Thời buổi này cả phụ nữ và đàn ông đều là trụ cột. Phụ nữ càng độc lập, thông minh, biết dung hòa, khéo léo, cô ấy sẽ càng hạnh phúc.
Với lối viết chân thật, gần gũi, lại chất chứa nỗi buồn man mác trong từng câu chữ, nữ nhà văn trẻ Gari hiện là một luồng gió mới trong làng văn học cho giới trẻ Việt Nam. Dù mới chỉ ở tuổi 22, Gari đã có cho riêng mình 5 quyển sách được đông đảo bạn trẻ yêu thích như: Là đánh mất hay chưa từng có; Đã từng tồn tại, đã từng yêu thương; Vỡ vụn tuổi 20; Nhắm mắt lại thấy cả bầu trời. Ngoài đam mê và thành công trong việc viết lách, Gari còn gặt hái được không ít thành tích đáng nể ở lĩnh vực marketing.
Nhưng chỉ là bề nổi được nhiều người biết đến. Thực chất, để có được những thành công như ngày hôm nay, Gari đã trải qua không biết bao nhiêu là khó khăn trong quá khứ, từ thuở nhỏ cho đến những năm chập chững bước chân vào môi trường giảng đường đại học, và cả khi chính thức bước chân vào đời, với một công việc văn phòng 8 tiếng mỗi ngày, như bao người trẻ khác.
Tuổi thơ gắn bó với viết lách vì muốn chứng tỏ bản thân không thua kém các chị
Nữ nhà văn Gari có tên thật là Nguyễn Thị Yến Phượng, là con gái út trong một gia đình có 4 cô công chúa tại Đồng Nai. Các chị của Gari đều là những người giỏi giang trong việc học hành cũng như là công việc sau này. Vì vậy, ngay từ thuở bé, Gari ít nhiều đã cảm thấy ghen tị với các chị và nhận ra cái bóng của các chị quá lớn, lớn đến mức khiến mình bị áp lực.
Như bao bạn trẻ ở cái tuổi thiếu niên khác, Gari cũng mong muốn mình được bố mẹ chú ý, bằng một sự thành công nào đó của riêng mình, có thể là trong việc học hành, có thể là một năng khiếu bẩm sinh, hay khả năng tự lập tài chính dù tuổi đời còn rất bé. Chứ không phải chỉ là một cô con út nhạt nhòa được bố mẹ và 3 chị gái bảo ban che chở. Cứ vậy, bằng sự quyết tâm chứng tỏ bản thân của mình khi đó, Gari bắt đầu tìm đến nghề viết khi chỉ mới… 9 tuổi.
"Gari bắt đầu viết lách từ năm 9 tuổi, có bài đăng báo từ năm 9 tuổi là một bài tản văn, rồi lúc lớp 7, lớp 8 là Gari đã cộng tác với báo Mực Tím. Rồi thì tuổi dậy thì, tâm sinh lý, kiến thức giới tính là Gari tự đọc báo rồi trang bị cho bản thân hết. Bố mẹ Gari bận làm việc nên để Gari tự học, tự lực, tự lo cho bản thân.
Đến năm 16 tuổi, số tiền đầu tiên Gari kiếm được từ báo 2! là 600.000 đồng. Sau đó Gari viết báo để nuôi sống bản thân, hồi đó vào năm nhất đại học, số tiền Gari kiếm được mỗi tháng là khoảng 1 triệu đồng đổ xuống, đủ để ăn uống và tiết kiệm đóng tiền học. Có những lúc chỉ còn 50k trong túi thì mì gói và trà xanh thẳng tiến".
Cú sốc đầu đời khi quyển sách đầu tay là quyển "sách chết"
Bén duyên với nghề viết và tự lập bằng cách bán tài năng của mình như thế, nhưng hồi đó Gari nào có biết gì, đơn giản thì thấy mình viết được nên viết thôi. Bây giờ nhìn lại, cuối cùng Gari cũng đã thực sự hiểu vì sao bản thân mình khi đó lại chọn nghề viết lách, chọn như một bản năng, rồi lại mê cái nghề này lúc nào không hay biết: "Chắc vì chỉ khi viết, Gari mới có thể bộc lộ rất nhiều thứ trong hàng tá suy nghĩ của mình".
Rồi đâu có gì là suôn sẻ mãi như những gì những chúng ta nghĩ ở cái tuổi đời còn quá trẻ để hiểu những gì bất trắc ngoài kia. Năm 18 tuổi, Gari chịu một cú sốc đầu đời khi quyển sách đầu tay được người ta gọi là "sách chết". Thậm chí cô nàng còn bị đồn đoán là bỏ tiền tự in sách vì... bản thân cô nàng không hề có chút tài năng nào.
"Năm nhất đại học, Gari gửi bản thảo khác đến hơn 10 NXB và công ty phát hành sách. Sau đó thì cuốn sách đầu tiên của Gari ra đời sau 1 năm gửi. Lúc đó Gari 18 tuổi, không một kinh nghiệm làm sách, chỉ ra sách và nói với mọi người từ online đến offline. Rốt cuộc thì cuốn đó chỉ tiêu thụ 1500 bản đổ lại, người ta gọi đó là "sách chết".
Công việc khó khăn, bị "đì" đến mức nghĩ mình như tự sát
Cũng trong thời gian buồn bã đó, "sách chết" như một vết đen trong sự nghiệp viết lách của mình thì Gari còn gặp không ít khó khăn trong công việc. Khi ấy Gari còn là một cô nàng sinh viên, 2 năm ròng rã đi làm không lương trong 5 công ty truyền thông quảng cáo nổi tiếng với vị trí thực tập sinh. Nói về điều này, Gari thú thực là cô nàng chẳng thất vọng gì mấy, vì thực tập mà phải chịu khó một chút, sau đó mới trưởng thành hơn.
Gari chỉ buồn vì có một kỷ niệm không vui, khi đi làm ở 1 công ty truyền thông mà không may gặp phải đồng nghiệp kìm hãm sự phát triển của bản thân. Thậm chí Gari còn bị trả lương bèo bọt làm cả tuần không nghỉ, kể cả chủ nhật. Chính vì làm việc nhiều như vậy, nên giai đoạn đó, Gari chia sẻ cảm giác như mình đang tự sát vì thường xuyên bị stress và sốt, xung huyết dạ dày… Sau này ra trường đi làm, Gari cũng thường xuyên gặp nhiều vấn đề khó khăn chỉ vì mình "trẻ", "nhỏ tuổi", "mới ra trường"… như bao bạn bè đồng trang lứa khác.
Quay trở lại đam mê của Gari, thì hiện tại, cô nàng đã có một gia tài gồm 5 quyển sách đã được xuất bản, cùng 2 quyển sách đang ấp ủ ngày "chào đời". Vừa qua, Gari vì muốn thực hiện một số dự án riêng để thỏa mãn nhiều hơn đam mê cuả mình nên cô nàng cũng đã thôi việc ở một công ty xuất bản có tiếng.
"Ích kỷ là bản chất của đàn ông"
Công việc đi từ thất bại, khó khăn cho tới thành công như ngày hôm nay là thế, nhưng còn chuyện tình trường của Gari thì như thế nào? Có phải như nhiều người nói là làm nhà văn thì đa sầu đa cảm nên chuyện yêu đương của giới viết lách cũng trắc trở chỉ vì cái chuyện "khó chiều" hay không? Gari chia sẻ, bản thân cô nàng cũng đi qua kha khá mối tình, nhưng chẳng ai bền chặt lâu cả. Nguyên nhân chính là cô bị đối phương lừa dối.
Chia sẻ thêm về mẫu người đàn ông mà trong tương lai, dù là một tương lai chưa biết, cô nàng sẽ cưới làm chồng cũng như người đàn ông phụ nữ nên cưới, Gari cho rằng: "Phụ nữ nên cưới người thấu hiểu mình, tôn trọng mình, chăm sóc cho mình chứ đừng chọn người mình yêu. Có những người chỉ đáng để trong tim, chứ không nên hiện diện trong cuộc sống của mình.
Gari không tin vào sự chung thủy tuyệt đối. Giữa một thời buổi mà không ít đàn ông đều có một vợ - một "vợ nhỏ" bên ngoài như thế này, phụ nữ tin vào một tình yêu kéo dài mãi mãi là một điều quá khó khăn. Với người này, tình yêu là một quá trình. Còn với người kia, tình yêu có thể là một khoảnh khắc".
Cô nàng trẻ tuổi cũng chia sẻ thêm, việc năm nào người ta cũng bàn tán chuyện ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại cũng do "nhiều người đàn ông Việt gia trưởng và ích kỷ nên người bắt ép, tạo áp lực để vợ mình ăn Tết ở nơi mình muốn. Còn phụ nữ, nhiều người cũng tự nghĩ mình phải chịu cảnh "xuất giá tòng phu" và nghe lời chồng.
Gari nghĩ rằng, phụ nữ hiện đại hoàn toàn có quyền lựa chọn, có thể khéo léo bàn bạc với chồng để đón một cái Tết thật ý nghĩa ở nơi mình muốn, cũng như bất cứ việc gì khác.
Thời buổi này cả phụ nữ và đàn ông đều là trụ cột. Nếu đó là một người phụ nữ độc lập, thông minh, biết dung hòa, khéo léo, cô ta sẽ tìm cách để nói và san sẻ. Còn nếu cô ta chỉ sống dựa vào chồng chủ yếu thì cũng không thể tránh khỏi tình trạng "chồng là nhất", cứ thế mà lệ thuộc vào những quyết định của chồng thôi, không chỉ trong chuyện ăn Tết ở đâu đâu!".
(Ảnh: NVCC)
nhà văn trẻ, thiếu tôn trọng, cuộc thi quốc tế, Nhà xuất bản, mạng xã hội, theo đuổi đam mê, mùng một tết, đàn ông Việt, mùng ba Tết, làm tròn bổn phậ