Đời sống

Đọc xong bài này, liệu bạn còn muốn ăn thức ăn trên máy bay nữa hay không?

Sự thật đằng sau những phần ăn này chắc chắn sẽ khiến bạn cân nhắc quyết định ăn chúng trên máy bay đấy.

Thức ăn chắc chắn là vị cứu tinh của tất cả chúng ta trên những chuyến bay dài nhưng thực tế chúng chẳng hề ngon lành gì nếu không muốn nói khó nuốt. Đầu bếp nổi tiếng Gordon Ramsay khẳng định ông không bao giờ gọi phần ăn trên máy bay và thay vào đó sẽ ăn đồ tự mang theo.

“Tôi từng làm việc cho các hãng hàng không trong hơn 10 năm, vì vậy tôi biết những đồ ăn này từ đâu ra, sẽ đi tới đâu và chúng đã ở bên ngoài bao lâu trước khi lên máy bay” – Ramsay chia sẻ.

Bất kể bạn ngồi khoang nào trên máy bay, thức ăn đều đến từ cùng một chỗ: nhà bếp công nghiệp gần sân bay, nơi thức ăn được nấu sẵn, sau đó được chuyển lên máy bay và đến tay hành khách sau khi hâm lại. Tại châu Âu, hầu hết những phần ăn của 260 hãng hàng không đều đến từ Gate Gourmet ở Thụy Sĩ và LSG Sky Chefs ở Đức.

Những nhà bếp công nghiệp này có thể làm ra 25.000 phần ăn một ngày và con số này đạt 170.000 ở nhà bếp lớn nhất thế giới tại Dubai. Đó là 58 triệu bánh mì cuộn, 4.300 tấn thịt gà và 3,6 tấn tôm hùm một năm. Peter Jones, Giáo sư đã về hưu của Đại học Surrey, cho biết 1 tỉ bữa ăn hàng không được tiêu thụ hàng năm trên khắp thế giới có giá trị lên đến 10 tỉ bảng Anh.

Phần ăn trên máy bay được dán nhãn đảm bảo tươi mới nhưng thực tế, nó đã được chuẩn bị từ rất lâu, thông thường là 12 đến 72 giờ trước. Thời gian bảo quản có thể dài hơn đến tận 5 ngày trong điều kiện nhiệt độ thấp theo tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm quốc tế.

Salad, món tráng miệng, bánh mì cuộn, dao kéo bằng nhựa và khăn ăn được đặt trên khay sẵn tại nhà bếp công nghiệp mặt đất. Các món ăn nóng nấu bằng chảo công nghiệp lớn và được dập vào các hộp nhựa có nắp đậy bằng giấy mỏng trước khi “ướp lạnh” khoảng 5 độ C trong vòng 90 phút. Sau đó, nhân viên sẽ xếp chồng chúng lên nhau, đưa vào hộp kim loại giữ nhiệt và vận chuyển lên máy bay.

Như đã nói, thức ăn của khách khoang hạng sang hay hạng thường đều xuất phát từ cùng một “lò”. Khác ở chỗ đầu bếp sẽ hướng dẫn nhân viên bày trí và sắp xếp món ăn trông hoành tráng hơn mà thôi.

Chỉ có duy nhất một cách để đảm bảo không ăn phải phần ăn thảm họa trên máy bay chính là chọn loại có sốt nhiều nhất hoặc đồ hầm, súp. Lý do chọn món hầm bởi vị thịt umami trong đó có thể bù đắp khuyết điểm của một khẩu phần ăn nhạt nhẽo trên máy bay.

Ngược lại, các chuyên gia khuyên chúng ta nên tránh xa các thể loại pasta, mì hay món ăn làm từ gạo vì khi hâm lại, chúng hầu như không thể giữ lại bất kì chất dinh dưỡng nào. Đồ chiên cũng nằm trong “danh sách đen” vì chúng sẽ trở nên ẩm ướt và mềm nhũng sau khi đun nóng lần thứ hai.

Đọc xong bài này, liệu bạn còn muốn ăn thức ăn trên máy bay nữa hay không? - Ảnh 1.

(Ảnh: Internet)

Điều kiện bên trong máy bay có thể ảnh hưởng đến các giác quan của con người và khiến chúng ta cảm thấy đồ ăn nhạt nhẽo hơn bình thường. Ở độ cao hơn 9 mét, độ ẩm chỉ dưới 12%, khô hơn hầu hết các sa mạc trên thế giới, sẽ khiến mũi khó có thể ngửi thấy thức ăn cũng như hương vị của nó Trong khi đó, áp suất không khí thấp dễ làm chúng ta thấy khó chịu.

Một nghiên cứu năm 2010 tại Viện Vật lý Vật liệu xây dựng Fraunhofer cho thấy nhận thức của chúng ta về muối giảm xuống đến 30%, trong khi ý thức về vị ngọt giảm 20% trên máy bay. Dù thức ăn có được nấu chín kĩ càng và thơm ngon dưới mặt đất thì chúng cũng sẽ trở nên vô cùng chán trên không. Thế nên, chúng ta có thể mang theo muối, tiêu hoặc sốt tobasco để cải thiện hương vị món ăn nếu không muốn dùng gia vị cay như ớt hay wasabi được đầu bếp cho sẵn.

Bên cạnh đó, vẫn có một số hãng hàng không cung cấp những phần ăn đạt chuẩn bằng cách hợp tác với các đầu bếp nổi tiếng để thiết kế thực đơn. Họ sẽ kiểm soát của các thành phần, quy trình chế biến và hướng dẫn cách trình bày của món ăn để đảm bảo chúng trông tuyệt nhất trước khi được phục vụ cho hành khách.

Khâu kiểm soát nghiêm ngặt các thành phần được đo lường kĩ càng đến một phần trăm gram có thể giúp hãng hàng không tiết kiệm được rất nhiều tiền. Trong thập niên 80, American Airlines đã tiết kiệm được 31.000 bảng một năm bằng cách loại bỏ ô liu khỏi mỗi phần salad của hành khách.

Sự cố ngộ độc thức ăn trên máy bay rất hiếm nhưng không có nghĩa là không xảy ra. Thông thường tiếp viên sẽ giữ lại mẫu thức ăn để kiểm tra nếu xảy ra khiếu nại. Nhân viên tổ lái sẽ được phục vụ những món ăn khác nhau để tránh nguy cơ bị ngộ độc đồng loạt.

Chúng ta thường xuyên sử dụng khay gấp được trang bị phía trước mặt để đặt thức ăn nhưng một sự thật phũ phàng là bề mặt những khay gấp ấy bẩn hơn rất nhiều so với chỗ ngồi đi vệ sinh. Các chuyên gia và một cựu nhân viên hàng không lên tiếng cảnh báo hành khách nên lau khay gấp thật kĩ trước khi sử dụng để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra trong quá trình bay.

(Nguồn: Dailymail)

aFamily

vệ sinh thực phẩm, ngộ độc thức ăn, máy bay, du lịch bằng máy bay


      © 2021 FAP
        4,011,558       1,240