Nhiều lúc, nàng dâu mới không dám ho he đến chuyện nhà chồng khi nhận thức được mình nằm ở vế yếu: quyền hành không, kinh tế lại càng không.
Trong gia đình, người nắm kinh tế luôn ở phe mạnh. Đó cũng là ác mộng của những nàng dâu mới khi phe mạnh thuộc về gia đình chồng. Yếu thế về tiền bạc, nhiều khi các nàng dâu không tránh khỏi cảm giác tủi nhục khi lâm vào cảnh phải ngửa tay xin nhà chồng từng đồng bạc lẻ.
Hiền (Quảng Ninh), lấy chồng từ năm 19 tuổi, “bác sĩ bắt cưới” sau mấy lần lỡ “vượt rào” cùng anh người yêu 20 tuổi. Sau đám cưới, hai vợ chồng ở nhà, phụ việc cho đại lý sữa của bố mẹ chồng.
Lúc đó, Hiền đang học năm nhất Đại học, bụng chửa vượt mặt nên đành xin bảo lưu kết quả để ở nhà chờ sinh. Chồng Hiền vốn là con trai một nên được cưng chiều từ nhỏ, từ xưa đến nay chỉ quen ngửa tay xin tiền bố mẹ, chứ chưa từng chịu vất vả kiếm tiền. Tốt nghiệp cấp 3, thi trượt đại học là chồng Hiền ở nhà phụ bán hàng cho bố mẹ luôn, chẳng hề có ý định thi lại hay học nghề rồi đi làm. Gọi là phụ hàng nhưng kỳ thực, anh chàng công tử bột có khi cả tuần không biết ở nhà là gì. Việc nhà, việc buôn bán đã có bố mẹ lo, còn mỗi “việc chơi” thì nghiễm nhiên coi đó là việc của anh.
Tiền bạc là chuyện tế nhị, rất dễ khiến các nàng dâu mất mặt khi ở nhà chồng (ảnh minh họa).
Hai vợ chồng không nghề nghiệp, không tiền, có một chút vàng bố mẹ đẻ có dấm dúi cho con gái lúc cưới thì Hiền cũng dành chi tiêu dè sẻn lúc mang bầu, đến khi sinh cũng vừa hết nhẵn. Sinh con xong, toàn bộ các thứ tiền sữa, bỉm cho con, thức ăn tẩm bổ cho mẹ đều do gia đình chồng Hiền chi trả. Đã vậy, gia đình bận hàng quán nên lại phải thuê thêm một cô
giúp việc trung tuổi để chăm bẵm hai mẹ con. Bởi thế, mỗi khi nhắc đến tiền là mẹ chồng Hiền lại không ngừng xuýt xoa rằng “Con dâu và cháu nội là hai cỗ máy ngốn tiền của cả nhà”.
Mỗi lần bà than thở bóng gió về chuyện tiền nong là Hiền lại tái mét mặt mày, xấu hổ, chỉ thầm ước giá có lỗ nẻ nào chui xuống. Mọi thứ cần chi tiêu đã có nhà chồng lo, nên trong túi Hiền, có khi cả tháng cũng không có xu nào. Bố mẹ đẻ Hiền cũng khó khăn, thành ra mỗi lần đến thăm cháu, ông bà ngoại cũng chỉ cho một ít gọi là thêm thắt mua sữa cho con.
“Mẹ chồng mình nổi tiếng chặt chẽ nhất khu phố. Bà quý cháu nhưng dường như lúc nào bà cũng có suy nghĩ rằng hai mẹ con là
cục nợ của cả nhà. Thành ra, mỗi lần bà chi tiêu gì cho hai mẹ con là như ban ơn, mình thấy tủi nhục vô cùng. Cần mua gì, bà đứng ra tự tay chi tiền chứ chẳng khi nào đưa cho mình một xu. Bình thường thì chẳng nói, những thứ tế nhị như mua đồ lót hay băng vệ sinh, mình ngại nên chẳng bao giờ dám hỏi. Những lúc bí quá, toàn phải nhờ chồng xin tiền hộ để bà đỡ cằn nhằn. Cả vài tháng mình không biết ra đường là gì vì túi không có tiền, chẳng lẽ lại ngửa tay xin mẹ chồng tiếp” - Hiền kể về quãng thời gian gần như trầm cảm của mình sau sinh.
“Mình chỉ mong là con sớm cứng cáp, mình sẽ xin đi làm, làm gì cũng được miễn là có tiền. Chứ suốt ngày ngửa tay xin tiền thế này, nhiều khi thấy tủi lắm. Ai cũng bảo mình sướng vì gia đình chồng khá giả, nào có biết tường tận bên trong nó khổ sở đến thế nào đâu” - Hiền thở dài.
Khác với hoàn cảnh của Hiền, Tâm (Hà Đông) có việc làm ổn định hẳn hoi nhưng vẫn chẳng thoát được kiếp “thấp cổ bé họng” trong gia đình chồng. Hai vợ chồng học cùng Đại học, đến khi ra trường thì cưới. Vợ chồng Tâm làm cơ quan Nhà nước, lương ba cọc ba đồng, mỗi lần đến ngày lĩnh lương cũng chỉ đủ góp tiền ăn và sinh hoạt hàng tháng, giữ lại một ít để tiêu vặt nhưng thường thì tháng nào cũng thiếu.
Những lúc bí quá như tháng nào có nhiều đám cưới, sinh nhật bạn bè, là họ lại phải về ngửa tay xin tiền bố mẹ chồng. May thay,
nhà chồng Tâm cũng thuộc loại khá giả, bố mẹ vẫn đương chức nên kinh tế không quá lo.
Trong gia đình chồng Tâm, mẹ chồng thì dễ nhưng phải cái bố chồng lại kỹ tính vô cùng. Mấy lần, thấy Tâm hỏi tiền bà là ông lại chép miệng xì xầm: “Hai vợ chồng chưa có con cái gì còn không nuôi nổi nhau. Ai đời con cái lại về hành tiền bố mẹ già như thế. Xem vợ chồng thằng Hòa (anh chồng Tâm, đã lấy vợ và có nhà riêng) đấy, tháng nào cũng biếu bố mẹ tiền”. Những lúc như vậy, Tâm chỉ biết cúi gằm mặt xuống.
Không chỉ thế, bố chồng còn tỏ rõ thái độ coi thường
con dâu ra mặt. Mỗi lần họp gia đình, hay muốn mua cái này cái kia, ông luôn nói chuyện và hỏi ý kiến con dâu cả dù không ở cùng. Còn Tâm, ông thường tỏ ra khinh miệt mỗi khi có ai nhắc đến cô con dâu thứ. Đại loại như ông nói: “Ôi dào, nó thì biết cái gì. Thôi theo bố thì nên thế này, nên thế kia….”. Dù không ai nói nhưng Tâm phần nào đã hiểu được vị trí của mình trong gia đình và tủi phận vô cùng.
Tâm đem chuyện này tâm sự lại với chồng thì anh gạt phăng đi: "Bố già rồi nên nói vậy thôi chứ con cái không thương thì thương ai". Tâm thừa hiểu từ xưa đến nay, chồng cô vốn không quen gánh vác kinh tế và dựa dẫm vào bố mẹ, đến cả công việc hiện giờ cũng một tay ông bà lo, thành ra có nói với anh cũng bằng thừa.
Cứ nghĩ đến tương lai khi hai vợ chồng có con, bao nhiêu thứ cần chi tiêu mà động chỗ nào cũng phải ngửa tay xin tiền nhà chồng mà Tâm lại càng thấy ngán ngẩm.