"Bát với thìa sáng mang cơm cho em ăn xong trưa đổ ra, đơm cơm khác vào mang cho e. Bát thìa vẫn lem luốc" - nàng dâu ấm ức kể về bữa cơm ở cữ của mình do mẹ chồng chăm.
Nhiều ngày nay, chị em phát sốt với tất cả mọi thứ liên quan đến "Sống chung với mẹ chồng". Từ bàn luận nội dung phim, chế ảnh theo trào lưu, rồi than thở những chuyện ngoài đời giống y như phim, mà ai đang chịu cảnh làm dâu cũng gặp phải ít nhất 1 lần.
Đã từng có nhiều cô gái trẻ bật khóc vì "rơi" vào tay mẹ chồng ghê gớm, phải chịu đựng những cảnh oan ức éo le, khó xử trong sinh hoạt hàng ngày. Đơn cử như chuyện bữa cơm ở cữ, với các bà mẹ trẻ có biết bao nhiêu thứ để tâm sự. Người may mắn thì khoe được chồng/ mẹ chồng chuẩn bị cho cơm cữ chu đáo, nhưng cũng không ít cô gái ngậm đắng nuốt cay vì chuyện "cơm bà đẻ" như trường hợp dưới đây.
Mâm cơm cữ chan nước mắt của một bà mẹ trẻ khiến chị em tranh cãi.
"Mâm cơm ở cữ của em đấy ạ. Nói luôn là gia đình chồng em thuộc diện khá giả của xóm, thế mà mẹ chồng nấu cơm cho con dâu đây. Hay tại em nấu ăn cẩn thận quen rồi nên thấy không ưng bụng? Nhưng nói thật bà nấu em không nuốt nổi các mẹ à. Mỗi bữa được 3 miếng cơm".
Nhìn mâm cơm chỉ có lèo tèo mấy miếng thịt mỡ, canh rau ngót nấu suông, rất nhiều chị em đã bênh vực, thương cảm cho bà mẹ trẻ. "Thịt rang gì toàn mỡ thế kia cũng khó nuốt", "Đồng cảm với bạn, lúc mình ở cữ mẹ chồng cho ăn chẳng khác gì cơm mèo, lắm lúc đói lả đi mà đến bữa không muốn động vào mấy cọng rau lưa thưa", "Nhìn mâm cơm mà phát khóc, người ta sinh xong được ăn canh móng giò, đồ bổ các thứ, mình sinh 2 đứa cũng chẳng lần nào được bữa tử tế"... Đúng là mỗi nhà mỗi cảnh...
Bữa cơm vỏn vẹn 2 quả trứng luộc của một mẹ bỉm "nhìn là ngán", còn khổ hơn mâm cơm canh ở trên.
Tuy nhiên, lại có người bật cười vì thấy quá bình thường, chẳng có gì phải phàn nàn cả. Một người góp ý với nàng dâu trẻ rằng: "Cơm ở cữ đơn giản lắm em ơi, tốt nhất với bà đẻ là canh rau ngót thịt nạc với thịt rang nghệ. Hình như mẹ chồng em nấu cẩn thận đúng món rồi, hay là em muốn ăn sơn hào hải vị để rồi xổ dáng bụng rạn không lành lại được?".
Vô số chị em khác từng qua cảnh ở cữ cũng đồng tình rằng, nàng dâu này nhạy cảm quá, ăn ngon quen rồi nên sinh con xong ăn đạm bạc không chịu nổi. "Ngày xưa còn chẳng có thịt mà ăn ý, cũng đủ món canh với mặn rồi còn đòi hỏi gì nữa. Ăn nhiều chưa chắc đã bổ với có sữa cho con đâu".
Nàng dâu khác cũng ngậm ngùi chia sẻ cơm cữ sầu thảm của mình. Cô kể, mình thèm bát phở, gói xôi nhưng mẹ chồng không cho chồng cô mua.
Không chỉ dừng lại ở việc than thở mâm cơm nghèo nàn toàn mỡ với rau không, nàng dâu trẻ còn ấm ức nghẹn họng vì mẹ chồng... không bao giờ rửa bát sau khi cô ăn xong. Đó mới là đỉnh điểm khiến cô tủi thân phát khóc.
"Mà bà cho con dâu ăn hay cho cún ăn nữa không biết. Bát với thìa sáng mang cơm cho em ăn xong trưa đổ ra, đơm cơm khác vào mang cho e. Bát thìa vẫn lem luốc. Tối lại vẫn thế. Cứ đổ cơm cũ ra rồi đơm cơm mới vào luôn. Bình thường chỉ có bát của cún ăn thì mới để vài ngày rửa một lần thôi chị em à...
Đấy là chỉ nói chuyện ăn uống thôi. Chưa kể cháu cả ngày bà không trông hộ tí nào (bà vẫn có thời gian ngồi tán gẫu, ngủ trưa tới 2 - 3h với trông con hộ hàng xóm). Từ lúc đẻ tới giờ chỉ có hai mẹ con ôm ẵm, bế bồng nhau. Tối đến may có bà ngoại vào ngủ cũng không thì em cũng đến gục mất thôi".
Chuyện mâm cơm đem lên "tố" mẹ chồng thì cũng có phần hơi quá, chưa đến mức đối xử tệ vì còn có mấy miếng thịt để ăn. Song, đến hồi sau thì hội chị em lại có thái độ khác hẳn, tỏ ra thương cảm với bà mẹ trẻ tội nghiệp. Bát cơm lem luốc thì ai mà nuốt cho nổi, 1-2 lần thì còn thông cảm, nghĩ rằng mẹ chồng lớn tuổi nên quên thôi, nhưng ngày này qua ngày khác thì phải xem xét lại thật. Vài người hỏi cô ấy rằng chồng đâu, sao không thấy kể? Có phải chồng cũng vô tâm hay không? Tuy nhiên, không ai nhận được câu trả lời.
Một vài người ái ngại chia sẻ mâm cơm cữ của mình, ít ra cũng phải thế này mới đủ chất.
Hàng trăm ý kiến đưa ra từ hội mẹ bỉm giàu kinh nghiệm, khuyên rằng nàng dâu nên tâm sự với chồng, hoặc nói chuyện thẳng thắn với mẹ chồng để hiểu nhau hơn. Dù có thể tranh cãi đôi ba câu, nhưng người cùng một nhà thì kiểu gì cũng suy nghĩ cho nhau ít nhiều, biết đâu kết quả lại tốt hơn. Nếu cứ giữ mãi trong lòng, đem lên mạng xã hội để "nói xấu" mẹ chồng thì cũng không hay ho gì, mà lại chẳng giải quyết được vấn đề. Nếu không chịu chia sẻ, phụ nữ sau sinh rất dễ mắc bệnh trầm cảm, nảy sinh tâm lý tiêu cực. Đấy, đơn giản có mỗi mâm cơm 2 món thôi cũng khiến cô ấy tủi thân uất ức, nếu mẹ chồng lỡ mắng vài câu thì không biết thế nào?
Giai đoạn hậu sinh, phụ nữ thường hay nhạy cảm, suy nghĩ tiêu cực.
Thế nên, một bữa cơm đủ đầy ngon mắt cũng rất quan trọng.
Biết rằng nhiều cô gái cũng từng chịu cảnh đi làm dâu nhiều thiệt thòi, trào nước mắt vì mâm cơm cữ, nhưng cũng có lúc nọ lúc kia. Mẹ chồng và con dâu luôn là 2 thế hệ cách nhau, khác biệt cả suy nghĩ, lối sống và quan điểm sống, nhưng chuyện bát cơm con cá là nhỏ nhặt, không nên vì thế mà bức xúc lên mạng than thở, để rồi sứt mẻ trong nhà. Sống chung với mẹ chồng chưa bao giờ là bài toán đơn giản, nhưng mỗi người cố gắng nhường nhịn một chút, chia sẻ thẳng thắn mọi điều để hiểu nhau hơn, thì cuộc sống mỗi ngày sẽ thoải mái hơn.
cơm ở cữ, mẹ chồng nàng dâu, Sống chung với mẹ chồng, tâm sự nàng dâu