"Trong suốt cuộc đời mình, tôi đã chứng minh rằng, thế giới này không phải của riêng đàn ông".
Sáng 23/3, Giáo sư Drew Gilpin Faust, nữ Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Harvard - một trong những trường Đại học danh giá nhất thế giới - đã có một buổi gặp gỡ và thuyết trình trước các sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cơ sở Đinh Tiên Hoàng (Q.1).
Người phụ nữ 69 tuổi này không chỉ gây tiếng vang trên thế giới bởi cách đây 10 năm, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ cương vị Hiệu trưởng trường Đại học Harvard, Mỹ, mà còn bởi trong suốt cuộc đời mình, bà đã trở thành một biểu tượng của nữ quyền.
Giáo sư Drew Gilpin Faust thuyết trình trước sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh.
Trước khi ngồi vào chiếc ghế "nóng" quyền lực tại Harvard, bà đã có một bản thành tích sáng giá. Ở tuổi 21, bà tốt nghiệp Học viện nữ Bryn Mawr với kết quả xuất sắc. Sau đó, bà làm nghiên cứu sinh tại ĐH Pennsylvania vào năm 1975 lấy bằng tiến sĩ Sử học tại đây và là một trong những nhà sử học tài danh của thế giới.
Trong cuộc trò chuyện với sinh viên trường cũng như trả lời phỏng vấn của các phóng viên, bà đã khéo léo trả lời về các vấn đề nhạy cảm như vấn đề dioxin, sự tự hào của Mỹ, ấn tượng của người Mỹ về hai chữ "Việt Nam"... cũng như vấn đề chiến tranh...
Nhưng đáng chú ý nhất, như việc bà đã dành cả cuộc đời của để chứng tỏ thế giới này không phải của riêng đàn ông, đó là những chia sẻ của nữ giáo sư về các vấn đề phụ nữ. Bà cho hay, tử thuở bé, bà đã là một "kẻ phản nghịch" vì những nỗ lực tranh đấu cho những điều mình tin tưởng. Bà chẳng những ra đường biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam mà còn luôn tranh cãi với mẹ, không tiếp nhận quan điểm của mẹ mình, bởi mẹ bà luôn cho rằng đây là thế giới của đàn ông.
Đứng trước câu hỏi "Bà cho rằng thế giới này không phải là của đàn ông, vậy bà cho rằng thế giới này là của ai, liệu có phải của phụ nữ không?" của phóng viên, nữ hiệu trưởng quyền lực không đưa ra một quan điểm gây "mích lòng" nào về chuyện này. Bà chỉ đơn giản kể rằng, bà trưởng thành trong thập niên 60, tại một gia đình truyền thống, bảo thủ về cả chính trị lẫn vai trò của người phụ nữ trong xã hội.
Nữ hiệu trưởng của Đại học Harvard trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề nữ quyền
"Lúc còn trẻ tôi có rất nhiều ý kiến về chuyện này, tôi có nhiều ý kiến lắm. Bắt đầu từ khi khoảng 2 tuổi, tôi thường xuyên làm cho bố mẹ "đau đầu" vì những câu hỏi. Lúc tôi là học sinh sinh viên trong những năm 60, tôi tham gia trong cả 2 phong trào lớn của Mỹ, đó là phong trào giành quyền lợi dân sự cho người Mỹ gốc Phi ở miền Nam nước Mỹ và phong trào phản chiến" - bà kể.
Nhắc đến người mẹ "bảo thủ" của mình, bà cho hay: "Mẹ tôi qua đời năm 1966. Rất tiếc bà đã không còn sống để xem tôi đã làm cho người ta "đau đầu" như thế nào. Có một lần, mẹ tôi rất bức xúc với tôi và nói: "Con ơi, con phải biết đây là thế giới của đàn ông. Con phải nhớ điều đó và cuộc đời con sẽ thoải mái hơn". Từ khi mẹ nói ra câu đó, tôi đã dành cả cuộc đời của tôi để chứng tỏ rằng mẹ tôi không đúng".
Và quả thế. Bằng những nỗ lực của mình, Giáo sư Drew Gilpin Faust đã thay đổi phần nào quan điểm của người Mỹ, và cả thế giới về vai trò của người nữ. Trở thành hiệu trưởng của "thánh đường" học thuật thế giới cũng như chú ý sâu sát đến việc giáo dục phụ nữ nhằm thay đổi thế giới, đó là quan điểm của bà, rằng thế giới không thuộc về đàn ông, cũng không thuộc về đàn bà. Thế giới thuộc về loài người. Đàn ông và đàn bà chia sẻ nhau thế giới, và cùng kiến tạo nên thế giới.
Bên cạnh đó, nữ Giáo sư cũng bày tỏ cái nhìn lạc quan của cá nhân khi đến với Việt Nam. Bà bảo, nhiều người Mỹ ở thế hệ bà, những người sinh trưởng trong thập niên 60 sôi nổi, hoặc đã tham chiến, hoặc đã tham gia phong trào phản chiến, vẫn nghĩ về Việt Nam qua chiến tranh, qua những bức ảnh của chiến tranh và ám ảnh về một thời quá khứ rực lửa. Nhưng bà hiểu, Việt Nam nhiều hơn thế.
"Tôi muốn đến Việt Nam không chỉ vì cuộc chiến mà cả nước Mỹ thời trẻ của tôi, những người đã trôi qua tuổi trẻ trong cuộc chiến Việt Nam biết đến và nói về. Tôi đến Việt Nam với mong muốn tìm hiểu về sự năng động, phát triển trong thời gian gần đây cũng như tìm hiểu về mọi mặt của đất nước Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, người Mỹ hiện nay rất quan tâm đến Việt Nam, và nước Mỹ có thể là một thị trường cho những sản phẩm văn hóa từ đất nước các bạn" - bà phát biểu.
Đại học Harvard, trường đại học Harvard, vấn đề phụ nữ, thay đổi thế giới, cuộc chiến Việt Nam, sản phẩm văn hóa, nữ hiệu trưởng trường Harvard