Chỉ một câu hỏi ngắn thôi cũng khiến chị em bỗng giật mình suy nghĩ. Có vẻ như tư tưởng chung của các mẹ bỉm lẫn những nàng dâu tương lai đều cho rằng, gì chứ của hồi môn... đưa là mất, cất là còn. Hiếm chị em nào vui vẻ gửi vàng tiền cho mẹ chồng.
Cơn sốt "Sống chung với mẹ chồng" có vẻ đã hạ nhiệt, mọi người đã bớt bàn tán và cũng ngán với việc lôi hình tượng bà Phương với con dâu Vân ra để chỉ trích, so sánh mỗi ngày. Thế nhưng, sự thật thì những nỗi niềm quanh mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu thì vẫn tồn tại trong cuộc sống hàng ngày, không gì hot bằng.
Có thể là màu hồng, cũng có thể là... màu gì đó hơi tăm tối một chút, cứ lên mạng xã hội lướt lướt một hồi thế nào cũng thấy dăm ba status hoặc ảnh liên quan đến vấn đề trên, được chị em chia sẻ khắp các diễn đàn từ kín đến hở, từ chung đến riêng, cảm xúc còn hơn cả 50 sắc thái. Và một trong những vấn đề "nổi cộm" được phái đẹp quan tâm là nỗi băn khoăn quanh chuyện có nên đưa của hồi môn cho mẹ chồng giữ hộ không?
Xuất phát từ một diễn đàn lớn dành cho chị em, câu hỏi ngắn gọn nhưng "đầy nhức nhối" trên đã khiến các mẹ bỉm lẫn gái chưa chồng giật mình ngồi nghĩ. Đang là mùa cưới, có cả nghìn cô gái đang hồi hộp chờ đón lễ vu quy, nhắc đến câu hỏi trên, các nàng dâu tương lai bắt đầu lo lắng đi tham khảo ý kiến khắp nơi.
Của hồi môn là thứ quan trọng với tất cả chị em khi xuất giá theo chồng, nó không chỉ là một phần nghi lễ truyền thống mà còn là "vật phòng thân" cho cuộc sống tương lai. Cuộc tranh luận có nên đưa tiền hồi môn cho mẹ chồng không đã khiến 500 chị em bàn luận rôm rả, thậm chí... "khẩu chiến" vì mỗi người một ý..
Lưu Tuyết Nhung (1993, nhân viên văn phòng)
Sinh ra và lớn lên ở TP. Nam Định, hiện đang sống tại Hà Nội, Tuyết Nhung hiện vẫn chưa tính đến chuyện kết hôn. Thấy dân tình nổi sóng nổi gió vì "Sống chung với mẹ chồng", Tuyết Nhung chẳng dám xem vì... sợ ám ảnh, chẳng may lại tụt hết cả dũng khí lấy chồng. Gia đình Nhung có 2 chị em, cô là cả, bố mẹ cũng chưa giục giã "đuổi" khỏi nhà, nhưng cô cũng đã chuẩn bị tâm lý rất kỹ càng cho mọi tình huống có thể xảy ra, từ lúc cưới cho đến sau này.
Đang làm việc cho một công ty nước ngoài nên Nhung có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người, tư tưởng cũng khá thông thoáng, cởi mở. Cô gái 24 tuổi chia sẻ quan điểm: "Hồi môn là tiền bố mẹ mình dành dụm đưa cho mình về nhà chồng để phòng thân, có khi vất vả mấy chục năm trời mới có được, sao lại phải đưa cho mẹ chồng? Phương án A là mình tự giữ, B là gửi lại mẹ đẻ, không có phương án C.
Các cô nàng chưa kết hôn đều đồng tình với quan điểm của Nhung.
Đó là quyết định cá nhân, không liên quan đến chuyện con dâu có hiếu với mẹ chồng hay không. Bởi dù sao quãng thời gian sau này sống ở nhà chồng còn nhiều hơn cả với bố mẹ đẻ, còn nhiều thứ phải lo, tiền bạc hay gì thì mình sẽ xoay sở sau. Tiền làm đám cưới thì mình luôn nghĩ là nhà ai lo nhà nấy, cái gì chung mới cần bàn bạc chung".
Hỏi Nhung rằng, nếu gặp phải mẹ chồng khó tính, đòi cầm hộ của hồi môn giúp con dâu thì sao, cô chỉ cười: "Ôi, mình đã trưởng thành rồi, lấy chồng thì cũng cần lo cho cuộc sống riêng chứ. Mình sẽ nói khéo, không thẳng toẹt ra nhưng vừa đủ để mẹ chồng hiểu rằng mình không thích bị đòi hỏi như thế. Còn chẳng may gặp mẹ chồng vặn vẹo thì... từ từ mình tính đã (cười)".
Lương Thùy Trang (20 tuổi, sinh viên)
Trang có một chị gái đã lập gia đình nên cũng có ít nhiều kinh nghiệm ứng phó mấy chuyện mẹ chồng nàng dâu. Trang có bạn trai lâu năm hơn cô 6 tuổi, cũng nghiêm túc tính chuyện lâu dài, song hiện tại, cặp đôi vẫn tung tăng hưởng thụ cuộc sống mà chưa phải lo nghĩ đến chuyện "vào rọ".
Tốt nghiệp xong Trang cũng tính đến chuyện kết hôn.
Chia sẻ về chuyện nếu cưới thì có gửi mẹ chồng giữ hộ của hồi môn không, cô gái Quảng Ninh không ngần ngại nói thẳng: "Tất nhiên là không đưa rồi, phải giữ làm vốn riêng của 2 vợ chồng chứ, hoặc mang về nhờ mẹ đẻ giữ hộ cho chắc, lúc nào cần dùng thì xin lại dễ hơn.
Quan điểm của cá nhân mình, hồi môn được bố mẹ cho riêng, làm gì với nó là quyền của người phụ nữ, miễn không lãng phí. Tính mình vô tư, người yêu cũng thế, 2 đứa lại chung sở thích du lịch nên có khi chẳng để dành được của hồi môn cơ, vì bọn mình đã "ủ mưu" là bán hết tài sản đi hưởng tuần trăng mật vòng quanh châu Âu rồi".
Cách "xử lý" của hồi môn có phần mới lạ của cô nàng thích phong cách sống tự do.
Cũng là một cách nghĩ khá hay và hiện đại. Chắc nhiều cô gái trẻ cũng chung quan điểm tận hưởng cuộc sống hết mình như Thùy Trang, chẳng cần phải gửi gắm cái gì cho đau đầu!
Nguyễn Phương Thúy (29 tuổi, Hà Nội)
Vừa kỉ niệm ngày cưới hơn 1 năm với ông xã người Hàn, tuy nhiên, nhắc đến của hồi môn, bà mẹ 1 con bỗng ngơ ngác: "Nói thật là mình cũng không biết là hồi cưới được ai cho gì tặng gì, vì... mẹ đẻ cầm hết. Mình cũng chưa bao giờ hỏi mẹ cả, vì lúc ấy mẹ đứng ra tổ chức, lo liệu mọi thứ cho đám cưới, nên tiền mừng mình cũng để mẹ giữ hết. Hai vợ chồng mình hiện tại sống rất tốt, căn nhà riêng sắp hoàn thiện, công việc cũng suôn sẻ. Mình thì không phải sống chung với bố mẹ chồng, ông xã định cư ở Việt Nam luôn, bố mẹ chồng rất tốt, hiền, toàn gửi đồ từ bên Hàn về cho con cháu nên mình chẳng băn khoăn gì nhiều".
Kể ra thì cũng hơi lạ, nhưng chẳng sao cả, là phụ nữ, cứ hạnh phúc là tuyệt nhất rồi!
Đấy, thế mới nói cả triệu nàng dâu mơ ước như chị Thúy mà không được. Với nhiều người, có thể khoản hồi môn quan trọng, coi như ít vốn lận lưng đầu đời, nhưng chị thì được chồng yêu chiều hết mực, bố mẹ chồng thì tâm lý, nên đó là tài sản quý giá nhất với chị rồi.
Nguyễn Hoàng Lan (25 tuổi, Hà Nội)
Hoàng Lan nhớ, năm ngoái mình vẫn còn độc thân, không nghĩ rằng giờ này năm nay lại "bonus" thêm một em bé sắp sửa chào đời. Là con út trong gia đình có 4 anh chị em, nên đám cưới của Lan đủ đầy nhất và được tặng khá nhiều hồi môn.
"Tổng tất cả mình được bố mẹ, anh chị, cô dì tặng 2 cây vàng, mỗi người 1 chỉ, còn bảo sau này sẽ cho thêm. Mọi người tò mò mình làm gì với số hồi môn ấy, ai cũng ngạc nhiên khi biết mình đưa mẹ chồng hết. Đơn giản vì mẹ chồng mình hiền với tâm lý lắm, coi mình như con gái, không chỉ mẹ mà mọi người bên nhà chồng đều dễ chịu thoải mái. Mà lúc chuẩn bị cưới, chồng mình đã tiết kiệm một khoản lớn rồi, nên tất cả chi phí là anh ấy bỏ ra hết. Quan điểm của vợ chồng mình là đám cưới của mình, nên mình tự lo, bố mẹ chỉ phụ thôi.
Hiếm hoi lắm mới có nàng dâu nào suy nghĩ giống thế này.
Dù sao thì mình cũng chưa có việc gì cần dùng đến vốn, gửi mẹ chồng thấy yên tâm nhất. Chỉ có mẹ chồng nào quái tính thì mới đè con dâu ra hỏi vàng tiền hồi môn chứ mẹ mình thì không. Tính toán làm gì cho mệt".
Trước khi kết hôn, Lan cũng như bao cô gái khác, sợ viễn cảnh sống chung với nhà chồng, rồi tưởng tượng ra đủ thứ mâu thuẫn, éo le. Mà nhà chồng bây giờ còn có cả bà ngoại và em chồng ở cùng một nhà, gần chục con người hàng ngày ra vào chạm mặt nhau. Thế nhưng, may mắn là từ khi dọn về nhà chồng đến giờ, mọi thứ đều êm xuôi.
Đâu phải mẹ chồng nào cũng "quái tính", săm soi và bắt nạt con dâu!
Có lẽ nhiều cô gái đang chuẩn bị lập gia đình cũng ít nhiều băn khoăn về các khoản chi phí đám cưới, rồi chuyện ứng xử sau kết hôn, tính toán tiền mừng, tiền nợ, hồi môn... đủ kiểu. Làm thế nào thì tùy hoàn cảnh mỗi người, đôi khi những cái nhỏ nhặt lại hóa ra quan trọng, cái tưởng chừng ghê gớm lại xử lý rất dễ dàng. Khéo một tí, thì cơm lành canh ngọt cả thôi chị em ạ.
của hồi môn, mẹ chồng nàng dâu, có nên đưa của hồi môn cho mẹ chồng giữ