Cho đến nay, dù được biết đến nhiều như một biểu tượng cho văn hóa và tín ngưỡng dân tộc, nhất là trong dịp Tết, nhưng vẫn không ai biết rõ lai lịch thật sự của Mẫu Liễu Hạnh.
Trong văn hóa tín ngưỡng dân gian người Việt, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc, từ ngàn đời nay, ai ai cũng thuộc nằm lòng câu nói: "Tháng Tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ". Trong đó, nếu vị đức Cha trong câu nói trên vẫn còn làm nhiều người phân vân, không biết thực sự là Vua cha Bát Hải hay Đức Thánh Cha Trần Hưng Đạo, thì "Mẹ" trong câu nói đó được muôn dân phía Bắc khẳng định, chính là Mẫu Liễu Hạnh.
Tượng Mẫu Liễu Hạnh.
Từ lâu, Mẫu Liễu Hạnh đã được xem là một nhân vật vô cùng quan trọng trong tính ngưỡng Việt Nam, đại diện cho tín ngưỡng thờ Mẫu, tam phủ, tứ phủ của Việt Nam. Bà còn là một trong bốn vị Thánh bất tử (gồm Chử Đồng Tử, Tản Viên Sơn Tinh, Trần Hưng Đạo), thường xuyên giúp đỡ người dân và được nhiều triều đại phong kiến nước ta sắc phong nhiều chức sắc để cảm tạ công ơn. Tuy nhiên, cho đến nay, dù được biết đến nhiều như một biểu tượng cho văn hóa và tín ngưỡng dân tộc, nhất là trong dịp Tết, được thờ phụng ở nhiều đền phủ, nhưng lai lịch thật sự của bà.
Sau đây, xin tổng hợp một số thông tin từ các nguồn tin cậy thuộc giới sử học Việt Nam để khái quát về lai lịch nhuốm màu huyền sử, linh thiêng của Mẫu Liễu Hạnh.
Lần đầu thai giáng thế thứ 1 của Mẫu Liễu Hạnh
Theo như một số tài liệu quý giá của Hội đồng khoa học lịch sử Nam Định, Mẫu Liễu Hạnh được cho là con gái thứ 2 của thiên đế Ngọc Hoàng, bị vua cha sai đầu thai xuống hạ giới 3 lần, xem như trách phạt vì nàng trót dại làm vỡ ly ngọc quý.
Tượng Mẫu Liễu Hạnh.
Lần đầu thai thứ 1 của Mẫu Liễu Hạnh là vào thời hậu Lê. Khi ấy, có một cặp vợ chồng tại xã Vĩ Nhuế, trấn Sơn Nam, ngoài 40 nhưng vẫn chưa có con. Thấy họ ăn ở hiền lành, Ngọc Hoàng liền báo mộng sẽ sớm để con gái của mình đầu thai trở thành con của họ. Quả nhiên, ngay sau đó ít lâu, người vợ mang thai rồi hạ sinh một bé gái vô cùng xinh đẹp. Từ đó, vì nhớ tới giấc mộng linh nghiệm của Ngọc Hoàng, người cha trần thế của bé gái này đã đặt tên con là Phạm Tiên Nga.
Tiên Nga lớn lên ngày càng xinh đẹp và giỏi giang. Thế nhưng chẳng bao lâu sau thì cả cha và mẹ trần thế của nàng đều qua đời. Rồi khi để tang và lo lắng mồ yên mả đẹp xong cho cha mẹ. Nàng liền lên đường chu du khắp thiên hạ để giúp đỡ người dân, từ việc đắp đê ngăn lũ, cho tới xây cầu, dựng chùa,… Năm Tiên Nga vừa tròn 40 tuổi thì hết thời gian ở hạ giới, nàng hóa thần về trời. Vì tưởng nhớ công ơn của nàng, dân chúng liền cho xây hai ngôi đền để thờ phượng. Một là Phủ Đại La Tiên Từ tại nền ngôi nhà cũ thời thơ ấu của Tiên Nga, hai là Phủ Quảng Cung tại quê mẹ của nàng.
Khu di tích Phủ Quảng Cung mỗi khi có lễ hội đều được rất đông người đến dâng lễ.
Lần đầu thai giáng thế thứ 2 và thứ 3 của Mẫu Liễu Hạnh
Lần đầu thai thứ 2, Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh làm con con ông Lê Thái Công và bà Trần Thị Phúc tại thôn An Hải, xã Vân Cát, huyện Thiên Bản, hạt Sơn Nam Hạ (nay là Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định). Vui sướng trước đứa con gái mới sinh có nét hao hao như một vị tiên nữ mình từng gặp trước đó, trong một lần mộng mị nửa mê nửa tỉnh dự tiệc trên thiên đình, ông Lê Thái Công đã đặt tên con là Giáng Tiên.
Lớn lên, Giáng Tiên càng xinh đẹp thêm, giỏi văn thơ, đánh đàn thổi sáo và soạn nhiều bài hát rất hay. Năm 18 tuổi, nàng kết duyên cùng Đào Lang, là con nuôi của một vị quan trí sĩ ở cùng làng. Vợ chồng nàng có 2 người con, một trai đặt tên là Nhân, một gái đặt tên là Hòa. Tưởng cuộc sống trần thế hạnh phúc từ đây nhưng đến ngày 3 tháng 3 năm Đinh Sửu, thời Lê Gia Thái thứ 5 (1577), Giáng Tiên đột ngột về trời khi vừa tròn 21 tuổi. Sau lần thoát xác trần này, Mẫu Liễu Hạnh cũng được người dân xây dựng đền thờ và lăng mộ ở Phủ Dầy, Nam Định.
Khu di tích Phủ Dầy đẹp như một bức tranh phong thủy.
Lần thứ 3, khác với hai lần trước, vì thương nhớ chồng Đào Lang nên từ thiên cung, Mẫu Liễu Hạnh đã vân du đến làng Tây Mỗ, xã Hà Thái, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, vào ngày 10 tháng 10 năm Canh Dần, tái hợp với ông Trần Đào Lang lúc này đã đầu thai là Mai Thanh Lâm, sinh thêm được một con trai tên là Cổn. Bà mất ngày 23 tháng 12 năm Mậu Thân, thời Lê Cảnh Trị thứ 6 (1668). Năm ấy bà vừa 18 tuổi. Đền thờ bà ở Phủ Sòng Sơn, Thanh Hoá.
Vì thương nhớ trần gian, Mẫu Liễu Hạnh giáng trần giúp đời lần nữa và nguồn gốc của phủ Tây Hồ
Sau khi đầu thai, hạ giới đủ 3 lần, Mẫu Liễu Hạnh được vua cha Ngọc Hoàng xóa tội cho phép ở lại Thiên cung. Tuy vậy, trong lòng bà vẫn canh cánh nỗi nhớ với nơi trần thế. Hiểu được nỗi lòng của con gái, Ngọc Hoàng cho phép bà hạ thế lần nữa để hóa phép giúp đời. Lần này bà xuất hiện dưới hình hài của một tiên nữ, đi cùng hai tiểu tiên khác, hiện xuống giữa ban ngày ở vùng Phố Cát, tỉnh Thanh Hóa. Ba nàng tiên liền lập chỗ trú ngụ và dùng nhiều loại phép tiên huyền ảo giúp đỡ người dân. Từ đó dân trong vùng biết tiếng đã xây một ngôi đền thờ cạnh núi, để thờ phượng và cảm tạ công ơn.
Tượng Mẫu Liễu Hạnh.
Đặc biệt, trong thời gian lưu lại tại Thanh Hóa này, Mẫu Liễu Hạnh còn xuất hành ngao du thêm nhiều nơi khác ở phía Bắc Việt Nam. Trong đó, có lần khi cưỡi mây tới Lạng Sơn bà đã gặp Phùng Khắc Khoan tại ngôi chùa Đồng Đăng Linh Tự (sau này trở thành Đền Mẫu Đồng Đăng). Sau đó, trong lúc giả dạng làm một cô hàng bán rượu ở Hồ Tây, Mẫu Liễu Hạnh đã tái ngộ Phùng Khắc Khoan. Cả 2 người cùng nhau ngâm thơ đối đáp rất thi vị hữu tình. Họ cùng vịnh bài thơ "Tây Hồ ngự quán" mà nay vẫn còn lưu truyền mãi.
Nhưng sau lần ấy, Phùng Khắc Khoan có tìm lại cô hàng rượu ngày nào nhưng không còn. Vì cảm phục trước tài năng của người được ông xem là tri âm, tri kỷ. Ông cho lập đền thờ ngay tại đây. Chính là Đền thờ tại phủ Tây Hồ còn tồn tại đến ngày nay.
Khu di tích Phủ Tây Hồ.
Theo nhiều người cho rằng, từ đó đến nay, dù cho vạn vật Việt Nam thay đổi theo thời gian và những biến cố thời cuộc. Mẫu Liễu Hạnh vẫn còn đâu đó giữa trần gian này và không ngừng hóa phép giúp đỡ người dân. Đó cũng là lý do vì sao, dù huyền sử nhưng cho đến giờ bà vẫn là một trong những vị thánh linh thiêng, được nhiều người sùng bái, kính cầu mỗi dịp lễ hội.
(Nguồn: Nam Hải Dị Nhân, Truyền thuyết và giai thoại, Quảng Cung Linh Từ phả ký)
tín ngưỡng dân tộc, triều đại phong kiến, Hội đồng Khoa học, vợ mang thai, đặt tên con, huyện Hà Trung, phủ tây hồ, dịp lễ hội