Hăm hở theo vợ đi đẻ, vậy mà khi đi qua các phòng, thấy các chị em nằm ngồi ở đủ tư thế, nhiều ông chồng cắm mặt đi thẳng. Hoặc khi vợ đẻ, chồng cũng bạo gan nhảy vào chỗ bác sĩ đứng và hô khi vợ chuyển dạ như đúng rồi.
Vào những ngày sắp sinh, mỗi lúc đi bộ buổi tối với chồng cho dễ đẻ, Hiền vẫn thường thủ thỉ: “Hôm nào vợ đẻ, dù anh đang làm ở đâu cũng phải ở bên cạnh em đấy nhé. Mà anh có sợ khi chứng kiến vợ đẻ không?”. Nghe vợ nói vậy, chồng Hiền nói: “Em yên tâm, anh dù thế nào cũng phải là người đầu tiên nhìn mặt con. Trước còn bé, anh toàn phải soi đèn cho ông nội đỡ heo mới sinh, bò mới đẻ nên chứng kiến
vợ đẻ thấy bình thường thôi”.
Thấy chồng nói vậy, người vợ trẻ này rất yên tâm. Nhưng mọi việc người tính không bằng trời tính. "Hôm vợ chồng mình đi đẻ lại suýt soát 12 giờ đêm. Vừa vào viện thị xã, mình đã vỡ ối. Hôm ấy, ở khoa này rất vắng người. Ngoài 4-5 bà đẻ đang nằm trong phòng chờ sinh thì chỉ có mình vỡ ối luôn nên được các chị y tá đưa lên bàn sinh luôn. Còn chồng cứ loanh quanh đi đóng tiền và làm thủ tục nhận phòng”.
Lúc chồng Hiền lên đến phòng sinh để dự định cùng ở bên vợ vượt cạn cũng là lúc Hiền đã sinh xong: “Lúc đó, cả phòng chờ sinh chỉ có một mình mình sinh. Sinh xong là hơn 1 giờ sáng nên trời đã khuya lơ khuya lắt. Lúc này, sau khi làm xong hết mọi thủ tục, nhận phòng... rồi cất đồ vào phòng, chồng mới vội bước xuống cửa phòng sinh lấp ló thì đã nghe tiếng khóc của baby".
"Hôm vợ chồng mình đi đẻ lại đúng suýt soát 12 giờ đêm. Vừa vào viện thị xã, mình đã vỡ ối" (Ảnh minh họa)
Người vợ này kể tiếp: "Chồng mình bảo rằng, lúc ấy, anh còn không nghĩ là con mình nữa. Chẳng thế mà mình nằm trong phòng cứ nghe thấy tiếng anh một mực xin cô y tá cho vào với vợ. Nhưng cô y tá nói rằng: '
Vợ sinh xong rồi, đang làm vệ sinh... đợi chút nữa chị cho vào'. Tiếng chồng mình còn hốt hoảng cãi lại: 'Chị có nhầm không, làm gì nhanh quá vậy? Vợ em mới vào viện cách đây 1 giờ mà'. Dù mình đang được chị y tá khâu vết mổ nhưng thấy giọng hoảng hốt của chồng, cả 2 cũng phải cười ngoác miệng. Chị y tá thấy chồng mình vậy nên vừa cười vừa giải thích: 'Đêm nay chỉ có 1 mình vợ anh sinh thôi. Yên tâm, không có lộn được đâu mà lo'”.
Thấy vợ cười ngặt vừa kể chuyện đi đẻ, anh Minh - chồng chị Hiền ngồi cạnh phân bua: “Cả đời mình chỉ theo vợ đi đẻ 1 lần nên vào những chỗ như thế, mình cứ thấy bối rối. Ngại nhất là lúc để vợ đó để đi làm thủ tục cho vợ. Đi qua 2 phòng chờ sinh, thấy 4-5 chị bầu cứ đang ngồi nằm đủ các tư thế. Mình lỡ nhìn thấy mà ngại quá đành nhắm mắt cúi đầu đi thẳng không dám ngẩng mặt hay ngó nghiêng gì nữa. Chưa kể, nhập viện làm thủ tục lần đầu nên lúng túng và lâu la tới gần 1 giờ mới xong. Quay lại phòng đẻ, mình lại càng ngẩn người vì vợ đã đẻ từ lúc nào. Thế là lỡ mất phi vụ theo vợ vào phòng đẻ như đã hứa với vợ từ trước. Cũng may mẹ tròn con vuông”.
Như nhớ lại những chuyện cười ngày đưa vợ
đi đẻ, người chồng này còn kể: “Vì nhà ông bà nội ngoại đều ở xa, vợ chồng xác định tự chăm nhau khi vượt cạn. Thế nên khi vợ đẻ xong, dù vợ đã dặn mua cơm, mua thịt... Nhưng sợ vợ đói, mình xách 2 cái cặp lồng ra ngoài cổng viện mua đồ ăn cho vợ. Nghĩ vợ đói sẽ ăn nhiều, mình mua nào là cháo thịt, nào là phở bò, nào là sữa đậu nành nóng... Cứ lẩm bẩm vậy nên cuối cùng mình quên hẳn việc mua cơm cho vợ. Đem về, không có cơm theo yêu cầu nên vợ còn định dỗi không ăn nữa chứ. Phải nịnh mãi vợ mới chịu ăn cho”.
Khác với vợ chồng anh Hiền - Minh kể trên, vợ chồng anh chị Quyên dù đăng ký đẻ dịch vụ ở bệnh viện cao cấp vẫn không tránh khỏi những tình thế rất buồn cười khi anh xã Quyên đưa vợ đi đẻ.
Chị Quyên, 28 tuổi vừa cười vừa kể: “Vì nhà cũng có điều kiện nên
vợ chồng mình đăng ký đẻ dịch vụ ở một bệnh viện lớn tại Hà Nội. Đẻ dịch vụ ở những nơi này, mình hoàn toàn yên tâm khi để chồng theo vợ cùng vào phòng đẻ. Phòng đẻ cũng rất sạch sẽ nhưng chỉ có điều, vào phòng đẻ rồi, mình mới được chứng kiến bộ dạng của anh xã rất buồn cười hôm đó”.
Người phụ nữ này kể tiếp: “Vì đẻ ở phòng dành riêng nên chồng tha hồ nắm tay động viên vợ. Thi thoảng chồng còn nhìn máy theo dõi xem cơn co thế nào nữa. Trước khi mình đẻ, chồng còn ngồi cạnh tám chuyện. Đến lúc gần đẻ, bác sỹ mới tạm thời mời chồng tạm ra ngoài. Sau khi
bác sĩ đã chuẩn bị kỹ càng cho mình lúc lâm bồn thì mới gọi chồng vào tiếp.
Vì chồng mình khá bạo gan nên nhảy vào tận chỗ bác sỹ làm thủ thuật đứng. Buồn cười nhất là mình cứ rặn thì chồng hô cố lên. Rồi có lúc đau quá, mình cũng không nghe rõ chồng hô gì. Chỉ nhớ lúc con sắp ra thì chồng cứ phụ họa: 'Cố lên em, cố lên, anh thấy tóc con rồi, con gần ra rồi, cố lên chút nữa nào'. Nghe chồng nói vậy, mình lại phùng má trợn mắt. Liếc nhìn sang chồng thì cũng thấy anh phùng má trợn mắt theo…'".
"Chỉ nhớ lúc con sắp ra thì chồng cứ phụ họa: “Cố lên em, cố lên, anh thấy tóc con rồi, con gần ra rồi, cố lên chút nữa nào” (Ảnh minh họa)
“Rồi buồn cười nhất là khi thấy bác sĩ xoay vai em bé cho thuận chiều chui ra, chồng mình lúc ấy như kiểu lo lắng con bị sao nên cứ đứng bên cạnh nói với bác sĩ: 'Sao anh lại bẻ người của con tôi vậy?'. Bác sĩ và y tá vừa đỡ đẻ cho mình vừa phải giải thích cho chồng hiểu thì anh mới gật gù, thở phào'” - Người vợ này tươi hơn hớn kể.
“Khi con chào đời, chồng mình được cắt dây rốn cho con. Và sau đó, anh cũng được chứng kiến vợ nằm đó để bác sĩ may vá lại chỗ đó. Lúc ấy mình thấy chồng ngồi đó nhưng không nói nhiều. Thì ra sau khi về phòng rồi, anh mới tâm sự bảo nhìn cảnh ấy, anh đau lòng lắm vì máu chảy nhiều. Có lẽ vì thế mà chồng bảo chỉ đẻ một lần thôi, nhìn vợ đẻ tội lắm mà anh bất lực không giúp được gì. Anh đâu có biết, với phụ nữ chúng mình, chỉ cần chồng vào phòng đẻ, cùng mình vượt cạn là mình
hạnh phúc lắm rồi".
Nói về việc được may mắn đi đẻ cùng vợ, người chồng này nói: “Có theo vào phòng và chứng kiến hết từ A-Z cảnh vợ đẻ mới thấy càng thương và hiểu bao nhọc nhằn, đau đớn vợ phải trải qua lúc vượt cạn. Dù lần đầu theo vợ vào phòng sinh và còn bối rối, nhưng thật sự, đó là kỷ niệm theo mình suốt cuộc đời và không thể nào quên”.