuyện tình của mình, sẽ có một màn cầu hôn lãng mạn. Nhưng đâu phải cứ muốn là được đâu. Yêu nhau, tất yếu sẽ tính đến chuyện kết hôn, điều đó hoàn toàn bình thường. Con gái cũng cần phải biết được rằng người yêu mình có xác định đến việc lập gia đình hay không chứ. Kết hôn là chuyện quan trọng của cuộc đời chính mình, chứ chẳng có gì liên quan đến người khác, mình đâu cần phải lo thiên hạ đàm tiếu”.
Linh cho biết cô bạn và anh chàng người yêu có cùng suy nghĩ rất thoải mái về vấn đề cưới xin: “Cả hai đứa bằng tuổi nhau nên hợp và hay chia sẻ về mọi chuyện. Có lần, mình còn quay sang hỏi người yêu mình kiểu nửa đùa nửa thật là: Thế tóm lại, có cưới không để còn biết? Mình nghĩ là chuyện này không có gì quá nghiêm trọng cả”.
Con gái ngỏ lời trước, không phải là chuyện to tát
Nguyễn Linh (28 tuổi) đã có hơn 1 năm trải qua cuộc sống
hôn nhân. Nhớ lại quãng thời gian trước, do gần Tết và chỉ kịp tranh thủ những ngày ngắn ngủi chồng về nước để tổ chức đám cưới nên đối với cặp đôi này, việc cầu hôn hay không cũng chẳng phải là việc quan trọng nữa.
Linh tâm sự: “Do bận rộn nên gần như tất cả mọi việc, cả hai vợ chồng đều dồn hết cho đám cưới. Những lúc như thế, ai là người cầu hôn trước không còn là việc quá to tát, chỉ nghĩ là lo cho xong việc lớn của đời người thôi”.
Nguyễn Linh, 28 tuổi.
Chia sẻ quan điểm về việc phụ nữ là người ngỏ lời cưới trước, Linh cho rằng bây giờ là thời đại nam nữ bình đẳng, không còn quá nhiều người coi trọng việc đàn ông hay phụ nữ - ai là người đi “
cầm cưa”. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn nên có một chút tế nhị trong việc này. "Chắc chắn là sẽ rất ít cô gái sẵn sàng trở thành người đòi cưới trước, trừ khi có vấn đề gì nằm ở phía sau. Với nhiều người, danh dự và sỹ diện cũng đáng để coi trọng lắm".
Tuy nhiên, Linh cũng cho rằng cuộc sống phía sau
đám cưới mới là điều đáng để quan tâm hơn cả. “Mình nghĩ là chuyện hôn nhân sẽ là sự thống nhất giữa hai người. Đám cưới tổ chức khi cả hai đều nhận ra rằng đã đến thời điểm tốt để tiến hành. Miễn là cuộc sống sau hôn nhân hạnh phúc, vợ chồng hòa hợp, cả hai cùng đồng lòng phấn đấu vì tương lai thì những vấn đề khác cũng chỉ là chuyện nhỏ” - Linh chia sẻ.
"Yêu đương là chuyện riêng của mỗi người"
Thùy Dương (nhân viên văn phòng) có quan điểm trung lập về vấn đề các nàng là người dụ cưới. Mới kết hôn và cũng chưa từng trải qua cảm giác của người đi “cầm cưa” nhưng cô bạn vẫn cho rằng đây không phải là chuyện quá nghiêm trọng.
“Từ tình yêu đến hôn nhân là cả một quá trình, mình chỉ quan tâm đến kết quả xem hai người có hoàn toàn hạnh phúc khi quyết định 'đeo gông vào cổ' không thôi. Phụ nữ bây giờ khá tự tin và bản lĩnh. Không ít người sẵn sàng bỏ qua những việc cỏn con đấy để đổi lại hạnh phúc cho mình.
Bên cạnh đó, đôi khi, bề ngoài không hẳn đã biểu hiện rõ nhất bản chất bên trong. Cứ cho rằng con gái là người bày tỏ ý định về đám cưới trước đi, nhưng điều đó cũng đâu có nghĩa là cô ấy là người lụy tình và sẽ phải chịu thiệt thòi. Biết đâu, sự việc lại hoàn toàn ngược lại” - Thùy Dương chia sẻ.
Thùy Dương, 27 tuổi.
Theo quan điểm của cô gái 27 tuổi này, tình yêu là chuyện riêng tư của mỗi người và người ngoài không nên phán xét về góc riêng đó để tôn trọng quyền cá nhân.
“Khi hai người yêu nhau, tất cả những vấn đề nảy sinh chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ ràng nhất. Mình không quá tự tin nhưng nếu trong trường hợp cần thiết, mình chẳng ngại và sợ bị người ngoài phán xét về việc gì cả. Ngược lại, nếu đó là chuyện của người khác, mình cũng giữ nguyên thái độ: không ủng hộ, không
phán xét” - Dương tâm sự.