Kim Quý tiết lộ thêm những góc cạnh thú vị trong cuộc sống riêng của cậu. Hãy xem trước được chú ý nhờ 2 bài viết chỉ ra các sai lầm trong quản lý của sếp, anh chàng này là người thế nào nhé!
Nguyễn Hoàng Kim Quý ( đến từ Sài Gòn, du học hệ Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý nhân sự tại trường ĐH Milan - Ý) là tác giả của 2 bài viết "Nhân viên nghỉ việc sếp nên xem lại mình" và "Sếp hãy là người lành - người biết điều rồi nhân viên sẽ tôn trọng và ở lại với sếp" .
Cả hai chia sẻ này Quý đều tập trung phân tích cặn kẽ 7 sai lầm của sếp khiến nhân viên không phục, bỏ việc ngang dù rất muốn cống hiến thêm cho công ty như: việc công - việc tư lẫn lộn, hay hứa suông, quen kiểu vắt chanh bỏ vỏ, thích đè đầu cưỡi cổ nhân viên, khẩu phật nhưng tâm không phật...
Du học sinh Nguyễn Hoàng Kim Quý, chủ nhân của 2 chia sẻ "gây bão" mạng.
Dân tình đọc xong thấy tâm đắc lắm, ai cũng tặc lưỡi: "Đúng, bạn nói chuẩn luôn!". Cũng không ít người bảo Quý như đang "đi guốc trong bụng" họ vì đã nói được những điều mình trộm nghĩ bấy lâu.
Chàng du học sinh cười tủm tỉm khi đọc bình luận. Tính Quý xưa giờ vốn cởi mở. Cậu lại không hay giấu giếm cảm xúc nên khi có suy nghĩ gì là cậu phải nói ra liền, nếu không trong lòng sẽ cảm thấy khó chịu. Lần này cũng vậy thôi!
Mặt khác, trên Facebook của Quý có khá nhiều "friends" là đồng nghiệp, đối tác làm việc và biết đâu người sếp tương lai của cậu sẽ vô tình đọc được những chia sẻ này.
"Thôi thì cứ xem đây là cơ hội để gửi đi thông điệp, xem xét rằng có phù hợp để đồng hành cùng nhau trong công việc hay không. Nếu có thì là cơ hội cho cả hai. Nếu không thì sớm cho nhau cơ hội khác để tìm người phù hợp hơn", Quý nhìn mọi chuyện theo cách nhẹ nhàng.
"Nhiều người từng ngăn cản khi tôi có ý định du học"
Thật lạ lùng nhỉ, khi mà du học là mục tiêu và cũng là mơ ước của rất nhiều bạn trẻ!
Nhưng khi đặt cái email thông báo trúng tuyển chuyên ngành Quản lý nhân sự tại trường ĐH Milan - Ý với mức hỗ trợ học phí 100% vào hoàn cảnh của Quý cách đây nửa năm trước, thì ai cũng thấy đây đúng là một quyết định cần phải nâng lên, đặt xuống nhiều lần.
Sau tốt nghiệp ĐH Hồng Bàng ngành Quản trị kinh doanh, chàng trai Sài Gòn có 7 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau ở các công ty.
Cậu từng làm nhân viên phục vụ hành khách cho các hãng hàng không, chuyên viên tổ chức tại trường Doanh nhân Đắc nhân tâm, chuyên gia huấn luyện tại Pizza Hut, quản lý đào tạo và phát triển tổ chức tại công ty New Viet Dairy... Trong quá trình đi làm, Quý học thêm các khóa học ngắn hạn về kỹ năng mềm, quản lý nhân sự.
Chăm chỉ, quảng giao lại chịu khó học hỏi nên khung thu nhập hàng tháng của Quý ở mức cao. Mỗi ngày cậu dành phần lớn thời gian cho công việc tại công ty và một số dự án tư vấn - đào tạo cho các cá nhân doanh nghiệp bên ngoài. Nhìn lại quãng thời gian ấy, Quý đánh giá: "Đó là lúc tôi theo đuổi và cống hiến hết mình cho công việc!"
Khi công việc cuốn mình đi, Quý chợt nhận ra quỹ thời gian dành cho những sở thích cá nhân không nhiều. Cậu muốn khám phá nhiều thứ hơn nữa...
"Tôi nói sẽ đi du học, nhiều người ngăn cản vì công việc hiện tại đang tiến triển rất tốt và các anh chị em đồng nghiệp cũng yêu mến, hỗ trợ nhiệt tình. Mọi thứ đang dần đi vào an toàn và ổn định. Nhưng đó cũng là lý do tôi cần cho bản thân thử thách mới, khám phá những điều mới", đó là lúc Quý thấy đã sẵn sàng làm mới bản thân.
Trong chuyện gia đình, Quý phải đấu tranh tâm lý giữa ở nhà với mẹ hay bước ra ngoài để khám phá giới hạn của bản thân.
Quý vốn không phải là con nhà có điều kiện. Tuổi thơ của cậu bị ám ảnh bởi câu chuyện mẹ từng ôm bụng bầu đi xin đồ ăn nhà hàng xóm, không biết sinh con ra lấy gì để nuôi lớn. Và hiện tại, Quý chỉ sống với mẹ. Quý du học rồi thì mẹ sống với 5 em chó.
"Khi cân nhắc chuyện có nên đi du học nhay không thì điều tôi lo nhất vẫn là mẹ. Mẹ tôi cũng có tuổi rồi. Ban đầu, mẹ không muốn cho tôi đi đâu nhưng sau khi nghe tôi giải thích, mẹ ủng hộ. Mẹ không muốn tôi phải nuối tiếc điều gì trong cuộc sống", giọng cậu chùng xuống.
Vậy là Quý đi.
Mỗi ngày của Quý trong 6 tháng qua ở Ý đều là một ngày mới. Những ước mơ từ ngày xưa bé tưởng đã quên mất, nay lại thực hiện được. Quý cũng có nhiều thời gian hơn để khám phá khả năng khác bên trong mình. Ví dụ ở Việt Nam, cậu chỉ giỏi ăn thôi nhưng qua đến Ý thì lại trở thành đầu bếp chuyên nấu tiệc cho các công ty bên này (công việc làm thêm); hoặc là may mắn được nhiều người biết hơn trên MXH thông qua việc viết lách của mình.
"Nhiều người nói thành công không liên quan đến việc xuất thân từ đâu, nhưng với tôi, xuất phát điểm của một người có tác động nhiều đến sự phát triển của họ trong tương lai. Dù ở đâu tôi cũng giữ lấy nguyên tắc sống: Không quên mình bắt đầu từ đâu".
Khác với những chia sẻ "gây bão mạng", Quý trong những trải lòng rất thật trên đã rời bỏ ngôi số 3 để về với vị trí nhân vật chính trong cuộc đời riêng của cậu, trước khi được mọi người biết đến.
Sếp cũ nhiệt tình “share” bài viết, NXB liên hệ mời viết sách
“To gan” viết đến 2 bài mang tính chất “nắn gân” sếp, ai cũng tưởng Quý nhân cơ hội này để “dằn mặt” những vị sếp cũ hay những người năm xưa từng chèn ép mình. Hóa ra, anh chàng lại là kiểu nhân viên “hoa hậu thân thiện”, được sếp, đồng nghiệp và cả cô chủ canteen ở công ty cũ hết mực quý mến.
“Biết tính tôi thích ăn ngon, các chị tạp vụ ở canteen có đồ ăn gì ngon, cũng cho tôi. Tôi đi xa rồi thì cũng chụp hình các món tôi thích để cho ăn qua hình”, Quý cười tươi chia sẻ.
Còn phản ứng của sếp cũ mới bất ngờ. Sau khi đọc 2 bài chia sẻ về “thói xấu” của những người làm quản lý, nhiều sếp cũ của Quý đã tích cực “share” chúng lên Facebook và Linkedin của mình. Một số anh chị còn nhiệt tình góp ý để Quý có thêm các ý tưởng cho các bài viết sau nhằm mục đích giúp mọi người cùng thay đổi và phát triển tích cực.
Sau bài viết, cũng có vài NXB mời Quý hợp tác viết sách về phát triển bản thân, định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ. Cậu đang sắp xếp thời gian cho dự án này. Chàng du học sinh hi vọng trong năm nay cuốn sách đầu tiên của mình sẽ được xuất bản.
“Nếu sau khi tốt nghiệp, ở Việt Nam có các chương trình phù hợp với năng lực và kinh nghiệm của tôi, tôi sẽ tham gia để học hỏi và chia sẻ hỗ trợ cộng đồng. Về những dự án cá nhân, tôi đang chuẩn bị cho một số hoạt động phi lợi nhuận về việc phát triển bản thân và năng lực làm việc cho các bạn trẻ thuộc thế hệ Y và Z. Hiện tại, cũng có khá nhiều công ty ở Ý ngỏ lời mời tôi về làm việc cho họ sau khi ra trường…”, có thể nói, cơ hội đã tới tấp tìm đến Quý sau 2 bài chia sẻ gây chú ý trên mạng.
Khi nhân viên muốn “bật” sếp, hãy dành 72 giờ để suy nghĩ!
Một độc giả có thắc mắc: Dành nhiều thời gian để góp ý về cách ứng xử của sếp với nhân viên, còn thái độ của nhân viên với sếp có quan trọng không?
Cũng có ý kiến tuyên bố, nếu không vì sợ mất việc - mất thu nhập hiện tại… họ sẵn sàng “bật” lại sếp khi người đó cư xử không ổn với mình. Nghĩa là trong một số hoàn cảnh, sợi dây cột chặt nhân viên lại với sếp không gì khác ngoài mấy chữ “ổn định cuộc sống”. Không có ai hiền hay không biết mình bị “đè đầu cưỡi cổ”.
Quý nghĩ gì về điều này?
Quý đáp sở dĩ cậu chọn viết về sếp trước mà không phải ở hướng ngược lại vì: “Tầm ảnh hưởng của người quản lý đến hệ thống, quy trình vận hành, văn hóa của công ty nhiều hơn nhân viên. Nói đến sếp trước cũng chính là cách giải quyết từ cốt lõi của vấn đề”.
Nói đến sếp trước vì đó là những người có tác động lớn đến hệ thống, quy trình vận hành của mỗi công ty, tổ chức.
Còn chuyện “bật” lại sếp, cậu suy nghĩ thế này!
“Cách giải quyết vấn đề nhanh và dễ nhất trong mọi mâu thuẫn với sếp là NỘP ĐƠN NGHỈ VIỆC và RA ĐI. Nhưng bạn nên nhớ, đi đâu cũng vậy! Sếp cũng là con người, cũng có cảm xúc nên không tránh khỏi chuyện quản lý công việc theo cảm xúc.
Nếu bạn là người nhanh chóng rời đi khi gặp khó khăn ở nơi này thì bạn có chắc mình sẽ không gặp vấn đề tương tự ở nơi khác? Vì thế, bạn cần trưởng thành về mặt cảm xúc khi làm việc (bên cạnh sự trưởng thành về mặc sinh học, kinh nghiệm).
Im lặng và nhịn nhục cũng không phải giải pháp tốt, thấy sai mà không nói, thấy bị cưỡng ép mà không phản ứng, mình sẽ ngầm tạo ra tín hiệu rằng mình chấp nhận. Nó tạo thói quen cho người khác về hành động không đúng của họ.
Tuy nhiên, nếu là một nhân viên cứ “bật” sếp tanh tách thì bạn nên tự hỏi việc bật qua rồi sẽ bật lại như vậy, sức bật và sức sát thương của bên nào sẽ mạnh hơn? Tôi nghĩ, bạn cũng sẽ bị sát thương không ít.
Khi có vấn đề xảy ra, dành cho bản thân 72 giờ để trung hòa cảm xúc, đặt tất cả câu hỏi liên quan đến vấn đề vừa xảy ra, ít nhất 10 câu hỏi. Tự hỏi rằng mình đã hiểu đúng tình huống chưa và có những bằng chứng nào để bảo vệ quan điểm của mình một cách thuyết phục.
Sau đó, hãy dùng một cái đầu lạnh, cách cư xử đàng hoàng để nói chuyện với sếp về vấn đề mình gặp phải, nếu nó đáng phải nói ra vào thời điểm ấy.
Việc bạn có NỘP ĐƠN NGHỈ VIỆC sau đó hay không chưa bàn đến, nhưng bạn phải chắc chắn rằng mình đã có phản ứng thông minh. Quan trọng hơn hết là không sát thương chính mình lẫn người đối diện khi cư xử sốc nổi”.
Tóm lại, sếp không đúng là chuyện của sếp nhưng nếu nhân viên “làm càn” thì cũng không nên nhé!
Từng làm việc ở Việt Nam lẫn ở Ý, Quý cho rằng không ở đâu là có môi trường làm việc “thiên đường” cả. Ở Mỹ, Ý, Anh hay Việt Nam... mối quan hệ giữa sếp và nhân viên đều xuất phát từ khía cạnh “con người”. Đã là con người, ai cũng sẽ có 4 cảm xúc cơ bản hỷ nộ ái ố.
“Để tìm được môi trường làm việc “thiên đường” thì bạn phải trả lời được câu hỏi “Thiên đường làm việc của tôi là gì?”.
Khi có câu trả lời, bạn sẽ lựa chọn được nơi mình thuộc về. Ngày nay nhà tuyển dụng cũng vậy, thay vì tìm kiếm những cá nhân xuất sắc; họ tìm kiếm những cá nhân phù hợp với giá trị và định hướng phát triển của tập đoàn. Thiên đường là do mình tạo ra, hoặc đôi khi nó nằm ngay trước mắt nếu mình đã vẽ lên được bức tranh thiên đường của riêng mình”, Quý chia sẻ.
Câu hỏi Q&A
Quý đặc biệt thích điều gì?
Thích ăn ngon. Ăn cả ngày không biết mệt. Làm gì thì làm, phải ăn trước rồi tính.
Quý đã đặt chân đến những quốc gia nào?
Pháp, Ý, Thuỵ Sĩ, Thái Lan, Malaysia
Anh thấy mình ở đâu trong 5 năm tới?
Trên các phương tiện truyền thông và, trong vòng tay của những người thương yêu.
Anh sợ nhất điều gì?
Một ngày nào đó không còn được ăn ngon, hoặc mất đi vị giác.
Cuốn sách mới nhất anh vừa đọc xong?
Vì sao đàn ông thích tình dục, phụ nữ cần tình yêu của Barbara Pease, Allan.
Anh từng là người?
Mập như heo, lì như trâu, nghịch như quỷ, bị đuổi học hai lần.
Tình yêu với anh là?
Mỗi sáng thức giấc hôn người mình yêu thương thật nồng nàn dù chưa đánh răng.
sếp, Nguyễn Hoàng Kim Quý, nhân viên, sai lầm của sếp