Người ta nói rằng “dâu con, rể khách” để thấy rằng dạy rể là chuyện ít ông bố, bà mẹ vợ nào nghĩ tới. Vậy mà, bà Hoán lại nghĩ khác, bà có hẳn một "chương trình đào tạo con rể".
Bà Hoán có bốn cô con gái, không con trai, nên ngay từ khi đứa con gái đầu lập gia đình, bà đã xác định sẽ xem rể như con trai trong nhà. Nào ngờ, ông trời ban tặng cho bà đứa con rể chẳng vừa ý tí nào, nên bà đành phải “xắn tay” dạy dỗ “ông con trai” này vậy.
Rể bà Hoán sinh ra trong gia đình mà nói năng, cử chỉ thì rất cảnh vẻ, có phần hơi mưu mẹo nữa, nhưng thực ra bao phép lễ nghi, quy tắc lại chẳng biết gì hết ráo. Quen với đàn con gái ngoan ngoãn, bà Hoán hết sức bực mình với ông con rể đi không chào, về không hỏi, ăn chẳng mời, cứ thấy mâm cơm dọn ra là xông tới bốc ào ào, lại còn bới lựa miếng to ăn trước, đã thế với lũ em gái vợ cứ xưng hô mày, tao như chợ búa ngoài đường…
“Chương trình đào tạo rể” của bà Hoán bắt đầu từ chuyện chào hỏi. Anh con rể vừa bước vào nhà, chưa kịp ngồi, bà Hoán đã cao giọng: “Huy, con không chào bố mẹ sao?”. “Ơ, bố mẹ ngày nào chẳng gặp, sao phải chào”. “Con không được nói vậy, người lịch sự, lễ phép là phải biết đi hỏi, về chào. Bố mẹ chứ có phải cái cột nhà đâu mà con thản nhiên đi qua không hỏi”.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Thoáng thấy nét khó chịu trên mặt con rể, sau bữa cơm, mẹ con ngồi uống trà, bà Hoán nhỏ to: “Huy à, không phải mẹ ghét hay làm khó con đâu, mẹ coi con như con trai mẹ, nên dạy con những điều hay, lẽ phải làm người”. Anh con rể gật gù ra chiều hiểu ý mẹ vợ, nhưng cũng phải đến chục lần sau đó, khi thì quên, khi thì chào cụt lủn, chào lí nhí…, con rể bà Hoán mới tập được thói quen chào hỏi.
Cứ thế, với “Chương trình đào tạo rể” đầy kiên nhẫn và yêu thương, bà Hoán đã biến ông rể vô ý vô tứ ngày nào thành người đàn ông lịch sự, lễ phép. Nhưng bà Hoán chưa kịp mừng với thành công của mình thì đã xảy ra chuyện…
Con gái đầu của bà, tức vợ chàng rể quý, về thưa chuyện với bố mẹ xin phép bỏ chồng. Lý do, cô không còn thấy người đàn ông mà ngày xưa cô yêu ở ông chồng bây giờ nữa, thay vào đó là một quý ông khắc kỷ lúc nào cũng để ý người khác, từ nết ăn đến lời nói, săm soi rồi chì chiết, đay nghiến. Để đi đến quyết định bỏ chồng hôm nay, vợ chồng cô đã cãi nhau nhiều lần và lần nào con rể quý của bà Hoán cũng bảo với vợ rằng: “Mẹ em đã dạy anh như thế, em thắc mắc cứ về hỏi mẹ”.
… Rất nhiều chuyện đau đầu và cả buồn bã xảy ra trong ngôi nhà của bà Hoán, và tất nhiên cô con gái của bà cũng đã bỏ chồng. Một buổi chiều đi làm về, cô chìa cho mẹ cái smartphone, bà Hoán không hiểu ý, giãy nảy: “Con mua cho mẹ làm gì, mẹ già rồi không biết dùng đâu”.
“Mẹ xem con rể quý của mẹ đây này, đau lòng chưa”. Hóa ra, cô cho mẹ mình xem trang facebook của cựu con rể bà Hoán, trong đó đầy ảnh anh ta vừa cưới cô vợ mới, trẻ và đẹp hơn con gái bà. Nhưng đau nhất vẫn là lời tâm sự của anh ta ở dưới: “Lấy được vợ mới, rất biết ơn bà mẹ vợ la sát trước kia, vì nhờ bà mình đã tương kế tựu kế bỏ được vợ, không thì chẳng biết mùng thất nào mới tìm ra lý do trong gia đình hoàn hảo ấy”.
Đọc xong dòng chữ, bà Hoán ôm ngực, ngã ngửa ra ghế.