Kể từ khi dùng bếp gas theo cách này, tôi không hề điêu khi nói rằng tôi tiết kiệm được nhiều tiền lắm
Dù hiện nay đã có khá nhiều lựa chọn như bếp từ, bếp hồng ngoại, bếp gas vẫn là thứ quen thuộc trong hầu hết hộ gia đình. Nhà tôi cũng thế. Dù nhiều người khuyên nên chọn bếp điện nhưng tôi vẫn cứ thích dùng bếp gas. Trước đây, 1 bình gas gia đình tôi sử dụng rất chóng hết, cứ phải thay mới liên tục. Nhưng rồi tôi phát hiện ra mình mắc quá nhiều lỗi sai trong việc dùng bếp gas, dẫn đến tiền cứ thế đội nón ra đi theo khí gas.
Kể từ khi dùng bếp gas theo cách này, tôi không hề điêu khi nói rằng tôi tiết kiệm được nhiều tiền lắm. Gia đình tôi có 4 người, mỗi ngày nấu bữa tối, hai ngày cuối tuần thì mỗi ngày nấu 2 bữa. Chưa kể đến việc thi thoảng nhà tôi còn nấu nướng đãi khách đến chơi nữa. Ấy thế mà từ 4 đến gần 5 tháng, nhà tôi mới thay 1 bình gas 12kg.
Chồng tôi cứ thế mà tâng bốc tôi lên hết cỡ vì có người vợ giỏi tính toán như thế. Thực ra, tôi nghiệm lại việc gas mau hết là bởi chúng ta sử dụng chưa hợp lý. Tôi đã tiết kiệm gas theo cách này nè:
Không nấu cơm bằng bếp gas
Tôi luôn tận dụng nồi cơm điện để nấu cơm, vừa nhanh, vừa ngon. Chỉ trừ khi nào mất điện thì tôi mới phải nấu bằng bếp gas thôi chứ tôi chẳng thích tí nào, bởi nấu bằng bếp gas thì tôi phải nấu lâu, lửa riu riu, vừa mất công, tốn thời gian, lại còn hao gas nữa.
Không nấu nước uống bằng bếp gas
Thay vào đó, tôi dùng ấm đun siêu tốc. Chẳng hao điện như bạn nghĩ đâu mà lại tiết kiệm thời gian, tiết kiệm gas. Tin tôi đây, ấm đun siêu tốc là “siêu phẩm” cho chị em nội trợ đấy.
Dùng nồi hợp lý
Chỉ dùng nồi có thể tích tương ứng hoặc nhỉnh hơn đôi chút so với lượng thức ăn cân nấu (Ảnh: Internet)
Nồi càng to sẽ càng cần lượng gas nhiều để làm nóng nồi và thực phẩm bên trong. Chính vì thế, tôi chỉ dùng nồi có thể tích tương ứng hoặc nhỉnh hơn đôi chút so với lượng thức ăn cân nấu. Ví dụ luộc 1 quả trứng thì tôi dùng nồi thật bé còn nếu luộc nhiều trứng thì tôi dùng nồi to hơn. Và tôi cũng chẳng cho quá nhiều nước vào khi luộc để làm gì, tôi chỉ cho lượng nước vừa đủ. Đừng đùa, việc này giúp giảm thời gian đun sôi nước cũng như lượng gas tiêu thụ lắm đấy nhé.
Ngoài ra, tôi cũng chọn nồi chảo có độ dày phù hợp mỗi khi nấu. Đáy nồi, chảo càng dày thì thời gian đốt nóng lâu hơn, tốn nhiều gas hơn.
Rã đông hoàn toàn rồi mới nấu
Khi bạn cho một tảng thịt đông lạnh vào nồi nấu tức là bạn phải tốn thêm một lượng gas để làm tan lớp nước đá đấy nhé.
Thường xuyên lau chùi bếp
(Ảnh: Internet)
Thức ăn trào, bụi bẩn, dầu mỡ khi nấu ăn sẽ bám lên bếp, làm bít các lỗ dẫn khi và nếu không thường xuyên lau chùi bếp, phần nào gas sẽ thất thoát ra ngoài, từ đó khiến ngọn lửa lâu ngày bị nhỏ dần và đó là lý do hao gas. Một cái bếp cũ, dù bạn chịu khó làm vệ sinh, bảo trì và biết cách sử dụng vẫn sẽ không hao gas.
Không ninh nhừ thức ăn bằng bếp gas
Thay vào đó, tôi sử dụng nồi ủ. Sau khi nấu chín, nếu món ăn đó cần phải được, ninh hầm trong mấy tiếng thì tôi sẽ cho món vừa được nấu đó (vẫn còn nóng hổi) vào trong nồi ủ ngay. Vừa đảm bảo món ăn được mềm, nhừ mà lại chẳng tốn gas.
Không nấu lửa to quá mức
Tôi luôn điều chỉnh lửa vừa phải sao cho lửa không vượt ra khỏi đáy nồi chảo, như vậy sẽ chống lãng phí lượng gas không cần thiết đấy.
Khóa gas mỗi khi không sử dụng
Việc này trước hết là đảm bảo an toàn tính mạng cho tôi và gia đình. Sau đó là tiết kiệm được lượng gas thất thoát ra ngoài.
(Nguồn: Tổng hợp)
Dụng cụ nhà bếp, bình gas mini, tiết kiệm chi tiêu