Tình yêu hôn nhân

Mẹ chồng "quân phiệt"

Mẹ chồng Trà thuộc thành phần khó tính không ai bằng được. Cái gì cũng phải răm rắp theo ý bà, từ việc nhỏ như cái tăm tới chuyện to lớn như cái cột đình. Mà hễ không y lời nghe lệnh là chết với bà…

Trà và Kiên kết hôn tính đến nay cũng hơn 3 năm, con gái của 2 người đã tròn 2 tuổi. Ba năm làm con dâu của mẹ Kiên, chẳng dài nhưng mỗi lần nghĩ lại Trà vẫn thấy run sợ không thôi. Không sợ hãi và rùng mình sao được khi cô đang ở nhà với bố mẹ - như dưới một chế độ tự do dân chủ, quyền con người và cái tôi cá nhân được tôn trọng. Rồi bỗng chuyển sang nhà Kiên - như sống dưới chế độ chuyên quyền, độc đoán và áp bức với sự lãnh đạo tối cao là mẹ chồng!

Việc nhà việc cửa, mọi thứ từ trong nhà ra đến ngoài sân, từ phòng khách tới phòng bếp ở nhà chồng đều phải làm theo ý bà. Cái chổi để ở đâu, cái khăn mặt phơi ra sao, cái bát úp kiểu nào, cái giẻ lau nhà vắt nước theo chiều nào… bà đều can thiệp và buộc cô làm theo cách của bà.
 
Bao nhiêu năm nay, bà đã sống với nếp như thế rồi, giờ có thêm con dâu về, cô làm khác, làm đảo lộn nhà của bà lên thì bà chả… ngứa mắt. Cô phải nhập gia tùy tục, không chịu sự cai quản và áp chế của bà thì thôi, chả vì lí do gì mà bà phải thay đổi thói quen của mình vì cô cả. Với suy nghĩ đó của bà nên thực sự Trà có không theo lệnh của bà cũng là rất khó.
 
Nhưng đến những cái bé như con kiến bà cũng áp đặt, bắt con dâu làm theo y hệt mình, sai một li thôi là bà cáu gắt, mắng mỏ rồi uốn nắn sao cho đúng chuẩn mới thôi. Có khách đến nhà thấy vậy, thắc mắc: “Chị cứ để cháu nó tự làm!”. Bà liền thở một cái dài hàng mét, chép miệng than vãn: “Nó có biết làm gì đâu! Không chỉ dậy tận răng thì chả làm cái gì ra hồn cả!”. Trà rầu lòng lắm, bà cứ nói thế chứ bà thả ra cho cô tự làm xem có “ngon lành cành đào” hết không, đâu phải cứ làm theo cách của bà mới là đúng chuẩn.
 
Những việc khác thôi thì để tránh căng thẳng cô đều nghe theo lời bà với thái độ ham học hỏi và cầu tiến lắm. Nhưng riêng cái chuyện giặt quần áo bằng tay, kể cả mấy cái quần bò nặng trịch thì cô không thể nào “tiêu hóa” được. Mặc dù chồng Trà đã mua máy giặt về nhưng bà nhất quyết không dùng, lí do là tốn nước, tốn điện và hỏng quần áo. Thậm chí giữa mùa đông lạnh căm căm, nước lạnh tê tái bà cũng bắt cô giặt tay khiến cô chỉ có nước khóc thét.
 
Cô “đình công” không nghe thì bà quăng ném, đập phá ầm ĩ nhà cửa. Bà bê nguyên cả chậu quần áo chưa giặt đổ ra thùng rác và tuyên bố: “Không muốn giặt thì tao đổ đi! Khỏi giặt, khỏi mặc luôn”. Cô cự nự, ý chỉ giặt máy cũng là giặt, sao bà cứ bảo thủ như thế. Bà trừng mắt nhìn cô: “Giặt máy hỏng quần áo, là phá hoại thì đúng hơn!”.
 
Mẹ chồng "quân phiệt" 1
Trà sống ở nhà chồng như sống dưới chế độ Phát xít chuyên quyền, độc đoán và áp bức với lãnh đạo tối cao là mẹ chồng (Ảnh minh họa).

Một vấn đề khiến cô ấm ức không kém, đó là đến không gian riêng của vợ chồng cô mà bà cũng muốn “nhúng tay” vào. Trên cái tủ phấn trong phòng riêng của 2 vợ chồng, cô xếp nước hoa và các mỹ phẩm theo ý thích của cô, bà lên bà xếp lại theo… ý thích của bà.
 
Mẹ chồng Trà còn tự ý kê thêm đồ đạc lên phòng riêng của cô, bắt vợ chồng cô phải dùng. Mà những đồ của bà thì thực sự không hợp mắt Trà. Bỏ đi thì mẹ chồng lại trách cô không biết trân trọng tình cảm của bà, mà để dùng thì chính cô ngày ngày ở cái phòng đó lại không được thoải mái.
 
Cô được bạn tặng một lọ nước hoa cô rất thích. Nhưng vừa dùng được mấy lần đã thấy bóng dáng nó biến mất không tăm tích. Hỏi ra thì biết mẹ chồng cô đã mang vứt đi rồi, vì bà… không thích cái mùi hương ấy. Cô thích uống café sữa nên đã “chôm” một ít ở nhà ngoại cất vào tủ lạnh để uống dần. Nhưng chỉ cần đến trưa hôm sau, cô mở tủ lạnh ra thì đã thấy mấy gói café của mình mọc cánh bay ra... thùng rác.
 
Cô than thở với chồng thì anh cũng thở dài: “Mấy chục năm mẹ quen tính như thế rồi em ạ! Em có khả năng lật đổ được chế độ phát xít của mẹ thì em cứ ‘vùng dậy’ làm đi! Anh đứng sau… cổ vũ tinh thần!”. Cô chán nản tột cùng, thực sự cảm thấy vô cùng ngột ngạt và khó chịu. Ở nhà chồng mình mà cảm giác như ở… nhà tù vậy.
 
Cô nghĩ bụng, mẹ chồng mình chắc thiếu điều quy định cho các con một đêm… "gần gũi" mấy lần là đủ thôi ấy, chứ còn chả còn gì là bà không ra quy định và áp đặt ý muốn chủ quan của bà lên người khác cả. Ai ngờ cô vừa nghĩ bụng vậy thì mấy hôm sau mẹ chồng ý kiến luôn: “Hai đứa đừng có cậy còn khỏe sung sức mà lao lực quá đấy! Cách ngày là chuẩn nhất! Cứ theo thế mà làm nhé! Tôi thấy con trai tôi xanh xao, gầy còm là cứ liệu chừng!”. Trà nghe vậy thì xấu hổ đỏ cả mặt, thế mà mẹ chồng vẫn thản nhiên như không.

Khi Trà sinh con, vấn đề nảy sinh nhiều khiến cho những mâu thuẫn và căng thẳng giữa cô và mẹ chồng cứ ngày một leo thang. Bé nhà Trà mới được mấy tháng, mà đụng bị làm sao là bà bắt phải uống thuốc vào người, không cần hỏi ý kiến bác sỹ.
 
Như hôm vừa rồi bé bị ho, nhưng chỉ ho chút vào sáng và đêm, bác sỹ nói không sao, ho thời tiết thôi. Thế mà mẹ chồng cô cứ “nhảy dựng” lên, bắt uống cái thuốc giống bé nhà hàng xóm uống trước đó không lâu – chính là thuốc chữa viêm phổi.
 
Riêng chuyện liên quan đến sức khỏe của con thì cô không bao giờ nhịn, cô nói thẳng luôn. Thế là trong nhà có chiến tranh nổ ra, vì mẹ chồng Trà trước nay quen được chỉ đạo và áp đặt với con dâu, giờ tự dưng con dâu nổi dậy phản kháng thì bà chả tức sôi máu. Trà giận vô cùng, như giọt nước tràn ly, cô xin phép đưa con về nhà ngoại mấy hôm.

Bố chồng và chồng không trách gì cô nhưng cô cũng tự thấy, cứ ầm ĩ nhà cửa rồi bỏ về nhà mẹ đẻ thế này không phải cách hay. Cô bao đêm bóp trán nghĩ suy, đứt mất một mớ nơ-ron thần kinh rồi mà vẫn chưa có diệu kế nào để đối phó với bà mẹ chồng “phát xít” của mình cả.
aFamily

      © 2021 FAP
        1,280,766       187