Dimsum ở tiệm này vô cùng đa dạng, giá lại rất rẻ, trung bình từ 10 đến 15 ngàn/ phần. Thưởng thức dimsum ở đây không chỉ là miếng ăn mà bạn còn gặp lại hương vị hoài niệm của Sài Gòn xưa.
Nếu Hà Nội, muốn ăn dimsum phải vào nhà hàng thì ở Sài Gòn, có khi chỉ cần tới khu người Hoa, tìm một tiệm bình dân là đã có thể thưởng thức, vị tương đối chuẩn mà giá thì nhiều khi mềm đến bất ngờ. Nhưng rẻ ở mức chỉ 10 ngàn/ đĩa như một tiệm ở quận 11 dưới đây thì có lẽ chẳng đâu ở Sài Gòn có.
Vì tò mò về quán dimsum rẻ nổi tiếng nên tôi cũng ráng bỏ một buổi ngủ nướng, chạy xe đến thử. Quán bán điểm tâm sáng nằm gần khu chợ nhỏ, trên đường Xóm Chiếu. Từ khi rẽ vào con đường này đã thấy cơ man nào là quán xá, hàng ăn sáng, đa số đều là những món nghe khá lạ tai vì gốc Hoa như hủ tíu sa tế, bún mì vàng, bánh bột….
Địa chỉ quán khá dễ tìm, nhìn kiến trúc bên trong nhà cũng nhận thấy sự truyền thống của nếp sinh hoạt người Hoa - Chợ Lớn. Còn nằm ngay mặt tiền, phía trước nhà kê chiếc xe đẩy inox còn mới toanh có vẻ như đã có sự thay đổi cho tươm tất hơn.
Bảy giờ sáng, phần vì dậy sớm, phần vì trong tủ kính xe inox đang đầy ắp những viên há cảo, sủi cảo, xíu mại... đủ hình dáng, viên nào cũng tròn lủm, căng múp khiến bụng dạ tôi cồn cào hẳn. Dù vậy, tôi cũng ráng nhẫn nhịn cơn đói, đi ra cạnh chiếc xửng hấp rất to được anh chủ quán hay mở ra mở vào gắp thức ăn cho khách để quan sát thêm.
Mỗi lần chiếc vung được mở ra để lấy đồ cho khách là một lần làn khói mịn trơn bay lên khiến tôi ngây ngất. Mùi khói mang vị thanh của nếp dẻo, ngọt bùi của thịt và cái beo béo của đích thị là kiểu nước sốt xíu mại ngày xưa học tiểu học hay ăn.
Có vẻ tất cả những món dimsum đều hội tụ ở tiệm ăn này. Chủ quán nhẫn nại chỉ và nói với tôi tên từng món, nào là há cảo tôm thịt này, khoai môn, hẹ, xíu mại khô, xíu mại nước, cảo mại...còn có cả bánh bao xá xíu, bánh bao kim sa và bánh bao ca dé.
Sự nhiệt tình của chủ quán và mùi bánh thơm lừng đưa lên sau những lần mở xửng hấp của chủ tiệm khiến tôi khó thể cầm lòng hơn. Trong nháy mắt, tôi chỉ tay chọn hết thức này đến thức khác, không quên một chiếc bánh bao xá xíu.
Cái giá phải trả ngay sau đó là lúc dọn món ra bàn, kèm một ổ bánh mì kiểu rỗng ruột ngày xưa, tôi mới giật mình "Chà! Nhiều đấy! Con mắt to hơn cái bụng quá rồi!". Nhưng thật tình nhìn xửng hấp không thể không gọi, giá mà gọi thêm ai đó đi cùng thì đỡ "khổ" thế này.
Nhưng thú hơn cả là tôi chưa pha xong chén nước tương, đã có một bà cụ từ tốn đặt lên bàn ấm trà nhôm nhỏ kèm một cái ly thuỷ tinh in màu cũng nhỏ nốt. Ôi, dimsum 10 nghìn với trà nóng, thảo nào mà người ta kháo nhau đến đây ăn đông thế.
Đồ ăn ở tiệm trung bình từ 10 - 15.000 đồng /phần tuỳ loại, túc tắc, tôi ăn từ cái cảo mại đầu tiên. Cảo mại là một dạng hao hao há cảo tức là hấp khô, nhân tôm thịt, nhưng được bọc bên ngoài là lá hoành thánh vàng, riêng chỗ này tạo hình cảo mại dạng như thỏi vàng làm tôi thấy rất đáng yêu, ăn cũng ngon hơn. Một phần ở đây thường có hai chiếc, khi ăn có thể dùng kèm bánh mì. Há cảo khoai môn hay tôm thịt đều rất ổn, có nhân nấm hương băm thơm ngọt, dai nhẹ, gói to cắn vào sướng răng vô cùng.
Nhưng thú thực không phải món cũng xuất sắc. Bánh hẹ được tạo hình như túi tiền, đáng yêu lạc lối, nhưng phần dưới thì ngon, phần bột trên "túi tiền" có phần hơi cứng. Xíu mại nước tuy đày đặn lại có chút màu điều hấp dẫn nhưng nước dùng thiếu độ nóng, váng mỡ (hoặc dầu) hơi dày, khiến món ăn dễ ngấy. Bánh bao xá xíu mà tôi chọn thử, bột bánh hơi khô.
Ảnh: Cường Chung
Ảnh: Phúc Tấn Đinh
Ăn ở đây bạn phải tự pha nước chấm. Pha nước chấm ăn dimsum nhất định phải đủ vị: nước tương, dấm tiều và sa tế ớt, không nên dùng tương ớt vì trừ khi bạn dùng kiểu tương ớt xay ngày xưa, chứ tương ớt đóng chai bây giờ làm mất cả vị đậm đà của tương và dấm.
Được biết, đến nay quán dimsum này bán đã được 18 năm, quán ban đầu do vợ chồng ông bà cụ bán hàng, hiện tại đã giao lại cho người con dâu tên Khúc Quý Phân bán chính. Còn ông bà chỉ ngồi trông từ cuối nhà nhìn ra, thi thoảng mang ra ấm trà, chiếc tách cho khách, tuy chậm nhưng lại mang nét thô mộc, cổ xưa, từ tốn đầy bản sắc.
Trong quá trình ngôi thưởng thức, tôi thấy nhiều người ghé qua đây mua mang về, rất nhiều người chọn mua xíu mại nước. Tôi ngờ rằng họ mang về sẽ hâm lại thật thật nóng để dùng với bánh mì. Thế mới ngon chứ!
Hiện nay người gầy dựng nên cửa hàng đã lui về phụ việc cho vợ chồng người con trai.
Việc bán chính dành đều do một tay vợ chồng chị Khúc Quý Phân bán chính.
Bà chủ cũng bảo nhiều người đến đây muốn lấy sỉ về bán, nhưng không, ở đây chỉ bán lẻ thôi, đủ bán lẻ thôi. Thế ra tôi hiểu rằng mỗi ngày ở đây đều là hàng mới cả. Và quả thức đúng là phần nhân thịt luôn mọng nước, ngọt, bùi, dù đôi món có có thiếu độ nóng hay vỏ bánh còn có phần hơi cứng hay khô đi nữa.
Tôi quay lại không? Chắc chắn quay lại. Quay lại để ăn cảo mại hình thỏi vàng, há cảo tôm thịt có nấm hương dai ngọt và xíu mại khô chưa được thử. Quay lại dắt theo đôi ba đứa bạn thưởng thức món dimsum mang hương vị Sài Gòn xưa. Duy có điều quán chỉ bán tới tầm 11 - 12 giờ trưa, có hôm đông khách chưa tới 10 giờ đến hết nên ai ngủ lười hay phải đi làm sớm chắc khó mà thưởng thức được.
Địa chỉ quán ở 108B Xóm Đất, P.8, Q.11 nhé!
sài gòn xưa, dimsum, quán ăn ngon rẻ ở Sài Gòn, quán ăn lâu năm