Hơn nửa tháng gánh chịu nỗi đau trên giường bệnh, Trâm được bạn trai tận tình chăm sóc, xin cơm từ thiện cho ăn. Đó như động lực to lớn để cô có đủ sức mạnh mà chiến đấu đến ngày cánh tay được nối lại thần kỳ.
Mới đi làm 1 tuần, bị đứt lìa 1 tay
Gặp Đỗ Thị Ngọc Trâm tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh, nhìn vào khuôn mặt tươi tắn, rạng ngời của mới biết cô vui mừng đến dường nào. Không hạnh phúc sao được, khi mà mới ít ngày trước đó, cô vừa phải trải qua một tai nạn kinh hoàng.
Nụ cười rạng rỡ của Trâm, 2 tuần sau tai nạn.
Hôm 22/3, Trâm đang làm việc ở một nhà máy giấy tại Long Thành (Đồng Nai), nơi cô mới vừa xin vào được 1 tuần. Công việc chính của cô là bưng bê giấy và tiến hành cắt giấy. Mới vào làm chưa lâu, chưa thạo việc nên trong một phút sơ ý, chân cô vấp vào nút khởi động dao cắt, trong khi cánh tay vẫn nằm trên bàn cắt. Hậu quả một bên tay cô gái trẻ bị máy cắt chém lìa trong tức khắc.
TS.BS Mai Trọng Tường chia sẻ về tình trạng của nữ bệnh nhân khi nhập viện.
Trâm được đưa đến BV Đa khoa khu vực Long Thành trước khi chuyển đến BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM vì tình trạng quá nặng. Tại đây sau khi xem xét vết thương và tiến hành chụp X-quang, các BS xác định cẳng tay trái của cô gái đã bị đứt lìa, vị trí gần khuỷu tay, xương vỡ ra nhiều mảnh nhỏ. Máy cắt đã cắt cánh tay của cô gái đến hai lần, khiến phần rời ra bị đứt làm hai. Nghiêm trọng hơn khi nạn nhân bị đưa đến trễ hơn 2 tiếng so với "thời gian vàng" để cứu những nạn nhân bị tai nạn đứt lìa chi.
Phần cẳng tay của Trâm bị máy cắt giấy chém đứt lìa.
Sau ca phẫu thuật 3 tiếng, cánh tay Trâm được nối lại.
Để cứu bệnh nhân, ngay lập tức, các bác sĩ cắt bỏ phần xương và cơ bị dập nát, cắt ngắn một đoạn xương khoảng 3cm, đồng thời nối động mạch cánh tay vào động mạch trụ. Ca phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi một phần động mạch của bệnh nhân bị mất đoạn. Sau 3 tiếng ròng rã, ekip phẫu thuật đã nối thành công cánh tay. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn còn rất ngổn ngang, bởi khả năng bệnh nhân bị nhiễm trùng và hoại tử cơ vẫn còn.
"Em ơi ráng lên, ráng lên…"
Mãi đến hai tuần sau, khi bệnh nhân đã được điều trị và theo dõi kỹ lưỡng, các bác sĩ mới thực sự thở phào nhẹ nhõm khi nguy cơ trên không còn. Mới đây, TS.BS Mai Trọng Tường, Trưởng Khoa Vi phẫu tạo hình Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết, sau hai tuần kiên trì điều trị, cánh tay của bệnh nhân Đỗ Thị Ngọc Trâm đã được nối lại thành công, không còn khả năng nhiễm trùng và hoại tử cơ, sẽ sớm hồi phục trong thời gian sắp tới. Kết quả này không thể tuyệt vời hơn khi so sánh với tình trạng nghiêm trọng lúc mới nhập viện.
Sau hai tuần, cánh tay Trâm đã không còn nguy cơ hoại tử, nhiễm trùng.
Giơ canh tay vẫn còn băng lên cao một cách dễ dàng, cô gái 21 tuổi nói: "Mấy ngày đầu, em suy sụp lắm. Thậm chí đã từng muốn bỏ cuộc, bởi thấy vết thương quá nặng không biết khi nào hồi phục, mà mình lại nghèo. Nhưng lúc đó, anh ấy cứ liên tục ngồi cạnh bên nói là em ráng lên, ráng lên, không được từ bỏ. Tới đâu hay tới đó, chẳng lẽ bác sĩ nối tay cho mình rồi lại tháo ra vì mình không có tiền trả viện phí…".
Anh ấy ở đây chính là Mai Phi Long (23 tuổi, quê Ninh Thuận), bạn trai Trâm. Cô cho biết, vì ở quê không có việc làm, nên gần tháng trước, cả hai từ Ninh Thuận vào Đồng Nai, định bụng lập nghiệp, kiếm thật nhiều tiền để cuối năm làm đám cưới. Vậy mà mới 1 tuần đi làm, tai hoạ lại đổ ập xuống đầu cô gái.
Trâm đã cử động thuần thục phần tay được nối.
"Anh Long làm chung công ty với em, nên lúc bị nạn ở ngay gần bên. Lúc đó, anh ấy vừa dìu em ra xe máy, vừa giữ phần tay bị đứt lại cho em" – Trâm kể lại, vẫn còn rùng mình nhớ lại tai nạn..
Những ngày trong viện, vì gia đình ở xa, lại nghèo, nên một mình Long túc trực chăm sóc cho Trâm. Mới ở quê lên, việc làm chưa tròn tháng, cũng như người yêu, Long không có đồng bạc nào trong người. Xót xa vợ chưa cưới gặp nạn, anh chạy đôn chạy đáo, nhờ sự giúp đỡ của họ hàng lẫn đi mượn bên ngoài 20 triệu đồng để đóng tiền viện phí cho Trâm.
Lúc chúng tôi đến gặp Trâm, bạn trai cô không có mặt. Trâm bảo, anh đã chạy ra ngoài xin cơm từ thiện về để hai đứa cùng ăn. Sống cảnh xa nhà, tiền không có, công việc vừa làm chưa lâu đã phải dừng, Trâm xúc động nói, nếu không có Long, chẳng biết giờ cô sẽ ra sao, có sống nổi qua cú sốc vừa rồi hay không.
Tình yêu với bạn trai sắp cưới là động lực để Trâm có thể vượt qua những tháng ngày khó khăn.
Khi tôi hỏi khoản viện phí, Trâm khựng lại một chút rồi trầm giọng bảo rằng, chưa biết tính sao, bởi cô và bạn trai đã nghỉ việc tại nhà máy giấy kia. Số tiền Long đi vay để chi trả cho những ngày Trâm nằm bệnh cũng sắp cạn, chắc khi khỏe lại, hai người sẽ tìm cách xoay sở trả dần. Điều đó cũng đồng nghĩa, dự định cuối năm đám cưới của hai người cũng trở nên rất xa vời.
Với cô gái 21 tuổi này, có một sự thật là cô đang rơi vào tình trạng túng quẫn, khó khăn về tiền bạc, sức khoẻ cũng có lẽ còn lâu mới có thể hồi phục như trước đây. Duy chỉ có tình yêu là thứ mà cô đang rất dồi dào. Có lẽ, đó cũng là sức mạnh để cánh tay Trâm tưởng đã vĩnh viễn rời xa chủ nhân lại hồi sinh một cách thần kỳ.
cánh tay, chém, máy cắt giấy, nối liền