"Khi mới sang, bác cứ quen giờ Việt Nam nên ngày buồn ngủ díu mắt còn đêm lại thức. Nhiều hôm bế cháu, cứ tầm 4 giờ chiều lại buồn ngủ không chịu nổi...".
"Bạn bác cũng có nhiều người đi chăm cháu xuyên quốc gia. Người sang Canada, người đi Pháp, bác thì đi Mỹ… Mỗi chuyến đi là một vất vả nhưng thấy được con cái hạnh phúc, các bác cũng thấy hạnh phúc lây". – Đó là tâm sự của bác Đỗ Thu Mai (Hà Nội), người mới đây sang Mỹ để chăm cháu ngoại.
Mừng vui khi nhận được tin Hải My- con gái bác Mai sinh, bác và chị gái My liền đi mua sắm không biết bao nhiêu quần áo sơ sinh cho cháu. Mặc dù My- con gái bác không yêu cầu, nhưng bác Mai đã lên kế hoạch sang chăm cháu ngoại một thời gian dài.
Thế nên, sau khi làm hết các thủ tục giấy tờ, cũng là khi cháu ngoại được 1.5 tháng, bác Mai "lên đường"...
Hai bà cháu, bác Mai và bé Cam
Để bay sang chỗ con gái, bác phải bay hai chặng. Chặng 1: Từ Việt Nam sang Narita, Nhật Bản. Đến Nhật, bác phải ngồi chờ 4 tiếng đồng hồ rồi lại bay tiếp sang Dallas Texas để My đón. Bác chia sẻ: "Cũng may khi đợi ở sân bay, bác xin được chỗ trống để ngã lưng, chứ già rồi ngồi nhiều chân tay cứ mỏi nhừ. Rồi sang đó, bác phải mất một tuần để làm quen với múi giờ. Khi mới sang, bác cứ quen giờ Việt Nam nên ngày buồn ngủ díu mắt còn đêm lại thức. Nhiều hôm bế cháu, cứ tầm 4 giờ chiều lại buồn ngủ không chịu nổi".
Hải My du học từ năm lớp 12. Đầu tiên là đi giao lưu văn hoá do chính phủ Mỹ nuôi ăn học, sau đó My được 50% học bổng nên được ở lại. Học xong đại học, My kết hôn với Chris Richardson sau khi yêu nhau 3 năm. Yêu My nên Chris học và nói tiếng Việt rất tốt. Bởi vậy, khi sang Mỹ chăm cháu, bác Mai không khó khăn trong việc giao tiếp với con rể.
Hai vợ chồng con gái, con rể của bác Mai
Bác chỉ có nhiều câu chuyện buồn cười với hai ông bà nội bé Cam mà thôi. Bác kể: "Vì bà nội Cam không biết tiếng Việt, bác cũng chẳng hiểu tiếng Anh nên những khi chỉ có hai bà với nhau thì đa phần là dùng ngôn ngữ cơ thể. Mặc dù không hiểu tiếng nhưng hai bà vẫn có thể đi hái rau ngoài vườn và nhặt trứng gà cùng nhau. Có hôm đi nhổ củ cải, dù không nói nhưng giao tiếp bằng tay nên cũng hiểu bà nội cần nhổ củ còn bác lấy lá để muối. Làm xong việc hai bác cứ nhìn nhau cười".
Gả con lấy chồng xa cách nửa vòng trái đất, bác Mai không tránh khỏi sự thương xót con. Bác bảo: "Cha mẹ nào rồi cũng vậy thôi. Xa xôi cách trở, nhất là những khi ốm đau sinh nở, không có mẹ ở bên, thương lắm. Nhưng thấy gia đình Quýt (tên tiếng Việt bác gọi Chris) rất quý My. Họ còn bảo Chúa đã cho họ một cô con gái nên bác khá yên tâm. Nhiều người bạn My còn đùa "My nó tóc đen da vàng nhưng bụng nó trắng, nó là người Mỹ. Nó sống theo phong cách Mỹ". Bởi thế bác cũng không còn lo lắng nhiều việc con cô đơn nơi xứ người".
"Gả con lấy chồng xa cách nửa vòng trái đất, bác Mai không tránh khỏi sự thương xót con"
Giống như tâm lý bao bà ngoại khác đi chăm cháu, trước khi sang Mỹ bác cũng mang một số nguyên liệu khô Việt Nam để chế biến các món ăn cho bà đẻ như tinh bột nghệ, phở khô... Nhưng sang đó, bác thấy những thứ ấy chẳng cần thiết. Vì ở bên đó có chợ Việt Nam và chợ Hàn Quốc. Hầu hết cái gì cũng có. Hơn nữa, không như ở Việt Nam, các bà đẻ sau sinh cũng chẳng kiêng cữ gì. Ăn uống bình thường có khi còn đầy đủ chất hơn. Tắm giặt thoải mái, không như "kinh nghiệm cũ" thường kiêng một tuần. Bác Mai kể, "sang đó cũng mở mang được nhiều thứ."
Bác bảo: "Điều thú vị ở ở đây là họ cũng rất chăm cho con bú sữa mẹ. Không như bác tưởng ở Tây thì uống sữa ngoài nhiều. Khi My sinh con, công ty nơi My làm cấp cho đầy đủ một bộ để vắt sữa. Công ty cũng có phòng riêng để các mẹ đến đấy vắt sữa. Trong phòng có cả tủ lạnh vòi nước để rửa dụng cụ. Hộp đựng còn cách nhiệt để đá khô mang về. Khi My đi công tác, công ty còn chi trả để My chuyển sữa phát nhanh về cho con uống. Cũng may My nhiều sữa, nên Cam toàn uống sữa mẹ rồi đến ăn dặm luôn".
Bác Mai và đại gia đình sui gia người Mỹ
Không chỉ thoái mái trong vấn đề ăn uống kiêng cữ mà từ việc đặt tên cháu cho đến việc phương pháp nuôi dạy con, cả bác lẫn ông bà nội My đều để vợ chồng My quyết định. Ở nhà, cả My và Chris thống nhất giao tiếp bằng tiếng Việt với Cam. My cũng chăm dạy cho Cam nghe và hiểu tiếng Việt. Bác chia sẻ: "My còn dự định khi Cam được 3 tuổi, sẽ xin công ty về Việt Nam làm đại diện 2 năm. Khi đó sẽ cho Cam đi học ở quê ngoại, để Cam hiểu và sành sõi tiếng Việt. Bởi với My và Chris, tiếng Việt cũng quan trọng ngang bằng tiếng Anh".
"Làm công dân toàn cầu, ở đâu con cái hạnh phúc thì ở đó cũng có niềm vui, niềm hãnh diện của cha mẹ"
Chăm Cam gần 1 năm thì bác Mai phải về nước vì mẹ đẻ (bà ngoại My) bị tai biến. Đã gắn bó với hơi ấm của bà cả năm trời, nên Cam rất bịn rịn khi bà ngoại không còn ở bên thường xuyên nữa.
Về phần bác Mai, thương con nhớ cháu, nhưng rồi bác nghĩ duyên trời định, hơn nữa tuổi trẻ các con cần bay nhảy. Cha mẹ là nguồn cội, là gốc rễ, là chỗ dựa tinh thần để các con trở về, chứ không phải và không nên là sự níu kéo, khiến con cái phải ray rứt thấp thỏm.
Thời buổi công dân toàn cầu, ở đâu con cái hạnh phúc thì ở đó cũng có niềm vui, niềm hãnh diện của cha mẹ.
thủ tục giấy tờ, Từ Việt Nam, Chính phủ Mỹ, ông bà nội, Chợ Việt Nam, phong cách Mỹ, bà ngoại