Đời sống

Xót xa phận đời của đôi vợ chồng Hà Nội sống trong căn nhà rác, hơn 20 năm chưa có được cái Tết trọn vẹn

Sống trong căn nhà tồi tàn, rách nát hàng chục năm cùng với người chồng cũng là từng ấy thời gian cả hai người không có được cái tết trọn vẹn nào. Gia cảnh khó khăn, bệnh tật, không con cái, tết đối với đôi vợ chồng bà Bích chỉ là cặp bánh chưng lạnh ngắt được tặng, vài gói mỳ tôm được nhà hảo tâm mang đến biếu.

Hàng chục năm sống trong căn nhà rác

Những ngày đầu năm, khi rất nhiều người đang được tận hưởng không khí sum vầy, ấm áp và sung túc bên gia đình, bạn bè thì cũng có không ít mảnh đời đang phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh, chẳng chút mảy may đến Tết phía sau khu chợ Long Biên (phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội).

Xót xa phận đời của đôi vợ chồng Hà Nội sống trong căn nhà rác, hơn 20 năm chưa có được cái Tết trọn vẹn - Ảnh 1.

Bà Bích chia sẻ về cuộc đời của mình.

Ghé thăm khu chợ những ngày đầu năm, chúng tôi không khỏi nhíu mày trước mùi hôi thối phát ra từ đống rác thải của khu chợ. Những căn nhà lụp xụp, rách nát, những trận gió lớn rít lên, phả hơi lạnh từ sông Hồng lên khiến người ta run lên bần bật.

Ngay tại đây, ít ai biết rằng có người phụ nữ gần 30 năm chưa có được cái Tết trọn vẹn, người phụ nữ ấy là bà Phạm Thị Bích (65 tuổi).

Nói đến Tết, khuôn mặt của bà hiện lên nỗi buồn, bởi 30 năm rời quê nhà xuống đây với chồng cũng là chừng ấy thời gian bà không có được cái Tết đúng nghĩa.

Trải lòng về cuộc sống khốn khó của mình, bà Bích chia sẻ, bà vốn quê gốc ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên nhưng sau khi lấy nhau, cuộc sống ở quê khốn khó, lại không có con cái nên để tránh điều tiếng, ông bà đã quyết định bỏ quê lên Hà Nội, làm đủ nghề kiếm sống qua ngày. Nhiều năm nay sức khỏe yếu nên ông bà đành đi nhặt phế liệu.

Xót xa phận đời của đôi vợ chồng Hà Nội sống trong căn nhà rác, hơn 20 năm chưa có được cái Tết trọn vẹn - Ảnh 2.

Ngôi nhà rác nơi vợ chồng bà Bích đang sinh sống.

Không có tiền thuê trọ, vợ chồng bà phải ra khu đất phía sau chợ Long Biên dựng tạm túp lều bằng bao bì cũ để trú ngụ.

Gọi là nhà nhưng nơi vợ chồng bà Bích sống được "mệnh danh" là xập xệ nhất chợ Long Biên, không có bất cứ thứ gì đáng giá, vợ chồng bà phải ngủ dưới nền đất, bên cạnh là những đống rác thải, phế liệu thu gom được.

"Mấy hôm nay vợ chồng tôi phải đi nơi khác ngủ vì trời lạnh quá, không thể ở trong nhà. Mùa hè thì trời quá nóng, nhà bốc mùi nên cũng không thể ở được, gọi là nhà cho có vậy thôi chứ khác gì túp lều bỏ hoang đâu chú. Chồng tôi lạnh quá nên cũng đi làm rồi ngủ lại đó, không về nhà", bà Bích chia sẻ.

Tết chỉ có cặp bánh chưng nguội người khác mang cho

Tuổi đã cao, không ai thuê mướn làm gì, công việc duy nhất của đôi vợ chồng này là đi nhặt phế liệu để kiếm tiền nuôi sống bản thân.

Bà Bích kể, mỗi ngày vợ chồng bà đi bộ khắp thành phố, lục tung những đống rác cũng chỉ kiếm được tiền đủ để mua vài cân gạo, chai nước mắm và ít thức ăn.

Xót xa phận đời của đôi vợ chồng Hà Nội sống trong căn nhà rác, hơn 20 năm chưa có được cái Tết trọn vẹn - Ảnh 3.

Ngôi nhà chẳng có gì đáng giá, chất đầy rác thải là nơi trú ngụ của hai vợ chồng bà Bích hàng chục năm qua.

Không con cái, người thân, đôi vợ chồng chỉ còn biết nương tựa vào nhau mà sống. Gia cảnh quá khó khăn khiến gia đình này hơn 30 năm qua chưa có được một cái Tết trọn vẹn như những người khác, bản thân họ cũng không dám nghĩ đến việc được đón Tết.

Với họ, hạnh phúc nhất là những ngày đó được người khác tặng cho cặp bánh chưng nguội, vài gói kẹo, ít gói mỳ để ăn đã là niềm hạnh phúc.

Xót xa phận đời của đôi vợ chồng Hà Nội sống trong căn nhà rác, hơn 20 năm chưa có được cái Tết trọn vẹn - Ảnh 4.

Bà Bích rơi nước mắt khi nói về ngày Tết, bởi mấy chục năm qua vợ chồng bà chưa thể có cho mình cái Tết như bao người.

"Tiền không có, người thân họ hàng cũng không nên chúng tôi không dám nghĩ đến Tết, nhiều người thấy hoàn cảnh nên có năm cũng cho cặp bánh chưng, ít kẹo bánh ăn tạm. Đôi lúc nghĩ cũng tủi thân nhưng không thể nào làm khác được", bà Bích chia sẻ.

Năm cũ qua đi, năm mới lại đến, đôi vợ chồng lại thêm một tuổi. Đáng lẽ ở tuổi này, cả hai người được sum vầy bên con cháu, bên mâm cơm gia đình, không phải vật lộn mưu sinh, cô quanh trong căn nhà rác, không phải chịu gió rét để kiếm từng đồng tiền, thế nhưng....

aFamily

gia cảnh khó khăn, cuộc sống mưu sinh


      © 2021 FAP
        4,301,706       230