Nhà chỉ có hai vợ chồng, với tính cẩn thận nên vợ đã chuẩn bị các đồ dùng cần thiết cho cuộc “vượt cạn” này gần như đầy đủ. Dắt xe ra khỏi nhà, xếp đồ, đỡ vợ lên xe thế là hai vợ chồng đến thẳng Bệnh viện Phụ sản Thái Bình.
Ngoài hành lang Khoa Đẻ của Bệnh viện Phụ sản Thái Bình, chỉ trong một tiếng đồng hồ có rất đông sản phụ và người nhà đi cùng, phần đông là các ông chồng, trong đó có anh.
Các đấng nam nhi hỏi han, trò chuyện với nét mặt rạng ngời niềm vui. Nhiều anh đang nói chuyện vui vẻ nhận được thông báo của vợ “em sắp vào phòng đẻ rồi” bỗng nhiên chuyển sang tâm trạng lo lắng, hồi hộp.
Có trường hợp vợ vào hơn một giờ đồng hồ mà chưa thấy ra, ông chồng cứ đứng ngồi không yên, đột nhiên bác sĩ gọi đến tên “người nhà của sản phụ A”, anh chồng vui mừng vì tưởng sắp được gặp con thì bác sĩ thông báo “thai nhi to phải chuyển lên phòng mổ”. Thế là cả gia đình lại tất tưởi tay xách, nách mang đồ dùng lên phòng mổ.
Với anh Huy quê ở huyện Kiến Xương, thì lần đi đẻ này của vợ có một tâm trạng vui xen lẫn hồi hộp, anh chia sẻ: Hai vợ chồng lấy nhau gần 2 năm vợ mới có bầu nên tôi rất vui nhưng không biết vợ tôi có vượt cạn suôn sẻ không. Khi vợ vừa đi vào phòng đẻ tôi đã gọi điện cho ông bà bên nội, bên ngoại ở quê thắp hương khấn vái tổ tiên phù hộ cho hai mẹ con “mẹ tròn, con vuông”. May mắn, khoảng 30 phút sau tôi đã được nhìn thấy mặt đứa con yêu quý của mình.
Không phải ai cũng may mắn như anh Huy, vợ vừa vào viện được một lúc đã đẻ ngay. Nhiều ông chồng đưa vợ vào hôm trước nhưng đến tận hôm sau vợ có dấu hiệu chuyển dạ ít, các cơn đau không nhiều.
Ngồi cạnh tôi là trường hợp của anh Sơn ở quê ở huyện Vũ Thư, đưa vợ vào từ sáng thứ Bảy đến tận trưa Chủ nhật thỉnh thoảng vợ mới có dấu hiệu của cơn co bóp tử cung. Được mấy bác có tuổi đưa con gái đi đẻ truyền đạt kinh nghiệm của các cụ ngày xưa là “muốn cho vợ nhanh lên cơn co bóp tử cung thì phải vê đầu ti nhiều lần”.
Nhìn xung quanh thấy người người qua lại tấp nập anh cũng e ngại, nhưng thương vợ hơn một ngày đi đi, lại lại mỏi cả chân mà không có dấu hiệu của việc sinh nở, thế là anh Sơn quyết tâm “trổ tài” dùng tay vê đầu ti cho vợ. Không biết hiệu quả sẽ đi đến đâu nhưng đây có lẽ cũng là một kinh nghiệm đáng quý để anh sinh đứa con lần sau.
Rất nhiều ông bố khi đã nhìn thấy mặt con thì sung sướng đến phát cuồng, đi làm chỉ mong mau hết giờ để đến bên con. Nhưng không phải sản phụ nào sinh ra cũng được ở cùng con ngay.
Đưa vợ đi đẻ (Ảnh: Sức khỏe và đời sống)
Vợ anh Công quê huyện Hưng Hà mang thai ở tuần thứ 36 đã sinh nên khi cháu vừa chào đời cân nặng được 2,2 kg, các bác sỹ nói do sinh non cháu bé còn yếu phải cho vào phòng sơ sinh một vài ngày để theo dõi.
Không được cho con bú, chị Thủy (vợ anh Công) có hiện tượng cức sữa. Dù đã tìm mọi cách day, nắn, dùng bộ hút sữa để sữa ra nhưng không đem lại kết quả. Để cho sữa nhanh ra vợ anh đã nảy ra một sáng kiến, đó là nhờ anh dùng miệng mút sữa giúp. Từ bé đến giờ có lẽ chưa bao giờ anh đặt vào trường hợp bất đắc dĩ này nên anh rất bối rối.
Nhìn vợ nhăn nhó vì đau thế là anh quyết tâm làm. Phòng đông người, để đỡ ngại anh dùng tấm chăn trùm lên hai vợ chồng để thực hiện nhiệm vụ được giao. Tưởng là đơn giản nhưng mút mãi chẳng thấy gì mà chỉ thấy mất sức. Lục tục một hồi lâu không thực hiện được, bực mình vợ bảo “có mỗi việc nhỏ như thế mà không làm được, thua đứa trẻ con mới sinh”, anh Công chẳng biết nói lời nào chỉ nhoẻn miệng cười.