Tình yêu hôn nhân

Mẹ chồng nàng dâu: Tiểu xảo của "cô gái đanh đá"

Ngày còn đi học, chị nổi tiếng đanh đá “rách trời rơi xuống”. Bố mẹ lo lắng không biết sau này lấy chồng, về nhà “người ta”, đứa “con gái đầu gấu” sẽ sống kiểu gì, làm dâu mẹ chồng ra sao...

Thế mà giờ chị đã lấy chồng 8 năm, mỗi lần sang nhà bố mẹ đẻ chị chơi, mẹ chồng không ngớt miệng khen con trai có phúc cưới được cho bà nàng dâu “hiền”.
Về làm dâu, chẳng đợi mẹ chồng kịp dò xét, chị đã ghé vào tai bà thủ thỉ: “Con thẳng tính nên đôi khi hành động bộp chộp, nóng nảy nhưng thực tâm con không suy nghĩ, tính toán gì. Lúc nào mẹ không hài lòng thì mẹ cứ nhắc  để con sửa. Bảo một lần không được thì mẹ bảo nhiều lần chứ mẹ đừng giận con, mẹ nhé!”. Mẹ chồng chị hơi bất ngờ một chút nhưng sau đó bà tiếp nhận tính cách của con dâu một cách rất nhẹ nhàng. Thi thoảng bà cũng có nhắc nhở, chấn chỉnh một đôi điều nhưng hầu hết những ý kiến của bà rất chân tình và xây dựng.
Chị cũng hay cùng mẹ chồng trò chuyện. Thường thì chị chỉ đặt một vài câu hỏi với bà, sau đó mẹ chồng chị sẽ kể cơ man là chuyện. Chị nghe mẹ kể, thi thoảng thốt lên một câu cảm thán hoặc kinh ngạc: “Ôi, thế à mẹ?”, “Thật thế ạ?”, “Thế cơ ạ”, “Con không biết đâu đấy!”… Những lần như vậy, chị vừa thu thập được khối tin tức, kinh nghiệm, vừa tết chặt hơn sợi dây gắn kết với mẹ. Thực tình, mẹ chồng chẳng cần mình kể lể những kiến thức cao siêu trên trời dưới biển, chỉ đơn giản là chị luôn lắng nghe, đồng cảm với bà.
Mẹ chồng nàng dâu: Tiểu xảo của "cô gái đanh đá" 1
(Ảnh minh họa)
Về nhà chồng, chị cũng chẳng cố gắng tỏ ra quá đảm đang. Việc trong gia đình dù một mình dư sức làm hết nhưng chị luôn khéo léo “chia chác” với mẹ chồng. Chị chọn những việc nhẹ nhàng, cần đến sự tinh tế và bao giờ cũng nhờ bà với một giọng rất khẩn khoản: “Mẹ ơi, mẹ làm giúp con nhé! Cái này con chịu thôi!”. Kể cả mỗi lần nấu cháo cho con xong, chị để nguội rồi cũng “nhờ bà nội đút cho cháu”, tắm cho con xong chị cũng giục con “ra nhờ bà nội lau người đi con”. Bà nội đi vắng một vài hôm, những việc trong “lãnh địa” của bà, chị không bao giờ đụng đến. Khi mẹ trở về sẽ vừa dọn dẹp, vừa ca thán: “Biết ngay, bà nội đi có mấy hôm nhà cửa đã thế này!”. Chị chỉ đợi có dịp lao vào bóp vai cho mẹ nịnh nọt: “Thế mới biết tầm quan trọng của bà nội chứ!”
Đương nhiên, trong cuộc sống cũng có lúc nảy sinh những mâu thuẫn. Chuyện nhỏ như khi bà khăng khăng bắt chị nấu ăn theo công thức “cổ đại” rất khó nuốt của bà, chuyện lớn là khi mẹ yêu cầu vợ chồng chị làm chuyện này, chuyện khác có nguy cơ đảo lộn cuộc sống, khiến chị ức chế. Nguyên tắc của chị là không bao giờ cãi mẹ, nhưng chuyện bản thân đã tin là đúng chị sẽ không bao giờ phục tùng. Trong bếp, khi bà chỉ dạy, chị vẫn lễ phép dạ vâng nhưng khi bà đi khỏi chị sẽ vẫn nấu ăn theo cách chị nghĩ. Bữa cơm, cả bố, cả chồng chị đều tấm tắc khen, chị đều khéo léo “Nhờ mẹ hướng dẫn con đấy!”. Thế là, lần sau mẹ chồng không bắt chị làm món đó theo ý mình. Những chuyện mẹ chồng yêu cầu, chị thấy không hợp lý cũng không vội cãi lại bà mà sẽ nói: “Chuyện này con phải bàn lại với chồng con đã!”…  Dù sao, con trai đề xuất ý kiến, không nhất trí với mẹ sẽ dễ chấp nhận với bà hơn.
8 năm chị sống tự chủ và hạnh phúc trong nhà chồng. Chỉ nhờ bí kíp sử dụng chút ít tiểu xảo tinh vi xuất phát từ tình cảm chân thành của nàng dâu với mẹ chồng.
aFamily

      © 2021 FAP
        1,212,745       657