Đến một độ tuổi nhất định, khi bạn bè bạn người lên xe hoa, kẻ đeo nhẫn cưới, bạn băn khoăn không biết đã đến lúc mình nên kết hôn hay chưa?
Kết hôn là việc ai cũng phải trải qua, nhưng nó cần một sự lựa chọn thực sự chính xác. Thời điểm, đối tượng kết hôn, hoàn cảnh cá nhân... là những yếu tố cần xem xét trước khi quyết định chuyện hệ trọng này. Cùng tìm hiểu một vài vấn đề dưới đây để tránh rơi vào tình trạng vội vàng kết hôn nhé.
Cá nhân con người ấy
Bạn đã bao giờ tận mắt chứng kiến người yêu nóng giận, quát tháo, đập phá... Bạn thất vọng vì người ấy "hiện nguyên hình" thành một anh chàng vô cùng xấu tính. Đây là lúc mối quan hệ của bạn đã trải qua thời gian đầu mặn nồng, chỉ có ngọt ngào mà không một giọt nước mắt. Bạn cho rằng
tình yêu của mình đang xuống dốc. Nhưng đó chính là cơ hội để thử thách tình yêu của bạn có thể đi đến hôn nhân hay không.
Khi yêu lâu, bạn cần khám phá con người của chàng ở cả mặt "chính diện" và "phản diện". Đó là khi chàng gặp
khó khăn trong công việc, khi hai bạn đối mặt với mâu thuẫn lớn... Những lúc như thế mới là thời gian chàng thể hiện con người thật nhất của mình - con người mà nếu kết hôn, bạn sẽ sống cùng cả đời.
Hãy tự hỏi: Bạn có thể chấp nhận con người chàng trong những lúc điên khùng và xấu xa nhất về cảm xúc hay chưa? Nếu chấp nhận được cả những mặt xấu ở chàng, bạn có thể nghĩ đến chuyện kết hôn mà không sợ mình đã vội vàng.
Nếu chấp nhận được cả những mặt xấu ở chàng, bạn có thể nghĩ đến chuyện kết hôn mà không sợ mình đã vội vàng (Ảnh minh họa)
Công việc và tài chính
Thời điểm hợp lý để hai người yêu nhau tiến tới hôn nhân là khi họ chấp nhận chia sẻ thu nhập, các khoản chi tiêu chung. Một số cặp đôi đã dùng chung tài khoản khi
sống thử trước hôn nhân, song việc chia sẻ kinh tế với người khác dài hạn suốt cuộc đời lại là vấn đề khác mà bạn cần đặc biệt lưu tâm nếu có ý định kết hôn.
Một khi hai người đã nên vợ nên chồng sẽ nảy sinh một loạt vấn đề tài chính trong hôn nhân. Trong đó chuyện ai kiếm được nhiều tiền hơn, ai làm "tay hòm chìa khóa" trong nhà, thói quen chi tiêu... hoàn toàn có thể trở thành những mối đe dọa cuộc sống chung.
Ngoài ra công việc cũng là vấn đề quan trọng của mọi cuộc hôn nhân. Trước khi quyết định về chung một nhà, bạn cần nhìn nhận lại công việc, địa điểm làm việc của mình. Bạn có sẵn sàng chuyển việc để theo người ấy về nhà chồng?
Hãy tự hỏi: Chúng ta có thể đạt được thỏa thuận khả thi về công việc, tài chính khi kết hôn hay không?
Xác định được ai là người nắm kinh tế trong gia đình, cả hai sẵn sàng chia sẻ tiền lương với nhau... thì cũng là lúc bạn biết được thời điểm kết hôn hợp lý đã đến.
Quá khứ
Quan niệm quá khứ của chúng ta sẽ xác định tương lai không phải luôn đúng trong mọi trường hợp. Khi bạn và người ấy kết hôn với nhau, có cả một quá khứ dài mà hai người không hề biết về nhau trước khi gặp mặt. Chính vì vậy, đôi khi những bí mật trong quá khứ vô tình được tiết lộ lại khiến người khác thực sự sốc.
Cơn ác mộng về một thời thơ ấu tủi cực, chuyện buồn của gia đình, những vết sẹo tình yêu để lại sau cuộc tình cay đắng với
người cũ... đang và sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ hiện tại của bạn. Nó có thể gây ra hậu quả cho bạn vào thời điểm bạn ít ngờ tới nhất. Song đừng quá lo lắng bởi tất cả sẽ được giải quyết nếu như bạn sẵn sàng chia sẻ quá khứ với người bạn đời tương lai của bạn. Anh chàng biết lắng nghe, đồng cảm với quá khứ của bạn chính là người thích hợp để bạn đi đến quyết định kết hôn.
Bạn có thể nghĩ đến chuyện kết hôn mà không cần lăn tăn thêm điều gì liên quan đến chuyện quá khứ nữa (Ảnh minh họa)
Hãy tự hỏi: Liệu còn bí mật lớn nào liên quan đến quá khứ mà bạn đang giấu người ấy?
Nếu còn, hãy nói ra để tâm hồn bạn thanh thản. Nếu không, bạn có thể nghĩ đến chuyện kết hôn mà không cần lăn tăn thêm điều gì liên quan đến chuyện quá khứ nữa.
Gia đình
Khi bạn có ý định kết hôn cũng là thời điểm bạn cần xác định mình sẽ có thêm một gia đình, thêm những người thân thiết. Cùng với sự quan tâm của gia đình mới mang lại thì có thêm một mái ấm, đồng nghĩa với việc bạn sẽ có thêm nhiều trách nhiệm. Sẽ có lúc bạn buộc phải gạt bỏ sở thích riêng, hy sinh quyền lợi riêng để ngôi nhà chung được êm ấm, hòa thuận, cuộc hôn nhân của bạn được hạnh phúc.
Sẽ là may mắn nếu
gia đình chồng coi bạn như một người con gái. Nhưng dù kết hôn với ai, bạn cũng nên xác định tư tưởng sẵn sàng đối mặt với những mâu thuẫn, khác biệt khi trở thành thành viên chính thức của gia đình chồng...
Hãy tự hỏi: Mình đã sẵn sàng gia nhập vào gia đình chàng? Sự sẵn sàng này đòi hỏi bạn có chấp nhận hy sinh lợi ích riêng, quan tâm tới mọi người trong gia đình chồng tương lai, chấp nhận sống chung cùng họ... Thời điểm kết hôn chỉ nên quyết định khi bạn gật đầu cho câu hỏi này.
Những vấn đề tương lai
Bạn là một người ưa dịch chuyển, chàng lại chỉ thích những bữa cơm gia đình. Trong suốt thời gian yêu nhau, khi thì bạn chiều theo ý chàng hẹn hò tại nhà, khi chàng làm vừa lòng bạn bằng những chuyến du lịch xa. Mọi thứ sẽ khác xa với thực tại này khi bạn và chàng kết hôn. Sẽ cần đến sự thỏa hiệp, dung hòa ý thích, lối sống của cả hai để cuộc sống chung trong tương lai dễ dàng nhất.
Hãy thử tưởng tượng, khi chàng chỉ thích loanh quanh ở nhà, bạn thì cuồng chân mỏi gối, bạn sẽ vô cùng khó chịu khi cả ngày nhìn thấy chồng thu lu trên chiếc ghế sofa... Muốn giải quyết sự khó chịu này, không có cách nào khác là bạn và chồng cần biết dung hòa mọi sở thích, thói quen của nhau. Một chút
hy sinh và nhiều sự chấp nhận là giải pháp an toàn để hai người thích nghi với cuộc sống vợ chồng. Đây là chuyện của tương lai nhưng trước khi tính chuyện kết hôn, nó cũng là vấn đề bạn cần cân nhắc.
Hãy tự hỏi: Mình có sẵn sàng hy sinh sở thích cá nhân chỉ để dành thời gian chất lượng bên chàng và ngược lại? Khi cả hai coi chuyện này là chuyện nhỏ thì hai bạn nên kết hôn đi thôi.