Đời sống

Gia đình vé số Sài Gòn: Ba mẹ ăn chuối luộc thay cơm, hai con gái không biết đến thịt cá

6 tuổi nhưng Phướn nhỏ con như trẻ lên 4. Em gái Đa Đa bị suy dinh dưỡng nhưng không có tiền đi khám. Hai bé gái chẳng biết ăn thịt cá vì quen với vị rau và cơm chan nước mắm. Với chúng, cơm và mì tôm là hai món ngon nhất trần đời.

Gia đình vé số ở Sài Gòn: Hai cô bé không được đi học và nước mắt người mẹ bệnh tật. Thực hiện: Kingpro

Chào con, con tên là gì?

- Con tên Phướn. Mẹ con đặt cho con cái tên hay đó mà người ta khó hiểu, nhưng chỉ cần nói lại là người ta nghe! Em gái con tên Đa Đa. Mẹ cũng thích cái tên đó.

Đó là tên ở nhà hay khi đi học? Tên đi học của con là gì?

- Tên đi học... đi học... con không có tên!

Con phụ ba bán vé số trên vỉa hè như thế này có mệt lắm không?

- Dạ không, vì ba con đã trải áo mưa cho con ngồi nên con hổng có mệt. Nếu nắng quá thì sẽ lấy cây dù ra che. Cây dù đó người ta bỏ đi ba con lượm về.

Con muốn đến trường với các bạn hay ở đây phụ ba bán vé số?

- Con muốn ngồi đây bán vé số với ba, chừng nào ba cho con đi học thì con mới đi. Nhưng chừng nào con lớn, con mới biết học, bây giờ con hổng có biết học nhưng em con nó biết học rồi. Nó biết chữ "A", chữ "Xì-ên" (S), chữ "Xì-thường" (X). Mẹ chấm một bàn cho nó viết. Nó tự động biết viết hết luôn. Nhưng mà con không biết viết. Con mong con biết viết giống mẹ nhưng con không làm được. Con buồn lắm!

Gia đình vé số Sài Gòn: Ba mẹ ăn chuối luộc thay cơm, hai con gái không biết đến thịt cá - Ảnh 2.

Đây là Phướn, nhân vật chính trong đoạn hội thoại.

Đó là cuộc đối thoại của tôi và Phướn - cô bé 6 tuổi hoạt ngôn chưa một ngày đến trường. Phướn theo ông Huỳnh Văn Châu (sinh năm 1954, quê Bình Dương), ba em, bán vé số trên vỉa hè đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3, TP.HCM) từ sáng sớm đến trưa muộn.

Ông Châu bị khớp lâu năm, đi lại rất khó khăn nên hay ngồi bất động một chỗ. Cô con gái nhỏ lanh lợi là người hỗ trợ đắc lực cho ông. Phướn đón lấy những tập vé số từ tay ba và nhanh nhảu đưa cho khách hàng. Em nở nụ cười toe toét khoe nguyên hàm răng sún khi có ai đó tốt bụng kẹp thêm 2.000 đồng tiền lẻ cho thêm vào tiền mua vé số.

Gia đình vé số Sài Gòn: Ba mẹ ăn chuối luộc thay cơm, hai con gái không biết đến thịt cá - Ảnh 3.

Phướn điệu đà. Mỗi ngày "đi làm" cùng ba em tự chọn quần áo, chải tóc gọn gàng.

Phướn không giống những đứa trẻ đi bán vé số khác. Em mặc váy xinh xắn. Đầu tóc cột gọn gàng, "đi làm" còn tranh thủ mang theo 3 con búp bê vải để chơi. Búp bê mà Phướn thích nhất có mái tóc vàng xơ rối thắt bím hai bên. Những lúc vắng khách, cô bé chạy tung tăng trên vỉa hè, lúc thì em líu lo bắt chuyện với chú xe ôm, khi lại vòng tay cảm ơn cô hàng nước lúc được cô cho ổ bánh mì không ăn sáng.

Gia đình vé số Sài Gòn: Ba mẹ ăn chuối luộc thay cơm, hai con gái không biết đến thịt cá - Ảnh 4.

Khi trời gần trưa mà thấy tập vé số vẫn còn dày, Phướn tự động lấy dù ra che nắng cho ba.

Phía sau sự nhẫn nại của ông Châu ngày ngày ngồi phơi mình dưới nắng, khói, bụi đường để bán từng tờ vé số; sự hồn nhiên ngây thơ của Phướn khi ôm búp bê theo ba "đi làm" mỗi ngày, là câu chuyện đời đầy bất hạnh.

Ngày ăn 2 bữa cơm trắng: Con không thấy đói!

7 giờ sáng, tấm biển đề "Bị bệnh. Các cô chú mua vé số giúp đỡ" được ông Châu dựng bên vỉa hè, sát lòng đường. Nội dung in trên tấm biển đặt hòm vé số khiến nhiều người đi đường tò mò. Có người rồ ga vọt qua còn ngoái đầu nhìn lại hai đứa trẻ say sưa chơi búp bê sau lưng người cha già đang ngồi bất động trên vỉa hè.

Đó là những ngày mẹ của Phướn và Đa Đa nhập viện phẫu thuật. Không an tâm khi để hai con gái nhỏ ở nhà một mình, ông đành mang chúng ra vỉa hè cùng mình mưu sinh.

Gia đình vé số Sài Gòn: Ba mẹ ăn chuối luộc thay cơm, hai con gái không biết đến thịt cá - Ảnh 5.

Phướn thích em búp bê này nhất nên đi đâu cô bé cũng mang nó theo.

Ông Châu tâm sự: "Cuộc sống của chú bế tắc. Vợ chú vừa xuất viện Bình Dân được 4 ngày. Cô mắc nhiều bệnh lắm. Đợt rồi mới phẫu thuật sa bàng quang và đặt tấm lưới hết hơn 13 triệu đồng. Số tiền đó, chú nhờ người ta đi vay nóng. May sao có các nhà hảo tâm giúp đỡ, chú trả được số tiền đó mà mừng còn hơn trúng số con ơi".

"Có người lại chỗ chú ở hỏi: Sao anh không nấu cơm ăn đi trưa rồi? Chú trả lời: Thôi, tui cũng mới ăn hồi nãy nên chưa thấy đói, nhưng thật sự, gạo đâu mà nấu, chú nhịn đói mấy ngày trời rồi", người đàn ông bán vé số mái đầu lấm tấm bạc ứa nước mắt nhớ lại.

Cách đây chưa lâu, vì vợ liên tục đổ bệnh, ông Châu lâm vào cảnh khó khăn hơn. "Nuôi ăn thì được chứ nuôi bệnh thì ai dám...", nghĩ như vậy, ông Châu không mở miệng vay tiền ai, ông và vợ đành luộc chuối ăn cả tuần.

Hai đứa bé Phướn và Đa Đa cũng quen với cảnh nhịn đói. Một ngày, các em ăn 2 bữa. Mỗi sáng, ông Châu mua tô hủ tiếu không 5.000 đồng cho con. Hai cha con nhịn đói qua bữa trưa, chiều về mới lót dạ bằng một bữa ăn đầy rau.

"Con không thấy đói!", Phướn nói leo khi nghe thấy ba nhắc đến tên mình, ông Châu tiếp lời đầy cay đắng: "Còn có bao nhiêu tiền đâu, phải để dành đổ xăng. Mỗi buổi đi chợ chú mua 2.000 rau người ra trộn lộn xộn để về nấu cho tụi nó. Có khi chú bóp gói mì ra để nấu canh rồi chan cho nó. Nó ăn riết rồi quen. Hai đứa con chú bây giờ có đưa thịt cá nó không biết ăn đâu...".

Gia đình vé số Sài Gòn: Ba mẹ ăn chuối luộc thay cơm, hai con gái không biết đến thịt cá - Ảnh 6.

Hai cha con thu dọn đồ trở về nhà trọ sau một buổi sáng bán vé số vất vả.

6 tuổi nhưng Phướn nhỏ con như trẻ lên 4. Em gái Đa Đa bị suy dinh dưỡng nhưng không có tiền đi khám. Hai bé gái chẳng biết ăn thịt cá vì quen với vị rau và cơm chan nước mắm. Với chúng, cơm và mì tôm là hai món ngon nhất trần đời.

Trưa nay, may sao có ông bạn hàng vé số của ba Phướn ghé lại cho 2 quả trứng gà luộc và 1 hộp dăm bông gà nên em có cái ăn. Cô bé hau háu nhìn quả trứng đang bóc trên tay như muốn nuốt chửng nó, trong khi trước đó, em lắc đầu nguầy nguậy khi chúng tôi đưa cho hộp bánh mì thịt nguội. Có lẽ, Phướn không quen ăn thịt, em thích trứng gà hơn.

Trong lúc chờ ba bán xong vé số để được về nhà với mẹ, Phướn kể đủ thứ chuyện: "Em con thường hay đánh lộn với con. Đánh nhiều lắm. Nhưng mà em nó giúp đỡ mẹ cũng nhiều. Ngày nào nó cũng ở bên mẹ để quét nhà, lau nhà, đi đổ bô, dẫn mẹ vô nhà tắm... Nó có thể làm tất cả mọi thứ nhưng con chưa làm được tại vì con chưa biết làm".

Gia đình vé số Sài Gòn: Ba mẹ ăn chuối luộc thay cơm, hai con gái không biết đến thịt cá - Ảnh 7.

Phướn cười toe toét khi được chụp ảnh. Em khoe: "Xe này là ba được một cô Việt kiều tặng cho để đi bán vé số đó!".

"Con ước mơ làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ"

Cô Phạm Thị Hồng Sang (sinh năm 1972, quê Đồng Nai) gặp ông Châu giữa Sài Gòn khi cả hai đã nếm đủ cay đắng trong đường tình. Cô Sang chênh vênh vì nỗi đau mất chồng, ông Châu tìm cách tự vẫn vì hận tình người vợ bạc bẽo. Họ đến với nhau giữa lúc lòng mình ngổn ngang nhất và cùng nhau vượt qua ngăn cấm của gia đình để nên duyên vợ chồng.

Nghề bán vé số dạo giúp cô Sang và ông Châu trụ lại giữa mảnh đất nhộn nhịp nhưng cái gì cũng đắt đỏ này.

Gia đình vé số Sài Gòn: Ba mẹ ăn chuối luộc thay cơm, hai con gái không biết đến thịt cá - Ảnh 8.

Đa Đa, em gái Phướn, bận bịu với công việc chăm mẹ vừa mổ ghép lưới nâng đỡ bàng quang.

7 năm chung sống cùng nhau, cô Sang và chồng không có gì ràng buộc ngoài nghĩa tình. Hai đứa trẻ Phướn và Đa Đa ra đời năm 2011, 2012 đều mang họ mẹ.

"Tên của chúng nó được tôi đặt theo tên hai loài chim với mong muốn sau này các con được bay nhảy khắp muôn nơi, chứ không khổ như ba mẹ nó", cô Sang giải thích lý do đặt tên con là Phạm Thị Hồng Ngọc Phướn và Phạm Thị Hồng Ngọc Đa Đa.

Nằm bất động trong căn phòng trọ chỉ vỏn vẹn 10 mét vuông, nhìn đứa con gái út đang say ngủ sau một buổi sáng tất bật đỡ đần mẹ làm việc nhà, cô Sang trào nước mắt.

Người phụ nữ có vóc dáng bé nhỏ bị bệnh tật giày vò từ thuở mới lớn đến khi lấy chồng, sinh con. Biến chứng của bệnh viêm đa xoang hàm sàng gây ảnh hưởng đến đôi mắt phải bị đục thủy tinh thể khiến cô Sang phải hút bỏ một bên mắt cách đây vài tháng.

Gia đình vé số Sài Gòn: Ba mẹ ăn chuối luộc thay cơm, hai con gái không biết đến thịt cá - Ảnh 9.

Từ gấu bông đến quần áo đang mặc, Phướn và Đa Đa đều nhận được từ những nhà hảo tâm. Hai cô bé tấm tắc khen áo quần đẹp và thích thú mỗi khi nhận được quà.

Ngày 15/3 vừa qua, người phụ nữ có gia cảnh khó khăn lại tiếp tục lên bàn mổ ghép lưới nâng đỡ bàng quang. Tấm lưới có bề ngang 40 cm, chiều dài 70 cm. Trước đó, cô Sang được các bác sĩ bệnh viện Bình Dân chẩn đoán sa trực tràng, sa bàng quang, sa sàng chậu, sa tử cung.

Nhìn mẹ nằm bất động nơi góc nhà, Phướn bột phát nói: "Con muốn sau này trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho ba, cho mẹ. Khi mẹ con nằm bệnh viện thì mẹ con đau lắm, con thấy tội".

Phướn có cách miêu tả sinh động về tấm lưới trong người mẹ sau cuộc phẫu thuật. Cô bé nói: "Mẹ con nhét tấm lưới vô bụng rồi. Cái tấm lưới như cái để bắt cá vậy đó. Người ta cho nó vô để bắt vi khuẩn, vi khuẩn nhiều lắm!".

Đa Đa rướn người lên cố nói to hơn chị: "Con muốn vào rừng bứt hoa để về bán lấy tiền rồi đưa tiền cho mẹ chữa bệnh".

Gia đình vé số Sài Gòn: Ba mẹ ăn chuối luộc thay cơm, hai con gái không biết đến thịt cá - Ảnh 10.

Ba cha con đi chợ buổi chiều. Món chính trong bữa cơm của họ là rau luộc.

Giọt nước mắt len lén lăn nơi đôi mắt giả của cô Sang khi nghe hai đứa con gái nhỏ xíu nhưng sớm hiểu chuyện, tranh phần kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ.

Đa Đa chưa đi học nhưng cô bé biết được một vài chữ cái. Em đã tranh thủ học viết khi theo mẹ rong ruổi bán vé số trên đường. Hai mẹ con ngồi ở vệ đường. Cô Sang lấy cuốn tập viết lên đó chữ O, chữ A. Sau 3 lần nhìn theo mẹ, Đa Đa viết theo và em nhớ mặt chữ nhanh chóng. Sau khi mẹ nhập viện, Đa Đa không được học chữ nữa nhưng cô bé vẫn nhớ như in và thỉnh thoảng còn dạy lại cho chị hai.

Gia đình vé số Sài Gòn: Ba mẹ ăn chuối luộc thay cơm, hai con gái không biết đến thịt cá - Ảnh 11.

"Có hai đứa con gái cưng quá mà không biết làm sao để nuôi chúng", ông Châu nói trong cay đắng.

Ông Châu tự hào khoe: "Người ta có cho nhà chú 2 cái tivi. Một cái cho mấy đứa nhỏ coi hoạt hình, cái kia chú coi thời sự. Tụi nó coi tivi và học theo cách ứng xử với những người xung quanh. Thí dụ, nó nói cái gì không đúng là chú nói: Con nói vậy là ba buồn rồi đó, con biết không? Nó trả lời: Thôi cho con xin lỗi đi. Ba buồn chút xíu thôi ba đừng có buồn mạnh nghe hông? Nó nói vậy đó, thấy thương ghê hông!".

Ngoài phim hoạt hình "Gia đình bút chì", hai chị em Phướn say mê các ca khúc sinh nhật hát bằng tiếng Anh trên tivi. Hai cô bé bắt chước hát theo dù không đứa nào biết chữ.

Đang hát, bỗng Phướn quay sang hỏi ba mẹ: "Sao con không có ngày sinh nhật?".

Gia đình vé số Sài Gòn: Ba mẹ ăn chuối luộc thay cơm, hai con gái không biết đến thịt cá - Ảnh 12.

Xa thành phố xô bồ, xa những buổi đầy nắng bán vé số, Phướn thỏa sức đùa nghịch trong khoảng sân nhỏ trước nhà trọ.

Gia đình vé số Sài Gòn: Ba mẹ ăn chuối luộc thay cơm, hai con gái không biết đến thịt cá - Ảnh 13.

Thiên đường của hai cô bé tinh nghịch là đây.

Gia đình vé số Sài Gòn: Ba mẹ ăn chuối luộc thay cơm, hai con gái không biết đến thịt cá - Ảnh 14.

Nụ cười hồn nhiên, vô ưu của hai cô nhóc lém lỉnh khiến người lớn chạnh lòng.

Gia đình vé số Sài Gòn: Ba mẹ ăn chuối luộc thay cơm, hai con gái không biết đến thịt cá - Ảnh 15.

Chúng đâu biết được rằng, mai này số phận mình sẽ ra sao?

aFamily

2 cha con bán vé số, gia đình vé số


      © 2021 FAP
        4,113,576       182