Cánh cửa phòng tư vấn Hôn nhân - Gia đình vừa mở, chị lật đật bước vào với đôi mắt đỏ hoe, giọng nghẹn ngào: “Không biết tôi có nên bỏ đi lần nữa?”.
Câu chuyện của chị T.T.T.Nh. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đầy khổ đau, tủi nhục. Mười năm sống bên cạnh người đàn ông ấy, là chừng ấy thời gian chị không còn là một-con-người. Người đàn ông sau đám cưới đã hỏi chị rằng: “Em làm bao lâu nay để dành được bao nhiêu?”. Câu hỏi ấy lặp lại trong suốt mười năm ròng, trở thành sự dày vò, đay nghiến lẫn chỉ trích đối với chị. Người đàn ông sau đám cưới bỗng trở nên hồ nghi khi lật lại công việc chị từng làm - tiếp thị bia. Câu nói: “Lấy anh nhé! Anh sẽ bắt đầu lại rồi chăm lo cho em” từng khiến chị mềm lòng.
Bao nhiêu tiền của để dành, chị dùng vào việc cưới xin. Chiếc xe chị mua từ thời con gái cũng phải bán nốt để trả nợ cho anh. Vay mượn người thân, chị đưa anh làm vốn làm ăn. Chị kể, giọng buồn nẫu, hôm trước mua được chiếc xe, hôm sau anh ta mang đi bán, vay mượn thêm tiền để đổi chiếc khác “xịn” hơn. Chị không nhớ nổi bao nhiêu lần như thế. Điện thoại di động của anh cũng vậy.
“Đồ nghề” của anh là dàn máy cho thuê phục vụ các đám tiệc, nếu thấy chán, anh không ngại ngần bán tháo để mua một dàn mới. Chị nói tủi: “Anh nhìn gì cũng dễ dàng thấy chán”. Sống với anh, chị trở thành con nợ, chủ nợ luôn đến tìm chị. Anh không cho vợ đi làm, chị chỉ có thể vay mượn người thân, giật chỗ này, đắp chỗ kia, vá víu từng chút một.
Không cho chị đi làm, cũng vì anh ám ảnh ý nghĩ, trước khi đến với anh, có lẽ chị đã quen ai. Ngày chị mang thai vượt mặt, đi đâu ra khỏi nhà vẫn bị quy kết… đi hành nghề. Mỗi lần gây nhau, anh nặng lời mắng nhiếc: “Mày là con đĩ! Không ai dám lấy mày, chỉ tao mới lấy mày thôi. Cả gia đình mày đều làm đĩ”.
Cũng vì từng buột miệng nói những lời ấy với người thân của chị, anh phải dọn ra ngoài ở thuê. Chị đi theo chồng, bất lực trong vai trò cầu nối. Thương chị, nhưng gia đình không chấp nhận một chàng rể như vậy. Giúp chị xoay trả nợ nần, song họ khuyên chị buông bỏ anh, thoát khỏi cuộc sống đầy tủi nhục, bị đánh đập đến mức nhập viện vì thủng màng nhĩ.
Chị nuốt nước mắt, nói đôi lần thấy xót xa, thương cho bản thân mình. Chị thèm lắm một cuộc sống vợ chồng đúng nghĩa; hay đơn giản một đêm ngủ ngon, có cánh tay chồng làm gối hoặc ôm chị vào lòng. Những điều ấy với bao người phụ nữ là bình thường, mà với chị sao quá xa vời. Lúc cần, người chồng ấy lao đến chị, hùng hục cho thỏa mãn bản năng, rồi ôm gối quay đi. Chị ứa nước mắt trong ê chề.
Chị hạ mình thuyết phục, năn nỉ lẫn van nài, xin anh thay đổi song bất thành. Những lúc như vậy, anh ta càng quy kết chị là “thứ” đàn bà đĩ thõa, ăn bám chồng còn “lên mặt” đòi hỏi. Trong cảnh “ngục tù” này, chị từng bỏ trốn đi xa. Để rồi nghe chồng xuống giọng, dùng lời ngọt nhạt, chị lại mềm lòng.
Giờ thì chị không thể chung sống tiếp, khi vợ chồng có mở miệng với nhau thì cũng toàn lời khinh miệt, xúc phạm, sau đó là nắm đấm. Nợ nần thì dày lên theo tháng năm, bám riết. Chị lo lắng, muốn bỏ đi nhưng sợ anh truy đuổi. Người đàn ông ấy đã lớn tiếng hăm dọa sẽ không để chị yên nếu chị bỏ trốn.
Hạnh Dung khuyên chị buông. Người phụ nữ nào trong cuộc đời này cũng đều có quyền được hạnh phúc, được yêu thương, chăm sóc. Chị còn có người thân, có chính quyền và pháp luật bảo vệ. Nên sống vì bản thân và thụ hưởng quyền con người như một lẽ dĩ nhiên. Dám khép lại một trang đời để mở ra một trang khác tươi sáng, nhiều niềm vui hơn; chị đã từng tự thương mình, nay hãy thương thêm lần nữa.
Nắm chặt tay Hạnh Dung trước lúc ra về, chị khẩn khoản: “Xin hãy đưa chuyện của tôi lên mặt báo, để những chị em khác không phải đắng cay nhịn nhục trong cuộc hôn nhân địa ngục...”.