"Ăn tô bún riêu vừa thơm ngon nghĩa tình phương Nam, mà cảm giác như được mẹ tôi ở phương Bắc vỗ về…".
Hôm nay Sài Gòn bỗng dưng se se lạnh, mát mẻ lạ thường. Thời tiết thế này khiến ta bất giác thèm thuồng một bát bún riêu để vừa ăn vừa hít hà xuýt xoa vị cay nồng, chua chua vừa khuây khoả đi nỗi nhớ nhà. Vậy là tôi quyết định lững thững đi ra đâu đó ngoài kia, giữa Sài Gòn rộng lớn này để tìm cho mình một bán bún riêu.
Tôi là người con đất Bắc, sống ở Sài Gòn chưa lâu nên đường xá ở đây có lẽ tôi chưa rành mấy. Vì vậy mà bây giờ, tìm một bán bún riêu cho đúng điệu miền Nam mà sao thấy khó quá. Cứ ra vô từng cái hẻm gần nhà trên địa bàn quận 3 mà mãi chưa tìm được. Nghĩ chắc bỏ cuộc đi về nhưng chợt nhớ rằng, hồi lâu có một người bạn mách nhỏ, "mày cứ qua bên Võ Văn Tần, bên đó có một quán bún riêu, canh bún, ăn là khỏi chê". Thế là tôi lội bộ qua con phố Võ Văn Tần với vẻ hớn hở hết mức có thể.
Hàng bún riêu, canh bún đông nhất hẻm nhỏ này
Lang thang trên con phố Võ Văn Tần ta dễ dàng bắt gặp con hẻm nhỏ tấp nập người ra kẻ vào nhộn nhịp mà tôi nhớ có lần, bạn tôi hay đùa gọi là "hẻm bún riêu" vì đếm sơ sơ cũng đã thấy có tận ba hàng bún riêu, canh bún thơm nức rồi. Nhưng có lẽ, hàng bún nhà anh Tuấn là hàng bán món này ngon nhất và đông khách nhất ở đây..
Hàng canh bún, bún riêu nhà anh Tuấn có lịch sử hơn 35 năm nằm trong con hẻm 287/66 Nguyễn Đình Chiểu cắt với Võ Văn Tần. Có lẽ vì gia truyền từ đời này, qua đời khác nên vị của canh bún thơm ngon đậm đà và rất riêng, khác hẳn những hàng bún khác. Từ bên ngoài quán nhìn vào đã thấy những thúng bún, mẹt rau muống xanh non mơn mởn, những miếng giò và ốc béo ngậy, nhất là nồi nước lèo đầy đặn chỉ nhìn thôi ta cũng thấy thèm thuồng và bụng bỗng dưng cồn cào một cơn đói khó tả.
Ốc được làm sạch sẽ để trong xô nhỏ
Những thúng bún mẹt rau xanh non bắt mắt
Nhưng chẳng bao giờ cơn thèm thuồng ấy lại được thoả mãn ngay tức thì. Bởi tôi nghe một chị đứng đợi cùng với tôi nói rằng lần nào đến quán, dù là giữa trưa hay chiều tối, thực khách chắc cũng đôi lần phải đợi. Quả thật, quán chẳng rộng rãi khang trang gì, chỉ là một căn nhà nhỏ khéo léo vừa vặn kê đủ mấy chiếc bàn. Khách đến một mình thì có thể ngồi ké, ngồi ghép, nếu đi đông người chắc phải đợi hơi lâu.
Nhưng chủ quán có cái tài rất hay, anh chẳng để cho người khách đợi lâu phải bực bội, cứ chốc chốc lại thấy ông chủ chạy ra hỏi han nói chuyện cùng. Vậy nên người ta có thể chưa thưởng thức được bát canh bún béo ngậy thơm phừng, nhưng đã bị cuốn hút bởi cái sự hiếu khách, đon đả của người chủ quán mà những thực khách nọ cũng không nỡ rời đi.
Nồi nước lèo béo ngậy, hấp dẫn
Đến khi ngồi trước tô canh bún đang toả hương nghi ngút trước mặt, những miếng ốc giòn óng ả nằm ngoan bên cạnh giò ngon ngọt mà mềm vị thịt, húp nhẹ chút nước lèo ngọt thanh từ cua mà chua dịu nhẹ từ cà chua chín người ta mới cảm thấy việc chờ đợi mới đáng giá thế nào. Tô canh bún rất đặc trưng của Sài Gòn với thành phần không thể thiếu là rau muống luộc, huyết heo, đậu hũ chiên vàng ươm và miếng cua béo ngậy. Sợi canh bún to nhưng ngấm vị đậm đà ăn cùng với riêu cua đậm mùi cua chứ chẳng pha đậu hũ nhiều như các hàng khác khiến cái người ăn thấy "ưng" cái bụng.
Đặc biệt nhất quán còn có nước chấm mắm gừng đặc biệt làm tôn lên vị ốc khi chấm được đậm đà hơn. Thực khách đã dặn lòng phải ăn thật chậm để cảm nhận đầy đủ được cái vị, cái màu sắc mùi hương của ẩm thực phương Nam, nhưng ngay khi cắn nhẹ vào miếng ốc giòn ngậy, húp xì xụp nước lèo ngọt xương béo riêu người ta lại chẳng thể kiềm chế sự vội vàng và hứng thú. Chỉ đến khi trong bát chỉ còn lại vài sợi bún và chút nước lèo, người ta mới xoa bụng no căng tiếc rẻ chẳng thể ăn thêm được bát nữa, hoặc biết thế tôi đã ăn chậm và nhâm nhi từng chút…
Bát canh bún đầy đặn, thơm nồng như gọi mời
Anh chủ kể rằng để làm ra tô bún ấy, cả gia đình anh phải dậy từ sáng sớm để đi mua nguyên liệu tươi từ chợ về. Gia đình mười người, ba thế hệ chia nhau phần việc: người làm cua, làm ốc, người làm nước lèo, các loại rau… Cứ thế trông đợi vào quán nhỏ này để mưu sinh. Bên cạnh anh còn mở thêm một xe nước mía nhỏ để tăng thêm thu nhập.
Quán mở từ 11 giờ trưa tới tận 9 giờ tối, tất bật cả ngày nấu nướng, dọn dẹp, đón khách chào mời. Bận rộn thế mà lúc nào đến ăn cũng thấy cả nhà xởi lởi nồng hậu, chị vợ tháo vát tay chan tay múc nhịp nhàng còn anh chồng phấn khởi bê đồ tính tiền phụ giúp chẳng nề hà gì. Có lẽ chính vì điều ấy đã làm cho nơi này trở nên đặc biệt, người ta chẳng đến đây chỉ vì món ăn ngon, mà còn vì cái tình, cái nghĩa.
Người vợ tẩn tảo tay chan tay múc không ngừng
Có đôi lúc, khi đang ngồi ăn bún ở cái bàn phía trong cùng sát với căn phòng cả gia đình anh cùng ở, tôi có để ý thấy một người mẹ già nằm trên chiếc chõng tre, tóc đã bạc trắng, chốc chốc bà lão ôm ngực ho dài một trận, người con đang xông xáo bưng bê dọn bàn cho khách ở bên ngoài, sốt sắng vội chạy vào đưa cho bà ly nước rồi vuốt khe khẽ vào tấm lưng đã còng. Cái cảnh ấy làm người đang ăn phải thấy nghẹn lòng biết mấy.
Những thực khách ăn vui vẻ ngon miệng ngay giữa con hẻm nhỏ
Bỗng nhớ những lần mẹ tôi nấu món bún riêu kiểu Bắc trong cái tháng mười hai gió bấc, mưa phùn rét lạnh ngoài cửa số. Ở trong nhà, được húp sụp soạt tô bún riêu với những miếng ốc nhỏ xíu, đậu rán vàng vừa vặn ngập trong nước lèo chua vị dấm bỗng, còn mẹ ngồi bên vừa mắng yêu tôi, vừa chốc chốc canh nồi nước lèo sôi lim dim. Lòng tôi bỗng dưng trào dâng một nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ khó tả. Ăn tô bún riêu vừa thơm ngon nghĩa tình phương Nam, mà cảm giác như được mẹ tôi ở phương Bắc vỗ về…
Vậy nên, tôi tự bảo với chính mình, mỗi khi lần nhớ nhà, thèm lắm một bát bún riêu, là tự cho phép bàn chân đưa mình đến đây, vừa ăn cho thoả cơn thèm, vừa cảm được cái sự ấm áp, nghĩa tình, nồng hậu trong những ngày xa nhà, xa mẹ. Tôi gọi quán nhỏ trong con hẻm ngoằn ngoèo nằm giữa phố thị phồn hoa ấy là "quán ăn cho những đứa con xa nhà".
Giữa Sài Gòn, rau muống luộc, bún riêu, Sài Gòn, võ văn tần, canh bún, Hàng xưa quán cũ