Tết của vợ chồng anh Tuấn xe rác hay anh Hiển xe trái cây là những ngày vợ chồng con cái cùng nhau làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Từ lúc giao thừa người người xem pháo bông cho đến khi thành phố yên bình vắng lạnh 3 ngày Tết, họ vẫn tất bật với công việc và tận hưởng những niềm vui giản đơn của mình.
Những ngày Sài Gòn tất bật đón xuân, nhà nhà nô nức vui tết thì vợ chồng anh Tuấn vẫn tối mắt tối mũi với công việc dọn dẹp vệ sinh của mình. Ngày Tết, lượng rác thải tăng nhiều gấp đôi ngày thường, chính vì thế mà công việc của anh chị cũng vất vả hơn, thế nhưng không vì vậy mà Tết của gia đình anh Tuấn giảm đi niềm vui. Những nụ cười vẫn luôn rạng rỡ trên môi vợ chồng trẻ, và hoa chưa lúc nào thôi rực rỡ trên chiếc xe ngập tràn mùa xuân của họ.
Gia đình nhỏ của anh nhân viên vệ sinh Nguyễn Minh Tuấn (30 tuổi).
Xuân đến từ lúc nào nhỉ? Với tôi, đó là lúc những sợi dây kim tuyến, cây thông noel và những bông tuyết trên chiếc xe rác thân thương của anh Tuấn được thay bằng những cành đào, nhành mai, bằng đôi câu liễn đỏ, và không thiếu một chú chó nhựa - linh vật của năm Mậu Tuất. Vài người đi đường dừng xe lại, đưa điện thoại chụp tấm hình làm kỷ niệm rồi mỉm cười thích thú, vợ chồng anh Tuấn cũng đáp lại bằng nụ cười hồn hậu rồi bon bon đi làm. Thế đó, xuân ở Sài Gòn bình dị thế thôi.
Ở cái thành phố này, con người ta dễ thương độc đáo lắm. Giống như cái cách mà anh nhân viên vệ sinh Nguyễn Minh Tuấn (30 tuổi) đem mùa xuân đến với thành phố này vậy. "Anh đi dọn rác rồi thấy cái gì đẹp đẹp, còn xài được thì anh đem gắn lên xe thôi. Bữa nào đi làm về mà còn khỏe thì ngồi trang trí xe, ngẫu hứng thích gắn ở đâu thì gắn hà, chứ đâu có ý tưởng gì đâu" - anh chàng cười hì hì. Ban đầu chỉ gắn vài nhành bông hai bên xe cho vui nhộn, rồi nhiều người đi ngang qua thấy thích thú, nên anh Tuấn gắn thêm nhiều hơn.
Anh Tuấn (Tây Ninh) là làm công việc dọn dẹp vệ sinh đã được 10 năm.
Anh Tuấn hồn nhiên nói: "Mình gắn lên cho người ta dòm mà, người ta thích thì mình vui". Làm cho vui vậy chứ anh chàng chịu khó lắm, mỗi một dịp là đổi một "concept", noel thì làm "concept" Giáng sinh, Tết thì đổi "concept" năm mới mới chịu, tâm huyết lắm chứ không hời hợt.
Chiếc xe được anh gắn dàn đèn led cầu kỳ và rực rỡ, nổi bật vào buổi tối.
Vợ anh Tuấn - chị Diễm (30 tuổi) ngồi trên chiếc xe rác hồ hởi nói: "Cũng có người nói xe rác mà màu mè quá! Ổng thích thì ổng làm chứ chị đâu cấm được. Nhưng 10 người thì chỉ có 1 người chê thôi, còn mấy người còn lại người ta khen đẹp". Cậu con trai của anh Tuấn ngồi trước xe lém lỉnh bảo: "Ba làm xe không đẹp". "Ủa sao không đẹp?" - chị Diễm thắc mắc. Thằng nhỏ đáp gọn trơn: "Ba phải gắn thêm nhiều bông nữa mới đẹp". Cả nhà cười vang cả con hẻm.
Chị Diễm hằng ngày theo chồng để làm việc.
Nhóc Khang (6 tuổi) được ba mẹ gọi với biệt danh là Hugo. Những ngày Tết, công việc nhiều, nên Hugo theo ba mẹ đi dọn rác từ sáng sớm đến tối mịt. Ấy thế mà thằng nhỏ chẳng bao giờ khóc nhè hay mè nheo đòi ba mẹ dẫn đi công viên chơi hay đi ăn gà rán. Mỗi lần anh Tuấn dừng xe lại để hai vợ chồng thu gom rác thì Hugo cũng nhanh nhẩu phụ ba đi thu gom rác ở mỗi nhà. Nó nhảy nhót cười nói ríu rít với bố mẹ khiến mọi mỏi mệt bỗng chốc cũng tan biến.
Tôi hỏi Hugo: "Mỗi ngày được đi chơi với ba mẹ như vầy có thích hông?". Thằng nhóc mặt nghiêm nghị trả lời: "Đi làm chứ đi chơi gì chời!".
Đêm 30 tết, trong khi nhà người ta quây quần bên mâm cỗ đón giao thừa thì vợ chồng con cái anh Tuấn vẫn tất bật với chiếc xe rác đến tận đêm khuya. Anh bảo tranh thủ làm kiếm thêm tiền. Chị Diễm từ ngày lấy anh Tuấn cũng bắt đầu quen với mùi rác, quen với những vất vả của công việc này nhưng chưa bao giờ chị than vãn. Tôi hỏi chị:
- Chị yêu anh ở điểm nào?
Chị cười hì hì:
- Ai biết đâu trời!
Anh Tuấn đang dọn rác thì ngưng tay, quay sang nói:
- Chị yêu anh vì anh đẹp trai mà lại chung tình.
Chị Diễm xua xua tay, cười gượng:
- Thôi đi cha nội, mắc ói à!
Thế rồi Hugo ngồi trước, anh Tuấn ngồi giữa, chị Diễm ngồi sau cả nhà chở xuân đi khắp Sài Gòn.
Xuân của Sài Gòn còn đáng yêu như chiếc xe trái cây của anh nông dân chịu chơi người Hưng Yên. 8 năm trước anh Hoàng Văn Hiển (40 tuổi) vào Sài Gòn để mưu sinh. Được người quen hướng dẫn anh lấy trái cây về bán dạo ở khu vực Gò Vấp. Thu nhập tuy không nhiều nhưng đủ để anh trang trải và nuôi sống gia đình.
Chiếc xe trái cây xanh mướt một màu của anh Hiển.
Công việc dẫu vất vả, nhưng anh chàng luôn tìm kiếm những niềm vui để quên đi nhọc nhằn. Hơn 1 năm trước anh Hiển bắt đầu mày mò trang trí chiếc xe hàng rong của mình để tạo điểm nhấn với khách hàng. Tranh thủ giờ nghỉ ngơi sau khi đi bán, anh Hiển mua cỏ xanh nhân tạo và hoa giả về phủ xanh chiếc xe trái cây, anh gắn thêm loa phát nhạc cho rộn ràng, và lắp cả wifi để "nâng tầm" công nghệ cho chiếc xe.
Anh tâm sự: "Mình bán bán trái cây thì làm chiếc xe màu xanh cho bắt mắt. Còn Wifi thì để lúc nào ngồi nghỉ thì có thể mở điện thoại xem giải trí, rồi ai có nhu cầu thì cũng có thể dùng miễn phí, mọi người cùng vui ý mà". Sự hào sảng đó anh Hiển bảo rằng anh học được từ Sài Gòn - mảnh đất đáng mến của những con người chân phương.
Mấy ngày cận tết anh Hiển gắn thêm mấy câu đối đỏ chúc tết lên xe, mang thêm không khí mùa xuân đến cho mọi người. Anh bảo tính gắn thêm mấy cành mai giả nhưng không kịp làm, vì năm nay gia đình anh về quê đón tết nên phải nghỉ bán sớm. 8 năm kể từ ngày vào Sài Gòn, gia đình nhỏ của anh Hiển chưa co điều kiện về quê đón tết, thế nên cái tết năm nay thật sự có ý nghĩa với họ.
Ngày Tết chiếc xe được trang trí thêm những câu đối đỏ đem không khí xuân đến cho thành phố.
Gia đình anh Tuấn, anh Hiển hay rất nhiều những người lao động khó khăn ở thành phố này - họ tuy không giàu có, dư giả để đón một cái tết đủ đầy như nhiều người, thế nhưng họ luôn biết cách làm cho cuộc sống của mình trở nên tươi đẹp hơn, đáng yêu hơn. Hạnh phúc đôi khi chẳng cần cầu kỳ, mà đơn giản chỉ là cách mà chúng ta tận hưởng cuộc sống của mình.
không khí Tết, mưu sinh