Đó là câu chuyện có thật của Nguyễn Thị Kim Ngân, tác giả quyển sách "Nào, mình cùng đạp xe đến Paris" ghi lại hành trình của cô cùng Simon Nelson chinh phục 15.000km qua 11 quốc gia bằng xe đạp để chống biến đổi khí hậu.
Nguyễn Thị Kim Ngân. Sinh năm 1987
Tác giả nhiều đầu sách về thiếu nhi. Năm 2016, sau khi kết thúc hành trình đạp xe khám khá thế giới, cô xuất bản liên tiếp 2 quyển sách "Nào, mình cùng đạp xe đến Paris" và "Rong ruổi Scotland cùng anh em nhé"
Simon chỉ ngỏ lời mời lịch sự, nào ngờ tôi đồng ý đạp xe đến Paris
Ước mơ đến Paris hình thành từ khi tôi xem bộ phim "Nửa đêm đến Paris". Trong phim có cảnh anh nhà văn người Mỹ đang lang thang ở Paris thì có chuyến xe đưa anh về quá khứ gặp những nhà văn nổi tiếng mà tôi yêu thích. Xem xong phim, thích quá, tôi có mơ ước phải đến Paris một lần để cảm nhận bầu không khí thấm đẫm nghệ thuật ở vùng đất ấy, để trả lời được câu hỏi liệu mình có thể trở thành một nhà văn không?
Simon Nelson, người đề nghị Kim Ngân đồng hành trong chuyến đạp xe đến Paris
Thế nên, khi Simon ngỏ lời rủ tôi cùng đạp xe đến Paris, nơi sẽ diễn ra Hội nghị chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP21), tôi gật đầu đồng ý ngay mà không nghĩ ngợi gì nhiều, đi là đi thôi. Tôi không tưởng được hành trình 15.000km đến Paris gặp khá nhiều vất vả vì tôi không phải là người ưa thích việc đạp xe, bị ốm hơn một tuần lễ khi chưa ra khỏi địa phận Việt Nam, không hợp đồ ăn địa phương, nhiều lần để bụng đói đạp xe đi cũng như bị Tào Tháo rượt đến lả người. Chưa kể những ngày đến kỳ kinh nguyệt, tôi vẫn phải đạp xe không dừng, phải chật vật tìm nơi thay băng vệ sinh, xấu hổ đến nỗi chẳng muốn nhìn mặt Simon. Đến một ngày, Simon tiết lộ khi đề nghị tôi cùng đạp xe đến Paris, anh chỉ rủ xã giao cho phải phép với bạn gái, nào ngờ tôi đồng ý.
Dù không ưa thích việc đạp xe nhưng vì mê Paris và muốn trả lời được câu hỏi liệu mình có thể trở thành một nhà văn không, Ngân đã lên đường
Nhưng sau khi bình tâm, tôi nghĩ đó không phải lỗi của Simon, quyết định đi là của tôi. Tôi đã chọn đi thì dù sướng hay khổ thì phải tự mình gánh chịu. 291 ngày đến Paris thật ra là một hành trình đơn độc vì mỗi người chúng tôi đạp trên một chiếc xe, không trò chuyện nhiều với nhau, tôi chỉ nhìn thấy mỗi lưng của Simon, nhiều đến mức phát chán.
Suýt chết ở Kyrgyzstan
Tôi có một trải nghiệm không thể nào quên khi đổ đèo ở Kyrgyzstan thì phát hiện xe bị đứt thắng còn trời thì đang có trận mưa đá. Bóng dáng Simon đã mất hút. Trong đầu tôi chỉ còn nghĩ được sẽ lao vào bên nào, bên phải là vách đá, bên trái là dòng sông cũng trơ đá. Nếu tôi lao xuống sông thì sẽ bị va vào đá nát bét cộng thêm ngộp thở vì không biết bơi, bị đau đớn đến tận hai lần. Lao vào vách núi có thể chưa chết ngay, nhưng mà nằm ở đó ngay vị trí khúc ngoặt, xe ô tô lao xuống bị khuất tầm nhìn mà bị cán một cái thì hỡi ôi. Chỉ còn một cách là lao thẳng phía trước.
Ngân đang đạp xe trên lãnh địa của Kyrgyzstan, nơi cô có một trải nghiệm đổ đèo suýt chết vì đứt thắng
Chụp ảnh chung với những bạn đường ủng hộ chiến dịch "Đạp xe vì tương lai"
Xe lao ầm ầm xuống con đèo, cua theo góc ngoặt sát mép đá rồi lại đổ bay xuống ngay con đường bên dưới. Những đầu ngón tay run lẩy bẩy bám vào tay lái xe đạp. Con dốc thoai thoải xuống nhẹ nhàng, tôi đã qua cơn nguy hiểm và dừng xe lại ngay phía sau Simon. Từ giây phút đó, tôi nhận ra mình phải trân trọng từng giây phút còn được sống trên cõi đời này.
Lòng tốt có ở khắp mọi nơi, từ Á sang Âu
Người ta cứ bảo thế giới này hiểm nguy nhưng trải qua chặng hành trình dọc từ Á sang Âu, đi qua 11 quốc gia, tôi nhận ra rằng: lòng tốt có ở khắp mọi nơi. Một cặp vợ chồng người Trung Hoa sửa xích xe miễn phí cho tôi sau khi người vợ phát hiện miếng xốp lót trong lều chúng tôi cột trên xe để ngủ cho đỡ đau. Những con người tử tế ở Tân Cương nhìn thấy hai chiếc xe đạp trên đường đều dừng lại để tặng chúng tôi một món quà nào đó: những quả dưa hấu, chai Pepsi, lon bò húc hay mấy chai trà hoa nhài.
Một con đường núi ngoằn nghèo ở Trung Hoa. "Khi gặp một cậu bé Thượng Hải đang đi phượt trên đường đạp xe ở Tân Cương, cậu hỏi tôi nghĩ gì về Trung Hoa, tôi ngẫm nghĩ một lát "Nhiệt tình, họ rất nhiệt tình".
Trước khi lên đường, những thông tin mù mờ về đất nước Hồi giáo Iran với những phụ nữ mặc chador khiến tôi sợ hãi nhưng đó là đất nước duy nhất khiến tôi phải kìm lòng để không khóc khi chia tay vì con người Iran quá tốt bụng. Gia đình Meysam xem tôi như một người thân, họ đưa tôi đi khám bệnh, chăm sóc tôi từng bữa ăn, tiễn tôi ra đến tận phi trường. Khi máy bay cất cánh đưa tôi từ từ rời bầu trời Iran, bỏ lại Tabriz chìm trong ánh điện vàng lấp lánh nổi bật giữa màn nhung lúc 5h30 sáng, tôi chỉ còn biết thốt lên "Mình đã có một gia đình ở Iran".
Một cảnh sắc ở Iran
"Ngày rời Tabriz, tôi biết mình đã có một gia đình ở Iran"
Một quang cảnh trên đường phố Iran
Chúng tôi bất ngờ dự sinh nhật 19 tuổi của Meysam (người ngồi bên phải Ngân). "Meysam là một chàng trai trẻ từng phá vỡ vòng tròn an toàn mà gia đình và xã hội Iran áp đặt lên con cái bằng việc tự mình thực hiện đam mê du lịch với những chuyến xe xuyên Iran bằng xe đạp. Năm 18 tuổi, Meysam đã cùng bạn bè khám phá miền Nam Iran trong 22 ngày. Cậu đã từng làm việc ở vị trí thư ký cho một công ty thép trong vòng 5 tháng để dành dụm số tiền cho chuyến phượt bằng xe đạp".
Tôi nhận ra không phải vì mình may mắn gặp được những người tốt trên hành trình mà thật ra lòng tốt luôn tồn tại trong bản chất con người. Ai cũng sẽ có lòng muốn giúp đỡ người khác, quan trọng họ có thể hiện ra hay không.
Người trẻ ở đâu cũng đầy hoài bão
Trong hành trình, tôi gặp rất nhiều người trong cộng đồng đạp xe và đi bộ khắp thế giới. Đó là chị Thùy Anh, anh Guim, cặp vợ chồng Việt - Tây Ban Nha từng đi xe đạp điện từ Việt Nam đến Tây Ban Nha. Cặp tình nhân Flo và Seba đạp xe từ New Zealand về Pháp. Estelle và Thomas đi hưởng tuần trăng mật một năm bằng cách đạp xe từ Pháp vòng quanh thế giới, một trong những mục tiêu của họ là tìm hiểu về hệ thống các trường tiểu học ở các quốc gia mình đi qua để kêu gọi mọi người quan tâm hơn về giáo dục. Đó là Angela, cô gái người Mỹ đi bộ vòng quanh thế giới trong vòng 5 năm. Angela từng đọc câu chuyện về hai người phụ nữ đi vòng quanh thế giới và chị cũng muốn mình đi để nhìn thấy những mặt tốt, mặt xấu của thế giới, để truyền động lực cho những người phụ nữ hãy thoát khỏi vòng kìm kẹp của định kiến xã hội và sống với niềm đam mê của mình.
Những người đạp xe từ khắp thế giới đổ về Paris tham dự sự kiện COP21
Gặp cô gái Thụy Sĩ băng sa mạc một mình
Trên hành trình, tôi gặp rất nhiều người trong cộng đồng đạp xe và đi bộ khắp thế giới. "Khi nhìn thấy một người có thể đi bộ vòng quanh thế giới, bạn sẽ nhận ra mình hoàn toàn có thể theo đuổi ước mơ". Ảnh chụp trên một con đường ở Thổ Nhĩ Kỳ
Khi nhìn thấy một người có thể đi bộ vòng quanh thế giới, bạn sẽ nhận ra mình hoàn toàn có thể theo đuổi ước mơ. Những con người này trở thành động lực để mỗi khi vượt núi đồi tôi lại nghĩ "Họ làm được, lẽ nào tôi lại không?".
Tôi đã tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình
Những ngày đi bộ đến nỗi bàn chân đau nhức ở Paris, tôi tự hỏi nếu không phải là Paris thì liệu mình có thể hoàn thành chuyến đi? Tôi nghĩ mình sẽ vẫn không biết gì về thế giới bên ngoài, vẫn sẽ sợ hãi mỗi khi đi qua một vùng đất mới, nhưng chuyến đi đã đánh thức một con người khác trong tôi. Tôi đã mạnh mẽ hơn nhiều và nhìn ngắm mọi thứ trong cuộc sống đẹp hơn.
"Simon có thể chỉ là một người đàn ông với chiếc xe đạp và một ước mơ đạp xe quanh thế giới kêu gọi mọi người chống biến đổi khí hậu nhưng anh là người đàn ông sẽ yêu thương, chăm sóc, làm chỗ dựa cho tôi theo đuổi ước mơ trở thành nhà văn và khám phá thế giới"
"Ngày Simon ngỏ lời, trái tim tôi rỗng toác, tôi nói với anh "Em chỉ cần một người đàn ông sẽ đưa em đi khắp thế giới". Simon gật đầu "Hãy cho anh cơ hội". 291 ngày đến Paris là một chương đẹp nhất trong cuộc đời tôi
Khoảnh khắc cận kề sinh tử khi xổ đèo ở Kyrgyzstan, tôi nhận ra tôi chỉ nghĩ về nỗi đau thân xác riêng mình. Tôi ích kỷ hay tôi vẫn chưa thật sự yêu Simon? Chỉ khi ngồi khóc ở bờ biển Hy Lạp sau khi nói lời chia tay anh vì biết bao bất đồng, mâu thuẫn, vì chúng tôi chẳng trò chuyện nhiều với nhau trong suốt hành trình, tôi mới thật sự hiểu bản thân nghĩ gì về Simon. Simon có thể chỉ là một người đàn ông với chiếc xe đạp và một ước mơ đạp xe quanh thế giới kêu gọi mọi người chống biến đổi khí hậu nhưng anh là người đàn ông sẽ yêu thương, chăm sóc, làm chỗ dựa cho tôi theo đuổi ước mơ trở thành nhà văn và khám phá thế giới.
"Nào, mình cùng đạp xe đến Paris" là quyển sách ghi dấu tuổi thanh xuân đi tìm ý nghĩa cuộc đời tôi. Ở Paris, tôi đã tìm thấy đáp án cho câu hỏi đặt ra năm 17 tuổi. Chưa, tôi chưa trở thành nhà văn như câu hỏi ban đầu đặt ra trước khi bắt đầu chuyến đi. Nhưng khi đứng ở Paris se sắt lạnh, tôi chỉ biết mình đang có một tình yêu, đang yêu và được yêu. Paris là điểm kết thúc của hành trình này nhưng là điểm khởi đầu của chặng đường 10 năm sắp tới. Tôi từng trăn trở vì sao diễn đàn văn học thế giới không biết gì về Việt Nam trong khi người Việt có rất nhiều tài năng, tại sao họ không đi ra thế giới? Tôi sẽ tiếp tục kế hoạch viết sách bằng tiếng Việt mà mình đã đề ra cho đến năm 30 tuổi sau đó sẽ hướng ra thị trường nước ngoài. Dù tiếng Anh vẫn còn kém nhưng tôi sẽ dành thời gian rèn luyện để thực hiện kế hoạch của mình.
"Nào, mình cùng đạp xe đến Paris" là quyển sách ghi dấu tuổi thanh xuân đi tìm ý nghĩa cuộc đời tôi."
biến đổi khí hậu, kỳ kinh nguyệt, Người Trung Hoa, giúp đỡ người khác, Tây Ban Nha, cặp tình nhân