Đi qua mấy căn nhà cổ với những mảng tường rêu đen nhám, đoạn giữa phố Hàng Khoai, 6 thập kỷ qua người dân quanh mạn Đồng Xuân đã quá quen với góc hàng hoa giản dị của bà Thu. Có lẽ ở đất kinh kỳ, giờ chỉ còn bà Thu là "nghệ nhân" duy nhất còn lại làm nghề bán hoa gói lá.
Tôi đã nhiều lần đi qua phố Hàng Khoai, vào những ngày đầu đông mưa phùn ẩm ướt, hoặc chiều hè nào đó oi nồng. Con phố này ngày thường vô cùng sầm uất, đơn giản vì nó ngay gần chợ Đồng Xuân.
Hồi bé nghe bà ngoại đọc vè, ngâm thơ về 36 phố phường Hà Nội, tôi vẫn hớn hở nghĩ rằng phố Hàng Khoai bán toàn khoai, như Hàng Bạc thì toàn tiệm kim hoàn trang sức, Hàng Mã thì phấp phới đủ loại thủ công giấy màu, hay phố Hàng Đường toàn ô mai đồ ăn vặt… Buôn bán gì thì lấy mặt hàng đó làm tên phố. Thế nhưng, lần đầu tiên được bà dắt tay đi bộ qua ngoằn ngoèo phố cổ để đến Lương Văn Can mua một chiếc kính, từ cầu Long Biên xuyên qua con đường nhỏ phía sau chợ Đồng Xuân, đi thẳng ra Hàng Khoai tôi suýt mếu máo vì… chẳng có ai bán khoai để tôi nhì nhèo bà mua cho vài củ. Chỉ thấy ồn ào xe cộ không hàng lối, những sạp vàng mã nhỏ tí teo thuê tạm ở tầng 1 dãy nhà cổ tỏa mùi trầm hương thơm lừng, vài cô hàng xén gẩy giấy báo từ hàng hoa rớt sang với mấy câu lẩm bẩm chẳng ai nghe rõ.
Hà Nội vốn dĩ giấu trong mình rất nhiều thứ lạ lùng quý giá, dẫu đi tìm cũng chưa chắc đã thấy, phải có duyên.
Mấy năm trước, bà ngoại mất. Không còn những buổi sáng cuối tuần vội vàng phi xe qua cầu Long Biên sang bên kia thăm bà nữa, nên hiếm có lý do để đi qua phố Hàng Khoai. Tôi chưa bao giờ đứng lại ở phố đó, chỉ đi qua như một lữ khách. Nó cứ mờ mờ trôi qua ký ức của tôi, cho tới một ngày trước rằm tháng Giêng vừa qua, tôi mới có nhân duyên dừng lại giữa con phố đó để gặp gỡ một người phụ nữ khá đặc biệt.
Vì muốn tìm mua hoa cúng đem lên chùa thắp hương gần ngày giỗ bà, nên tôi đi hỏi, và vô tình được biết hàng hoa nổi tiếng mấy chục năm ở phố Hàng Khoai. Chủ nhân gánh hoa đó cũng đã quá tuổi thất thập, gặp gỡ bà lần đầu tiên, tôi ngỡ như một góc Hà Nội xưa được tái hiện vẹn nguyên ở đó, từ nếp tóc vấn trên đầu bà, cho đến vốc hoa bưởi thơm lừng dịu ngọt như mái tóc thiếu nữ Hà thành thế kỷ xưa thoảng về được đặt gọn gàng trên chiếc nong tre.
Giữa một dãy hàng bán đồ cúng giống nhau, thì sạp của bà Thu luôn dễ tìm nhất, với "dấu hiệu" vô cùng đặc trưng là mẹt hoa phía trước.
Hôm ấy, bà chủ gánh hoa cúng không ngồi ở Hàng Khoai. Khoảng sân bé tẹo sứt sẹo cả trăm năm tuổi khuyết hẳn một chỗ sau gốc cây, tôi vội vàng hỏi cô bán vàng mã ở ngay cạnh. "Bà ấy chuyển sang đền Quán Thánh mấy hôm, qua rằm mới lại về đây ngồi, ra đó tìm kiểu gì cũng thấy". Xuôi theo dòng người đông như mắc cửi, rẽ sang đường Thanh Niên, may trời nắng đẹp nên tôi chắc mẩm bà cụ bán hoa cúng sẽ có mặt ở cổng đền.
Chưa gặp bà cụ bao giờ nhưng linh cảm đã dẫn tôi đến chiếc sạp nhỏ ngay gần cổng đền.
- Bà Thu phải không ạ?
- Phải, cô biết tôi à? Cô mua gì vào đền không?
Bà nhanh nhẹn lấy đồ cho tôi, rồi lại ngồi phe phẩy chiếc quạt nhỏ. Nhìn bà như mới ngoài 60, sao tôi nghe người ta nói bà già lắm nhỉ? Thắc mắc dăm ba câu, bà cười giòn tan, gác nhẹ chân lên ghế, tay bà còn sơn móng nữa cơ, trông cứ phơi phới! Ra là bà đã tròm trèm 80 tuổi, nhờ bán hoa cúng 70 năm không ngơi nghỉ nên mới trẻ khỏe dẻo dai hơn cái độ "ngoại bát tuần" trên giấy tờ.
Người phụ nữ dành trọn cuộc đời để gìn giữ nghề gói hoa cúng.
Người phụ nữ chính gốc làng Ngọc Hà ấy có cái tên thật đẹp và giản dị - Phan Thị Thu. Giọng bà mềm mại lắm, gọi em xưng tôi theo lối cũ, nghe hoài niệm vô cùng. Bà điềm tĩnh nhẹ nhàng đúng phong thái người Hà Nội, gặp được người như bà bây giờ quả hiếm hoi. Và hình như, bà là thế hệ cuối cùng đất kinh kỳ còn giữ gìn nghề gói hoa cúng.
"Tôi bán hoa cúng từ năm 13 tuổi đấy. Hồi đó Ngọc Hà còn bát ngát ruộng hoa, quanh năm hương sắc đủ đầy. Mỗi mùa lại có nhiều loại hoa khác nhau, tôi thuộc làu tên cả trăm loại. Giờ thì một khoanh đất trồng hoa cũng chẳng còn nữa, vào làng giờ chỉ toàn nhà cao tầng, ngõ ngách thôi.
Nhà tôi ở làng hoa lâu lắm rồi không ai nhớ nữa, cũng phải 10 đời làm hoa cúng rồi. Tôi yêu hoa lắm, nên theo mẹ học gói hoa từ lúc bé tí ti. Bây giờ thì tôi làm hoa không chỉ vì đam mê, mà còn vì cố gắng giữ một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người Hà Nội. Xưa dù nhà giàu hay nghèo, đến lễ tết, giỗ chạp, ngày rằm mồng 1 người ta đều mua vài gói hoa về dâng lên bàn thờ tổ tiên, nó là một nét tâm linh đáng trân trọng.
Mùa này, bà Thu chỉ bán mỗi hoa bưởi.
Em còn ít tuổi quá, tôi có kể em cũng không biết hết được cách đây 60-70 năm nếp sống người Hà Nội thế nào. Quá nhiều thứ mai một ở thời hiện tại, cái nghề gói hoa cúng của tôi cũng theo đó mà phai, giờ em xem, người ta thích mua hoa nhập ngoại đắt tiền, cầu kỳ lắm thì bày biện ở nhà vài lọ hoa dịp lễ tết, có ai nhớ đến đĩa hoa cúng đâu?".
Phải, không chỉ không nhớ, nhiều người dân Hà thành còn chẳng biết đến sự tồn tại của đĩa hoa cúng. Nó là một khái niệm xa lạ, mới mẻ, như một thứ gì đó chỉ còn trong sách vở, hay vài đoạn sử cũ nhuốm màu thời gian. Ít người biết rằng, truyền thống ông bà ta là bên cạnh mâm cơm cúng, con gà luộc, đĩa xôi, trầu cau, nải chuối, thì còn có cả đĩa hoa tươi thơm ngát trang trọng bày lên ban thờ vào những ngày âm lịch quan trọng. Đĩa hoa nhỏ thôi, nhưng tươi tắn đủ sắc màu, nhiều ý nghĩa, và chứa đựng lòng thành kính của hậu thế cho tiền nhân. Giờ thì nó được thay bằng lọ hoa với dăm bông cúc, hồng, thược dược, huệ… khi nào tàn thì bỏ đi.
Vừa bán hàng cho các chị các mẹ đi lễ đền, bà Thu vừa kể: "Thời Pháp thuộc, tôi chuyên bán hoa lay ơn cho các bà đầm nhà quan tây, tính ra được vài ba nghìn đồng tiền bây giờ. Lúc ấy nghề này còn thịnh, tôi đi xích lô trả tiền theo tháng, mất 300 – 500 đồng Đông Dương, ngày nào cũng sáng đi tối về. Không vất vả nhưng cũng chẳng nhàn, bán hương hoa cho đời, đẹp chứ.
"Đất trồng hoa không còn, nghề gói hoa cúng cũng lụi tàn, gia truyền đến đời tôi là sắp mất rồi, tiếc lắm".
Trước tôi 2 đời các cụ vẫn dùng hoa đĩa, đến đời tôi vẫn thế nhưng con cháu thì không. Theo thông lệ, có giỗ, tết, ngày rằm hoặc mùng 1 nhà tôi luôn có 3 đĩa hoa dâng lên ban thờ: ban gia tiên, ban ông bà và ban bố mẹ. Số lượng hoa trên đĩa tùy từng mùa, có gì dùng đó. Quý nhất là hồng lam, hồng quế có màu đẹp mà lại nở rất thơm, tiếc là giờ không còn giống hoa này nữa, rồi tới hoa ngâu, hoa lý, hoa sói, móng rồng, trứng gà, lan tây lan ta...".
Ngồi ở vỉa hè Hàng Khoai đã ngót nghét 6 thập kỷ, "đồ nghề" của bà Thu chỉ là vài cái rổ nhựa đựng hoa, bó lá, dây lạt cùng xô nước. Mùa xuân, bà Thu bán hoa bưởi, hoa nhài. Tháng 4 đến tháng 7, bà bán hoa móng rồng, lan tây, ngọc lan, hoa nhài và mẫu đơn. Đầu tháng ngày rằm, bà cùng con cháu ra ngồi ở cổng đền Quán Thánh, dịp Tết bà không nghỉ ngày nào, qua nửa tháng Giêng bà mới trở về con phố nhỏ sát chợ Đồng Xuân. 365 ngày như nhau, mọi người đã quá quen với bà cụ lưng còng ngồi sau gốc cây số nhà 21 Hàng Khoai từ 6h sáng đến tận 7h tối.
Hơn 60 năm kinh nghiệm, hoa bà Thu chọn lúc nào cũng đẹp và thơm, được nhiều người yêu thích.
Con gái cả của bà Thu là cô Tống Thanh Giao, bên cạnh là con dâu cũng theo bà ra cổng đền Quán Thánh ngồi bán hàng.
Ngày xưa bà Thu rất đắt hàng, hôm nào cũng vài chục khách ghé qua, nhưng cỡ 10 năm nay, số đĩa hoa bà tự tay gói đã ít hẳn, dù giá chỉ vỏn vẹn 10 nghìn đồng. "Người ta cứ nghĩ là chẳng ai mua hoa đĩa nữa, nhưng ngày nào tôi cũng có khách quen ghé qua. Có người chẳng dâng đâu cả, chỉ để ngửi cho thơm thôi, tôi vẫn vui vẻ bán. Vì người ta vẫn biết đến tôi, vẫn cần tôi, vẫn có lòng thành hướng về tổ tiên, phật thánh. Rồi cả Việt kiều nữa, họ phải ra sân bay rất vội nhưng xa mấy cũng lặn lội đến mua bằng được vài gói hoa gửi lại cho người thân.
Mấy chục năm trước khi đĩa hoa còn giá 1000 - 2000 đồng, dân làng tôi còn đem hoa đi bán rong nhiều lắm. Nhưng dần người ta chán, lũ lượt rủ nhau bỏ nghề, chẳng còn ai lưu tâm đến hoa đĩa".
Hỏi bà có buồn chán khi ngồi dãi nắng dầm mưa suốt hơn 60 năm nơi ngõ phố chật hẹp ồn ào, bà cười tươi lắm, chẳng hề buồn tí nào. Được gặp bao nhiêu người, lắng nghe bao thanh âm cuộc sống, ngắm 4 mùa đi qua và chứng kiến bao thứ đổi thay luân chuyển, chẳng ai hiểu được niềm hạnh phúc mà bà Thu có. Tôi ngạc nhiên khi bà ghé tai thì thầm, 80 năm bà chỉ xa Hà Nội một lần duy nhất, đi Hải Phòng thăm thú 1 tháng, còn lại cả cuộc đời bà gắn bó với phố Hàng Khoai. Hà Nội 12 mùa hoa thì bà Thu cũng từng ấy mùa cần mẫn bên gốc cây nhỏ. Trộm vía, bà chẳng ốm đau bao giờ.
"Người ta chuộng hoa lạ hoa đắt, hơn là một đĩa bông gói trong lá buộc lạt..."
"Tôi có 5 người con, 11 đứa cháu, con gái cả cũng hơn 60 tuổi rồi, về hưu xong giờ thi thoảng phụ giúp tôi bán hàng ngày lễ bận rộn. Tuy không tâm huyết đam mê như tôi nhưng cũng được vui thú tuổi già. Cái nghề này chẳng mang lại giàu sang phú quý, có 10 nghìn 1 đĩa hoa thì nhiều nhặn gì, nhưng nó tao nhã và chẳng bao giờ tôi thấy nhàm chán".
Mùi hoa bưởi thơm nồng nàn quyện với hương trầm phảng phất khiến tâm hồn nhẹ bẫng, tôi bất giác ngước lên nhìn cây đa cổ thụ ngay cổng đền Quán Thánh. Không biết nó có "lớn tuổi" hơn bà Thu không nhỉ? Bà lặng yên nhìn ra mặt hồ Tây, gương mặt già nua vương biết bao nhiêu là hoài niệm, ký ức, và cả nỗi lòng xa xót khi nghĩ đến lúc nhắm mắt xuôi tay, sẽ không có bất kỳ ai kế thừa nghề gói hoa của bà nữa. Bà chỉ là một người phụ nữ bình thường, nhưng không hề tầm thường. Nếu mai này bà về với cái bụi, Hà thành lại mất đi một mảnh tinh hoa vô cùng trân quý. Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?...
Chợ Đồng Xuân, phố Hàng Khoai, nghề gói hoa cúng, bà Phan Thị Thu, Rằm Tháng Giêng, đền quán thánh, người Hà Nội, văn hóa truyền thống