Tình yêu hôn nhân

Gặp phải bố chồng quái tính

Huệ luôn phải sống trong tình trạng đói rách, cùng quẫn như một kẻ ăn xin trong nhà, nguyên do chính bởi cô có một người bố chồng quái tính.

Huệ lấy chồng đã gần 2 năm nay, con trai của cô vừa tròn 11 tháng. Vì hồi mang thai cô rất yếu, bị động thai nên đành nghỉ việc ở nhà dưỡng thai, sinh xong đến giờ vẫn chưa đi làm lại.
 
Vợ chồng cô ở với bố mẹ chồng, cả nhà trông chờ vào lương của mình chồng Huệ. Thực ra lương của chồng cô đủ chi tiêu cho cả nhà 5 người nhưng cô luôn phải sống trong tình trạng đói rách, cùng quẫn như một kẻ ăn xin trong nhà, nguyên do chính bởi cô có một “mụ” bố chồng.
 
Không như những gia đình khác, người nắm kinh tế và chi tiêu mọi thứ trong nhà cô chính là bố chồng chứ không phải mẹ chồng. Khi chồng cô và chị gái còn bé thì kinh tế gia đình đã do một mình ông quản rồi. Chồng Huệ bảo, tính ông như thế, mẹ anh mà tranh giành là chết với ông! Sau này chị gái anh và anh đi làm có lương, ông cũng đòi quản hết. Không đưa là ông gây chuyện rồi chửi mắng con cái không ra gì. Thôi thì đằng nào cũng là bố mình, được cái ông chi tiêu căn ke lắm nên chả bao giờ sợ mất mát được đâu, thế là con cái yên tâm giao tiền cho ông.
 
Lâu dần thành nếp, chị gái anh đi lấy chồng thì không nói, nhưng đến tận lúc lấy vợ về mà chồng Huệ vẫn giữ nguyên thói quen đưa lương cho bố quản. Cô có “xui” chồng giành lại quyền độc lập tự chủ nhưng không ăn thua. Ông phán xanh rờn: “Chúng mày lập gia đình rồi nhưng vẫn ở cái nhà này. Nhà có 4 người thôi, nên để tiền nong quy về một mối. Cái nếp nhà này đã quen bao nhiêu năm thế rồi, đừng hòng vì có thêm một cô con dâu mà thay đổi!”. Thế là thôi, ước mộng lật đổ “chế độ cai trị” của bố chồng cô đã tan thành mây khói.
 
Gặp phải bố chồng quái tính 1
Bố chồng cô bảo thủ vô cùng, không nghe lí lẽ, lại càng chẳng màng đến những điều văn minh hiện đại (Ảnh minh họa).

Chồng cô đi làm tháng lĩnh lương về đều đưa hết cho bố chồng, chỉ bớt lại tí tiền tiêu vặt. Mà cấm có quỹ đen quỹ đỏ được với ông đâu nhé. Cũng chả hiểu ông có cách nào điều tra được nữa, nhưng lương thưởng hay phụ cấp của anh có bao nhiêu, ông nắm rõ trong lòng bàn tay. Còn Huệ ở nhà chợ búa chi tiêu thì có gì lại đến trình bày và xin lĩnh ở chỗ bố chồng. Cô xin thêm tiền để trong ví dự trù có gì gấp thì ông phán: “Cơm bố mẹ nuôi, ở nhà thôi thì cần mua gì mà đòi tiền!”. Không có tiền trong người, hỏi chồng tiền thì anh cũng hết sạch, nên có tháng cô đành muối mặt đến xin ông tiền mua… băng vệ sinh.
 
Có lần con trai phải nằm viện, cô xin nhưng bố chồng nhất định không chịu chi tiền cho cô lo cho con trong viện. Cô biết, ông xót của. Hễ phải tiêu gì, cô lại vay chị dâu nhà bác cũng có con nằm viện cùng. Vậy mà tối cô từ viện về lấy cơm thì bố chồng than: “Tháng này tiêu nhiều quá rồi đấy nhé. Ở nhà đẻ quen tiêu nhiều giờ tiêu ít không chịu nổi phải không?”. Cô tức lắm, đi mách chồng nhưng anh cũng chỉ có thể bảo cô cố nhịn mà thôi, tiền nong bố không đưa thì anh sẽ xoay sở. Cô lại mặt dầy nhắc tiền thì bố chồng chịu đưa, nhưng trời đất, cháu ông nằm viện mà ông đưa được cho 50 nghìn.
 
Đợt con trai ho mấy ngày kèm sốt nhưng bố chồng cô nhất định không cho đi khám mà bảo ở nhà uống thuốc hạ sốt. Chung quy cũng là ông sợ tốn tiền mà thôi. Cô phải bắt chồng đi vay tiền về đưa con đi khám, kết quả thì bị viêm phổi. Nếu như cứ nghe lời “mụ” bố chồng keo kiệt thì con cô chắc càng bệnh nặng mất.
 
Lần khác, con cô nổi ban từ đỉnh đầu đến gót chân kèm sốt 38.5 độ. Cô sợ con sốt phát ban thì nguy hiểm, lại đến chỗ bố chồng xin mở “ngân khố”. Nhưng bố chồng vẫn không duyệt chi kinh phí cho cháu đi viện mà bắt ngâm cháu trong nước lá khế. Chồng cô thì đi công tác xa, cô thật sự rơi vào túng quẫn. Cô gọi chồng, anh cũng chỉ biết bảo cô cố đợi hôm sau anh về. Kết quả là đêm đó 2 mẹ con cô ôm nhau khóc cả đêm vì con sốt cao, quấy không ngủ.
 
Đó là những chuyện "kinh điển" phản ánh sâu sắc nhất bản chất của bố chồng cô. Chứ còn những chuyện lẻ tẻ kiểu lông gà vỏ tỏi thì có mà cô kể cả ngày không hết.

Cô ở nhà làm việc nhà mệt ngoài, tranh thủ lúc nghỉ mở máy tính lên mạng mà ông xông đến rút phựt phích cắm điện rồi dậm chân bảo: “Ở nhà làm việc nhà thì dùng máy tính làm gì, tốn điện!”. Cô vừa mở ti vi ông lại chạy tới tắt luôn và quát: “Đã không làm ra được đồng tiền nào còn xem tivi lắm, tốn điện!”. Trung thu, cô xin tiền mua đồ chơi cho con thì ông la lối: “Việc gì phải mua cho nó! Nó đã biết gì đâu mà mua!”.
 
Hai vợ chồng cô muốn đi đâu đổi gió, ra ngoài ăn vặt cái gì cũng chẳng có tiền mà đi vì hầu bao đã bị lột sạch rồi còn đâu. Cô cũng khóc lóc, kể lể rồi cãi nhau với chồng rất nhiều lần rồi nhưng chẳng giải quyết được gì. Việc đơn giản là giờ anh không đưa lương cho bố chồng nữa nhưng nói thì dễ còn làm thì khó khăn cô cùng. Với tính khí của ông thì trong nhà nhất định sẽ có cơn phong ba lớn và khả năng bố con không nhìn mặt nhau là rất cao. Đó là điều chẳng ai muốn. Ra riêng cũng là bất khả thi vì chồng cô là con trai một.
 
Bố chồng cô bảo thủ vô cùng, không nghe lí lẽ, lại càng chẳng màng đến những điều văn minh hiện đại. Ông là cứ ý ông thì ông làm mà thôi. Mẹ chồng cô hiền lành, cam chịu cả đời như thế rồi, đến giờ việc bà có thể “vùng lên” là điều không tưởng. Biết là tiền cũng chẳng lọt đi đâu mất, sau này ông bà có mệnh hệ gì thì cũng là của mình thôi nhưng cô thấy ngột ngạt và bí bách kinh khủng khiếp.
 
Mới chưa nổi 2 năm mà Huệ đã thấy ngạt thở tưởng sắp chết đi được, cứ kéo dài thế này mãi thì chắc cô không sống nổi thật mất. Cô cũng đã gửi hồ sơ xin việc khắp nơi, hy vọng được đi làm sớm, có vậy mới mong cải thiện được tình hình. Nhưng cô lại lo, chẳng biết đến lúc đó “mụ” bố chồng của cô cô liệu có đòi quản luôn tiền lương của con dâu không?!
aFamily

      © 2021 FAP
        1,281,631       796